Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Thua cả đến Miến Ðiện




Lê Phan
Năm 1946, khi tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER-Tạp Chí Kinh Tế Viễn Ðông như tất cả các thính giả đài BBC thuở trước còn nhớ) chào đời, tờ báo nhận xét là trong các thành phố của Á Châu, nhất là của Ðông Nam Á, Sài Gòn và Rangoon (mà chính quyền ngày nay thích phiên âm là Yangoon) sẽ trở thành hai thành phố có thể sánh vai với Paris, Luân Ðôn hay New York.



Mấy chục năm sau, vào cuối đời trước khi FEER bị News Corp. khai tử vào năm 2009, tờ báo nhắc lại tiên đoán đó để cho thấy cái khó của tiên đoán.

Mà thật vậy, vào năm 1946, Sài Gòn, Hòn Ngọc của Viễn Ðông, và Rangoon là những thành phố xinh đẹp. Ở một khía cạnh nào đó, cả hai đều là thành phố “Tây” bởi cả hai đều là những thành phố do người Tây phương dựng nên. Người Anh bỏ cố đô Mandalay để về Rangoon, một hải cảng, và dựng nên một thành phố mà trước kia chỉ là một làng đánh cá nhỏ nằm quanh ngôi chùa Shwedagon của huyền thoại. 

Sài Gòn, chứ không phải Gia Ðịnh thành, cũng là một xóm dân chài được người Pháp chọn để dựng lên một thành phố làm thủ phủ cho chính quyền thuộc địa.

Là thủ phủ của một vùng đồng bằng phì nhiêu, nằm kế cận hai vựa lúa khổng lồ cũng như các nông sản quan trọng khác, Sài Gòn và Rangoon, theo sự suy nghĩ của các nhà báo của FEER hồi đó, hẳn sẽ không thể nào không trở thành những thành phố vĩ đại.

Nhưng hơn sáu thập niên sau, cả Sài Gòn lẫn Rangoon đều không thực hiện được tiềm năng đó. Sài Gòn giàu có hơn, cái vỏ bề ngoài hào nhoáng hơn, nhưng bên trong đầy vấn đề, và luôn luôn bị canh tranh bởi Hà Nội. Rangoon bị bỏ phế, hoang tàn, trông thật vô cùng buồn thảm.

So với Rangoon có lẽ Sài Gòn ngày nay hơn nhiều. Nền kinh tế Sài Gòn có vẻ hoạt động tốt. Ðường sá đầy những xe cộ với khá nhiều xe mắc tiền. Nhưng đằng sau cái vỏ hào nhoáng đó Sài Gòn đang lâm vào khủng hoảng. Lạm phát tăng cao, công ăn việc làm khó khăn, người dân Sài Gòn thật khó cảm thấy vững tâm về tương lai. Dĩ nhiên vẫn có những người giàu sang tiêu xài, tuyệt đại đa số sống qua ngày, nơm nớp sợ không biết ngày mai ra sao.

Ðiều đáng ngạc nhiên là trong mấy tháng gần đây, có lẽ Rangoon lạc quan hơn Sài Gòn.

Tháng 3 vừa qua, khi các ông tướng trao quyền cho một chính phủ trên danh nghĩa là dân sự do một ông tướng cởi áo cầm đầu, ngay cả những quan sát viên lạc quan nhất cũng không chờ đợi có bao nhiêu thay đổi.

Nhưng từ khi đó, chính phủ của Tổng Thống Thein Sein đã làm nhiều người, cả bên trong lẫn bên ngoài Miến Ðiện, kinh ngạc về mức độ cải tổ. Tân lãnh tụ đã có những thảo luận thẳng thắn với bà Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo của phong trào dân chủ Miến, người mà chính quân đội đã bỏ tù trong hầu hết 22 năm qua. Ông đã trả tự do cho khoảng hơn 200 tù chính trị, giảm bớt kiểm soát báo chí và hứa sẽ thực hiện thêm các cải tổ chính trị và kinh tế.

Hoa Kỳ và Tây phương, vốn áp đặt cấm vận kinh tế hoàn toàn lên Miến Ðiện từ thập niên 1990 sau khi chính quyền đã tỏ ra quá tàn bạo với dân chúng, đang thận trọng chào đón sự thay đổi này. Chuyến công du của Ngoại Trưởng Hillary Clinton chính là một trong những cử chỉ chào đón đó. Bà Clinton đã được Tổng Thống Barack Obama cử cấp tốc đến Miến Ðiện vì ông thấy có “một tia lửa xẹt” cho một hy vọng dân chủ.

Sau nhiều năm quản lý tồi tệ của các ông tướng, Miến Ðiện, mà hồi thập niên 1940 là quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu trên thế giới, đã có lúc không đủ gạo ăn. Một quốc gia giàu có đã trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất Á Châu trong nhiều thập niên.

Một phần của sự bế tắc tại Miến là vì sự thiếu linh động của cả bên các ông tướng lẫn bên đối lập. Ðột nhiên, cả các ông tướng về hưu như ông Thein Sein cũng như các nhà tranh đấu cho dân chủ như bà Suu Kyi cũng tỏ ra thực tế hơn, sẵn sàng đối thoại hơn, nâng hy vọng là sau cùng Miến Ðiện có thể chuyển hướng.

Những lý do của sự đột ngột thay đổi này thật khó hiểu. Không có bao nhiêu tin tức về các ông tướng, ngoài những đồn đãi ở các quán cóc tại Rangoon. Nhưng một số những chuyên gia về Miến đã đưa ra suy luận là có thể Tướng Than Shwe, người trước đây đứng đầu các ông tướng, quyết định cho phép cải tổ như là một cách để bảo vệ di sản của mình. 

Ða số các lãnh tụ quân phiệt trước đây của Miến và đám đàn em đã bị hy sinh và thanh trừng khi một nhóm khác lên nắm quyền. Số phận của Tướng Ne Win, người đã tổ chức cuộc đảo chánh đưa quân đội lên nắm quyền hồi năm 1956, là một thí dụ điển hình.

Có một điều kỳ lạ nữa là mối giao hảo giữa bà Suu Kyi, một mệnh phụ sản phẩm của nền giáo dục cổ điển Anh từ viện Ðại Học Oxford, với một trong những người trước kia đã bỏ tù bà, ông Thein Sein, hiện đang là người thúc đẩy cải tổ. 

Ðiều trùng hợp nữa là cả hai người đều 66 tuổi, và niềm tin của họ vào nhau đã giúp họ cưỡng lại những kẻ cứng rắn bên trong nội bộ của họ. Cả bên các ông tướng lẫn bên đảng NLD đều có những người tỏ ra hết sức nghi ngờ. Những người đã làm việc với cả hai vị đều công nhận họ thuận thảo.

Và trên đường phố ở Rangoon và trong cộng đồng ngoại quốc rất nhỏ mon men đến đầu tư ở Miến, đã có một sự vui mừng và hứng khởi thấy rõ. Ai cũng hy vọng là đã đến lúc Miến Ðiện lột được cái vỏ của một quốc gia độc tài lạc hậu và bắt kịp với các nền kinh tế của các quốc gia láng giềng.

Nhưng, sau khi đã chịu đựng gần 50 năm quân đội cai trị, người Miến đã học được bài học đừng vội mừng hoàng hôn chưa tới.

Mặc dầu có nhiều thảo luận về việc cải tổ chính sách kinh tế vĩ mô, xây dựng lại hệ thống ngân hàng cổ lỗ xĩ, các nhà phân tích kinh tế e sợ là tiến bộ của việc cải tổ kinh tế sẽ quá chậm. Với hạ tầng cơ sở tệ hại, điện thường xuyên bị mất, và nhiều triệu người sống dưới mức nghèo đói ở nông thôn, thách thức quả là kinh hồn. Nhưng dầu sao cũng vẫn có hy vọng.

Tôi còn nhớ đã có lần, trong những chuyến đi làm phóng sự tôi đã liên tiếp đến Sài Gòn, Hà Nội rồi Rangoon hồi giữa thập niên 1990. Việt Nam trong giai đoạn vừa đổi mới đó vẫn còn xơ xác lắm. Bà đại sứ Úc lúc đó đã dẫn chứng cho sự tiến bộ của Hà Nội khi khoe là trước đây chỉ có mỗi một tiệm icecream, nay có đến hai tiệm.

Sau cái tân tiến và sung túc của Bangkok, thật mủi lòng khi về đến Sài Gòn, Hà Nội xơ xác mới bắt đầu có một chút sinh khí. Nhưng khi đến Rangoon, lúc đó vẫn còn là thủ đô của Miến, thì tôi bỗng cảm thấy an ủi phần nào. Hà Nội, Sài Gòn thua xa các thủ đô khác của Á Châu, nhưng ít nhất vẫn còn hơn Rangoon.

Việt Nam, tuy vẫn còn tơi tả vì cơn ác mộng “giá, lương tiền” nhưng cũng còn có sinh khí hơn là bầu không khí sợ sệt và cam phận của Miến Ðiện.

Nhưng ngày nay, tuy chưa có dịp trở lại cả Hà Nội, Sài Gòn lẫn Rangoon nhưng theo email của những người bạn đồng nghiệp còn hành nghề ở các nơi đó thì ngó bộ Rangoon bây giờ vui vẻ và khởi sắc hơn Sài Gòn và Hà Nội.

“Ít nhất ở Rangoon đang có một hy vọng về tương lai, chứ không bị đắm chìm trong những gánh nặng như Vinashin,” đó là từ email của người bạn đồng nghiệp mới thăm cả hai nơi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét