Poverty is the worst form of violence.
Mahatma Gandhi Push-Botton Age Kid. Ảnh: wondertime
Cách đây chưa lâu, cũng trên diễn đàn này, đã có lần tôi đề nghị một kiểu chào hỏi (mới) khi chúng ta có dịp gặp gỡ lại nhau ở … bên kia thế giới. Theo tôi, vào tình huống mới toanh này thì mấy chi tiết lặt vặt – liên quan đến không gian (như quê quán, nơi tạm trú, cư trú, hay thường trú …) nên dẹp qua một bên, cho nó tiện việc sổ sách. Những câu hỏi vớ vẩn, đại loại như:
Thế bác quê ở vùng nào ạ?
Hoặc:
Rứa cô sinh quán nơi mô?
Hay:
Nơi em về trời xanh không em?
… nghe (rất) địa phương và nhà quê thấy mụ nội luôn!
Người cõi âm, hoặc cõi trên, nên chào hỏi theo cách khác – cho nó … thoáng:
“Xin được vô phép hỏi thăm, bà thuộc niên đại nào thế ạ?”
“Thưa cô, cô có thể vui lòng cho biết, thời đại của cô tên chi không?”
“Thưa, tôi sống vào thời Băng Hà.”
“Còn em thì sinh vào thời Đồ Đá Cũ.”
“Chúng em cũng thế nhưng hơi lui về phía sau một tí, vào thời Đồ Đá Mới –giai đoạn Tân Thạch Khí.”
“Dạ, còn cháu thì sinh sau đẻ muộn hơn nhiều, cháu là người thời Trung Cổ.”
Đề nghị thô thiển của tôi, may thay, được một số người (hân hoan) chấp nhận. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta – những người sinh trưởng vào thế kỷ XX hay XXI, hoặc cả hai – thuộc vào thời đại nào cà?
Một số độc giả trẻ tuổi, sinh sống ở nước ngoài, đề nghị nên lấy tên là Thời Đại Vứt Đi (Throw Away Age). Đặc điểm nổi bật của thời đại này là sự hoang phí. Thiên hạ vứt mọi thứ đã dùng, hay đã cũ, vào thùng rác. Đôi khi, chưa dùng, chưa cũ, họ cũng vứt luôn – cho nó khỏi chật nhà!
Phía phản biện lập luận rằng đây chỉ là một một giai đoạn sống, của một phần nhân loại, nên không thể được coi như tiêu biểu cho cả một thời đại. Bằng chứng là hiện nay – ngay cả ở những quốc gia phú túc nhất – người ta cũng đã nhận thức được sự lãng phí, cùng sự ô nhiễm và lạm dụng môi sinh, qua cách tiêu dùng bừa bãi này. Phong trào sống xanh (go green) và tái hồi (recyle) đang được cổ động và hưởng ứng khắp nơi.
Một số độc giả trẻ khác, phần lớn cũng định cư tại hải ngoại, gợi ý nên dùng tên Thời Đại Thông Tin (Information Age). Đặc tính của thời đại này là sự tự do truyền bá, cũng như tiếp nhận thông tin và kiến thức trong … chớp mắt!
Người ở trong nước, tiếc thay, không được chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Họ bị bao vây bởi những thông tin đã bị bóp méo, và phải “trèo tường lửa” nếu muốn tiếp cận với những nguồn tin khả tín và khả xác hơn. Cũng không ít người phải chịu tù tội vì những tội danh rất mơ hồ, và hàm hồ – đại loại như “tuyên truyền chống phá nhà nước,tàng trữ tài liệu phản động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc..!” Sống trong một môi trường bưng bít cỡ đó mà gọi là Thời Đại Thông Tin thì nghe (e) cũng hơi kỳ.
Đề nghị được đa số tán thành là tên gọi Thời Đại Bấm Nút (Push-Button Age). Hồi đầu thế XX, thiên hạ còn hơi ngỡ ngàng với khái niệm Chiến Tranh Bấm Nút (Push–Button War) và hình dung ra những cái nút bấm – chắc là mầu đỏ – dấu ở một nơi nào đó trong Ngũ Giác Đài hay Điện Cẩm Linh.
Đến cuối thế kỷ đó thì (ôi thôi) nút bấm được đặt ở khắp nơi, và dùng cho mọi chuyện: bấm nút mở cửa xe, bấm nút lấy cà phê, bấm nút để nghe nhạc, bấm nút xem TV, bấm nút bình chọn kỳ quan thế giới…
Qua thế kỷ XXI, phụ nữ còn có thêm nịt vú bấm nút nữa (push-button bra) cơ. Nó có thể điều chỉnh độ lớn của bộ ngực (giả) của qúi bà qúi cô – tùy theo đối tượng, hay nơi chốn: “a B-cup for work, a C-cup for shopping, and a D-cup for partying.”
Riêng tôi thì điều gây ấn tượng nhất trong thời đại này là chúng ta có thể bấm nút để làm việc từ thiện, theo gợi ý (mới đây) của nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Người Rục đang đói, học tập Trần Đăng Tuấn, bây giờ Dương Minh Phong không kêu ca chính quyền nữa, anh tự mình đứng ra lập quĩ cứu đói cho người Rục. Ai có điều kiện hãy cùng nhau góp gạo cứu đói cho người Rục. Ai có điều kiện hãy cùng nhau góp gạo cứu đói cho người Rục, hãy Bấm vào đây!”
Tôi bấm (tùm lum) một chập thì biết ra rằng vào ngày 22 tháng 9 năm 2011, ông Trần Đăng Tuấn đã đi Suối Giàng chơi. Chuyến đi này được ghi lại như sau:
“Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê . Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên , cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ? Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác H Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đó. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa.Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.”
Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn đang “tham quan” bếp nấu ăn của Ký Túc Xá Suối Giàng. Nguồn ảnh: trandangtuan.wordpress.com
“Hỏi : 80 đứa chỉ ăn cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13, 14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tối tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế ?- Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy- Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.”
Nghe xong bác Trần Đăng Tuấn lau vội nước mắt (tôi đoán thế) rồi lật đật chạy về nhà, cắm cúi viết blog kêu gọi thành lập “Dự Án Từ Thiện Bữa Cơm Có Thịt” cho các cháu bé vùng cao. Ai muốn tham dự thì … bấm vào đây!
Bữa cơm có thịt. Ảnh: Trần Đăng Tuấn
Tương tự, blogger Dương Minh Phong – sau khi ghé thăm đồng bào người Rục ở Quảng Bình – cũng hốt hoảng ghi lại ngay đôi dòng về chuyến đi này:
Tương tự, blogger Dương Minh Phong – sau khi ghé thăm đồng bào người Rục ở Quảng Bình – cũng hốt hoảng ghi lại ngay đôi dòng về chuyến đi này:
“Cần nhất bây giờ trong lũ và mùa đông giá rét sắp tới cũng là gạo để nấu cơm ăn. Bà con cũng mơ có thịt, có cá, có nước mắm mặn. Nhưng từ thực tế ở Rục, đồng bào của chúng ta chỉ một giấc mơ nhỏ bé; thèm cơm đến đắng lòng. Nhìn bữa ăn trưa của họ, tôi không cầm được nước mắt. Dù làm báo đã bắt gặp nhiều cảnh tượng khó khăn, nhưng giữa lúc này, thương lắm những người anh em Rục. Cơm với họ vẫn là thứ thèm muốn cháy lòng.”
Và vì thế mới có lời kêu gọi trên blog Quê Choa:”Ai có điều kiện hãy cùng nhau góp gạo cứu đói cho người Rục, hãy Bấm vào đây!
Vừa bấm xong thì blogger Cu Làng Cát lại cho biết thêm một chuyện não lòng khác nữa:
“Cạnh đồng bào Rục là tộc người A Rem nhỏ bé giữa rừng già di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Họ cũng vừa mới hơn 50 năm rời hang đá, cuộc sống quần tụ dưới mái những dãy núi đá vôi lừng lững…
Hôm trước, trao gạo cho đồng bào Rục, mình bất ngờ một chuyện mà chưa kể, có người hỏi A Rem thế nào. Ngớ người, họ quan tâm nhau. Mình biết, họ vẫn quan tâm nhau, nghĩa đồng bào mà, họ vẫn qua lại với nhau giữa rừng già đá vôi, đi rừng vẫn chào hỏi nhau và khi người Rục nhận được gạo, họ vẫn hỏi đến người A Rem. Quả là quý nhau tấm lòng.”
“Mỗi đóng góp xa gần sẽ vơi đi phần nào khó khăn với người anh em của chúng ta.”
Lời kêu gọi và hình của Dương Minh Phong
Đọc đến đây thì tôi phát … hoảng. Thôi không xem tiếp nữa, sợ sẽ bị người viết xúi (dại) tiếp tục bấm vào những … nơi nghèo đói khác trên phần đất quê hương khốn khổ và khốn nạn của mình!
Đảo mắt nhìn sang bên trái của giao diện blog Cu Làng Cát chợt thấy cái tựa bài hay hay (Chiều Nội Trú) nên lại táy máy bấm vào đây. Định đọc thử vài dòng thôi nhưng rồi không ngừng được, kể cả chuyện muốn ngưng cho nước mắt đừng rơi thêm nữa:
“ Duy nhất ngôi trường xây sáng lên trong chiều ảm đạm không nắng cuối thu, còn thì chỉ một màu xám xịt của những mái nhà sàn, nhà đất... Buồn hiu hắt…Bỗng dưng lòng mình như chùng xuống, nản nản. Ngày lại ngày những đứa trẻ sống và học như thế này đây…
Các thầy cô giáo bảo, từ khi có thêm miếng thịt ăn vào hai bữa cơm, có đứa lên được 4 kí lô. Cũng gần hai tháng rồi còn gì…Mà cũng từ khi được ăn thịt, chúng linh họat hẳn, đùa rinh rich …”
Bằng khoảng giờ này năm ngoái, tôi nhớ ông Nguyễn Minh Triết đã lớn tiếng tuyên bố:“Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng các cường quốc …” Thì quả là “ngày nay” dân Việt cũng đã theo bén gót những bước tiến của toàn thể nhân loại để bước vào Thời Đại Bấm Nút, chứ đâu có bỡn.
Thiên hạ bấm thì mình cũng bấm nhưng sao bấm vào đâu cũng toàn thấy những hình ảnh não lòng thế, hả Giời?
Tưởng Năng Tiến
11/2011
http://www.x-cafevn.org/node/2813
*** *** ***
TAG :
Dân Nghèo
http://xuongduong.blogspot.com/search/label/D%C3%A2n%20ngh%C3%A8o
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét