Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Giọt mồ hôi bị nhục mạ


http://eva.vn/upload/news/2009-04-07/teenvocam3.jpg
Đào Tuấn
-
Dư luận đã phản ứng ngay lập tức, phản ứng dữ dội, thậm chí lên án là phản cảm ngay sau khi Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Phạm Lê Thanh bày tỏ sự đau lòng trước tình trạng “Lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng”, rằng: Đó là một mức lương không thể sống được ở thành thị.

Tại sao một sự thông cảm của CEO một ngành, với sự nghèo khó của người lao động ngành mình, lại không nhận được sự thông cảm. Rất đơn giản là bởi đây là mới chỉ là lương “để hạch toán vào giá thành điện”. Bởi kêu nghèo, than khổ là để đòi tăng giá điện. Là bởi mỗi đồng tăng thêm của giá điện, mỗi hào tăng thêm trong đồng lương ngành điện đều móc trong túi nhân dân cả. Hơn nữa, sự khiếm nhã này không khác so với hồi năm 2008, khi EVN một mặt cũng kêu lỗ như bây giờ, một mặt xin trích thưởng 1.002 tỷ đồng.

Nhưng thành thị không phải chỉ toàn người của EVN. Và nếu lương 7,3 triệu của một ngành độc quyền như EVN không sống nổi thì các ngành khác, hay tệ hơn là hơn 11% dân số sống ở mức 400-500 ngàn/tháng, theo chuẩn nghèo, có còn được gọi là sống?

Một báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam công bố một tháng trước đây cho ra những thông số thảm hại: 73,4% người lao động có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng (dưới mức sống tối thiểu). Mức lương bình quân chỉ đủ đáp ứng 80%-90% nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động. Và đó là mức đủ để “mua” 56,7%-62,5%, mức sống tối thiểu thực tế.

Trong chính ngày CEO của EVN than vãn lương thấp, 19-11, báo chí, kể chuyện cô giáo Bùi Thị Luyến: “Tôi không hề muốn bỏ việc, bản thân có 29 năm gắn bó với lũ trẻ làng. Từ lúc đất nước còn khó khăn, chúng tôi phải nhận lương 3-4 kg gạo mỗi tháng. Nay lạm phát, giá cả tăng cao nhưng tôi cũng chỉ nhận khoản tiền lương trên 500.000 đồng/tháng, ngoài ra không có hỗ trợ gì khác nên đời sống rất bi đát”.

15 ngàn đồng mỗi ngày cho 2 ca, 8 tiếng đứng rạc cẳng – lời tố khổ của một chế độ lương nhục mạ người lao động.

Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ các nhà giáo nhân dân, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình. Đến năm 2008, Hội nghị TƯ 6 thống nhất chủ trương cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012 theo hướng, bảo đảm cho công chức sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội.

Nhưng đến tận bây giờ, khi năm 2011 sắp sửa kết thúc, vẫn còn những câu chuyện 15 ngàn đồng cho một ngày công giáo viên, CEO của EVN vẫn kết luận lương 7,3 triệu, mức đủ để đóng thuế thu nhập cao là “không sống nổi”, và Quốc hội vẫn còn đang băn khoăn nghiên cứu làm sao để “Lương tổi thiểu phải bám sát đời sống tối thiểu”, làm sao để lương theo nổi chỉ số giá.

Thời bao cấp, đã có bài vè về lương, rằng:

Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.


Gần hai chục năm sau, lương- được dân gian hóa trong những clip theo điệu hip-hop, có câu:

Bắc thang lên hỏi ông trời.
Giá lương như thế, dân thời sống sao?


Ngẫm ra, ông Phạm Lê Thanh chỉ là nạn nhân vì những lời nói thật, một nạn nhân bất đắc dĩ gánh sự đàm tiếu chê trách mà đáng lẽ những người làm lương, và quản lý giá, đáng lẽ phải gánh chịu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét