Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Các bức ảnh thể hiện sự sùng bái Mao Trạch Đông

Chinese Posters

Sùng bái Mao Trạch Đông

Trúc An dịch

Đồng chí Mao Trạch Đông là nhà Marxist-Leninist vĩ đại nhất vào thời hiện tại  năm 1969.





Năm 1962, Mao Trạch Đông chủ trương Phong trào Giáo dục Xã hội chủ nghĩa (SEM), trong một nỗ lực nhằm “chủng ngừa” cho tầng lớp nông dân trước những cám dỗ của chế độ phong kiến và những mầm mống của chủ nghĩa tư bản mà ông ta thấy đang tái diễn ở nông thôn. Một số lượng lớn nghệ thuật đã bị chính trị hóa mang tính giáo huấn, dù theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, đã được tạo ra tựa như huyết thanh cho quá trình chủng ngừa này. Tổ chức Đảng coi các sáng kiến mà Mao và những đồ đệ thậm chí cực đoan hơn cả ông ta đưa ra, là cản trở sự thành công của chương trình phục hồi kinh tế vốn đã bắt đầu sau thời Đại Nhảy vọt.

Do phạm vi của vấn đề, Đảng thiên về các giải pháp kỹ trị hơn và không thích các ảo tưởng thiên niên kỷ của Mao. Không có dấu hiệu nào cho thấy có sự chống đối Mao công khai thực sự tồn tại, mặc dù ngài Chủ tịch tin là có. Mao thực sự tin chắc rằng các nhà lãnh đạo ôn hòa hơn đang tìm cách cướp địa vị của ông trong lịch sử, bằng cách phá hoại bản chất của cuộc cách mạng mà ông đã chiến đấu để giành được. Để giành lại địa vị hợp pháp của mình trên đỉnh cao quyền lực và để hất cẳng những người mà ông cho là theo chủ nghĩa xét lại, Mao chuyển hướng sang Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tổ chức duy nhất mà ông thấy vẫn đúng đắn về ý thức hệ.


Xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa công nghiệp hóa phồn thịnh, giàu có và hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Mao Chủ tịch  năm 1954

Mao Chủ tịch cho chúng tôi một đời sống sung sướng – năm 1954

Mao đã xuất hiện nổi bật trên các áp-phích tuyên truyền sớm nhất bắt đầu từ thập niên 1940, bất chấp những cảnh báo mập mờ của ông ta về sự sùng bái cá nhân. Tuy nhiên, mức độ của các bức chân dung của ông trong nửa sau thập niên 1960 có thể nói là chưa từng có. Dưới sự chỉ huy của Lâm Bưu, PLA ngày càng được tận dụng để đẩy mạnh sự sùng bái cá nhân xung quanh Mao, và do vậy, tạo ra thứ nghệ thuật đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh Mao giống như thần thánh. 

Tất cả những điều này diễn ra với sự đồng thuận của Mao. Trước khi biên soạn cuốn Những câu nói của Mao Chủ tịch (Mao zhuxi yulu 毛主席语录, “Quyển Sách Nhỏ Màu Đỏ”, xuất bản tháng 5 năm 1964) cho các lực lượng vũ trang sử dụng, PLA đã bị biến thành “một trường học lớn về Tư tưởng Mao Trạch Đông”. Quân đội trở thành một động lực đằng sau chiến dịch nhằm nghiên cứu Những phát biểu của Mao.

Mao Chủ tịch vạn tuế  năm 1970

Một khóa nghiên cứu Những phát ngôn”… truyền hơi thở cuộc sống cho binh lính đang hổn hển trong bầu không khí loãng của Cao nguyên Tây Tạng; khiến các công nhân có thể nâng thành phố Thượng Hải đang chìm, lên 3/4 inch; thôi thúc một triệu người chế ngự con sóng thủy triều năm 1969, làm cho các nhà khí tượng đoán sai, đã dự báo thời tiết chính xác, khiến một nhóm các bà nội trợ tái phát minh ra xi đánh giày, giúp các bác sĩ nối lại được các ngón tay bị cắt rời và cắt bỏ được một khối u nặng 99 pound (1 pound = 454 gam), to như quả bóng đá“.

Các chiến sĩ thích đọc sách của Mao Chủ tịch nhất  năm 1966 

PLA còn đưa ra hầu hết các mẫu cư xử thể hiện “tinh thần đinh vít” (tinh thần lôi phong 螺丝钉精神) bằng cách mù quáng tuân theo các chỉ thị của Đảng và/hoặc của cấp trên và gắn với một nhóm lớn hơn. Nổi tiếng trong số này là những người lính kiểu mẫu như Lôi Phong, Vương Kiệt, Đổng Tồn Thụy và Âu Dương Hải.

Chuyến đi vui vẻ – năm 1971

Về mặt logic, Quân đội trở nên chịu trách nhiệm về nghệ thuật. Nghệ thuật này phải đoàn kết và giáo dục người dân, truyền cảm hứng cho cuộc đấu tranh của nhân dân cách mạng và trừ khử giai cấp tư sản. Nghệ thuật phải do Tư tưởng Mao Trạch Đông dẫn đường, các nội dung của nó phải mang tính chiến đấu và phản ánh đời thực. Ý thức hệ vô sản, tinh thần và nhuệ khí cộng sản, chủ nghĩa anh hùng cách mạng là những thông điệp của một loại chủ nghĩa siêu hiện thực mới, là những điều ưu tiên về phong cách và kỹ thuật, và khác biệt ở mọi khía cạnh từ sáng tạo nghệ thuật cho đến lúc đó. 

Trong các bức vẽ của PLA thời đó, màu đỏ là màu chủ đạo; nó tượng trưng cho mọi thứ mang tính cách mạng, mọi thứ tốt đẹp và phẩm hạnh; ngược lại, màu đen mang ý nghĩa chống đối. Chủ nghĩa tượng trưng màu sắc còn tiếp tục quan trọng trong nhiều năm sau đó, không những trong tuyên truyền thị giác mà còn tuyên truyền trong [các tác phẩm] in ấn.

Mãi mãi đi theo Đảng Cộng sản, Mãi mãi đi theo Mao Chủ tịch  đầu thập niên 1970.

Giang Thanh, vợ của Mao, ủng hộ định hướng nghệ thuật mà PLA đặt ra. Những giáo điều dựa trên khái niệm và những quy ước sân khấu từ các vở kịch mẫu đưa ra (yangbanxi 样板戏) mà bà đã ủng hộ, cũng trở thành chuẩn mực trong nghệ thuật thị giác. Đối với sân khấu, Giang Thanh lập ra công thức “ba nổi bật” (三突出, nhấn mạnh các nhân vật chính diện, nhấn mạnh tính anh hùng trong họ và nhấn mạnh nhân vật trung tâm trong các nhân vật chính). 

Trong nghệ thuật, quy tắc này được diễn giải thành: những nhân vận chính phải được vẽ y thật, và họ luôn luôn nằm ở trung tâm của hành động, tràn ngập ánh sáng từ mặt trời hoặc từ các nguồn ẩn. Ngoài ra, khi chúng ta quan sát những áp-phích tuyên truyền trong những năm đó thì dường như là chúng ta, những người xem, luôn phải ngước nhìn lên, như thể hành động đang diễn ra trên một sân khấu.

Tân Xuân  đầu thập niên 1970


Những nhân vật chính này được mô tả một cách siêu hiện thực, như những công nhân, nông dân, binh sĩ, uy nghi, siêu phàm, trẻ mãi không già và những thanh niên có giáo dục, trong tư thế năng động. Dáng vẻ mạnh khỏe của họ đóng vai trò như những lớp người tráng kiện và khỏe mạnh mà nhà nước muốn tuyên truyền. Đi đôi với đặc điểm quân bình về văn hóa Mao trong cơ thể, những khác biệt về giới tính của các nhân vật chính nói chung bị xóa bỏ, điều cũng được cố gắng thực hiện trong đời thật. 

Đàn ông và phụ nữ đều có cơ thể “nam giới” rập khuôn; họ đều mặc quần áo màu xám của cán bộ, màu xanh lá cây của lính hoặc màu xanh da trời của nông dân, công nhân; tay chân họ to bất thường so với phần còn lại của cơ thể; và khuôn mặt họ, bao gồm những kiểu tóc cắt cao và kiểu đuôi sam bị cắt cụt, được vẽ theo một tiêu chuẩn hạn chế của các mẫu có thể chấp nhận được. Thậm chí trong nhiều áp-phích tuyên truyền có hình Mao, vị Chủ tịch cũng phải chịu các quy định nghệ thuật này. Do vậy, ông xuất hiện như một siêu nhân đầy cơ bắp.

Ánh dương Tư tưởng Mao Trạch Đông soi sáng con đường Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại  năm 1996

Như một Người thày Vĩ đại, Lãnh tụ Vĩ đại, Người cầm lái Vĩ đại, Tư lệnh Tối cao, Mao bắt đầu thống trị nghệ thuật tuyên truyền hồi nửa đầu cuộc Cách mạng Văn hóa. Hình ảnh của ông được xem là quan trọng hơn so với lý do mà một tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền đặc biệt được thiết kế: trong một số trường hợp, các áp-phích đồng nhất dành cho Mao được in trong nhiều năm khác nhau, mang các khẩu hiệu khác nhau, nghĩa là phục vụ các mục đích tuyên truyền khác nhau.

Báo cáo với Mao Chủ tịch  năm 1974


Mao có thể được mô tả như một người cha nhân từ, có tư tưởng nho giáo về phục tùng dân chúng. Tức là ông ta được vẽ như một vị lãnh tụ thông thái, một nhà lãnh đạo quân sự tài ba hoặc một người thày vĩ đại; ở điểm cuối này, các họa sĩ mô tả ông theo kiểu các bức tượng Lenin, vốn đã xuất hiện từ đầu thập niên 1920 ở Liên Xô. Một tập hợp các áp-phích nữa thuật lại chi tiết lừng lẫy hơn trong những thành tích lịch sử của ông ta.

Mao Chủ tịch viết câu đề tặng ở Vùng Biên giới Jinsui  năm 1972

Tầng lớp lao động phải tập lãnh đạo mọi thứ  – năm 1970.

Nhưng dù Mao có được vẽ như thế nào, ông đều phải được sơn màu hồng, tươi tắn và sáng sủa (红光亮); không màu xám nào được phép hiện diện, và việc sử dụng màu đen được hiểu như một dấu hiệu rằng người họa sĩ ẩn giấu các ý định phản cách mạng. Khuôn mặt ông thường được vẽ hơi đỏ và dùng các tông màu ấm khác, và theo cách đó, bức ảnh được hiện ra rất mịn và dường như phát tỏa như một nguồn sáng trong một bố cục. Trong rất nhiều trường hợp, đầu của Mao dường như được bao quanh bởi một vầng hào quang tỏa ra thứ ánh sáng thần thánh, rọi sáng khuôn mặt của những người đứng bên cạnh.

Trái tim của những người con trai và con gái Diên An hướng về Mao Chủ tịch  năm 1974

Như là một siêu mẫu, mọi chi tiết mô tả ông đều phải được định trước cùng với các dòng tư tưởng và gắn với ý nghĩa biểu tượng. Một ví dụ điển hình của điều này là áp-phích “Mao Chủ tịch đi An Nguyên“. Là kết quả của những quy tắc sáng tạo này chi phối thuật vẽ Mao, ông đã được vẽ chân dung một cách thần thánh hơn và tách biệt với số đông, thường phảng phất phía trên những đám đông đó. Và bất kể khoảng cách thấy rõ này, có điều gì đó trong những hình ảnh của Mao đánh đúng vào tình cảm của người dân, điều gì đó dễ nhận thấy biến ông thành một ông Mao của người dân. 

Bằng cách nào đó Mao tiếp tục hòa hợp với người dân, dù ông đang tham quan các cánh đồng, bắt tay nông dân, ngồi cùng hay hút chung điếu thuốc với họ; dù ông mặc quân phục, bàn bạc chiến lược với các lãnh đạo quân sự, duyệt binh, hay hòa mình vào các nhóm Hồng Vệ binh; dù ông đứng trên mũi một con tàu, diện áo choàng tắm vải bông sau khi bơi trên sông Dương Tử; dù ông dẫn đầu một đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số hay tiếp một đoàn khách nước ngoài.

Tiến lên một cách thắng lợi trong khi đi theo con đường cách mạng của Mao Chủ tịch về văn học và nghệ thuật  năm 1968

Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu, Mao trở thành sự hiện diện thường xuyên trong mọi gia đình, hoặc theo kiểu chân dung chính thức của ông, hoặc như một bức tượng bán thân hoặc một kiểu tượng khác. Không trưng bày chân dung của Mao có thể chứng tỏ không sẵn lòng đi theo dòng chảy cách mạng của thời đó, hoặc thậm chí là một quan điểm phản cách mạng, và bác bỏ việc Mao giữ vai trò chính không chỉ trong chính trị mà còn cả trong những vấn đề thường nhật của người dân. 

Chân dung chính thức thường chiếm giữ vị trí chính giữa trên bàn thờ gia đình, hoặc ít nhất là nơi mà bàn thờ được đặt trước khi bị Hồng Vệ binh phá hủy trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa. Điều này càng làm tăng mức độ thần thánh sẵn có của Mao, vốn được tạo ra trong các áp-phích tuyên truyền.

Kính chúc Mao Chủ tịch trường thọ! Năm 1968

Những ngày đó thường được sắp xếp theo nghi lễ “xin chỉ thị vào buổi sáng, cám ơn Mao về lòng tốt của ông vào buổi chiều, và báo cáo lại vào ban tối“. Lễ nghi này bao gồm cúi chào 3 lần, hát quốc ca, đọc các trích đoạn trong Sách Nhỏ Màu Đỏ trước ảnh hoặc tượng Mao, và kết thúc bằng việc chúc ông “vạn tuế”. Vào buổi sáng, tất cả mọi người phải thông báo họ sẽ có những nỗ lực gì để cống hiến ngày hôm đó cho cách mạng. 

Vào buổi tối, mọi người sẽ báo cáo về những việc đã làm được hoặc chưa làm được, nêu quyết tâm cho ngày hôm sau. Các nghi lễ này thường đi cùng với “vũ điệu trung thành” (Trung tự vũ: 忠字舞. Trung tự vũ là một điệu múa tập thể, thể hiện lòng trung thành cuồng nhiệt đối với Mao Trạch Đông thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa) mà không gì nhiều hơn là vươn tay từ tim mình lên chân dung của Mao. Đi kèm với những động tác này, khởi nguồn từ một điệu nhảy dân gian nổi tiếng ở Tân Cương, là bài hát “Mao Chủ tịch kính yêu“.

Dũng cảm tiến lên theo chân lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch – Năm 1969

Vào đầu thập niên 1970, vấn đề sùng bái cá nhân Mao tột độ và mang tính mê tín đã bị hủy bỏ. Trong các áp-phích tuyên truyền, những người đại diện như Lôi Phong, hay một trong những người tương tự như ông này, và ông Trần Vĩnh Quý (bí thư Đảng ủy mẫu mực của Đại Trại) thường thế chỗ Mao. Điều này không làm giảm bớt sự nịnh bợ đối với Mao, người tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đảng được xây dựng lại. 

Sự thái quá của người dân trong thời kỳ đỉnh điểm của Cách mạng Văn hóa vào cuối thập niên 1960, trong đó có tập quán rắc rối của truyền thống 3.000 năm tôn thờ hoàng đế mà chính Mao đã cố ý phát huy và trong đó bản thân ông hưởng thụ, được quy cho Lâm Bửu, người mà, theo đúng nghĩa, đã thất thế năm 1971. Tương tự, Quân đội, từng là “trường học lớn về Tư tưởng Mao Trạch Đông“, không còn là một kiểu mẫu cho người dân. Thay vào đó “phong cách làm việc tốt” của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quần chúng là những gì quân đội cần phải học hỏi.

Mọi thứ phát triển nhờ vầng thái dương  đầu thập niên 1970

Sau Cách mạng Văn hóa, tuyên truyền về sự hiện diện siêu phàm và tài năng của lãnh tụ tối cao không còn được lặp lại với cùng cường độ, mức tinh vi và mật độ nhồi nhét như trước. Trong thời kỳ Trung Quốc cải cách kinh tế và Chính sách Mở cửa, việc tạo ra các áp-phích chứa đựng sự hô hào ý thức hệ được thay thế ngày càng nhiều hơn vào thập niên 1980 bởi những áp-phích nhấn mạnh đến xây dựng kinh tế, hoặc thậm chí là quảng cáo thương mại bình thường. 

Vào đầu thập niên 1990, sự trỗi dậy về niềm tin quần chúng vào các tài năng che chở của một Mao đúng như thánh đã diễn ra. Cơn sốt Mao xảy ra đúng dịp tưởng nhớ trăm năm ngày sinh của ông. Tầm quan trọng liên tục của Mao như một biểu tượng chính trị được chứng minh từ việc phát hành đồng 100 nhân dân tệ mới năm 1999 để kỷ niệm 50 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: hình ảnh ông Mao trẻ trung được in trên tờ tiền này. Không chỉ có vậy, ông ta còn xuất hiện trong một loạt các áp-phích đặc biệt, cùng với Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân (còn được gọi là 3 thế hệ lãnh đạo), để kỷ niệm dịp này.

Phương Đông rực đỏ lúc bình minh: Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  năm 1999

 Nguồn tham khảo:
- David Apter & Tony Saich, Revolutionary Discourse in Mao’s Republic (Cambridge: Harvard University Press 1994)
- Geremie Barmé, Shades of Mao – The Posthumous Cult of the Great Leader (Armonk, N.Y.: M.E. Sharpe 1996)
- Dachang Cong, When Heroes Pass Away – The Invention of a Chinese Communist Pantheon (Lanham MD, etc.: University Press of America, 1997)
- Guo Jian, Yongyi Song & Yuan Zhou, Historical Dictionary of the Chinese Cultural Revolution (Lanham, etc.: The Scarecrow Press, Inc., 2006)
- Stefan Landsberger, “The Deification of Mao: Religious Imagery and Practices during the Cultural Revolution and Beyond”, in Woei Lien Chong (ed.), China’s Great Proletarian Cultural Revolution – Master Narratives and Post-Mao Counternarratives (Lanham MD, etc.: Rowman & Littlefield Publishers, Inc., 2002), pp. 139-184
- Li Zhensheng, Red-Color News Soldier – A Chinese Photographer’s Odyssey through the Cultural Revolution (London, etc.: Phaidon Press, 2003)
- Li Zhisui, The Private Life of Chairman Mao – The Memoirs of Mao’s Personal Physician (London, etc.: Random House, 1996)
- Lu Xing, Rethoric of the Chinese Cultural Revolution – The Impact on Chinese Thought, Culture and Communication (Columbia: University of South Carolina Press, 2004)
- Helmut Martin, Cult & Canon – The Origins and Development of State Maoism (Armonk, NY, etc.: M.E. Sharpe Inc., 1982)
- Melissa Schrift, Biography of a Chairman Mao Badge – The Creation and Mass Consumption of a Personality Cult (New Brunswick, etc.: Rutgers University Press, 2001)
- Frederick C. Teiwes, Politics and Purges in China – Rectification and the Decline of Party Norms, 1950-1965 (Second Edition) (Armonk: M.E. Sharpe 1993)
- Frederick Teiwes and Warren Sun, The Tragedy of Lin Biao – Riding the Tiger During the Cultural Revolution 1966-1971 (Honolulu: University of Hawai’i Press 1996)
- Ross Terrill, Madame Mao – The White-Boned Demon (Toronto, etc.: Bantam Books 1984)
- Roxane Witke, Comrade Chiang Ch’ing (London: Weidenfeld and Nicolson 1977)
- Yan Jiaqi & Gao Gao (translated & edited by D.W.Y. Kwok), Turbulent Decade – A History of the Cultural Revolution (Honolulu: University of Hawai’i Press 1996)
- Yang Kelin (ed.), 文化大革命博物馆 [Museum of the Cultural Revolution] (Hong Kong: Dongfang chubanshe youxian gongsi, Tiandi tushu youxian gongsi 1995)
Links: The 110 commemoration of Mao Zedong’s birth (December 2003) [in Chinese]
Nguồn bài tiếng Anh: Chinese Posters
Xem thêm: Trung Quốc và sự sùng bái Mao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét