Với những ai đang mang trong mình dòng máu Việt, dù chỉ còn một chút lương tri hay một chút suy tư cùng đất nước ắt hẳn sẽ biết đau cùng nỗi đau mất mát của đồng bào mình đang ở tít ngoài đảo xa, nơi ấy có tên gọi Lý Sơn.
Ngày ấy, Lý Sơn từng là quê hương những đoàn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đoàn hùng binh ấy đã bao lần một đi không trở lại để bảo vệ chủ quyền bở cỏi ngoài khơi xa của tổ quốc, Hoàng Sa – Trường Sa. Và ngày nay, mãnh đất khắt nghiệt chỉ có nắng, gió, bão bùng ấy vẫn liên tục sản sinh ra nhiều người con luôn sẵn lòng về với biển, nơi mà cha ông họ đã từng đặt chân đến và khẳng định chủ quyền quốc gia .
Họ không còn được gọi là những hùng binh như xưa, nhưng họ vẫn luôn có mặt và được xem như là những cột mốc sống trên biển, ngày đêm luôn phải đối diện với thiên tai, nhân tai bất ngờ. Họ là ngư dân Lý Sơn, những người con đất Việt mà nỗi khát khao về với biển, về với Hoàng Sa chưa bao giờ tắt.
Lý Sơn có thể được gọi với nhiều cái tên. Gọi là đảo không chồng, đảo trông chồng, đảo mồ côi hay đảo mộ gió… đều được cả, bởi tên gọi nào cũng đúng, cũng phù hợp với những gì đã và đang diễn ra ở nơi đây.
Có lẽ, không có nơi nào buồn và tan thương bằng Lý Sơn. Bao đời nay, chuyện gia đình ly tán, vợ góa chồng, trẻ mồ côi đã là chuyện thường ngày. Đến giờ, đã có bao nhiêu người mẹ xa con, vợ xa chồng, con xa cha hay đã có bao nhiêu mộ gió được đắp vội trên cát… chắc cũng không ai biết được, chỉ biết rằng nỗi đau vô tận cùng ấy vẫn chưa hề dứt, thậm chí còn đau hơn khi rãi rác luôn có người phải bỏ mạng vì những chiếc tàu lạ mà đích thị là tàu Trung Quốc tấn công, bắt bớ, đánh đập, nhấn chìm…
Đáng lý ra nỗi đau ấy phải được ghi nhận, chia sẻ bằng một cái gì đó bởi những người con đất Việt máu đỏ da vàng. Nhưng buồn thay, nó lại được một người Việt không phải da vàng, ông André Menras, thốt lên. Thật đáng quý và may mắn gì hơn cho người Việt Nam khi có một người “đồng bào” như thế. Hãy nghe ông chia sẻ: “Mục đích chính của bộ phim là để ngư dân, những bà vợ góa, đồng bào tại nơi ấy nói những gì mình muốn nói. Từ đó để giải tỏa nỗi đau của họ, để bày tỏ lòng yêu quê hương, yêu nước của họ. Để Tổ quốc của họ nghe, chia sẻ, ủng hộ. Để dư luận nước ngoài có một phản ứng phẫn nộ, đoàn kết và hỗ trợ…”
Nhưng thật không may, ý nguyện chia sẻ cái “nỗi đau mất mát” ấy lại không được một số người ủng hộ. Bằng chứng là bộ phim đã bị yêu cầu ngưng chiếu giới thiệu với thân hữu khi vẫn chưa được bắt đầu.
Trong một bài hát nào đó Trịnh Công Sơn đã viết “… người chết hai lần, thịt da nát tan”. Dù hai sự việc, hai hình ảnh khác nhau, diễn ra trong một thời điểm, hoàn cảnh khác nhau nhưng sao giống nhau quá. Cấm công chiếu bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát” chẳng khác nào khiến cho nỗi đau, sự mất mát ấy được nhân đôi.
- Trần Minh Quân
- http://tranminhquan.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét