Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Mỹ, Nhật, Ấn Độ dàn thế trận liên hoàn chống Trung Quốc

Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc bị “án ngữ” ở ba hướng: phía Bắc là Nga, phía Tây là Ấn Độ, phía Đông là Nhật Bản, nên để đi ra bên ngoài, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới thì Đông Nam Á chính là “cửa ngõ”, là vùng đệm chiến lược đối với Bắc Kinh. 

 Tàu chiến Mỹ Nhật...


Dù có nhiều chính sách và biện pháp để thuyết phục thế giới tin vào “sự trỗi dậy” hòa bình của mình nhưng những tham vọng của Bắc Kinh khiến Mỹ và nhiều nước láng giềng hết sức quan ngại và chính Bắc Kinh “đẩy” các nước này xích lại gần nhau hơn trong “thế trận liên hoàn” với tâm lý “bài Trung Quốc”.

Nhật Bản lo lắng

Trong Sách trắng quốc phòng công bố ngày 2/8/2011, Nhật Bản đặc biệt quan ngại việc Trung Quốc gia tăng hoạt động tại biển Đông. Họ cho rằng, Bắc Kinh phản ứng “độc đoán” để giải quyết những mâu thuẫn trong khu vực.

Sách trắng viết: Khi giải quyết các vấn đề liên quan xung đột lợi ích với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc thể hiện theo cách cưỡng bức, khuấy động nỗi lo ngại về đường hướng tương lai của Bắc Kinh. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch. Ngân sách chi cho hoạt động quốc phòng mà Trung Quốc công khai chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

Sách trắng cũng ám chỉ rằng, Nhật Bản có thể sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN để gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Hiện Nhật Bản  có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm quân sự từ 16 lên 22. Tokyo đưa vào biên chế các máy bay tiên tiến, tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo phòng vệ Aegis.

Ấn Độ không ngồi yên

Dù quan hệ thương mại được cải thiện đáng kể thì mối thù “không đội trời chung” giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa bao giời nguôi ngoai liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, sự hiện diện quân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng dọc biên giới với Ấn Độ, đẩy mạnh can dự vào Pakistan và Nepal là những mối đe dọa thực sự, buộc Ấn Độ phải hiện đại hóa quân đội.

Theo đó, New Dehli triển khai tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos tới khu vực phía Đông. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đưa vào biên chế ít nhất 114 trực thăng chiến đấu hạng nhẹ LCH.

Trong kế hoạch 5 năm tới, New Delhi tuyển thêm 100.000 quân, đồng thời sẽ triển khai thêm thêm sư đoàn tới miền Đông để tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, pháo siêu nhẹ và xe tăng, thiết giáp cũng sẽ được Ấn Độ triển khai đến khu vực Đông Bắc.


Các tham vọng của Trung Quốc khiến Ấn Độ và Nhật Bản “đến với nhau”. Hai bên đều lo ngại sự gia tăng ngân sách quốc phòng hai con số của Bắc Kinh trong năm tài khóa 2011-2012 và tham vọng chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc. Tokyo và New Dehli vừa kết thúc vòng đối thoại chiến lược cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 5, trong đó thảo luận các vấn đề chống cướp biển, khủng bố và phát triển cấu trúc Đông Á. Hai bên cũng nhất trí sớm tổ chức đối thoại ba bên Ấn - Mỹ - Nhật.

Dự kiến, đầu năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thăm Ấn Độ, trong đó hai bên sẽ đối thoại về chính sách quốc phòng. Thời gian tới, hai nước sẽ tổ chức các chuyến viếng thăm thường niên cho tàu và máy bay của hải quân; đồng thời tổ chức các cuộc diễn tập song phương. Ngoài ra, Tokyo và New Dehli còn nhất trí trao đổi học viên quân sự; thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực hỗ trợ huấn luyện chung về cứu trợ nhân đạo, đối phó với thảm họa thiên tai…

Mỹ dàn thế trận liên hoàn


Myanmar là “bàn đạp” quan trọng trong Chiến lược hướng Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố hoãn xây đập Myitsone và ân xá cho hơn 6.000 tù nhân, trong đó có 200 tù chính trị là động thái cho thấy Naypyitaw đang “rời xa” Bắc Kinh.

Nhân chuyên thăm Myanmar lần này (từ ngày 30/11-2/12) của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, báo Le Figaro của Pháp có bài viết trong đó bình luận Mỹ thắng một trận đánh trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại khu vực. Bài báo cho rằng, Trung Quốc vẫn còn “vật vã” sau khi bị trúng “cơn sốt châu Á” của Tổng thống Mỹ Obama.

Bắc Kinh bị thách thức và “sỉ nhục” ngay trên sân nhà (khu vực châu Á - Thái Bình Dương) với một số động thái: Washington thông báo thành lập một căn cứ thủy quân lục chiến ở Australia, nêu lên vấn đề tranh chấp biển Đông trong chương trình nghị sự hội nghị Đông Á, bất chấp những lời phản đối của Trung Quốc. Trước đó, tại Hội nghị APEC, Mỹ thúc đẩy việc thành lập vùng tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà Trung Quốc không được mời. Và giờ đây là chuyến công du Myanmar của Ngoại trưởng Hillary Clinton, mà Bắc Kinh xem như là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trung Quốc phản pháo?

Trước “sức ép” từ Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt là chuyến thăm Myanmar “chướng tai gai mắt” của Ngoại trưởng Mỹ, Bắc Kinh bắt đầu phản pháo. Theo tờ Le Figaro, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích “tâm lý chiến tranh Lạnh” của Mỹ liên quan đến căn cứ quân sự ở Australia. Một tướng Trung Quốc tố cáo ý muốn “bao vây” Trung Quốc của Washington. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, ngoài các tuyên bố tức giận thì Trung Quốc sẽ không hành động gấp rút.

Một mặt Trung Quốc không muốn cho thiên hạ thấy rõ họ “dính đòn”. Mặt khác, nước này sắp bước vào “năm bầu cử” với việc thay đổi lãnh đạo năm 2012. Do đó, những xáo trộn lớn trên chính trường quốc tế không có lợi. Một giáo sư của ĐH Bắc Kinh nhận định: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào “đang chiụ sức ép chưa từng thấy về chính sách đối ngoại”.

Tóm lại, đứng trước thế trận liên hoàn của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ thì Trung Quốc không thể “ngồi yên chịu trận”. Tuy nhiên, do sắp bước vào giai đoạn bầu cử với những thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo thì Bắc Kinh cũng không muốn có những xáo trộn lớn. Do đó, “khẩu chiến” sẽ là thượng sách được lãnh đạo Bắc Kinh sử dụng trong thời gian tới.

1 nhận xét:

  1. HOA KỲ CÙNG CÁC NƯỚC : NHẬT , ẤN ĐỘ .... LIÊN KẾT
    XÉ NÁT NƯỚC TÀU NHƯ ĐÃ LÀM VỚI LX . TỪ ĐÓ CÁC DÂN
    TỘC NHƯ TÂY TẠNG , VN MỚI YÊN ỔN . ĐCSVN ĐỂ DÂN VN
    TRỪNG TRỊ . MONG LẮM THAY

    Trả lờiXóa