Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Nợ dưới chuẩn của các ngân hàng đã lên 4 tỷ USD

Minh họa 

Mạnh Bôn
-
Một trong những biện pháp tái cơ cấu NHTM là thực hiện mua bán-sát nhập. Muốn làm được việc này thì minh bạch, trung thực trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, nợ nần là yếu tố then chốt. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại (MHTM) là một trong 3 trụ cột trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng tái cấu trúc NHTM được bắt đầu từ đâu? Tái cấu trúc như thế nào để không diễn ra tình trạng “bình mới rượu cũ”? Lộ trình tái cấu trúc ra sao?… là những câu hỏi được các chuyên gia tài chính đặt ra tại Hội thảo Tái cấu trúc hệ thống NHTM, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán vừa được Học viện Tài chính tổ chức.

Trên thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu thực hiện tái cấu trúc từ năm 1997 bằng việc tách quản lý nhà nước và về ngân hàng ra khỏi chức năng kinh doanh ngân hàng.
Trong suốt 15 năm qua, hệ thống ngân hàng liên tục tái cấu trúc, từ việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức hợp tác xã tín dụng thành quỹ tín dụng, “xoá sổ” hệ thống NHTM cổ phần nông thôn đến việc yêu cầu các NHTM nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 1.000 tỷ đồng, rồi lên 3.000 tỷ đồng… đến việc thực hiện các hợp đồng bán cổ phần cho các đối tác chiến lược trong và ngoài nước… Trong cả quá trình này, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và làm sạch bảng cân đối kế toán của những ngân hàng yếu kém.

“Mặc dù ngân sách nhà nước đã phải bỏ tiền ra để xử lý nợ xấu cho nhiều NHTM, thế nhưng, điều đáng lo ngại là nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, đến đầu quý 4/2011, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lên tới 3,21% từ mức 2,16% của năm 2010 và có khả năng lên tới 5% vào cuối năm nay. Con số trên sẽ tiếp tục gia tăng nếu tính cả số tiền mà các NHTM đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa được trích lập dự phòng và số tiến mà các NHTM đã cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

“Nếu tính đầy đủ và tính toán theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể lên đến 13%”, TS. Nguyễn Văn Hiệu, Trường đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank lo ngại.

Phát biểu dưới danh nghĩa cá nhân, TS. Nguyễn Đắc Hưng (Ngân hàng Nhà nước) tính toán, nợ xấu và nợ dưới chuẩn của các NHTM tính đến 30.6.2011 ước vào khoảng 4 tỷ USD (vào khoảng 90.000 tỷ đồng).

Theo ông Hưng, con số nợ dưới chuẩn 4 tỷ USD kể trên cũng chỉ là tổng hợp báo cáo của các nhà băng, chưa phản ánh đầy đủ, trung thực tình trạng này. Và trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay thì “nợ xấu vẫn là một ẩn số”.

Muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, theo ông Hưng, cần phải xử lý dứt điểm một số hạn chế của hệ thống ngân hàng hiện nay như, chất lượng tài sản có của các NHTM kém, thiếu vốn tự có, gặp khó khăn về tính thanh khoản, yếu kém trong quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, trong đó phải tập trung vào việc xử lý nợ xấu.

Trong giai đoạn 2001-2005, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra 19.000 tỷ đồng để xử lý 23.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng nhằm làm trong sạch bảng cân đối kế toán cho nhiều nhà băng, nhưng theo TS. Phí Trọng Thảo, Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt thì hiệu quả đạt được trong việc xử lý nợ xấu rất thấp và chỉ làm lợi cho một tổ chức.

“Việc tập trung xử lý nợ xấu bằng giải pháp kinh tế (sử dụng ngân sách hoặc các giải pháp để xoá nợ) trong thời gian qua chẳng khác nào xử lý phần nổi của tảng băng. Xử lý xong phần nổi, phần chìm lại nổi lên. Kết quả là hệ thống ngân hàng vẫn yếu kém như cũ”, ông Thảo bình luận.

Nguyên nhân gây ra nợ xấu của các NHTM, theo ông Thảo là do hoạt động kiểm soát rủi ro có quá nhiều bất cập, chính sách quản lý hệ thống ngân hàng còn nhiều lỏng lẻo, minh bạch trong hoạt động kinh doah và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng – những người chịu trách nhiệm chính trong việc cho vay – suy giảm nghiêm trọng.

“Những hạn chế trên đã dẫn tới tình trạng cán bộ ngân hàng dễ dàng cho vay hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng sai quy định dẫn đến nợ xấu gia tăng. Nhiều ngân hàng thành lập “sân sau”, trong đó không ít ngân hàng thành lập, góp vốn vào công ty chứng khoán dẫn đến thua lỗ vì cho vay chứng khoán. Vì thế, để xử lý nợ xấu cần phải xử lý triệt để những hạn chế này, tuy nhiên cần phải có lộ trình để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế”, ông Thảo phát biểu.

Để khởi động quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, theo bà Lã Thị Lâm (Học viện Tài chính), Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các NHTM công bố công khai tình hình nợ xấu năm 2011, qua đó rà soát lại những ngân hàng yếu kém, ngân hàng mất khả năng thanh khoản, đặc biệt tránh tình trạng nhân nhượng với những ngân hàng không thực hiện đúng thời hạn phải công bố công khai tình hình nợ xấu. Với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hoặc tỷ lệ cho vay dưới chuẩn cao hơn mức cho phép, Ngân hàng Nhà nước phải cương quyết chỉ đạo thu hồi nợ.

“Một trong những biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung, NHTM nói riêng là thực hiện mua bán-sát nhập (M&A). Muốn làm được việc này thì minh bạch trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, nợ nần là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, với hệ thống ngân hàng, hoạt động M&A cần phải thực hiện một cách “trật tự” để tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền”, bà Lâm khuyến cáo.
Theo Mạnh Bôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét