Chiều tối 26/11, triều cường đạt đỉnh 1,58 m (vượt mức kỷ lục cũ tối 29/10 là 1,57 m). Nước dâng cao làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, giao thông rối loạn, hàng loạt xe chết máy
> Triều cường kỷ lục do 'lá phổi' thành phố bị bức tử/ Nhiều tuyến đường Sài Gòn ngập nặng do triều cường/ Người Sài Gòn nơm nớp lo triều cường/ Hàng trăm hộ dân bị nhấn chìm vì vỡ bờ bao
Điểm ngập sâu nhất tại đường Lương Định Của, quận 2. Khoảng 16h30 nước bắt đầu dâng cao, một tiếng sau nước đã ngập hơn đầu gối. Chỗ sâu nhất ngập hơn nửa mét khiến tuyến đường này chìm sâu trong biển nước. Hàng loạt xe lưu thông qua đây bị chết máy phải dẫn bộ, nhiều xe ôtô phải quay đầu tìm hướng khác khiến giao thông khu vực này hỗn loạn.
Đường Lương Định Của, đoạn dẫn vào phà Thủ Thiêm nước ngập lênh láng. Ảnh: H.C. |
"Khoảng 4h sáng nay tôi đang ngủ thì nước tràn vào nhà ướt hết người, chiều lại bị ngập. Cứ ngập ngày 2 buổi kiểu này thì còn làm ăn gì", anh Đức Tài, chủ đại lý bưu điện trên đường Lương Định Của, cho biết.
Nhiều hộ kinh doanh ở chợ An Khánh trên tuyến đường này cũng lắc đầu ngao ngán bởi một tháng có hơn 10 ngày phải chịu cảnh ngập do triều cường. "Hôm nào triều cường lên cao là hôm đó coi như chẳng ai bán buôn được", một chủ sạp trái cây trước chợ An Khánh nói.
* Clip đường phố TP HCM ngập sâu |
Tại cầu Phú An (đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh), nước từ sông Sài Gòn dâng lên mấp mé sát nhà dân sống ở gần chân cầu. Ở trong các con hẻm ngập còn nặng hơn. Dù mọi người chủ động chèn bao cát ngăn không cho nước tràn vào nhưng do triều dâng quá cao nhiều nhà dân vẫn bị ướt hết đồ đạc.
Đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Lương (quận 7), cũng bị ngập sâu trong nước khiến xe cộ lưu thông qua đây rất vất vả. Người dân sống trong những khu vực này chỉ còn biết ngồi chờ nước rút.
Đường Bùi Hữu Nghĩa, Ngô Tất Tố, Phú Mỹ, Xô Viết Nghệ Tỉnh (quận Bình Thạnh), Bến Bình Đông, Phạm Thế Hiển (quận 8), Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) cũng trong tình trạng tương tự, nhiều đoạn cũng bị ngập từ 0,3đến 0,5 m.
Đến 20h, đường Lương Định Của, đoạn dưới chân cầu Thủ Thiêm vẫn còn là một biển nước khiến xe cộ lưu thông rất vất vả. Ảnh: H.C. |
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường ngày 27/11 là 1,57 m (vào lúc 5h30) và 1,56 m (lúc 18h30). Ngày 28/11 là 1,48 m (lúc 6h30) và 1,49 m (19h30). Vùng hạ lưu các sông khác ở Nam bộ cũng đang kỳ triều cường ở mức cao. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xảy ra vào các ngày 25-27/11. Nguyên nhân đỉnh triều bất ngờ vọt lên rất cao là do gió Đông Bắc đang thổi rất mạnh trên vùng biển phía nam đã đẩy thủy triều từ biển vào sâu trên các sông.
Trước những diễn biến phức tạp trên của đợt triều cường cuối tháng 11, và khả năng xả lũ của hồ Dầu Tiếng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã yêu các sở ngành, các quận 2, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Củ Chi, Hóc Môn tổ chức rà soát tại các vị trí xung yếu vào thời điểm khi mực nước triều dâng cao từ nay cho đến khi hết đợt triều cường; chuẩn bị lực lượngđể xử lý ngay khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố. |
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét