Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Bác Chắt Kế cũng bị đấu



(Tiếp theo)
Bác Chắt Kế cũng bị đấu


Bác Chắt Kế chính là cán bộ cộng sản gộc ở cái làng này. Chính bác đã ra lệnh tiến hành biết bao cuộc vận động:  nào tập trung bàn thờ ông bà tổ tiên,  tập trung thần phật,phá chùa, chặt cây đa ... 




 … chính bác đã tổ chức những cuộc vận động quần chúng đấu tố “bè lũ phản động và tay sai” ở trong xã.
Qua nhiều cuộc đấu tranh, nhiều lần học tập lý luận về đấu tranh giai cấp, về cảnh giác cách mạng, về “ba không” (không nghe, không biết, không nói), đã rèn cho con người một ý thức luôn luôn cảnh giác cao độ, cảnh giác đến cực đoan đẩy đến sự đa nghi…”
Trong những năm tháng của các cuộc vận động cách mạng, một không khí nghi kỵ tràn lan khắp nơi nơi. Trong chi bộ Đảng, trong tổ chức Nông Hội do Đảng lập ra, trong gia đình, trong họ hàng… không còn ai tin ai, bất kỳ ai dù là cán bộ đảng viên, dù là cốt cán hay nông dân trong làng, ai ai cũng đều có thể là… địch được hết.
Một bà ăn mày chừng bảy mươi tuổi, què chân phải đi nạng, gầy còm, gần như tuần lễ ngày nào cũng vào làng tôi ăn xin.” Do đã được bác Chắt Kế giảng giải về bài học “nâng cao tinh thần cảnh giác”, tôi đặt vấn đề nghi ngờ. Bà này có phải là phản động không? Tại sao bà ta không đi xin làng khác mà cứ đi xin làng mình? Tại sao bà ta cứ im lặng như một cái bóng đi trên đường làng, chẳng nói năng một câu…”
Tinh thần “cảnh giác cao độ” mà bác Chắt kế nhồi nhét vào đầu trẻ con trong làng đã khiến chúng ngờ vực cả bà ăn mày là… kẻ địch.
Chúng tôi dắt bà ăn mày vào nhà chú Hoe Lai hiện đang làm công an xóm. Chú đi vắng, cả nhà cũng đi vắng. Chúng tôi trói chân bà ăn mày vào gốc cây xoan trước ngõ. Đến tận tối, vợ chồng chú Hoe Lai mới đi làm về. Bà ăn mày bị đói lả, nằm thở… Mụ Hoe Lai đến tận nhà tôi chửi như tát nước vào mặt: “Mi muốn gieo tai gieo họa vào nhà tao à?” Lập tức tôi tìm bác Chắt Kế trình bày đầu đuôi. Bác Chắt Kế không những giảng giải cho mụ Hoe Lai mà còn tuyên dương ‘ý thức cảnh giác’ của bọn tôi như thế là rất tốt…”
Than ôi, bác Chắt Kế cứ đứng ra giảng giải cho dân làng là phải thường xuyên đề cao cảnh giác, thì rồi có lúc người ta “cảnh giác” cả với bác. Lúc đó thì rõ thật là gậy ông lại đập lưng ông.
 “Và rồi ‘bánh xe luân hồi’ đã quay vòng đến lượt bác Chắt Kế. Nó đến một cách bình thường vừa như vô lý vừa như một lẽ đương nhiên. Bác phải hoàn toàn nhận lấy cái điều vừa như vô lý vừa như đương nhiên không thể nào chống đỡ được. Bác dậy cho mọi người phải tuyệt đối đề cao cảnh giác, thì bây giờ đến lượt bác bị người ta cảnh giác, không có gì lạ…”
 Cái cớ người ta vin vào để bác Chắt Kế bị liệt vào danh sách “phải cảnh giác” thật là ngớ ngẩn: “mở lò rèn”. Chỉ có điều hơi khác thường là bác làm lò rèn không phải mang ra chợ bán mà để khuây khỏa tâm trí, làm những vật dụng thường ngày bán giá rẻ cho bà con: dao, mác, liềm, lưỡi hái và sửa chữa súng bắn chim. Có mấy người thích săn bắn thường quây quần ở nhà bác, nhỡ không may súng hỏng được bác chữa ngay, bác còn sản xuất ra cả đạn ria. Khi bắn được con cò, con vạc thì họ thường sum họp ăn uống và trò chuyện vui vẻ.
Chỉ ngần đó thôi cũng đủ đưa bác vào tầm ngắm khi con quái vật “đấu tố” đã xơi hết các con mồi là nông dân thường, bây giờ nó nhắm tới cán bộ đảng viên. Trong các cuộc họp Nông Hội đã xuất hiện nhiều câu hỏi ba lăng nhăng:
 “Rèn dao mác để làm gì?”
“Sản xuất súng đạn để làm gì?”
“Cung cấp cho ai?”
“Tiền thu được bỏ vào quỹ Quốc Dân đảng?”
“Tại sao từ xưa đến nay không mở lò rèn, nay lại mở? Ông ta học nghề này để làm gì?”
“Đích thị là lò sản xuất vũ khí cho bọn phản động…”
 Những câu hỏi ngớ ngẩn như thế bao giờ cũng châm mồi cho một cuộc đấu tố. Khôi hài nhất là những người đã từng nhờ bác Chắt Kế rèn dao mác, lưỡi hái, lưỡi liềm, lại đứng lên đặt những câu hỏi “nghi vấn” và “vạch mặt” bác để “dứt khoát trong quan hệ”, tránh khỏi bị liên quan, đứng hẳn sang một bên rạch ròi đối nghịch với bác. Quá nửa dân làng thừa biết “ông ta học nghề rèn” không phải để làm “phản động”, nhưng ai cũng lờ đi, cố tình lờ đi để buộc tội cho được “ông Chắt Kế sản xuất vũ khí cho bọn phản động…”.
Tại sao vậy nhỉ?
Có thể những hành động của ông Chắt Kế lúc còn đang làm cán bộ lãnh đạo như tập trung bàn thờ tổ tiên, tập trung thần Phật, cấm đoán phong tục cũ, o ép dân làng đóng thuế nông nghiệp… tạo thành mối căm thù âm ỉ trong lòng mọi người, nay họ muốn ông phải “trả giá”, gậy ông lại đập lưng ông cho bõ ghét. Hơn nữa trong không khí đấu tố căng thẳng, ai nói ngược lại lập tức bị quy là “liên quan” bởi vậy chẳng ai dại gì thanh minh cho bác Chắt Kế lấy nửa lời. Thế là bác giống như con cá đã bị quăng lên thớt.
Ta hãy xem tác giả tường thuật thật giản dị và chính xác:
Chẳng cần đọc lệnh của một cơ quan pháp luật nào, mấy dân quân làng vào tóm cổ bác, điệu bác đến “nhà giam” – gọi là nhà giam chứ thật ra đó là ngôi nhà rách nát của một cán bộ xóm. Họ không dùng cực hình tra tấn bác như những “tội phạm” khác, nhưng bác cũng bị hành hạ đến cơ khổ. Đêm ngủ không được nằm giường mà trải manh chiếu nằm co quắp trên nền đất, không có màn. Thỉnh thoảng bác lại bị anh dân quân đánh cho một tát rơi vỡ kính cận. Khi mỏi lưng bác ngồi dựa vào cột liền bị dân quân quát: “Ngồi thẳng lên!” Lúc bác đau bụng xin viên thuốc cũng bị dân quân mắng: “Đau thì phải chịu. Thoát chết là may…”. Một lần người nhà mang cơm đến, đặt lên chiếc chõng tre, bác định cầm đũa ăn, bị cô dân quân cản lại: “Không được để lên chõng! Đặt cơm xuống đất mà ăn…”. Bác ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh quỷ quái của cô ta, bưng bát cơm toan và vào miệng, cô ta lại trừng mắt: “Chưa được…”. Cô ta thản nhiên bước qua bát cơm và bát thức ăn rồi quay lại: Cho phép ăn…”
Cuộc đời quả là ngang trái. Người khai sinh, đào tạo nên bọn dân quân mất dậy, độc ác đến không còn tính người đó lại chính là những cán bộ cộng sản như bác Chắt Kế chứ chẳng phải ai khác. Như vậy thì còn trách móc gì ai! Tuy nhiên vẫn còn một khác biệt nho nhỏ:
Hồi trước bị thực dân Pháp tra tấn đến gãy xương sườn, bác vẫn bướng bỉnh không khai, anh dũng đứng thẳng, sao bây giờ bác lại nhũn nhặn với con du kích nhãi nhép thế?”
Tác giả không nói rõ tâm tư của bác Chắt Kế vì sao lại thế, ông chỉ cho biết qua loa: “Có lẽ bác nghĩ: trước kia là địch, nay là ta, địch thì sai mà ta thì đúng?”. Quả thực cái tính chất “tuân phục” cấp trên, “tuân phục” chủ trương chính sách của Đảng đã trở thành bản tính thâm căn cố đế khiến cho bác Chắt Kế dù có bị Đảng đưa vào tù, bị hành hạ, lăng nhục đi chăng nữa thì niềm tin vào Đảng của bác vẫn “sáng ngời”, chân lý của Đảng vẫn chói sáng.
Thực ra bác Chắt Kế là nhân vật có thực.
 “Ngày xưa bàn chân bác đã từng in dấu khắp ba miền Trung Nam Bắc, đã từng sang Trung Quốc, Lào, Miên, Xiêm La. Bác cũng từng dùng lý lẽ đối chất với những tên mật thám sừng sỏ của Pháp, đã từng đứng ra lập “Hưng nghiệp hội xã” trước mũi giặc để gây quỹ cho Đảng. Trong những ngày các lực lượng cách mạng chưa được tổ chức thống nhất thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, bác là người chủ trương ra tờ báo “Vầng Hồng” để tập hợp lực lượng, mà sau này người ta gọi là Đảng Vầng Hồng. Hóa ra bác Chắt Kế cũng là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, đâu có kém gì Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Ái Quốc? Từ Xiêm La trở về nước, chưa kịp bắt liên lạc với Trung ương Đảng, nhóm Vầng Hồng vẫn hoạt động riêng biệt. Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, bác Chắt Kế và nhóm Vầng Hồng chủ trương chưa bạo động. Chính vì thế làng tôi và nhiều làng khác trong huyện, dân chúng không kéo cờ biểu tình. Tỉnh ủy tức lắm ra quyết nghị xử tử Võ Nguyên Hiến tức bác Chắt Kế và cử đồng chí Nguyễn Trọng Bình thi hành bản án này. Bác Chắt Kế phải trốn vào rừng. Sau này, trung ương Đảng “xác minh”, nhóm Vầng Hồng là cộng sản chân chính, bác Chắt Kế được phục hồi Đảng và được cử đi dự đại hội Đảng lần thứ nhất ở Ma Cau năm 1935. “Trong đại hội có hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Võ Nguyên Hiến (tức bác Chắt Kế), đại biểu Trung kỳ, được cử vào Ban chấp hành Trung ương gồm tất cả 9 người…”.
Bác Chắt Kế có quyền chức lớn vậy mà vẫn chịu thua khí thế đấu tranh của cái đám cốt cán dốt nát, ngu muội và tàn bạo, chịu để cho chúng bắt giam, tra khảo và làm nhục chứng tỏ cách mạng chẳng khác gì một cơn bão, khi nổ ra nó sẵn sàng quét đi đủ mọi thứ trên đường đi của nó.
Mấy năm sau, năm 1951-53, khi công cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” đã bước vào đợt 5, nông dân được phát động ở dưới các địa phương đòi cả ông Trường Chinh lẫn ông Võ Nguyên Giáp phải trở về làng để bà con… tố cáo, bộ phận lãnh đạo tối cao của Đảng mới phát hiện và thừa nhận sai lầm và tiến hành sửa sai.
Ở đây ta thấy rõ tình trạng “nói một đằng nhưng làm một nẻo” của các nhà lãnh đạo cộng sản. Lý thuyết họ dậy cho các cán bộ đảng viên thuộc lầu lầu là phải phân biệt hai thứ mâu thuẫn trong xã hội. Một là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân gọi là “mâu thuẫn thống nhất” – tức là tuy có mâu thuẫn nhưng cùng tồn tại, cùng đi lên. Hai là mâu thuẫn giữa “địch” và “ta” gọi là “mâu thuẫn đối kháng” – có mày không tao hoặc có tao không mày. Những nông dân chậm nộp thuế, mở lò rèn đều thuộc về “mâu thuẫn nội bộ”, “mâu thuẫn thống nhất” nhưng lại bị đẩy tới thành mâu thuẫn đối kháng địch ta và thả sức bị hành hạ, làm nhục không thua gì thời Trung Cổ y như những tên “địch” nguy hiểm.
Tại sao để xảy tới sai lầm chết người đó trong một thời gian rất dài và tại sao Đảng không phát hiện kịp thời để sửa chữa?
Nguyên nhân cốt lõi là trong đường lối phát triển, Đảng thu nạp vào hàng ngũ toàn những kẻ chỉ biết tuân phục, nhắm mắt vâng theo, Đảng bảo A là A, bảo B là B, đường lối chính sách của Đảng luôn luôn sáng suốt và tuyệt đối đúng. Mặt khác từ khi mới ra đời cho tới ông lão 70, tai Đảng luôn luôn quen nghe những lời tâng bốc xu nịnh, kẻ nào dám có ý kiến khác là lập tức bị quy thành phản động. Sau cùng chủ trương “phóng tay phát động quần chúng” là cực kỳ nguy hiểm và thiếu hiểu biết cả về lịch sử lẫn xã hội. Thực tế cho thấy đám quần chúng ngu muội một khi đã kích động lên thì chúng như âm binh có khả năng thiêu cháy cả phù thủy.
Bác Chắt Kế, tức đồng chí Võ Nguyên Hiến, sáng lập viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, cũng còn may chưa bị đưa ra… xử tử, mà được tha “về nằm tịt ở nhà, không muốn đi đâu, chỉ thỉnh thoảng ra vườn tưới cây rồi vào đọc sách”. Trong con mắt người làng thôi thế là “Một cuộc đời đi qua… một sự tích oanh liệt đi qua… chóng thật” và người ta khích bác, gọi ông là “lão cách mạng ăn thịt chó sáng mồng một tết”, “lão cách mạng biến nhà thờ họ thành phòng ngủ của vợ chồng bà o”,… Chẳng phải là giậu đổ bìm leo, mà sau một thời gian, từ người lớn tới con nít đều nhận ra “những điều bác làm quá tả và phương hại đến cả làng cả xóm…”
Người làng cũng còn “ngộ” ra vậy, thế còn bác Chắt Kế, đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng liệu có tỉnh ra khi bị “xử lý oan” mà trở thành thân bại danh liệt? Lúc đó, cậu bé Võ Văn Trực mới hỏi đồng chí nguyên lãnh tụ của Đảng:
“Sao bây giờ người ta đấu tranh ghê thế hả bác?”
Bác trả lời với giọng bình thường:
“Bây giờ mới thật chuyên chính vô sản đó cháu ạ…”
Được đà tôi hỏi luôn:
“Sao người ta lại chuyên chính cả với bác?”
“…”
“Có những người đi theo bác làm cách mạng cũng bị người ta chuyên chính?”
“…”
“Cháu khó hiểu…”
 Quả thực theo lý thuyết cách mạng thì chuyên chính chỉ dùng để đối đãi với kẻ thù chứ đâu phải dùng để xử trí cán bộ cách mạng? Hóa ra lý thuyết chỉ là “đầu lưỡi”, còn trong thực tế, chuyên chính thực ra là công cụ dùng để triệt nhau trong đấu đá nội bộ để giành quyền lực trong Đảng. Là người cách mạng có sạn trong đầu như bác Chắt Kế ắt là thấu hiểu điều đó, nhưng đời nào bác dám nói ra chuyện đó, đành chỉ giải thích một cách chung chung:
Hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh, bác bị Đảng hiểu lầm, cho bác là phản Đảng, phân công người tìm bác để xử tử, mãi về sau Đảng mới hiểu bác là không phải phần tử phản bội…”
Qua câu trả lời của bác Chắt Kế, người ta có thể hiểu được rằng hiện nay Đảng lại đang hiểu lầm bác lần nữa mà bác không dám nói ra. Vì sao vậy? Vì sao đã ra cái nông nỗi đó mà bác vẫn còn giấu giếm? Tác giả giải thích như sau:
Trong lòng bác vẫn có cái gì phân vân, vẫn có cái gì níu bác lại. Sợ hãi ư? Chắc không phải. Có lẽ bác muốn bảo vệ uy tín của Đảng – bảo vệ một cách mù quáng…”
Phải nói rằng “tin tưởng một cách mù quáng” là căn bệnh trầm kha của người cộng sản. Những năm 1954-1955, khi cuộc cách mạng “cải cách ruộng đất” long trời lở đất nổ ra tại miền Bắc thì nó đã phạm những sai lầm chết người, nhiều đảng viên trung kiên bị cốt cán tố điêu, bị vu cho là địch cài lại để bị kết án tử hình. Thời đó những tử tội được mang ra pháp trường cho “quần chúng cách mạng” hô “đả đảo” và hoan hô khi họ bị bắn để “đền tội”. Nghe kể lại rằng “nhiều đồng chí đảng viên cộng sản” bị bắn oan, trước khi chết vẫn hô lớn: “Đảng Cộng Sản muôn năm… Hồ chủ tịch muôn năm…”. Có lẽ bác Chắt Kế, tức đồng chí Vũ Nguyên Hiến, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, rơi vào trường hợp đó, bác cũng hô to khẩu hiệu như vậy trước khi nhận vào ngực mình những viên đạn của chính đồng chí mình.
Thử tìm cách lay chuyển “niềm tin sắt đá vào Đảng Cộng Sản” của bác Chắt Kế, cậu bé Võ Văn Trực hỏi bác:
Cháu nghe nói giáo sư Đặng Thai Mai đang dậy trường Đại học ở Thanh Hóa, sinh viên đến hỏi: “Nhân dân đấu tranh quyết liệt như thế thì thái độ sinh viên thế nào?”, Giáo sư trả lời: “Dùng nhục hình để tra tấn là cái nhục của người cộng sản không bao giờ rửa được…”
Bác Chắt Kế tịt mít không trả lời được. Một là câu trả lời đó quá đúng, quá xác đáng. Hai là Giáo sư Đặng Thai Mai lúc đó vẫn còn là một trí thức có uy tín của Đảng. Tuy nhiên, dẫu có thừa nhận “dùng nhục hình để tra tấn là cái nhục của người cộng sản” đi chăng nữa, người ta vẫn thấy niềm tin đến mù quáng vào Đảng Cộng Sản của bác Chắt Kế vẫn trơ như đá vững như đồng, không gì lay chuyển được ngay cả khi đã thân bại danh liệt một cách oan uổng...
Ngày mẹ qua đời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét