Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

CHỐNG THAM NHŨNG: NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐANG ĐỨNG Ở ĐÂU?

Đất đai là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, được cơ quan thanh tra đặc biệt quan tâm. (Trong ảnh: Dự án Khu đô thị mới Vân Canh, Hà Nội được Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, TP Hà Nội vừa lập đoàn thanh tra dự án). Ảnh: Minh TuấnViệt Anh, theo SGTT

Đã qua một chặng đường khá dài, từ khi Chính phủ Việt Nam cùng các nhà tài trợ quốc tế tổ chức chín kỳ đối thoại về phòng chống tham nhũng (từ năm 2007), nhưng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực.


Đó là ý kiến chung của các cơ quan chức năng Việt Nam và đại diện các sứ quán, tổ chức quốc tế tại cuộc đối thoại lần thứ mười diễn ra tại Hà Nội sáng 29.11.

Mối quan tâm lớn của toàn xã hội

Thay mặt cho văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng khái quát lại tình hình sau năm năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, ông Cấn Đức Quyết cho hay, tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.
Đáng chú ý, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng còn yếu, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Do đó, số vụ việc, vụ án được phát hiện và xử lý còn thấp so với tình hình thực tế đang diễn ra. Có một số vụ việc, vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo ông Quyết, Chính phủ đã ban hành nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Bộ Nội vụ cũng ban hành thông tư số 08/2007 hướng dẫn xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở các đơn vị sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước. Một số bộ, ngành, đã ban hành văn bản quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu như bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận…

Tuy nhiên, trong năm 2011, mới có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách. Trong đó cách chức 11 người, cảnh cáo 10 người và khiển trách 40 người.

Ông Quyết cho biết thêm, trong năm năm qua, ngành thanh tra đã tiến hành hơn 6.300 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội và thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, thuế, quản lý vốn, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… Giai đoạn 2006 – 2010, công tác kiểm toán đã thu hồi cho ngân sách hơn 77.000 tỉ đồng.

Thông tin của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, trong năm năm qua (2007 – 2011), các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ về các tội tham nhũng, với 600 bị can.

“Sau năm năm tới, liệu chúng ta có thở dài?”

Đến từ bộ Phát triển quốc tế Anh (đại diện cho đại sứ quán Anh, cơ quan điều phối phòng chống tham nhũng giữa Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế), ông Renwick Irvine nhận định, từ năm 2006 đến nay, việc “chấp nhận tham nhũng” ở Việt Nam đang là một vấn đề. Ông Renwick Irvine cho biết có đến 75% người dân Việt Nam trả lời sẽ không tố cáo nếu bị đòi hối lộ và nguyên nhân là “có tố cáo cũng không có tác dụng gì” (53% người trả lời). Điều đó chứng tỏ người dân không tin vào hệ thống chống tham nhũng của Nhà nước. 

Ông Irvine kết luận, việc chống tham nhũng ở Việt Nam có những thách thức to lớn vì mang tính hệ thống, xã hội chấp nhận như một “chuẩn mực”, có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi, tham nhũng vẫn còn tràn lan, nhìn chung là chưa có những thay đổi căn bản. Theo ông, Việt Nam cần có cải cách mạnh mẽ và những bước đi mang tính bước ngoặt, “Liệu sau năm năm nữa, chúng ta sẽ nói gì về những điều đã đạt được hay chúng ta sẽ thở dài: không, chúng ta đã không đạt được mục tiêu?”, ông nêu nghi vấn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cố nán lại hội thảo tới phần thảo luận vì “muốn lắng nghe ý kiến của đại diện các nhà tài trợ”. Đáp lại, các đại diện từ sứ quán Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Canada, New Zealand, WB, ADB… đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hành động, bởi các khuôn khổ, chính sách của Việt Nam về phòng chống tham nhũng có thể xem là “tốt rồi”. Các yếu tố chính được nêu bật lên là Việt Nam phải tăng cường hơn nữa tính minh bạch thông tin, người dân phải được tiếp cận thông tin như một quyền “chứ không phải đặc ân”. 

Thứ hai là làm sao khuyến khích người dân tham gia phản biện, tích cực tố cáo tham nhũng, biến thành hành động cụ thể. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, báo chí cũng được các đại diện quốc tế nhắc đến như là nhân tố hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. “Việt Nam hoàn toàn hiểu rằng tham nhũng là rào cản lớn trên con đường phát triển của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam sẵn sàng trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các đối tác phát triển trong công tác phòng chống tham nhũng. Chúng tôi tin tưởng rằng Vương quốc Anh, với tư cách là nhà tài trợ điều phối trong phòng, chống tham nhũng, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam”, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc WB tại Việt Nam nói, bà rất mong nhìn thấy tính minh bạch ở Việt Nam, vì đó là nguyên tắc chủ đạo đảm bảo cho phòng chống tham nhũng thành công. Minh bạch phải là quy luật, Chính phủ cần phải chia sẻ thông tin, công khai mọi số liệu thống kê để người dân có thể tiếp cận. Bà Victoria cũng đề xuất cần nêu lên một vài bài học tốt trong phòng chống tham nhũng để rút kinh nghiệm. Nếu không thì mọi người sẽ cảm thấy chống tham nhũng là công việc khó khăn và khó đẩy lùi.

Góp ý với hội thảo, đại diện của đại sứ quán Mỹ nêu ví dụ, trong những năm 2000, ra đường hầu như người dân Việt Nam không đội mũ bảo hiểm, nhưng đến nay tình hình đã khác, Chính phủ đã thực hiện được việc quán triệt quy định đó. “Vậy vấn đề là, miễn chúng ta có quyết tâm và mong muốn thực thi”.


http://tiengnoidanchu.wordpress.com/2011/12/01/ch%E1%BB%91ng-tham-nhung-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%E1%BB%A9ng-d%E1%BA%A7u-dang-d%E1%BB%A9ng-%E1%BB%9F-dau/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét