Lỗ từ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của EVN lên tới 10.162 tỷ đồng, đó là thông báo chính thức của Bộ Công Thương tại buổi họp báo ngày 19/11. Cùng với công bố chi phí kinh doanh, Bộ Công Thương cũng công khai minh bạch chi phí từng khâu phát điện, truyền tải và cả chi phí quản lý, lương của EVN trong năm 2010.
Càng sản xuất kinh doanh càng lỗ nặng
Theo Bộ Công Thương, tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài năm 2010 của EVN là 95,472 tỷ kWh với chi phí cho sản xuất, kinh doanh điện là 101.096 tỷ đồng. Do khâu tổn thất chiếm tới 10,5% nên tổng sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt 85,647 tỷ kWh với doanh thu từ bán điện đạt 90.934 tỷ đồng. Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN khẳng định: Nhà máy nào càng được huy động sản xuất nhiều điện càng lỗ nặng.
Ngoài phần lỗ kinh doanh, năm 2010 EVN còn khoản chi phí vẫn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ chưa trả được cho ngành dầu khí, than là trên 11.000 tỷ đồng.
Bất cập từ giá điện
Giải thích nguyên nhân của tình trạng lỗ nặng của EVN, ông Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2010 sản lượng thủy điện thấp (do thiếu hụt nước nghiêm trọng) nên EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu của EVN và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch. Việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện, sự biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ của EVN trong năm 2010. Còn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là do do tài sản tự có của EVN ở nhiều nhà máy điện chỉ có 30%, 70% còn lại là vốn vay bằng ngoại tệ nên sự biến động tỷ giá ảnh hưởng lớn tới tài chính của EVN.
Ông Phạm Lê Thanh nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ vẫn là sự bất cập từ giá bán điện đang thấp hơn giá thành khiến các nhà máy điện càng làm càng lỗ. Theo ông Thanh, cứ mỗi tỷ kWh điện từ chạy dầu đã khiến EVN lỗ 3000 tỷ đồng. Năm 2010 hạn hán nặng nên EVN phải tăng cường chạy dầu và mua điện từ bên ngoài đã khiến giá thành sản xuất kinh doanh điện cả năm lên tới 1.180 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân chỉ đạt 1.061,4 đồng/kWh. Tính ra, năm 2010 EVN phải bù lỗ trên 100 đồng/kWh. Thực tế, nếu bổ tất cả các khoản lỗ từ tỷ giá và các khoản nợ còn treo lại vào giá thành thì năm 2010 EVN phải bù lỗ tới 300 đồng/kWh.
Việc mua cao bán thấp, hỗ trợ giá cho người nghèo nhằm đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ Chính phủ giao cho EVN. Tuy nhiên, nghịch lý của cơ chế giá hiện nay là ngành điện đang bù lỗ cho cả người giàu. Bởi vì, Chính phủ chỉ trợ giá cho hộ nghèo dùng điện đến 50 kWh/tháng nhưng hiện nay, EVN đang phải bù lỗ cho hộ dùng đến 130 kWh. Trong khi việc kêu gọi đầu tư vào ngành điện rất khó khăn. “Do lỗ nên EVN không huy động được vốn. Các tổ chức tài chính nhìn vào bảng cân đối tài sản, nếu thấy lỗ là sẽ dừng giải ngân. Chúng tôi đang đứng trước bài toán, lỗ, mất cân đối tài chính và khó khăn khi huy động nguồn lực tham gia", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, khó khăn tài chính không chỉ ảnh hưởng đến đầu tư nguồn mà cả khâu truyền tải điện cũng đang rất vướng do thiếu vốn. Trong Quy hoạch điện VI giai đoạn 2006-2010, đầu tư lưới điện chỉ đạt trên 50% khối lượng quy hoạch dự kiến xây dựng khiến lưới điện hiện nay chưa có khả năng dự phòng. Các đường dây truyền tải 500 kV Bắc – Nam và các đường dây 220 kV luôn quá tải, dẫn đến tăng tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố trên lưới. Nếu không nhanh chóng đầu tư thì sẽ xảy ra tình trạng có điện nhưng không có đường truyền tải. Những năm tới miền Bắc và miền Trung có thể thừa điện nhưng không đưa điện được vào miền Nam. Ngay tại Hà Nội, các đường dây Vân Trì - Sóc Sơn, Vân Trì - Chèm, Hà Đông- Thành Công cung cấp điện cho Thủ đô cũng đang rất vướng. Nếu không khẩn trương khắc phục thì sẽ xảy ra năm 2012 cả nước đủ điện nhưng riêng Hà Nội sẽ bị cắt điện.
Khoản lỗ sẽ hạch toán vào giá điện
Về các giải pháp khắc phục thua lỗ của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, quan trọng nhất là phải đưa giá điện về đúng giá trị thật của nó. Bởi lẽ, với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát nên EVN đang phải bán điện thấp hơn giá thành khiến EVN và các nhà đầu tư khác đang khó khăn về hoàn vốn, đảm bảo đủ chi phí trong hoạt động điện lực. Thời gian qua, Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát nên ngành điện chưa thể tăng giá. Thứ trưởng khẳng định, để EVN tránh khỏi vỡ nợ và tiếp tục đầu tư nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hạch toán lỗ vào giá điện trong những đợt điều chỉnh tới. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào, vào lúc nào thì Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ xem xét tính toán đảm bảo hợp lý trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp cơ bản khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường sản xuất, cung ứng điện ngày càng đầy đủ với giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng cao, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
(Theo: TCCN Online )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét