-
Hơn 60 năm về trước, khi giãi bày cùng quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói những lời còn in sâu vào lòng bao thế hệ người Việt Nam: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành“.
Bao nhiêu công sức và cả không ít xương máu của hàng triệu người con dân nước Việt đã đổ ra vì những mục tiêu cao cả và cấp thiết ấy. Thành công là rất lớn, nhưng chưa thể coi là hoàn hảo. Đơn cử như mục tiêu tưởng chừng như thật giản dị, không quá xa vời: “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn“…
… Đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên gương mặt khắc khổ, đượm buồn của chị Huỳnh Thị Ly, một phụ nữ nông dân ở Thới Lai, Bến Tre – Nam Bộ. Hơn một tuần trước, tình cờ trong Chương trình quyên góp bò tặng nông dân nghèo “Lục lạc vàng” thấy VTV1 đưa hình ảnh chị cùng lời nói nhòa trong nước mắt: “Tui phải nhường cơm cho con ăn để nó không phải mang cái bụng lép kẹp đến trường, phần tui lúc nào cũng thèm cơm…”. Chị đâu có thèm cao lương mỹ vị, chả phượng, nem công gì – chị chỉ thèm cơm! (Bỗng chợt nhớ câu ngạn ngữ độc đáo và chua chát mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã đúc kết trong Chuyện kể năm 2000:
“Ngon như cơm tù”! Cơm tù ai cũng biết thường được nấu bằng gạo hẩm, hôi mốc, nhưng với người tù suốt ngày lúc nào cũng đói thì thứ cơm ấy cũng trở thành món ngon nhất mà người tù nào cũng thèm có!).
Có ngạc nhiên không, khi ở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, giữa vựa lúa của xứ sở đứng thứ hai trên thế giới về lượng gạo xuất khẩu, có một người chân lấm tay bùn làm ra lúa gạo lại thường xuyên đói cơm và thèm cơm ?…
Xin đừng tự an ủi rằng chị Ly là trường hợp cá biệt. Với tỷ lệ đói nghèo trên dưới 15% số dân, số người ăn không đủ no chắc không hề ít. Dịp giáp hạt gần đây thôi đã có hàng trăm nghìn người dân chỉ riêng tỉnh Thanh bị đứt bữa. Dân nhiều nơi vùng sâu vùng xa còn phải lấy khoai sắn, thậm chí cả củ mài, củ ráy thay cơm. Tám mươi em nhỏ Trường nội trú dân nuôi ở Suối Giàng, Yên Bái, theo blog Trần Đăng Tuấn, liệu có no không khi lúp xúp ngồi quanh một nồi cơm và một nồi canh rau cải suông lõng bõng nước?!
Vì đâu nên nỗi? Xin tạm mạo muội trả lời: Ở cấp độ “vi mô“, cấp độ từng cá nhân, gia đình, – đó có thể là hậu quả của thiên tai, bão lũ hay hạn hán, của sâu bệnh, rầy nâu, hay mua nhầm phải giống lúa dởm, bón nhầm phân bón dởm lúc nào cũng dư thừa ngoài thị trường bát nháo. Có thể là do ruộng ít, hay tệ hơn, chẳng may bị thu hồi để làm khu công nghiệp, khu đô thị hay … sân golf 18, 36 lỗ gì đó. Có thể là hộ neo đơn, tàn tật, già yếu hay con đàn cháu đống, đẻ ra nhiều mà không đủ sức nuôi. Có thể là vào một ngày xui xẻo, thần hỏa hỏi thăm thiêu cháy cơ nghiệp hay tai nạn giao thông bỗng giáng xuống ai đó trong gia đình hoặc bất ngờ ai đó trong nhà lâm bạo bệnh – ung thư, bạch cầu, suy thận mãn… khiến ngay cả người vốn dư dả cũng phải tán gia bại sản mà lo chạy chữa trong tuyệt vọng. Có thể là trót sa vào cờ bạc, nghiện ngập hay đầu óc không được sáng láng, ít học, không biết toan tính làm ăn, làm ra 1 lại ăn hết 2, 3…
Mỗi cảnh đói nghèo hầu như mang nguồn gốc khác nhau, chỉ có sự buồn thảm và cùng quẫn là giống nhau. Hoạn nạn rơi vào ai, người ấy đành nai lưng chịu trận…
Ở cấp độ “vĩ mô“, dưới góc nhìn toàn xã hội, – cũng có không ít điều đáng nói. Những bất ổn kinh tế trên đại cục tác động xấu trực tiếp đến tham vọng xóa đói giảm nghèo mà lạm phát là thủ phạm dễ thấy nhất, một thứ thuế vô hình mà nghiệt ngã đánh vào mọi người dân. Giá các nhu yếu phẩm – từ gạo, rau, đậu, cá đến điện, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em…- đều tăng theo tốc độ phi mã, mà lương, thu nhập thì hầu như dậm chân tại chỗ. (Thi sĩ Tản Đà nếu như sống lại lúc này, hoàn toàn có thể sẽ hài hước biến bài “Thề non nước” của mình thành “Thề lương giá”: Giá lương nặng một lời thề / Giá lên lên mãi, không về cùng lương!…). Các bà nội trợ đi chợ mỗi ngày tiếp nhận rõ hơn ai hết cái cảm giác “bị móc túi ” một cách từ từ, tuần này qua tuần khác. Những người vốn ví tiền đã lép như công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang ở thuê nhà trọ tồi tàn, tạm bợ là những người chịu thua thiệt hơn cả trước “bài ca lạm phát” – đúng là “chó cắn áo rách”!…
Chỉ số lạm phát năm nay vào khoảng 18-20%, vào hàng “khủng” của thế giới, nhiều gấp 3 chỉ số tăng trưởng. Vậy là tăng trưởng chưa gắn với phát triển bền vững, người dân chưa thật sự được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.
Nhưng mà, đến lượt mình, lạm phát bắt nguồn từ đâu vậy? Xin thưa: bắt nguồn từ các yếu kém thâm căn cố đế của cả nền kinh tế. Có thể liệt kê: đó là đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, hệ số ICOR ngày càng cao; tỉnh nào cũng xi măng lò đứng và nhà máy mía đường, cũng muốn có sân bay, bến cảng hoành tráng, xây xong không được đưa vào sử dụng. Rồi là các công ty, các tập đoàn kinh tế quốc doanh nắm giữ phần lớn nguồn vốn quý báu của xã hội – thường được gọi rất ấn tượng là các “quả đấm thép” (!) – không ít lần lại trót “đấm vỡ” két bạc nhà nước, khiến nó bị thất thoát hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng (!), một số tiền khổng lồ đủ để cấp vốn làm ăn cho hàng chục vạn hộ dân với hy vọng thoát nghèo. Rồi là quốc nạn tham nhũng làm mục ruỗng đất nước từ bên trong, thói quen lãng phí, chi tiêu công theo lối “nhà nghèo xài sang, vung tay quá trán”. Rồi là bội chi và thâm hụt ngân sách triền miên, là nhập siêu, đồng nội tệ liên tục mất giá so với các đồng ngoại tệ khiến các mặt hàng dính dáng đến nguồn nhập khẩu có thêm lý do thoải mái tăng giá…
Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế (chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng) vừa được khởi động rầm rộ, dưới một góc nhìn nào đó, nếu được tiến hành suôn sẻ, sẽ chính là cuộc “tổng công kích” cần kíp, căn cơ nhằm vào lãnh địa của đói nghèo và lạc hậu vẫn dai dẳng đeo bám chúng ta bấy lâu nay.
Cha ông ta từ xưa đã dạy: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước thì thương nhau cùng. Những cảnh đời, những số phận éo le, đượm buồn và đẫm nước mắt luôn gợi lòng trắc ẩn trong chúng ta, những người may mắn hơn. Những việc từ thiện làm ấm lòng người ngày càng lan tỏa, đơm hoa kết trái, phần nào giúp người nghèo thêm cứng cỏi vượt khó.
Nhưng xét cho tới cùng, chỉ những nỗ lực tổng thể, đồng bộ của chúng ta, – từ chính quyền , từ cả hệ thống chính trị cho đến từng người dân – trong xây dựng và phát triển một nền chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội lành mạnh, đầy nhân bản mới có thể là việc làm “từ thiện” toàn diện nhất, căn bản nhất ngõ hầu đem lại hy vọng đổi đời cho cả dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, sao cho trên non sông gấm vóc mà cha ông ta để lại hôm nay ít ra không bao giờ còn ai phải chịu nỗi ám ảnh… thèm cơm./.
P.H.G.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-12-11
http://www.viet-studies.info/PhanHongGiang_AmAnhThemCom.htm
http://www.viet-studies.info/PhanHongGiang_AmAnhThemCom.htm
*** *** ***
TAGS :
*** *** ***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét