Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Quảng Ngãi: “Cò” hoành hành ăn chặn tiền hỗ trợ ngư dân



Các ngư dân ở xã Bình Chánh phản ánh sự việc bức xúc về “cò” với Báo.
KTNT - Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa, Quảng Ngãi đã giải ngân 9,3 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân.
 
Trong những ngày qua, các ngư dân trong diện nhận tiền hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), rất bức xúc về việc bị các “cò” ăn chặn, số tiền này đã rơi rớt vào tay các “cò” khoảng 10% . 

Vì quá bức xúc, một số ngư dân đã mạnh dạn phản ánh với Bộ trưởng Nông nghiệp & PTNT Cao Đức Phát nhân chuyến Bộ trưởng về thăm và làm việc với xã Bình Chánh, sáng 16/12/2011 vừa qua.

Ngư dân Lê Văn Thắng (37 tuổi) ở xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, người đã “dũng cảm” đứng lên phản ánh tình trạng ngư dân bị các “cò” ăn chặn tiền hỗ trợ với Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Anh Thắng phản ánh, khi biết tin Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hỗ trợ tiền dầu, ngư dân chúng tôi rất mừng, nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, một số “cò” nhận làm thủ tục giúp để nhận tiền hỗ trợ; và hầu hết ngư dân phải chi cho họ 10%.

Ngư dân Trần Túc (39 tuổi) chủ tàu QNg- 95122TS, ngụ cùng thôn với anh Thắng, bộc bạch: “Tôi chỉ đưa CMND cho một người đứng ra lo với khoản phí ứng trước 10 triệu đồng. “Cò” bảo khi nào lên huyện lãnh được thì họ lấy thêm. Mà họ lấy bao nhiêu thì chúng tôi đưa bấy nhiêu chứ biết đâu mà mặc cả”.

Anh Nguyễn Tấn Điệp, chủ tàu QNg- 95384 TS, công suất 380cv đồng thời cũng là đồng chủ tàu QNg- 95886 TS kể lại với chúng tôi, tối 18/12/2011 vừa rồi, ông Huỳnh Trọng T. (tức nói đến cò-PV) đến nhà bảo 2 chiếc ghe của tôi sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng. 

Muốn làm, phải chi phí thủ tục 10% ( tức 9 triệu đồng), họ đòi ứng trước 7 triệu đồng. “Mình làm mồ hôi nước mắt, cưỡi sóng đạp gió, đó là chưa kể những lúc phải đối đầu với hiểm nguy, bất trắc nơi biển cả. 

Còn họ đến nhà bảo đưa cho họ CMND và sổ hành trình rồi làm thủ tục, sau đó lấy không không tiền mồ hôi nước mắt của mình. “Bức xúc quá tôi không đưa”- anh Điệp nói.


Anh Nguyễn Tấn Điệp phản ánh sự việc “cò” gây anh và
nhiều ngư dân bức xúc.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các ngư dân ở xã Bình Chánh để nhận được tiền hỗ trợ, các chủ tàu thuyền chỉ cần đưa cho họ CMND và sổ hành trình, “cò” sẽ lo mọi thủ tục, thậm chí ngư dân cũng chẳng cần ký vào các giấy tờ, mọi chuyện đã “có cò lo” với điều kiện nhận tiền xong phải chia cho họ khoảng 10%. 

Đúng là “đục nước béo cò”.

Ông Lê Văn Thà ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, ngư dân thuộc vanh vách những người làm “cò” thủ tục tiền hỗ trợ ngư dân tại xã này kể: 

Ở đây, có 3 đối tượng “cò” là ông Huỳnh Trọng T., Nguyễn N., ông Nguyễn Hữu Đ.. Họ thường xuyên lui tới từng nhà “gạ gẫm” chúng tôi. Ông T. bảo, nếu ông Đ. và ông N. lấy 10% thì ổng lấy rẻ hơn, tức là 9%”.

Theo người dân bức xúc, không phải vì quá bận bịu hoặc kém hiểu biết mà không tự mình làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ, mà do ngư dân nhờ “cò” thì thủ tục rất nhanh, còn tự đi làm thì rất lâu và phải đi lại nhiều lần. 

Ông Nguyễn Tấn Lạc - chủ tàu QNg 95263 TS và QNg 95663 TS, đồng thời là Phó Chủ nhiệm HTX Đánh bắt xa bờ và dịch vụ thuỷ sản Bình Chánh cho biết: “Tự tay ngư dân làm thủ tục thì cơ quan chức năng bảo xác nhận của chính quyền nơi đến ghi ở chỗ này là không đúng quy định. Nếu vậy, sao chúng tôi nhờ “cò” là được tất?. 

Trước đây thực hiện theo Quyết định 289 của Chính phủ “cò” cũng “xơi” 2 triệu/tàu. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến đề nghị địa phương hướng dẫn cho ngư dân làm thủ tục nhưng chính quyền không làm do đó “cò” hoành hành”. 

Ông Lê Văn Chức- Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh cũng thừa nhận có “cò thủ tục” trong việc làm hồ sơ xin hỗ trợ tiền dầu.
Theo ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, nghẹt nỗi là xã không nhận được sự chỉ đạo của cấp trên liên quan đến việc hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 48. 

Hơn nữa, theo Quyết định này thì mọi thủ tục đều do UBND huyện và Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện chứ xã không có thẩm quyền. 

Chính quyền địa phương chỉ có nhiệm vụ xác nhận vào sổ hành trình, mà điều này thì sau mỗi chuyến biển về ngư dân đều làm thủ tục này. “Sau khi nghe ngư dân phản ánh với Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng tôi đã chỉ đạo công an xã đi xác minh làm rõ vụ việc, hiện chưa có kết luận cụ thể”- ông Tâm nhấn mạnh.

Được biết, toàn xã Bình Chánh hiện có 139 tàu cá, trong đó có 81 tàu chuyên hành nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sản lượng đánh bắt hàng năm khoảng 10.000 tấn hải sản các loại. 

Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa năm 2011, có nhiều tàu ở địa phương không đủ điều kiện được hỗ trợ vì vướng phải thủ tục. 

Ngư dân Lê Văn Hạnh cho rằng, thủ tục để nhận được hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ là rườm rà, bắt buộc phải có giấy xác nhận của chính quyền ở đảo (địa điểm mà tàu đã hoạt động đánh bắt). T

rong khi đó, sau khi đánh bắt xong ngư dân phải lập tức quay vào bờ để tiêu thụ, mặt khác khoảng cách lúc này giữa họ và đảo là quá xa nên họ không thể cập bờ vào đảo để làm giấy xác nhận. Hầu hết các ngư dân kiến nghị, nên thay giấy xác nhận bằng sổ hành trình để giảm phiền hà, rắc rối khi làm thủ tục cho ngư dân.
Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét