Khi Đại Việt bị xâm lăng, Trung Quốc đưa nước Việt vào đồ bản thì người Hoa trở nên hống hách, ỷ thế “chính quyền” để ức hiếp người Việt mọi mặt. Hiện tượng ấy là có thực trong lịch sử Đại Việt.
Nhưng có một hiện tượng khác, ít lộ diện nhưng tác hại dài lâu, làm bất ổn biên giới dai dẳng, đó là người Hoa ở lẫn người Việt, thậm chí có những hành động gây rối, xúi dục, mua chuộc…
Một số động, thôn, bản của người Việt có người Hoa ngụ cư, với số dân dần chiếm ưu thế và khi đã mạnh thì “tự tiện” nhập vào Trung Quốc. Các vua chúa Đại Việt thường cử những đại thần đàm phán tranh biện có lý có tình, đòi lại những phần đất bị mất theo cách nêu trên, nhưng cũng có khi lơ là việc biên giới, một số quan tham bán đứng đất đai của tổ quốc một cách ám muội.
Bài học lịch sử cay đắng này không thể quên, luôn luôn khắc cốt ghi tâm để cảnh giác vậy. Xin minh họa một số sự kiện lịch sử thời Lê-Trịnh trị vì Đàng Ngoài, cho thấy tiền nhân đã có biện pháp cứng rắn, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt, góp phần chống lại sự xâm lấn của ngoại bang, bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà, chặn đứng âm mưu thâm độc của nước láng giềng “đất rộng người đông”, lấy bành trướng làm “kim chỉ nam”.
Cộng đồng người là một “hệ vật lý”, dưới góc độ vật lý học thì nơi nào có “mật độ chất” cao ắt có sự “khuyếch tán” vật chất từ đó đến nơi có “mật độ chất” thấp. Đó là một qui luật tự nhiên. Thế thì cộng đồng người cũng tuân theo qui luật vật lý ấy. Vận dụng vào lớp cư dân quần tụ ở biên giới phía bắc Đại Việt, chúng ta thấy rõ điều ấy.
Không kể những lần hai phía có chủ trương đem đại binh sát phạt nhau, dẫu bên nhiều bên ít, mà chỉ xét sự khuyếch tán cục bộ ở từng vùng nhỏ của biên giới Việt-Trung là thấy ngay qui luật nêu trên. Người Hoa vượt biên giới làm ăn buôn bán, vô tình hay cố ý “thẩm thấu” “văn hóa Hoa” vào cộng đồng Việt, dần dần cồng đồng Việt bị “Hán hóa”, “Tống hóa”, “Minh hóa”, “Thanh hóa”,… Nếu không có biện pháp ngăn chận kịp thời thì hậu quả nghiêm trọng: Đại Việt mất đất mất dân.
Đơn cử vào cuối thế kỷ 17, thôn Na Oa là của Đại Việt, bị xâm chiếm theo cách nêu trên nên thuộc về châu Tư Lăng của nước Thanh. Nguyên trước đó, phiên mục Vi Đức Thắng nói rằng 8 thôn thuộc châu Tư Lăng do thổ quan nhà Thanh quản lý là do lân bang xâm chiếm. Lời nói ấy đến tai thổ quan nhà Thanh là Vi Vinh Diệu, ông này liền tố với tổng đốc Quảng Tây là Ngô Hưng Tộ. Không ngờ năm Kỷ Tị [1689] nhà Thanh gửi công văn sang triều đình Đại Việt đòi hội khám.
Ban đầu, triều đình Lê-Trịnh phái Vũ Duy Khuông và Phạm Công Phương (tiến sĩ khoa Giáp Tý[1684]) đi lại nhiều lần để phân trần và tranh biện, việc kéo dài vài năm vẫn bế tắc. Liền đó triều đình cử bồi tụng Đoàn Tuấn Hòa và Lê Chi Tuân (tiến sĩ khoa Bính Dần[1686]) lên địa giới châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Khi đến nơi, Đoàn Tuấn Hòa cũng tranh biện không thành công, bị triều đình bãi chức bồi tụng. Ông kiên tâm điều tra thì phát hiện phiên mục Vi Đức Thắng đã từng khai man khi hai bên hội khám.
Đoàn Tuấn Hòa liền giữ Vi Đức Thắng một chỗ bí mật, không cho hội kiến và ông tự mình cùng với hai vị ủy quan nhà Thanh, một vị họ Trần và một vị họ Trương trực tiếp đo đạc khám xét…Khi đã có bằng chứng thực địa, không như hồ sơ có lời khai man, Đoàn Tuấn Hòa tranh biện rõ ràng với thực chứng, thổ quan nhà Thanh Vi Vinh Diệu đuối lý, nên nhà Thanh phải trả lại Đại Việt thôn Na-Oa.
Sau đó Đoàn Tuấn Hòa tiếp tục hội đồng với người Thanh dựng mốc bằng đá, phân rõ địa giới xong ông mới hồi triều. Thực ra trong các thôn tranh chấp, hết 7 thôn là đất hoang vu, không người ở, chỉ riêng thôn Na-Oa đất rộng, dân đông, vì thế trong vụ này phía Đại Việt lấy lại 7 thôn hoang vu và thôn Na-Oa có giá trị.
Đây là một thắng lợi ngoại giao lớn của Đại Việt. Triều đình nghị bàn, nhận xét Đoàn Tuấn Hòa đi chuyến này biện luận hợp nghi, được việc, nên triều đình chuẩn miển cho tội lần trước.
Về sau khi phải lo đối phó với dư đảng nhà Mạc và nhất là phải lo chinh phạt Đàng Trong, thời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Căn đã lơ là việc biên giới phía bắc nên các thổ ti người Thanh xâm chiếm một số vùng đất phía bắc của Đại Việt; riêng những thôn nói trên đến năm 1726, tổng đốc Quảng Tây là Khổng Sinh, làm tờ sức cho thổ quan châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc giao cho thổ quan phía Đại Việt là Vi Phúc Kiêm để xóa đi những giao ước mà Tuấn Đức Hòa đã ký kết.
Bọn họ đã đào hào, đắp lũy, lập mốc giới mới và thôn Na-Oa lại về châu Tư Lăng của nhà Thanh. Triều đình Lê-Trịnh biết nhưng cũng phải lơ vì vấn đề “nhạy cảm” trong việc bang giao với đại lân quốc.
Sự kiện lịch sử nêu trên cho thấy tiền nhân của ta rất lao tâm khổ tứ về biên giới phía bắc. Năm Bính Tý (1696), chúa Trịnh Căn vâng mạng vua Lê Dụ Tông đình nghị để đối phó nạn người Thanh quấy rối biên giới với mưu đồ lấn chiếm đất đai. Phủ Liêu (phủ chúa Trịnh) ban bố lệnh rất cứng rắn đối với người ngoại quốc, được Ngô Cao Lãng chép trong sách Lịch Triều tạp kỷ như sau:
1. Phàm người Trung Quốc hễ đã nhập tịch vào thôn xã nào ở nước ta thì từ ngôn ngữ đến ăn mặc đều phải tuân theo phong tục nước ta, chứ không được càn bậy nói tiếng lạ và mặc quần áo lạ. Nếu kẻ nào vi phạm thì cho phép các quan trấn thủ và đề lãnh điều tra nã bắt, xử phạt 50 trượng.
2. Các người khách từ các thương thuyền đến trú ngụ ở các xứ trong nước ta, khi buôn bán, vào kinh đô, nếu có người quen biết đưa dẫn thì không thuộc trong lệ cấm này; ví bằng không có người đưa dẫn mà tự tiện vào kinh thì cũng cho phép [quan đề lãnh] nã bắt trừng trị theo như phép nước.
3.Phàm các xã dân ở giáp địa giới ngoại quốc, từ ngôn ngữ đến ăn mặc và cư xử đều nên tuân theo dáng vẻ, lề lối và phong tục nước ta, nếu cạo trọc đầu thì cũng chừa lại một mảng tóc, chứ không được càn bậy bắt chước tiếng nói và quần áo của người ngoại quốc. Kẻ nào vi phạm thì cũng cho phép quan trấn thủ điều tra, trừng trị.
Truyền thống Việt chỉ hướng “bán anh em xa mua láng giềng gần” là để sống với “láng giềng tốt” thực lòng, để khi “tối lửa tắt đèn có nhau”, chứ vấp phải làng giềng khổng lồ nhưng cực kỳ thâm độc, khi nào cũng chực “lấy thịt đè người”, chuyên “chém cây sống trồng cây chết”, đểu cáng kiểu “miệng nam mô một bồ dao găm” thì dứt khoát không gần, luôn cảnh giác.
Đức Trần Nhân Tông đã hành thiền ở hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình), nhưng ngài vẫn dùng “tuệ nhãn” soi rọi vùng núi phía tây Đại Việt, soát xét mọi hành tung của bọn “ác ma” phía tây, và vì thương sinh linh Việt bị bọn ác ma dày xéo, ngài sẵn sàng cất áo tràng, mang giáp trụ thân chinh. Khi đã lên Yên Tử tu tập, với hạnh từ bi làm sao ngài quên chúng sanh (con dân Đại Việt) vừa mới bị quân Nguyên Mông dày xéo, vì thế ngài không quên để mắt quan sát phía bắc, cảnh giác quân Nguyên Mông đang hoạt động ở biên giới, chực chờ sơ hở của Đại Việt là ào ạt xâm lược. Hòa hiếu để cứu sinh dân hai nước khỏi nạn binh đao, nước nhỏ nhún mình để an dân nhưng trong giới hạn cho phép.
Tổ tiên người Việt không bao giờ khoan nhượng, không chịu hèn để phải mất đất mất biển, vì “tấc đất là tấc xương”, “tấc biển là tấc máu” của bao nhiêu lớp người Việt đã trả giá suốt mấy nghìn năm trong ứng xử với láng giềng khổng lồ phương bắc. Bài học lịch sử này cha ông luôn luôn nhắc nhở con cháu học thuộc, không bao giờ xao nhãng, để khéo léo ứng xử với láng giềng tốt lời nói nhưng cực kỳ xấu bụng và nham hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét