Quốc Hội khóa 13 đã kết thúc kỳ họp thứ 2 ngày hôm qua, 26/11.
Kỳ họp thứ nhất, sau bầu cử là để sắp xếp và tổ chức bộ máy hành pháp trung ương. Vì thế nhân dân, đại cử tri, chưa thực sự biết được chất lượng của cơ quan dân chủ và người đại diện cho mình.
Chỉ có kỳ họp thứ hai vào dịp cuối năm, khi chương trình nghị sự của Quốc Hội bàn đến những vấn đề dân sinh dân chủ gắn liền với cuộc sống thiết thực của người dân, thì đại biểu quốc hội (ĐBQH) thông qua hoạt động của họ, mới có dịp thể hiện và bộc lộ mình.
Hay nói cách khác, ĐBQH sẽ có dịp cho người dân biết họ có đủ trình độ, tư cách, bản chất và có xứng đáng để đại diện cho cử tri?
Đại Biểu Quốc Hội, họ là ai ?
Theo luật định, Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 43, chương IV: ”Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.”
Điều 1, chương I cũng định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp….”.
Như vậy, diễn đàn của Quốc hội là diễn đàn (đại diện) của nhân dân. ĐBQH là đại diện cho nhân dân.
Diễn đàn Quốc hội (nghị trường) phải là một nơi tiêu biểu cho nền dân chủ. Mọi hoạt động, vận hành đều phải theo phương cách dân chủ nhất, pháp quyền nhất.
Tư duy của ĐBQH tại nghị trường cũng phải là tư duy dân chủ. Bỡi vì, họ phải mang tâm thế, tình cảm, lương tâm, nguyện vọng của số đông là nhân dân. Mỗi lời nói, mỗi câu hỏi chất vấn, sự nghiêm túc và chăm chỉ trong hoạt động của họ đều phải là đại diện cho số đông.
Thế mà kỳ họp thứ hai của Quốc hội, khóa 13 đã để lại không ít ấn tượng thất vọng trong lòng nhiều cử tri.
Qua 29 ngày hoạt động, không phải tất cả 500 ĐBQH có cơ hội phát biểu, tranh luận hay chất vấn. Thời gian cho họ cũng không nhiều, nhưng những gì mà một số ĐBQH “thể hiện” cũng đủ để nhiều cử tri thất vọng. Họ cảm thấy tiếc cho lá phiếu của mình đã đặt nhầm chổ.
Chỉ một vài vị trong số 500 ĐBQH thể hiện cũng đủ để làm lu mờ hình ảnh và mục tiêu mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, đang phấn đấu hướng đến. “Xây dựng một nhà nước pháp quyền do dân và vì dân”
Tư duy và phong cách của nghị trường Quốc hội kỳ họp vừa qua mang không khí, dáng dấp của cuộc giao ban của các ông chủ hơn là một nghị trường tiêu biểu cho nền “dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp”.
Một chủ tịch điều hành phiên chất vấn như một ông Tổng giám đốc điều hành cuộc họp công ty tư nhân. Ông có thể cắt ngang bất cứ lời phát biểu của ĐBQH, nếu ông muốn. Lúc khen lúc chê chứ ít khi lắng nghe và phân tích ĐBQH có nói đúng – sai so với nguyện vọng cử tri?!
Một ĐBQH đứng lên đọc một bài viết sẵn nhằm đả phá “nhiệm vụ và chức năng” của chính Quốc hội về quyền lập pháp, với lý do là luật (biểu tình) làm ra sẽ chống “chính phủ và thủ tướng”!? (Hoàng Hữu Phước)
Một ĐBQH thay vì chất vấn người điều hành chính phủ lại ca ngợi thành tựu chống lạm phát và yêu cầu Thủ tướng “định hướng” cho họ đầu tư vào đâu thì sẽ sinh lợi cho công ty và doanh nghiệp của ông !? (Đặng Thành Tâm)
Một ĐBQH ngây thơ trình một dự luật vu vơ mà chính mình cũng chưa hình dung ra nó sẽ điều chỉnh cái chi chi. Chỉ vì ý tưởng luật đó được phôi thai từ các cuộc “trà dư tửu hậu” nơi quán nhậu và cà phê!? (Nguyễn Minh Hồng)
Một ĐBQH vốn là thủ lĩnh của một tập đoàn đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật “bảo vệ môi trường”, lại trình một dự luật “bảo vệ quyền riêng tư”, chỉ vì đời tư của mình bị lên mặt báo quá nhiều!? (Đặng Hoàng Yến)
Chỉ bấy nhiêu vị đó thôi, đều doanh nhân tư nhân, đã thể hiện vai trò của họ ở nghị trường. Cũng là để cử tri có cơ hội nhìn lại và đặt vấn đề vai trò và chất lượng của ĐBQH khóa 13.
Họ đại diện cho ai? Cho nhân dân hay cho cá nhân và nhóm quyền lợi của họ ?
Có bao nhiêu ĐBQH khóa 13 là doanh dân mua phiếu bầu (của cử tri hoặc ban bầu cử) để vào nghị trường Quốc hội. Nơi họ đã và sẽ đánh bóng tên tuổi, trục lợi cho mình và nhóm quyền lợi của họ ?
Hướng đến một nền PHÁP QUYỀN DO DÂN VÌ DÂN thì trước hết nghị trường Quốc hội phải là nơi mang tư duy dân chủ vì dân & do dân chứ không phải tư duy của các ông chủ !
Thế mới thực sự là “pháp quyền dân chủ” ! Dù là dân chủ tư bản hay dân chủ “định hướng” xã hội chủ nghĩa !
Chủ nhật, 27/11/2011
Sao Hồng ****
Tham khảo:
- http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen/2011/12979/Cham-lo-xay-dung-Nha-nuoc-phap-quyen-vi-dan.aspx - http://www.na.gov.vn/htx/Vietnamese/default.asp?Newid=52774#bTRM47yheAB0 - http://www.ubmttq.hochiminhcity.gov.vn/web/vi-vn/chuyenmuc-562-luat-tintuc-1162-luat-to-chuc-quoc-hoi-nam-2001.aspx - http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_bi%E1%BB%83u_Qu%E1%BB%91c_h%E1%BB%99i_Vi%E1%BB%87t_Nam - http://www.emotino.com/bai-viet/19390/phat-bieu-tai-quoc-hoi-ve-luat-tinh-lap - http://www.thanhnien.com.vn/pages/20111126/xay-dung-luat-bieu-tinh-de-dam-bao-quyen-tu-do-dan-chu.aspx
http://saohongblog.wordpress.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét