Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Những phát ngôn nổi sóng năm 2011

http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2011/11/24/111124115805_304x171.jpg
-
“Biểu tình là ô danh. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh” – ĐBQH Hoàng Hữu Phước

Bên cạnh nhiều phát ngôn ấn tượng, năm 2011 ghi nhận không ít phát ngôn gây sốc theo hướng phản cảm về nhiều lĩnh vực: chính trị, giáo dục, kinh tế…

Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận:“Hàng ngàn điểm 0 sử là bình thường”

Tại kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011, tỷ lệ học sinh dự thi vào khối C là 6%, thấp nhất so với các khối khác. Không chỉ vậy, kết quả thi môn sử của khối C rất thảm hại với hàng nghìn bài thi bị điểm 0. 

Trả lời báo chí về thực trạng đáng báo động này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng: “Hàng nghìn điểm 0 môn sử là bình thường”. 

Câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục thực sự gây sốc bởi học sinh khi thi đại học thì đã tốt nghiệp THPT, tức là phải có một kiến thức nền tảng nhất định về lịch sử chứ không thể là kiến thức liệt (điểm 0).
  
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo: Phạm Vũ Luận.Ảnh: VTC News.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh ngày càng xa lánh môn sử, bộ trưởng Phạm Vũ Luận đổ lỗi phần nhiều cho “thời đại”: “Điểm sử thấp không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của thời đại… 

Học sinh thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam không phải là vấn đề vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề xã hội… Còn chuyện do dạy và học, cũng có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho dạy và học thì lại là chuyện khác”.

Khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rằng, ông không muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình. Nhưng với những phát ngôn phản cảm đến mức vô tình như trên, có lẽ ông đã tạo ra một “dấu ấn khó phai”.

ĐBQH Hoàng Hữu Phước:“Biểu tình là ô danh. Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể chi tiền đài thọ cho một sự ô danh”

Tuyên bố trên nằm trong bài phát biểu của ĐBQH Hoàng Hữu Phước đọc trước Quốc hội để phản đối việc ban hành Luật biểu tình, một dự luật do Thủ tướng Chính phủ đề xuất. 

Trong phần thảo luận, tranh luận tại hội trường Quốc hội về dự luật Biểu tình, đại biểu Phước đã dùng nhiều câu chữ khá gay gắt nhằm phản đối việc xây dựng dự luật này: “biểu tình là hành động để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ của nước mình” hay “tại sao cứ nói về nó mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều cao chiều rộng chiều cao chiều sâu của tự do, dân chủ?”.

ĐBQH Hoàng Hữu Phước.Ảnh: VNE.

Trong bài phát biểu của mình, ĐBQH Hoàng Hữu Phước cho biết “tình nguyện đi đến tất cả các địa phương nào, dù đó là vùng sâu vùng xa, các trường đại học, các khu dân cư, mà không cần công tác phí, để thuyết trình về sự không cần thiết của Luật Biểu tình”.

Trong buổi họp trước khi bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nhất trí thông qua đề xuất xây dựng dự án Luật Biểu tình và sẽ thảo luận để ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội này.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:“Đau lòng vì lương nhân viên chỉ có 7,3 triệu đồng”

Tại buổi họp công khai khoản lỗ của ngành điện chiều 19/11, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh công bố, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện là 7,3 triệu đồng mỗi tháng. Ông Phạm Lê Thanh còn cho biết: “Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó. Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể sống được”.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh.Ảnh: VNE.

Phát biểu của Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, đã gây khá nhiều tranh luận trong xã hội. Nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng cần xem xét lại việc trả lương cho nhân viên của EVN. Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần phải xem lại việc lãnh đạo EVN bày tỏ “đau lòng” trước việc nhân viên ngành mình lương “chỉ có” 7,3 triệu đồng/tháng. 

Theo bà Chuyền, nếu lãnh đạo EVN cho rằng mức lương 7,3 triệu đồng/tháng không đủ sống ở thành thị là không phù hợp với thực tiễn vì thực tế hiện nay, khối doanh nghiệp có mức lương tối thiểu là 2 triệu đồng, vẫn được coi là tạm ổn so với mức lương tối thiểu của cán bộ công chức chỉ có 830.000 đồng.

ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho đây là điều khó chấp nhận: “Điều chúng tôi băn khoăn là tại sao doanh nghiệp lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mà lương bình quân toàn ngành tới 7,3 triệu đồng/tháng. Đó là mức lương cấp bộ trưởng (lương bộ trưởng hệ số 10 là 8,3 triệu đồng). 

Trong khi đó, những cán bộ công chức, học 4 năm đại học hay bác sĩ học đến 6 năm, nhưng lương khởi điểm chỉ hệ số 2,34, khoảng 2 triệu đồng/tháng”. Nhiều nhân viên của EVN cũng lên tiếng “kêu oan” và cho biết lương của họ chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng và phải rất vất vả, làm thêm nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết EVN trả lương đúng quy định: “Điện lực là lĩnh vực đặc thù, nguy hiểm và khá độc hại. Lương trả cho lĩnh vực này có tới 25% được trả cho phụ cấp an toàn, độc hại. Như vậy, mức trung bình 7,3 triệu đồng này có tới 1,9 triệu đồng phụ cấp, còn lại 5,4 triệu đồng là thu nhập ròng”.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc EVN, năm 2011, ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng do kinh doanh điện, khoản lãi từ các ngành hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng; EVN còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Đây không phải lần đầu tiên, lãnh đạo “nhà đèn” phát ngôn gây sốc theo kiểu phản cảm. Tháng 7/2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng cũng gây xôn xao dư luận với tuyên bố “có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được”. 

Vài tháng sau phát ngôn của ông Hưng, lãnh đạo Bộ Công thương đã đăng đàn nhắc nhở ngành điện cần có cách ứng xử, lời nói phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Minh Hồng:“Tôi cũng không biết vì sao cần có Luật Nhà văn”

“Tôi cũng không biết Luật Nhà văn sẽ điều chỉnh những gì”. Những phát biểu trên được đưa ra bởi chính người đã đề xuất xây dựng Luật Nhà văn trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Hồng (đoàn Nghệ An). Theo giải thích của vị ĐBQH này, Luật Nhà văn không phải là sáng kiến của ông mà là của Hội Nhà văn, do Chủ tịch Hữu Thỉnh đứng đầu. Ông Hồng chỉ thực hiện lời hứa với Hội Nhà văn là sẽ đưa đề xuất trên ra trước Quốc hội. Đại biểu Hồng cho biết thêm, tên đầu tiên trong tờ trình đề xuất xây dựng luật là Luật phát triển văn học.

ĐBQH Nguyễn Minh Hồng.Ảnh: Đại biểu nhân dân.

Mặc dù theo giải thích của đại biểu Nguyễn Minh Hồng, luật này sẽ bảo vệ quyền lợi cho các nhà văn, nhưng ngay khi biết thông tin dự luật này được đề xuất trước Quốc hội, nhiều nhà văn đã lên tiếng phản đối.

Quốc hội khóa XIII đã quyết định rút dự án Luật Nhà văn và hai dự án Luật Bảo vệ quyền riêng tư, Luật Bảo vệ sức khỏe tâm thần khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa này.

ĐBQH Đỗ Văn Đương:“Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực”

Tại buổi thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế xã hội, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, trong phần phát biểu của mình, gần 50 đại biểu bày tỏ sự lo lắng về tình hình lạm phát của nước ta đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, không khí nghị trường đột ngột thay đổi khi đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) mở đầu bài phát biểu: “Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực!”

ĐBQH Đỗ Văn Đương.Ảnh: Bee.

“Theo tôi phải xem lại chỗ này. Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn đồng, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục nghìn. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn. 

Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”.

Phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương khiến cả hội trường cười ồ vì khi đó, lạm phát đang tăng cao, vượt xa mức dự báo (7%). Nhiều ý kiến cho rằng đại biểu Đỗ Văn Đương rất xa rời thực tế khi đưa ra những nhận định như trên về lạm phát ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét