Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam: Cỡ nào cũng khai lỗ / Tăng giá điện phối hợp với tăng giá xăng dầu và phá giá đồng bạc sẽ làm lạm phát tiếp tục vọt lên tới tận cuối năm.

Kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam: Cỡ nào cũng khai lỗ

                                                                                                              


HÀ NỘI (NV) -Kết quả kiểm toán sổ sách của 4 đại gia kinh doanh xăng dầu đầu mối là Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro và Petimex của Bộ Tài Chính Việt Nam được công bố ngày 19 tháng 12 cho thấy những công ty này làm ăn gian dối.

Nhân viên cây xăng Petrolimex đang đổ xăng cho khách hàng ở Hà Nội. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)


Lỗ ít khai lỗ nhiều, trường hợp lời vẫn khai lỗ. Lại còn làm ngược các quy định của nhà nước để “được” lỗ vốn mà thật ra, không thể lỗ vốn.

Ðó là những gì người ta được thấy qua cuộc họp báo của Bộ Tài Chính trước những lời kêu ca lỗ vốn và đòi tăng giá xăng dầu của các đại gia nói trên.

Tờ Lao Ðộng tường thuật cuộc họp báo nói các đại gia trên đã “trích hoa hồng cho đại lý thực hiện khá lộn xộn, mỗi doanh nghiệp thực hiện một kiểu, mỗi thời điểm trích một mức khác nhau.”

Lý do là các đại gia tranh giành thị trường nên tự ra chiêu để “chơi” nhau. Thí dụ thấy nêu ra như “tại Petrolimex, mức trích hoa hồng mặt hàng xăng thấp nhất là 210 đồng/lít ghi nhận hồi tháng 3, 2011, đến  tháng 6, 2011 tăng lên đến 630 đồng/lít. Ðối với mặt hàng dầu tăng từ 130 đồng/lít hồi tháng 3, 2011 lên 803 đồng/lít tháng 6, 2011.”

Với các đại gia kia thì “tại Sài Gòn Petro khi có thời điểm doanh nghiệp này tăng trích hoa hồng cho đại lý lên tới 714.36 đồng/lít; thậm chí có lúc là 728.77 đồng/lít. Petimex là doanh nghiệp nhỏ nhất và lỗ nhiều nhất trong số này, thế nhưng Petimex lại là doanh nghiệp dẫn đầu trong cuộc đua khi tăng hoa hồng cho các đại lý từ 277.18 đồng/lít trong 5 tháng đầu năm lên 859.68 - 867.29 đồng/lít từ 1 tháng 6, 2011 đến 26 tháng 8, 2011.”

Bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài Chính kêu trong cuộc họp báo rằng, “Dù tiếng là điều hành giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, nhưng thực tế thị trường lại đang do doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chi phối, nên trong một vài trường hợp doanh nghiệp tự ý tăng thù lao đại lý để tạo sự cạnh tranh không bình đẳng.”

Kinh doanh theo kinh tế thị trường thì khi giá xăng nhập cảng tăng thì tăng giá, khi nhập cảng với giá thấp hơn thì phải giảm giá. Nhưng tình trạng kinh doanh của các quan quốc doanh ở Việt Nam không theo như thế.

Theo các con số lời lỗ từ kiểm toán nêu ra, Bộ Tài Chính cáo buộc rằng, 6 tháng đầu năm 2011, Petrolimex chỉ lỗ 1,318 tỉ đồng trong khi công ty này báo cáo lỗ tới 1,840 tỉ đồng. Công ty Petimex khai lỗ 136 tỉ đồng; PV Oil lỗ 346 tỉ đồng và Sài Gòn Petro lãi 156 tỉ đồng. Nhưng từ 1 tháng 7 đến 26 tháng 8, 2011, “Petrolimex ước lãi 130 tỉ đồng; Saigon Petro báo cáo lỗ 44.6 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở thì có lãi 48 tỉ đồng; tương tự, Petimex báo lỗ 55.23 tỉ đồng, nhưng nếu thực hiện chi phí theo định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở thì có lãi 22 tỉ đồng.”

Không những khai lỗ trong kinh doanh xăng dầu, cái lỗ của những đại gia trên còn đến từ “đầu tư ra ngoài doanh nghiệp,” theo tin của tờ Dân Trí.

“Mặc dù năng lực tài chính của một số đơn vị còn hạn chế và doanh nghiệp vẫn còn thiếu vốn kinh doanh xăng dầu nhưng 4 DN được kiểm tra đều có số vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương đối lớn (trong đó có các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản),” Tờ Dân Trí viết theo kết luận của Bộ Tài Chính. (TN)



+++++++++++++++


Việt Nam tăng giá điện, lạm phát sẽ tăng theo

                                                                                                              



HÀ NỘI (NV) - Tập đoàn điện lực quốc doanh độc quyền của Việt Nam đột ngột loan báo tăng  giá điện thêm 5% kể từ ngày Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011.


Thợ điện ở Việt Nam. (Hình: Thanh Niên)


Giá điện hiện nay từ 1,242 đồng/Kwh sẽ được điều chỉnh lên thành 1,304 đồng/Kwh. Từ đầu tháng 3, 2011, giá điện đã tăng 9% làm lạm phát tăng lên gần 14%.

Từ đây, phối hợp với tăng giá xăng dầu và phá giá đồng bạc làm lạm phát tiếp tục vọt lên tới tận cuối năm.

Bây giờ, tăng giá điện sẽ lại kích thích các loại vật giá khác đuổi theo, lạm phát sẽ không kềm giữ nổi.

Lạm phát hồi tháng 8 vừa qua lên cao nhất với 23.20%.

Theo các báo ở bên Việt Nam, tập đoàn EVN đòi tăng giá điện lên 11% nhưng chỉ được nhà cầm quyền trung ương chấp thuận cho tăng 5% vì sợ lạm phát lên mạnh quá, dân chúng oán thán.

Ðể tránh bị dân chúng rủa sả, báo điện tử VNExpress cho hay “EVN sẵn sàng đối thoại với dân” để giải thích lý do phải tăng giá điện.

Các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước đầu tư lung tung ra bên ngoài ngành kinh doanh chính.

Trong một phiên họp ở Quốc Hội ngày 22 tháng 11, 2011, báo Người Lao Ðộng thuật lời đại biểu Trần Du Lịch của Sài Gòn cáo buộc rằng “hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính.”
Tập đoàn này đầu tư từ viễn thông tới bất động sản bị thua lỗ nặng trong khi tiền đầu tư để cải thiện hệ thống truyền tải và chống thất thoát điện thì lại không làm.

Từ hồi tháng 6, đã có những tin tức nói EVN áp lực đòi tăng giá điện. Lấy cớ bán điện dưới giá thành sản xuất, năm ngoái đã lỗ hơn 10,000 tỉ đồng. Năm nay, nhờ tăng giá điện nhưng vẫn còn lỗ nên đại gia quốc doanh này “xin hạch toán” khoản lỗ “vào giá điện,” theo báo Người Lao Ðộng. Tức là bắt người tiêu thụ điện phải nuốt số tiền lỗ không lồ của các quan nhà đèn.

Theo bản tin báo Dân Trí ngày 19 tháng 12, 2011, Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ Lao Ðộng Thương Binh Xã hội cũng kêu ca rằng, “EVN làm ăn thua lỗ, đầu tư quá nhiều nhưng hiệu quả quá thấp, lợi nhuận thu về chỉ bằng 1/100 so với đồng vốn bỏ ra. Theo kết quả kiểm toán, tính đến tháng 31 tháng 12, 2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50,000 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về từ 50,000 tỷ đồng này chỉ đạt 540 tỷ đồng.”

Làm ăn thua lỗ thì bắt giới tiêu thụ chịu trong khi tiền lương của công nhân viên chức của tập đoàn thì rất cao vượt hẳn so với các ngành khác. Vậy mà ông Tổng Giám Ðốc EVN Phạm Lê Thanh còn rên là lương cán bộ thuộc cấp của ông không đủ sống khiến ông “đau lòng.”

Theo tờ Dân Trí, kết quả kiểm toán EVN mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố cho thấy “mức lương trung bình của cán bộ EVN trong năm 2010 là 13.7 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức “không đủ sống” mà Tổng Giám Ðốc Phạm Lê Thanh đưa ra trước đó. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13.7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10.8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7.9 triệu đồng/người/tháng.”

Trong khi đó, lương của các công nhân làm cho các công ty dệt may hay da giày ngoại quốc chỉ trên dưới 2 triệu đồng, lại còn bị bắt buộc làm thêm giờ.

Ngày 18 tháng 10, 2008 báo Tuổi Trẻ viết rằng tuy công ty này kêu lỗ nhưng vẫn xin nhà nước cho trích ra 1,002 tỉ đồng để thưởng cho nhân viên các cấp. (TN)




+++++++++++++



Bài liên quan : 

Giá điện tăng thêm 5% từ ngày mai / Kiến nghị EVN nộp thêm 126 tỷ đồng tiền thuế / Lại “giật mình” với lương tại EVN / Nợ của EVN đã lên tới 200.000 tỷ đồng.

http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/gia-ien-tang-them-5-tu-ngay-mai-kien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét