Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

10 năm BTA và những giấc mơ không thành

Nguyễn Đình Lương
(Trưởng đoàn đàm phán 
BTA Việt – Mỹ)
Theo: TVN
-
Sức nặng pháp lý của BTA đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp; làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin – cho” không hiệu quả; bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện; tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu “độc quyền” và “phân biệt đối xử”…
Đối với tôi, đàm phán BTA (Hiệp định Thương mại) Việt – Mỹ là một cuộc đàm phán khó. Khó đến mức 10 năm đã trôi qua, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn có cảm giác lạnh người.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm BTA được thực hiện, tôi muốn nói nhiều, nhưng chỉ xin phép nói hai mẩu chuyện nhỏ, như những kỷ niệm về một thời đàm phán.

Có hai mẩu chuyện nhỏ.

Chuyện thứ nhất: Tìm lời đáp cho câu hỏi 10 năm trước

Sau khi BTA được ký kết, ở Việt Nam, tôi là người đã được (và phải) đi giới thiệu BTA khắp các bộ, ban ngành Trung ương, khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Tôi đã trả lời nhiều câu hỏi. Riêng có một câu tôi chưa trả lời được.

Đó là: “Với một đối tác khó như vậy, với một hiệp định quy mô lớn như vậy, những nội dung phức tạp như vậy, làm sao có thể ký được vào lúc này?”

Với một câu hỏi tương tự, tôi nhớ, ông Joe Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ – đối tác đáng kính của tôi, đã trả lời khá rành rọt trong bài viết của ông cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số đầu xuân năm 2001, rằng có ba lý do.

Thứ nhất là sự cố gắng của phía Mỹ.

Thứ hai là sự cố gắng của phía Việt Nam.

Và thứ ba là sự cố gắng của hai đoàn đàm phán.

Sở dĩ tôi chưa trả lời câu hỏi trên vào thời điểm đó được, vì tôi hiểu rằng câu hỏi này có nhiều ý. Người hỏi hẳn muốn biết nhiều chuyện từ phía Việt Nam, kể cả những chuyện thóc mách.

Hôm nay, sau 10 năm trăn trở, tôi nghĩ rằng tôi đã tìm ra câu trả lời tương đối thoả đáng. Có hai lý do, một chính và một phụ.

Lý do chính, có tính quyết định từ phía Việt Nam, là nhu cầu phát triển của đất nước.

Đất nước này cần được phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế đã thay đổi, bởi cả thế giới đã bước vào một cuộc chạy đua mới – chạy đua phát triển. Nhu cầu phát triển đất nước đã trở thành một khát vọng dân tộc.

Việt Nam là một nước không lớn. Nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tính tự cường cao. Bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc này là bốn ngàn năm bị các nước lớn đô hộ và chèn ép. Các thế hệ ông cha chúng ta đều khát vọng độc lập, tự do.

Độc lập tự do cho đến nay đã phải giành bằng xương máu của nhiều thế hệ. Và hôm nay, trong bối cảnh thế giới đang phát triển, dân tộc này có quyền và phải giành lấy quyền phát triển cùng nhân loại.

Khát vọng phát triển đó đủ mạnh để thu hút sự đồng tâm đồng lòng của mọi tầng lớp xã hội. Khát vọng đó đủ mạnh để nhấn chìm mọi thứ vật cản, dù lớn dù bé, dù rắn dù mềm. Muốn phát triển, hôm nay không có con đường nào khác, ngoài hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Và hôm nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã tham gia ASEAN, APEC, ASEM. Việt Nam đã là thành viên WTO, Việt Nam đã ký, hay đang đàm phán, một số hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đặc biệt, ngày 11.11.2011 vừa rồi, tại Honolulu, thủ phủ Bang Hawaii (Mỹ), Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã nắm chặt tay Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nguyên thủ các quốc gia liên quan, cam kết với nhau trong vòng một năm sẽ thỏa thuận xong hiệp định TPP để tạo lập khối liên kết kinh tế rộng lớn trên hai bờ Thái Bình Dương.

Nghĩa là con đường của đất nước chúng ta đang đi đã được lựa chọn. Đảng Cộng sản Việt Nam đang dẫn dắt nhân dân Việt Nam tiến lên theo con đường đã chọn đó.

Lý do phụ là gì?

Xin độc giả nhớ lại, sau Hiệp định Marakesh ngày 15.4.1994, về việc thành lập WTO, toàn cầu hóa kinh tế được những ai đó kích hoạt lên thành một cơn lốc. Đâu đâu cũng thấy diễn đàn, hội thảo. Các hiệp định tự do hóa dịch vụ tài chính, hay các hiệp định tự do hoá dịch vụ viễn thông, dồn dập được ký kết…

Đặc biệt nhất là sự khởi động rầm rộ của một vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới với quy mô hoành tráng – vòng đàm phán Doha.

Cơn lốc toàn cầu hóa đã tạo cho các nước chưa phải thành viên WTO một cảm giác rằng, phải nhanh chóng gia nhập WTO. Chậm chân sẽ mất cơ hội, chậm chân sẽ phải trả giá cao hơn.

Việt Nam đàm phán BTA với Hoa Kỳ đúng trong vòng xoáy của cơn lốc đó. Và BTA lại được thiết kế trên những nguyên tắc cơ bản của WTO, trở thành một sản phẩm không giống bất cứ một thứ gì mà Việt Nam, và cả Hoa Kỳ, ký kết trước đó, trong các quan hệ song phương. Có thể nói BTA là một sản phẩm đặc thù của một mối quan hệ đặc thù, trong một bối cảnh đặc thù.

Điều đó là hay, hay là dở? Mà hay dở còn tùy góc nhìn của từng người. Vậy nên hôm nay ta tạm chưa bàn.
Điều có thể ghi nhận được một cách rõ ràng chính là hơi nóng của ngọn gió toàn cầu hóa, cũng như áp lực tâm lý.

Và, đặc biệt là sức nặng pháp lý của BTA đã góp phần giúp Việt Nam làm vỡ tảng băng trì trệ của nền kinh tế bao cấp; làm nghiêng đổ những chiếc cột đồng chống đỡ nền kinh tế “xin – cho” không hiệu quả; bẻ gãy chiếc then cài cổng cho gió WTO thổi vào từng phòng họp, hội trường, từng giảng đường, thư viện; tháo tung chiếc hộp pháp lý được sản xuất bằng chất liệu “độc quyền” và “phân biệt đối xử”…

Để rồi thiết kế lại một khung pháp luật mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, vừa gạt bớt những cản trở trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là huy động mọi tiềm lực xã hội để phát triển.

Xin quay trở lại cơn lốc toàn cầu hóa. Khi cơn lốc toàn cầu hóa bùng phát, cả thế giới ào ào đua nhau chạy. Cả những nước nghèo, kém phát triển, chưa biết mô tê gì, thấy người ta chạy, cũng chạy…

Chạy một hồi, mệt, ngồi lại, và tính lại: Có người nhận ra rằng, mình chưa được chuẩn bị để “kiếm chác” được gì trong cái toàn cầu hóa kinh tế sôi động này. Và việc khai thác toàn cầu hóa chủ yếu là các nước phát triển, các nước có chuẩn bị và đã sẵn sàng.

Thế là nhiệt tình giảm sút, gió toàn cầu hóa nguội dần, cơn lốc cũng tan.


Kết cục là, thiếu gió, con thuyền Doha hiện đang nằm im trong bến cảng.

Những ước vọng ngây thơ của nhà đàm phán

Khi đi đàm phán nói chung, và đàm phán BTA nói riêng, phía Việt Nam, phía Hoa Kỳ đều có mục tiêu, có yêu cầu. Là người đàm phán, trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu về kinh tế Hoa Kỳ, chúng tôi có nhiều ước vọng. Trong đó có cả những ước vọng mà 10 năm sau, chúng tôi mới hiểu là ngây thơ.
Và hôm nay xin kể lại một vài ước vọng không thành.

Ước vọng không thành thứ nhất:

Chúng tôi hiểu rằng, Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế hiện đại nhất thế giới, và là nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Với những cam kết vững chắc chưa từng có từ phía Việt Nam trong BTA, đặc biệt là Chương Sở hữu Trí tuệ và Chương Phát triển Quan hệ Đầu tư, và sau đó, theo BTA, quốc hội Việt Nam tiến hành ngay việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ Quyền Sở hữu Trí tuệ, chúng tôi chờ mong đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Ảnh minh họa

Để rồi một hàm lượng Mỹ nổi trội trong nền kinh tế Việt Nam sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng cải tạo cơ cấu kinh tế của mình, giúp Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế lạc hậu, giúp Việt Nam nối tiếp tốt các chuỗi giá trị toàn cầu, và giúp Việt Nam nhanh chóng đuổi kịp trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực.


Mười năm qua, ước vọng đó vẫn chỉ là ước vọng. Một ước vọng ngây thơ?!

Tính đến ngày hôm nay, vốn đầu tư đăng ký của Hoa Kỳ vào Việt Nam khoảng 12 tỷ USD. So với tổng vốn đầu tư đăng ký nước ngoài 216 tỷ, nó chỉ chiếm khoảng hơn 5% – tức là quá nhỏ để có thể tác động một cách có ý nghĩa vào nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài một số mặt hàng tiêu dùng như giày, dép, may mặc, khó có thể nói đầu tư của Hoa Kỳ đang thành công trên thị trường Việt Nam.

Tại sao vậy?

Có phải vì các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang mải mê, đang say sưa với những thành công trên thị trường đầu tư rộng lớn ở quốc gia phía Bắc?

Thực ra, sau khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội ký BTA vào tháng 9.1999, cuối năm đó Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký Thỏa thuận về những điều kiện Trung Quốc gia nhập WTO, để Trung Quốc chính thức gia nhập tổ chức này một năm sau đó. Và thị trường 1,3 tỷ dân này đã trở thành một cục nam châm khổng lồ hút hết mọi quan tâm và sự hào hứng của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, và thế giới nói chung.

Có phải những cái mà nhà đầu tư Hoa Kỳ cần thì ở Việt Nam không có, không đủ, trong lúc ở các nơi khác có, thậm chí có rất nhiều?

Có phải các nhà đầu tư Hoa Kỳ vốn đã quen với môi trường đầu tư công khai, minh bạch, nên không muốn (và cũng không thể) chui lọt qua những hàng rào thủ tục pháp lý hành chính phức tạp ở thị trường Việt Nam?

Có thể, tại vì tất cả những lý do trên, hay vì nhiều lý do khác.

Đã có nhiều cuộc hội thảo, đã có nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn. Đã có những kết luận, đã tìm ra được những nguyên nhân.

Chúng ta hy vọng là với cách điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam hôm nay, những yếu kém từ phía Việt Nam sẽ sớm được khắc phục từng bước. Chúng ta lại hy vọng…

Ước vọng không thành thứ hai:

Khi đàm phán BTA tôi có ước vọng rằng, khi người Mỹ vào làm ăn ở Việt Nam, “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ” sẽ du nhập, và dần dần phổ biến trong mọi hoạt động kinh tế Việt Nam. Như đã xảy ra ở các nước xung quanh.

Nước Mỹ có nền kinh tế năng động nhất thế giới, có trình độ quản lý kinh tế hiện đại nhất thế giới, và có trình độ công nghệ cao nhất thế giới.

Người Mỹ kinh doanh năng động, hiệu quả, có bài bản, có chiến lược, chiến thuật.

Người Mỹ quản lý kinh doanh tốt, quản lý chất lượng tốt, quản lý lao động tốt, bảo vệ môi trường tốt, tiếp thị tốt, duy trì năng suất lao động tốt…

Những thứ đó mà du nhập được vào Việt Nam, và người Việt Nam tiếp thu được, chắc chắn người Việt Nam sẽ giỏi, và kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tốt.

Mười năm đã trôi qua, nhưng bóng dáng “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ” trong nền kinh tế Việt Nam vẫn không thấy hiện hình. Cho dù người Việt Nam đi sang Mỹ cũng đông, người Mỹ sang Việt Nam cũng không ít. Cho dù đã mở đủ các lớp đào tạo, đã mời đủ loại chuyên gia từ Hoa Kỳ, có cả những giáo sư nổi tiếng ở Hoa Kỳ, vào giảng dạy.

Tại sao vậy?

Có phải đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam quá ít?

Có phải vì lực cản tâm lý của một nền kinh tế tiểu nông?

Có phải là “cách làm ăn ở Việt Nam không giống ai cả”, như phát hiện của bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt, cũng là một trở lực đối với sự thâm nhập của “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ”?

Có thể, tại vì tất cả những lý do trên, hay vì nhiều lý do khác.

Chỉ có một điều chắc chắn là phải còn lâu nữa người Việt mới được nhìn thấy “văn hóa kinh doanh kiểu Mỹ” trên đất nước mình.
Thế mới hay rằng, nhìn thấy hoa thơm quả ngọt, đừng vội tưởng nó sẽ rơi vào tay mình, rụng vào miệng mình.

Muốn sờ, muốn hái được hoa trái của BTA, của hội nhập, phải chăng chúng ta còn nhiều việc phải làm, và phải làm cật lực.
Nhưng, trước hết, phải có tư duy hội nhập, phải có kiến thức hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn, mới mong học được cách điều hành kinh tế – xã hội thời hội nhập.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-09-10-nam-bta-va-nhung-giac-mo-khong-thanh-2



*** *** ***

TAGS :



*** *** ***




    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét