Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Thế hệ thứ 5

Máu xanh và nhạc đỏ (2)
Andreas Lorenz
Ba Cơ – TTXVA chuyển ngữ


Năm 2012 lại sẽ có thêm một Đại hội Đảng nữa, lần thứ 18 trong lịch sử của ĐCS. Đến lúc đấy, một phần lớn lãnh đạo cấp cao sẽ được thay thế. Người đàn ông có lẽ sẽ là người nắm quyền lực của Trung Quốc là một cán bộ mà bạn bè gọi là “cực kỳ tham vọng”: Tập Cận Bình, người mà chúng ta đã gặp trong Sảnh Thượng Hải, hiện giờ là Phó Chủ tịch nước và là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. 


Ông là con trai của người cựu du kích quân cộng sản và sau này là phó thủ tướng Tập Trọng Huân và do đó là một hoàng tử. Tập lớn lên trong vòng che chở của giới lãnh đạo cao nhất. Tuy vậy, khi còn trẻ, ông ấy đã trải qua những vực sâu của “Cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại”, cái mà người thành lập nhà nước Mao Trạch Đông đã khởi động để trừ khử địch thủ trong hàng ngũ Đảng.

Cha của Tập vào tù, người con trai, mới 15 tuổi, phải về nông thôn làm ruộng trong tỉnh Thiểm Tây. “Nhiều ý tưởng thực dụng của tôi có gốc rễ của nó trong thời gian này. Nó luôn luôn ảnh hưởng đến tôi”, ông nói sau này.[1]

Vào đầu những năm 70, nhiều hoàng tử đã có thể bỏ lại cuộc sống nông dân cực nhọc ở lại sau lưng mình và quay trở về Bắc Kinh, Tập cũng vậy. Nhưng trong khi có những thanh thiếu niên nào đó không còn muốn biết gì về chính trị nữa thì ông chọn một con đường khác. “Ông ấy quyết định sống sót bằng cách trở thành đỏ hơn đỏ”, một người quen tường thuật lại cho các nhà ngoại giao Mỹ.[2]

Mặc dù Đảng đã quẳng cha của mình vào tù, Tập trở thành đảng viên của ĐCS. Trong khi bạn bè của ông ngốn ngấu văn học phương Tây, Tập học đại học về Marx và tham gia một Ủy ban Cách mạng Công Nông Binh. Trong số những hoàng tử thời đấy có một bí mật mở là Tập nhận bằng đại học đầu tiên về “Chủ nghĩa Marx” nhờ vào phòng đọc sách thì ít mà nhiều hơn là nhờ vào thực tiễn.

Năm 1979, Tập học đại học thật sự – tại Đại học Thanh Hoa nổi tiếng ở Bắc Kinh. Ông ghi danh học Hóa và Chủ nghĩa Marx, sau đấy điều kỳ lạ là ông ấy có bằng tiến sĩ luật. Sau khi học đại học, Tập trở thành người lính, ông phục vụ như là thư ký trong văn phòng của Ủy ban Quân ủy Trung ương ở Bắc King, ở cấp bậc nào vẫn còn là điều bí mật. Sau đấy, ông sẽ tiếp nhận những nhiệm vụ quân sự như là một cán bộ tỉnh,.

Về mặt đời tư, Tập không có nhiều may mắn như thế, cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với Kha Hiểu Minh, người con gái có học và thanh lịch của một nhà ngoại giao, đã nhanh chóng tan vỡ. Họ sống trong căn hộ của cha mẹ ông trong khu phố quan chức Nam Sa Câu ở phía tây của Bắc Kinh và “cãi nhau gần như mỗi ngày”, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ biết được. Cuối cùng, Kha trở về Anh quốc, nơi bà đã sống một thời gian dài với bố mẹ. Tập ở lại Bắc Kinh. Sau đấy, ông kết hôn với nữ ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Viên, người thăng tiến lên đến thiếu tướng. Bà ấy chỉ huy đội văn công của quân đội. Một người con gái hiện đang học đại học ở Harvard dưới một tên khác.

Chỉ có thể thăng tiến lên cao, Tập nhận ra như thế trong những năm đầu, khi ông ấy dứt ra khỏi nhóm có quyền lực ở Bắc Kinh một thời gian và thu thập kinh nghiệm ở tỉnh. Ông làm việc và thăng tiến trong các tỉnh Hà Bắc, Phúc Kiến và Chiết Giang. Phúc Kiến nằm đối diện với Đài Loan, và thuộc vào trong số những nhiệm vụ của Tập là tranh thủ các nhà đầu tư từ đảo này, điều mà ông đã hoàn thành một cách thành công. Trong vòng 17 năm, ông phục vụ trong bảy thành phố của tỉnh. Hai cán bộ được ông ấy nâng đỡ sau này bị kết án tham những, cái rõ ràng là không gây hại cho ông về chính trị.[3]

Ở Đông Trung Quốc, Tập bị thu hút bởi Đạo Phật, khí công và võ thuật truyền thống Trung Quốc. Rõ ràng là ông tin rằng qua đấy có thể củng cố được sức khỏe và cảm thấy dễ chịu. Người ta cho rằng trong gian đoạn này của cuộc đời mình, ông còn tin vào những lực siêu tự nhiên nữa.

Năm 2007 ông trở thành bí thư Đảng Thượng Hải, một bước to lớn trên con đường sự nghiệp. ĐCS ở đó đã rối loạn sau một xì căng đan tham nhũng. Tập thay Trần Lương Vũ, người đã chống lại các chỉ thị từ Bắc Kinh và bị cho là phải chịu trách nhiệm cho việc hơn 40 triệu euro từ quỹ tiền hưu của Thượng Hải đã được chi ra không đúng mục đích. Trần hiện đã bị kết án 18 năm tù.

Cái được gọi là “Băng nhóm Thượng Hải” dưới quyền của cựu tổng bí thư Đảng Giang Trạch Dân, thời đấy vẫn còn nhiều ảnh hưởng, đã gọi Tập về Thượng Hải. Vì ông ấy được xem là không tham nhũng và được trang bị cho đủ quyền lực để trừ khử những đồng chí tinh ranh ra khỏi nội bộ. Thế nhưng ông ở lại thành phố cảng và tài chính của Trung Quốc chỉ bảy tháng, sau đấy giới lãnh đạo gọi ông về Bắc Kinh. Cuối cùng thì kế hoạch công danh của Tập cũng thành công. “Ông ấy để mắt đến lần thăng tiến vào Trung Ương ngay từ ngày đầu tiên”, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ trích dẫn nguồn của họ.

Tập không phải là một người bay bổng về mặt trí thức, nhưng “tính toán, tự tin và tập trung”, theo một bản báo cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh – một “người thực tế” và “thực dụng”, người luôn luôn che dấu bài của mình và rồi “lạnh lùng” chơi đúng lá bài vào đúng thời điểm. Đồng thời ông ấy cũng là một con ngươi thân thiện, một người “lúc nào cũng quan tâm đến bạn”. Trong thời thanh niên, ông không bao giờ nói về giới tính kia hay về phim. Rượu và gái, cách tiêu khiển của nhiều cán bộ, không phải là việc của ông. Phụ nữ cho ông ấy là tẻ nhạt, điều này thì ông chia sẻ với cấp trên cứng nhắc của ông là Hồ Cẩm Đào.

Chỉ duy nhất một lần là Tập gây sự chú ý với một cơn nổi giận ở nơi công cộng – khi ông phàn nàn trước các doanh nhân Trung Quốc ở Mexico trong năm 2009 về “vài người ngoại quốc bụng bự chẳng làm gì khác ngoài việc chỉ tay vào đất nước của chúng ta”. Ông thêm vào đấy: “Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ nhì Trung Quốc không xuất khầu nghèo đói; và thứ ba, Trung Quốc không làm những việc phi lý …”[4]

Cho tới nay, ông không nổi bật với ý tưởng chính trị hay sáng kiến, điều đấy thì trước sau cũng không nên trong hệ thống công danh của ĐCS. Các tướng lĩnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân đáng giá cao ông chỉ riêng vì người cha cách mạng của ông và tình bạn của ông ấy với nhà cải tổ qua đời năm 1997 Đặng Tiểu Bình. Không có gì cho thấy là Tập Cận Bình có thể sẽ trở thành một Gorbachev Trung Quốc. Ông không coi trọng các cải cách dân chủ, ông ghét cay ghét đắng việc chỉ chạy theo tiền bạc và giàu sang của nhiều người đồng hương. Dường như ông ao ước có lại thời gian ngày xưa. Khi là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, như nhiều học viên thuật lại, ông thích trích dẫn Mao. Trong lúc tiến hành tổ chức Đảng, giới lãnh đạo Đảng phải “học tập dự án xây dựng Đảng vĩ đại, cái về cốt lõi đã được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Thế hệ Thứ nhất với đồng chí Mao Trạch Đông”, ông giảng dạy.[5]

Nổi bật là thiện cảm của ông ấy dành cho những người “anh hùng của quần chúng” của ngày hôm qua, được tuyên truyền ca ngợi dưới thời Mao, như “người sắt” của mỏ dầu Đại Khánh hay người lính can đảm Lôi Phong. Ông tin rằng chỉ một nhóm tinh hoa nhỏ của Trung Quốc là có thể duy trì sự ổn định xã hội và dẫn dắt đất nước đến tầm vóc to lớn. Các hoàng tử là “những người thừa kế chính thống” của cuộc Cách mạng Trung Quốc, ông ấy nói.[6]

Lúc ban đầu, người đứng đầu nhà nước và Đảng Hồ Cẩm Đào đã không chọn ông làm người kế nghiệp. Người được Hồ ưa thích là Lý Khắc Cường, người mà cũng như ông ấy đã bắt đầu sự nghiệp trong Đoàn Thanh niên Cộng sản. Thế nhưng một nhóm đồng chí cao niên, ngoài những người khác là cựu bí thư ĐCS Giang Trạch Dân, đã phản đối. Lý “không có đủ kinh nghiệm”, họ nhận xét. Người đứng đầu Đảng nhân nhượng, thay vào đó Lý sẽ là người kế nghiệp của thủ tướng Ôn Gia Bảo.

________________________
[1] Wong, Ansfield: “In China, Hu’s successor is being quietly groomed”, New York Times, 23/01/2011
[2] “Roter als rot” ["Đỏ hơn đỏ"], trong “Die enthüllte Supermacht – Amerikas Geheim-Depeschen” ["Siêu cường quốc bị lột trần – Những điện tín bí mật của Mỹ"] SPIEGEL Special Số 1, Tháng 12 năm 2010.
[3] Wong, Ansfield: “In China …” New Yourk Times, 23/01/2011
[4] Như trên.
[5] Xinhua 8 tháng 9 năm 2010. Nhân dân Nhật báo, 10/09/2010
[6] “Roter als rot” ["Đỏ hơn đỏ"], trong “Die enthüllte Supermacht – Amerikas Geheim-Depeschen” ["Siêu cường quốc bị lột trần – Những điện tín bí mật của Mỹ"] SPIEGEL Special Số 1, Tháng 12 năm 2010

————————————————————————————–

“Phương Đông mới” thay đổi thế giới ra sao



Lời của Nhà xuất bản: Andreas Lorenz là thông tín viên của báo Spiegel từ 1982 đến 1986 ở Moscow. Năm 1988, ông đến Bắc Kinh lần đầu tiên và ngoài những việc khác đã trải qua lần chấm dứt đẫm máu của phong trào dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Con đường thông tín viên nước ngoài dẫn ông đến Warsaw năm 1991, nơi ông dõi theo sự phát triển của Ba Lan và của các quốc gia vùng Baltic sau đổi mới.

Năm 1996 ông đến Đông Nam Á và chẳng bao lâu sau đấy đã chứng kiến chính quyền Suharto sụp đổ ở Indonesia và lực lượng Khmer Đỏ từ bỏ cuộc đấu tranh của họ ở Campuchia. Từ năm 1999 ông trở lại sống ở Bắc Kinh và viết cho tờ Spiegel về lần khởi dậy đầy thu hút của Trung Quốc và những mâu thuẫn của nó cho tới cuối 2010.

Trong quyển sách này, với kiến thức sâu sắc của mình, ông mô tả những phát triển hết sức nhanh chóng ở Viễn Đông và phác họa nhân vật có nhiều quyền lực nhất: Trung Quốc. Nhưng ông cũng phân tích với tầm nhìn xa những yếu tố nào có thể cản trở sự vươn lên của châu Á: chế độ độc tài, xung đột lãnh thổ và ô nhiễm môi trường.

Lời của người dịch: Tại sao lại có bản dịch này? Đơn giản là mình tình cờ đọc được quyển sách này, thấy có nhiều điều thú vị nên muốn trích dịch vài chương chia sẻ với mọi người. Đơn giản thế thôi. Người dịch không hề nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai cả, và cũng không có một thế lực nào xúi giục đâu.
Tựa của những bài post là tựa của từng chương một trong quyển sách này.

TTXVA mời các bạn đón đọc.

Lịch sử đã chấm dứt hay bây giờ nó mới thật sự bắt đầu?

Ngôi sao mới trên bầu trời

Bí quyết thành công của châu Á

Cuộc đấu tranh của các tư tưởng

Trung Quốc chinh phục châu Phi và giới tỷ phú

Những nền dân chủ không có nhà dân chủ

Dân chủ ở châu Á

Những ông chủ mới của Trung Quốc và nỗi sợ hãi trước mùi hương của hoa lài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét