Sáng chủ nhật cuối thu, trời trong xanh, mát mẻ. Thời tiết rất đẹp để những người dân thủ đô đi dạo. Mình cũng như thế, mình đi bộ từ nhà đến gần hàng phở Thìn ngồi uống cà fe ung dung 1 mình, ngắm thiên hạ đi qua đi lại,người quen nhiều lắm. Cả an ninh lẫn bạn biểu tình, nhưng mình làm như không biết gì ai, bởi bây giờ mới 8 giờ 30, còn quá sớm để chào hỏi nhau.
Gần 9 giờ đối tượng theo dõi mình ngó vào quán xem mình còn ở đó không. Đối tượng đi theo mình bao lâu, lúc ở Ngĩa Tân, lúc ở Hàng Buồm, rồi Thái Hà, và Hồ Gươm quen đến nỗi mình cũng chả bận tâm. Mình đi sang bên đường , hai tay đút túi cứ tà tà đi giữa hè đường.
Đang đi đến chỗ đối diện tượng đài Lý Thái Tổ thì gặp Phạm Văn Phương, Phương Bích, Lê Dũng, Lã Dũng và ông anh trai mình. Cũng chả nói chuyện với ai, mình đút tay vào túi đi tiếp thì thấy xôn xao, ngoái lại thấy Phương bị một đám thanh niên lôi lên xe buýt, đứng nhìn thấy Lê Dũng bị lôi lên tiếp. Bắt xong bọn bắt người nhìn quanh tìm ai bắt nốt, lúc đó có một thằng đeo kính đen ( thằng này mình có ảnh, sẽ tìm sau ) nó gọi bọn kia chỉ vào mình. Bọn kia lao tới, mình gỡ kính cho vào túi áo khoác sợ sẽ rơi vỡ, 4 thằng kia bám cánh tay mình lôi đi, mình bảo bỏ ra để anh lên. Chúng buông ra ,mình vẫn hai tay đút túi đi lên xe buýt.
Đúng là mình không làm gì để bị bắt thế, có bao nhiêu sếp công an ở đấy, họ nhìn mình đứng yên họ cũng thôi bỏ qua. Nhưng cái thằng kia nó thù hằn cá nhân mình vì mấy lần mình chụp ảnh và gườm nhau với nó, nó chỉ bọn choai choai bắt mình. Và điều nữa nếu mình cứ lảng ra thì không bị bắt, nhưng mình đứng đó và chờ bị bắt, và may quá khi các sếp lớn lờ đi thì có thằng quay phim, chụp ảnh lại chỉ bọn kia bắt mình. Nếu không làm sao mình biết nỗi lòng của anh em bị bắt lên xe buýt bao nhiêu lần trước.
Lên xe buýt thấy chị Phương, Đoan Trang, Dương thị Xuân, Lã Dũng, Trương Dũng, Lưu Đức, Phương, ông anh trai mình và mấy người nữa. Phương đang bực bội nói việc bị mấy thằng đạp vào ngực. Lê Dũng thì nói về lòng yêu nước bị xúc phạm, còn Trương Dũng thì luôn mồm mắng bọn bắt người. Xe buýt đi nhanh kinh khủng, có xe còi hụ dẫn đường, xe buýt lấn trái, phải, vượt, chèn ngồi trên xe mà phát hoảng cho những người đi xe máy dưới đường.
Xe buýt đến trại Lộc Hà- đây là trại phục hồi nhân phẩm dành cho gái làm tiền- Mình than.
- Ôi đi ủng hộ thủ tướng mà lại vào trại phục hồi nhân phẩm.
Mọi người lùa xuống một khu, có những căn phòng nhỏ, có giường chiều ngồi chờ ở đấy. Công an canh gác hai đầu, không cho ra, không ai nói làm việc gì cả. Cứ chờ, mình đề phòng sắp tới sẽ cam go lên đi vệ sinh, lúc vệ sinh ra nhìn cái bể nước có song sắt đậy người không chui lọt, mình nhìn mãi khiến mấy tay công an nhìn mình như thắc mắc mình đang nhìn gì mà kỹ thế. Sau đó mình chui vào một phòng, kiếm giường nằm. Lê Dũng nói thằng Gió tù quen rồi, lên nó ngủ ngon thế, giường cán bộ nhé. Lê Dũng nói làm mình bực quá dậy ra sân nói
- Đây là khu giam phạm nhân nhé, các ông nhìn kỹ đi, cửa phòng chỉ có chốt ngoài không có chốt trong, bể nước hàn song sắt kín, cửa sổ song sắt nhưng lại chắn thêm bằng tấm nhựa trong dày để không đưa được cái gì ra, vào.
Mọi người xem lại, mới à lên, hóa ra là bị vào khu giam biệt lập. Đâu phải nơi làm việc nào.
Lê Dũng, Phương, chị Xuân Bích phản đối với đám công an trẻ gác cổng kinh lắm, nói về yêu nước, về luật pháp này nọ, nhưng đám kia nín thinh. Lê Dũng cứ hỏi sao bắt tôi, lý do đâu...chả ai trả lời anh. Thương anh ý hỏi nhiều, mình mới lại dậy ra bảo thôi em đóng vai trả lời, cho anh hỏi. Thế là mình kiếm cái ghế ngồi rất oai cạnh đám công an. Lê Dũng hỏi
- Sao bắt tôi vào đây ?
Trả lời
- Thích thì bắt.
Lê Dũng
- Bắt tôi luật gì ?
Trả lời
- Luật rừng
Lê Dũng
- Dựa vào đâu, lý do gì ?
Trả lời
- Dựa vào đây ( mình chỉ vào dùi cui điện của đám công an đứng bên) mày thấy chưa, nói nữa chúng tao dí điện chết mất xác mày luôn. Chúng tao có vũ khí, thích làm gì là làm, mày còn muốn hỏi nữa không.
Đám công an thấy mình diễn không đạt hay sao ý, họ chừng mắt nhìn mình, rồi lôi Lê Dũng đi làm việc. Thế là mình ngồi khoanh chân trên cái ghế thì thấy xe buýt thứ hai tới, thằng Quân thò tay ra vẫy vẫy mình. Đám công an thấy mình lởm khởm bèn ưu tiên lôi mình đi làm việc luôn , vừa ra đến nơi đọc tên, cái tay sếp bảo.
- Ơ sao đưa vào đây, trường hợp này làm với bên an ninh cơ mà.
Lại bị dẫn vào, các cậu dẫn mình vào thì ngạc nhiên, chứ mình thì không. Vì lúc nằm trong phòng chờ mình đã xóa hết những dữ liệu trong điện thoại, nhét thẻ nhớ vào trong bật lửa Zippo, lục ví xem có giấy tờ gì đốt đi, sau đó nằm chờ tình huống sẽ như diễn ra như thế này.
Có 3 người đến mình hỏi rất nhã nhặn.
- Anh là anh Hiếu phải không ?
Mình gật đầu. Họ bảo anh theo chúng tôi. Vừa lúc ấy anh Tâm gọi điện từ Sài Gòn ra báo anh chụp ảnh ở lãnh sự quán Trung Quốc, bị bọn nó giật mất máy ảnh trước mặt bao nhiêu công an, híc, mình cho anh ý mượn cái ống kính hơi đắt tiền ( quà của một người bạn cho mình ), mình bảo thôi anh, coi như thua bạc đi. Ba người kia không cho nghe điện thoại nữa, họ thu điện thoại, ví , bật lửa, thuốc lá dẫn mình vào một cái xe con. Đưa mình chạy vòng vèo qua cầu Chương Dương, lên chân cầu Thăng Long, rẽ sang Phạm Văn Đồng ra Phạm Hùng rồi vào Hà Đông, đi trên xe hết 1 tiếng thì vào tới số 6 Quang Trung- Hà Đông.
Mình bị bàn giao cho 3 người khác, những người này dẫn mình lên tít trên gác, đến cạnh phòng phó thủ trưởng điều tra an ninh tên Hùng thì có một phòng tổng hợp, mình bị đưa vào đó.
Họ hỏi mình mấy lần ăn cơm để đi mua, mình bảo thôi mệt không ăn, họ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ăn cơm, mình nhất quyết không. Mình bảo muốn uống nước trà, họ đi pha và sau đó ngồi chờ. Chờ cái gì mình không hỏi, mình ngồi nhấp nháp trà nhìn những người vây quanh mình. Im lặng, không ai nói gì, mình cũng không hỏi gì, lặng lẽ nhấp trà, hút chậm từng hơi thuốc, nhìn ra cửa sổ về phía xa, đoán xem cái tòa nhà cao tầng đằng kia có phải Kengnam không.
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/455
++++++++++++++++++++++++++++
Nửa tiếng sau, một người đàn ông cao to, mặt mũi thông minh, sáng sủa bước vào. Anh ta ngồi đối diện tôi, hỏi một lần nữa về chuyện ăn uống, cố gắng mời tôi ăn chút gì đó. Nhưng tôi bảo không muốn ăn, chỉ xin cốc nước đá. Không có đá, tôi uống nước thường.
Phần bắt đầu,anh ta hỏi họ tên, nhân thân, quan hệ anh chị em ruột.
Anh ta hỏi tiếp. Tôi lắc đầu nói
- Từ sáng đến giờ, tôi bị đưa đi bao nơi, gặp bao người, tôi chưa có ý kiến. Giờ anh nói làm việc, tôi có ý kiến tôi bị bắt vào đây vì lý do gì.?
Anh điều tra ( tạm gọi là số 1, bởi vì sau sẽ có nhiều anh khác)
- Cơ quan công an TP có bằng chứng cho thấy anh biểu tình tụ tập ở hồ Gươm nên đưa anh về đây ?
Tôi hỏi.
- Bằng chứng đâu, bằng chứng nào. Đưa phim hay ảnh đây. Thế nào là tụ tập, thế nào là mất trật tự.
Anh số 1
- Có bằng chứng chúng tôi mới đưa anh về đây.
Tôi
- bằng chứng chưa ngụy tạo xong à, đưa luôn đi. Này nhé, tôi từ xa đi lại, hai tay đút túi, không hò hét, không có băng rôn, khẩu hiệu, tôi chỉ lặng lẽ đi không chuyện với ai. Lúc bị bắt tôi đang đứng dựa ghế đá riêng một mình.
Anh số 1
- Giờ chúng tôi là cơ an điều tra, đang làm rõ đúng sai, anh cứ trả lời.
Câu hỏi 1
- Vì liên quan đến chuyện này, anh cho biết đêm qua anh ngủ ở đâu, đi bằng gì ra bờ Hồ, anh kể quá trình đi đến những đâu, gặp ai ?
Trả lời.
- Tôi điên mà kể trước đó tôi ở đâu à, ông hỏi luôn cả tuần trước, năm trước tôi ở đâu thì sao, đêm qua tôi đi cờ bạc, bay , lắc, gái mú giờ tôi đi kể với ông à ? Tôi chỉ kể từ phần tôi đặt chân đến khu vực bờ Hồ thôi.
Cán bộ 1
- Được, anh khai từ lúc ra bờ Hồ.
Trả lời.
Sáng 8 giờ 30 tôi ra đến Hàng Dầu, ăn phở Thìn và ngồi uống ca fe ngay đó. Đến 9 giờ tôi đi sang nhà vệ sinh bên kia đường, chỗ Trần Nguyễn Hãn. Tôi đi bộ thong dong đến đối diện với bưu điện TP bị một lũ con đồ tóm nách xốc lên xe.Lúc đó là 9 giờ 10.
Cán bộ 1.
- Ai xốc nách anh, anh em ngoài đó bảo anh hai tay đút túi, hiên ngang đi lên xe buýt.
Trả lời.
- Tôi thấy chúng nó xô vào tôi, tôi chỉ tháo kính đút túi cho khỏi rơi, khi chúng xốc nách tôi lôi đi mấy bước thì tôi bảo để anh đi lên, bậc xe cao kia bọn em xô đẩy như vậy nhỡ ngã tai nạn đấy, họ buông tay ra thì tôi đi lên từ tốn khỏi ngã thôi.
Cán bộ 1
- Anh cho biết anh ra bờ Hồ với mục đích gì, anh ăn mặc gì ?
Trả lời
- Tôi đi dạo, áo khoác đen, quần bò, giầy da.
Hỏi
- Anh có thường xuyên đi dạo thế không ?
Trả lời
- Thường xuyên, nhà tôi gần hồ, rảnh lúc nào tôi đi lúc đó.
Hỏi
- Nhưng có bằng chứng anh đi cùng với nhiều người tuần hành quanh Hồ Gươm ?
Trả lời
- Thế tôi đi ra chợ, ông đi ra chợ, thì tôi và ông và bao người khác là đi cùng nhau à. Ở hồ một ngày có bao đoàn khách tham quan từ xa về, ông đi dạo ở hồ có lúc đi nhanh, đi chậm, kiểu gì cũng có lúc sánh vai với đoàn nào đó. Như thế là đi cùng à?
Hỏi
- Nhưng mười mấy lần biểu tình trước anh có đi với những người này, anh có tham gia.?
Trả lời.
- Nếu ông hỏi về mười mấy lần trước thì tôi có đi biểu tình, còn hôm nay tôi không đi, mà hôm nay là làm việc hôm nay.
Hỏi
- Không có chuyện ngẫu nhiên, lần trước anh đi biểu tình với họ, lần này anh đi với họ, như vậy là anh có tính chuyện biểu tình.
Trả lời
- Tôi đề nghị anh không suy luận kiểu lắp ghép như thế, không có căn cứ. Chỉ nói chuyện trên hiện trạng sự việc diễn ra thôi. Lần trước tôi còn máy ảnh, máy quay phim, còn hò hét.Lần này tôi không có ý gì nên chỉ người không đi dạo.
Hỏi
- Anh có biết thông tin kêu gọi biểu tình trên mạng không ?
Trả lời
- Tôi còn không biết mạng là gì, tôi trình độ chưa hết phổ thông như anh biết đấy, tiền án, tiền sự đầy mình. Kiếm ăn bằng nghề thợ hàn, phu hồ, biết gì về mạng. Thấy người ta cứ nói mạng, mạng nghe loang thoáng vậy thôi.
Cán bộ 1
- Anh dám làm nên dám nhận, những người khác họ làm, họ nhận cả chứ có sợ đâu, sao anh phải chối như thế.?
Trả lời.
- Anh học thì anh biết, giáo trình có dạy '' bản chất của tội phạm là chối tội đến cùng''. Đến tội phạm nó làm nó còn chối, huống chi tôi không có tội.
Cán bộ 1
- Anh hiểu biết thế, mà sao lại nói là không có học.
Trả lời
- Tôi bị bắt nhiều, nên kinh nghiệm thế thôi.
Cán bộ 1
- Khi bị công an thành phố đưa lên xe buýt về Lộc Hà, anh có thấy anh Quân, ls Lê Quốc Quân không ?
Trả lời.
- À thì ra bọn dân sự bắt người bạo lực ấy là công an thành phố à ? Tôi không biết ai là Lê Quốc Quân hết.
Anh cán bộ mang giấy đi sang phòng bên, qua cửa kính mờ ngăn phòng, mình nhìn thấy có người bến đó, chắc là cho sếp xem bản khai và đợi chỉ đạo. Lúc này vẫn còn 2 cậu canh mình, hai cậu này lúc mới tiếp nhận mình ăn nói áp đảo, cục cằn,nhưng sau vào phòng một lát thì dịu dàng mở điều hòa, pha nước, kiếm gạt tàn.
Người ta thường hay bỏ đương sự đột ngột chờ như vậy, để đương sự sốt ruột, bồn chồn, sau đó bất ngờ vào hỏi tiếp. Bài này mình thuộc lắm, cho nên mình đứng dậy xếp ghế vào nhau và lấy áo đắp, ngủ được chừng nửa tiếng.
Cán bộ 1 quay lại với tập giấy , đưa mình xem, đó là bài viết của ai đó có ký tên là Người Buôn Gió. Có mười mấy bài viết, trong đó có bài thơ Trẻ Con Ăn Học Để Làm Gì có đoạn..
Học đi con
Học đi mà trả nợ
Quê hương ta một giải
Chúng nó bán hết rồi...
Và có bài viết tên là Bài Ca Chế Độ Độc Tài có đoạn
Những chế độ độc tài sớm hay muộn đều bị diệt vong,
bởi chúng đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của dân
tộc. Sở dĩ có những chế độ kéo dài được bởi chúng
biết cách thay đổi màu sắc để phù hợp hoàn cảnh. Hơn nữa
chúng giỏi việc tuyên truyền nhồi nhét vào đầu óc người
dân, bưng bít thông tin.Hãy xem bài ca Ăng Ka Vĩ Đại một bài hát mà trẻ em
Căm Pu Chia bắt buộc phải thuộc lòng dưới thời Pol Pot:
Trước cách mạng,chúng em sống khổ cực như súc vật
Chúng em đói rét và khổ đau
Nhưng kẻ thù không đếm xỉa gì đến chúng em
Chỉ có da bọc xương, gầy guộc và đáng sợ
Đêm ngủ trên nền đất
Ngày lại đi ăn xin, kiếm tìm thức ăn trong thùng rác
Hôm nay, Angka mang tới cho chúng em sức sống
Và hôm nay chúng em được làm người
Anh sáng cách mạng, bình đẳng, tự do tỏa sáng vinh quang
Ôi Angka chúng em kính yêu Người
Chúng em nguyện đi theo con đường cách mạng của Người.
Tôi xem qua rồi trả lại, kêu không biết gì về những cái thứ mà anh gọi là tài liệu này. Anh cán bộ 1 hỏi tôi biết Người Buôn Gió không.Tôi bảo không biết nó là thằng nào. Anh cán bộ bảo tôi xem kỹ lại tài liệu đi, tôi bảo xem làm gì chứ, đầu óc một thằng vô học, phu hồ như tôi đọc những thứ này tiêu sao nổi. Tôi chỉ thích xem ca sĩ hở quần lót, cướp giết hiếp trên báo chính thống thôi.
Anh cán bộ vừa ghi lời khai vừa nói.
- Thế là cái gì cũng không biết à ?
Trả lời.
- Đúng không biết, không trả lời. Làm gì có chuyện bắt khi người ta đi dạo, về đây lại hỏi sang chuyện khác. Tôi trả lời anh thì chuyện đến cả năm cũng không hết. Tóm lại tôi nói rồi, tôi chỉ trả lời việc từ 9 giờ hôm nay thôi. Việc khác tôi sẽ không biết, không trả lời.
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/456
+++++++++++++++++++
Một cán bộ nữ đi vào, cô ta cầm tập hồ sơ dày đến nửa gang tay. Đặt lên bàn, trên phần bìa có chữ hồ sơ Bùi Thanh Hiếu. Mình đã từng nhìn những tập hồ sơ về mình như thế, mỗi nơi họ đều có một bộ riền từ cấp bộ đến cấp phường, từ nam , trung, bắc.. có lẽ bộ hồ sơ ở đây là đầy đặn, phúc hậu nhất.
Tập hồ sơ ấy không dùng đến, cũng chả mở ra. Bởi mình đã nói không làm việc, không trả lời về những gì khác từ 9 giờ sáng ngày hôm nay.
Một tốp người nữa vào. Họ ngồi chật phòng. Cán bộ 1 giới thiệu những người kia.
Cán bộ 2 già nói
- Tôi nghe mọi người nói Hiếu là người sắt đá lắm.
Mình cười.
- Chắc không thế đâu anh ạ.
Mình cười vì mình biết, tí nữa sau câu đấy sẽ có đoạn đang hỏi cung chen vào câu khác là tưởng anh sắt đá thế nào, chứ anh làm mà anh không dám nhận thì vớ vẩn quá. Tất nhiên là mình nghĩ đúng. Thôi vào công an thì chớ nhận anh hùng, cứ em hèn, em nhát, em chối cho nó lành.
Cán bộ 3 giở giấy tờ, anh ta cao, gầy dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, lúc này cán bộ 1 nói.
- Anh Hiếu, giờ cán bộ kỹ thuật sẽ kiểm tra điện thoại của anh, đề nghị anh mở máy lên.
Mình đẩy tất cả tư trang của mình trên bàn ra trước mặt, nói rành rọt.
- Các anh dùng vũ lực, đưa tôi về đây, giờ thì tự mà lấy điện thoại làm gì thì làm, tôi không đưa cho các anh, không chứng kiến, không xác nhận. Tôi chỉ nhận điện thoại này là của tôi, còn anh làm gì trong đó, tôi không xác nhận vì đây là thư tín cá nhân. Trong đó có thư tình, có tin tôi dọa chém giết ai, chửi bới ai... tôi phản đối cách các anh bắt tôi về đây, cũng như phản đối tính pháp lý khi anh kiểm tra điện thoại thuộc về thư tín cá nhân của tôi.
Các cán bộ nói
- Anh không ký, tôi gọi người làm chứng.
Trả lời
- Việc của các anh, các anh muốn làm gì thì làm.
Mình không nhìn, không nghe họ làm gì với hai cái điện thoại. Có chăng là những tin nhắn sau này, còn lúc trước mình xóa hết rồi còn đâu. Lat sau họ chép ra được 3 tờ giấy, đi ra ngoài gọi một người thanh niên vào. Giới thiệu anh này là dân, đến đấy làm chứng. Anh kia giới thiệu tên địa chỉ rồi chuẩn bị ký vào giấy thì mình nói.
- Làm chứng thì phải mở điện thoại ra, đối chiếu từng tin nhắn, cuộc gọi, giờ giấc. Định ký luôn à ?
Anh cán bộ 1 anh bảo cậu kia xem điện thoại đi. Mình bảo đó là tôi góp ý thôi, chứ còn tôi có liên quan gì đến cái bản đấy đâu.
Cán bộ 2 hỏi, cán bộ 3 ghi.
- Anh cho biết từ blog Nguyễn Xuân Diện có lời kêu gọi biểu tình hôm chủ nhật 27-11-2011, anh có biết và có tham gia không ?
Mình mím môi vì tức giận, mình cố nén bình tĩnh. May sao ngay từ đầu mình đã nói không biết về mạng, về blog. Không phải mình hèn không dám nhận, mà tại vì nếu nhận thì phải trả lời những câu hỏi liên quan đến người khác, có khi là hại người ta. Mình bĩnh tĩnh rồi mới nói rõ từng câu.
- Theo như tôi biết, thì cán bộ điều tra khi lấy lời khai của đương sự, bị can, người làm chứng phải ghi rõ câu trả lời, không được thêm bớt từng dấu chấm, dấu phẩy. Đúng thế không ạ ?
Các anh cán bộ đều gật đầu. Mình nói.
- Vậy thì đề nghị các anh ghi rõ câu trả lời của tôi ; Tôi phản đối câu hỏi này của cán bộ điều tra vì có tính dẫn dắt, định hướng. Tôi đã nói không biết in te net thì làm sao tôi biết được blog là gì, Nguyễn Xuân Diện là gì.
Các cán bộ nói lao xao, đây là câu hỏi của chúng tôi, anh không trả lời, hay trả lời không biết, chúng tôi có kết luận gì đâu. Tôi đòi hỏi họ phải ghi câu hỏi theo trình tự, không được gộp lại. Đầu tiên phải hỏi tôi có vào mạng không, có đọc blog Nguyễn Xuân Diện không, rồi tiếp đến là có đọc bài kêu gọi biểu tình không, rồi đến có tham gia không. Tôi phản đối cách hỏi gộp này vì dễ làm người ta thường trả lời câu cuối là không tham gia, nhưng vô tình bao hàm việc xác nhận là blog Nguyễn Xuân Diện kêu gọi biểu tình. Một câu hỏi rất hiểm, bởi tâm lý người trả lời thường chỉ lo cho bản thân mình, họ nói không tham gia là xong. Nhưng sẽ để lại ý nghĩ rằng có lời kêu gọi nhưng tôi không tham gia. Chính vậy mà mình cảm thấy tức giận.
Tranh luận cuối cùng thì thống nhất câu trả lời của mình là.
- Tôi không đọc mạng, không biết in te net là gì, không biết blog Nguyễn Xuân Diện thế nào.
Câu hỏi tiếp theo.
- Anh có tham gia biểu tình ngày 27-11-2011 tại hồ Gươm không ?
Mình lại lằng nhằng.
- Anh cho tôi định nghĩa thế nào là biểu tình, biểu tình là cầm khẩu hiệu, hô hét, đi lại nhảy múa hay là ngồi ghế đá một mình là biểu tình. Nếu ngồi ghế đá là biểu tình thì ngày 27-11-2011 thì tôi có tham gia.
Cán bộ 2
- Chúng tôi không có trách nhiệm giải thích cho anh, anh phải hiểu.
Trả lời
- ơ thế tôi không hiểu định nghĩa về biểu tình, sao tôi trả lời được anh.
Cán bộ 3
- Anh cứ nói là không được rồi.
Trả lời
- vậy thì không ?
Hỏi
- Anh có quen Nguyễn Xuân Diện không ?
Trả lời
- Không ?
Hỏi
- Anh quen Lê Quốc Quân không ?
Trả lời
- Không
Hỏi
- Anh quen Nguyễn Hữu Vinh không
Trả lời
- Không
Cán bộ nói, thế là không tất à. Cán bộ 3 cười nói giễu
- Anh kém hơn mấy ông kia, mấy ông kia các ông ý làm các ông ý nhận hết. Những ông dân chủ đều nhận việc mình làm, đấy, làm chính trị thì phải có bản lĩnh thế người ta mới nể.
Mình trả lời
- Tôi không nhận những gì để ảnh hưởng đến người khác, hơn nữa tôi chỉ là người dân thường, lao động chân tay, học thức hạn chế như hồ sơ cá nhân thể hiện. Và tôi không phải là nhà dân chủ, tôi chỉ là dân đen, hay ngứa mồm miệng tán láo mà thôi.
http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/457
++++++++++++++++++++++++
Tất nhiên thì chả cần cơ quan an ninh, khối người dân đều biết mình là chủ blog Người Buôn Gió cũng như là bạn của mấy lão to mồm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Xuân Diện, Lê Quốc Quân, và điều nữa là mình cũng chả ra bờ Hồ để đi dạo một mình.
Nhưng có điều là mình đang trên đường đi đến chỗ biểu tình. Những biểu hiện từ khi mình đi đến lúc bị bắt không chứng minh được dấu hiệu đi biểu tình. Cho nên việc bắt là vô lý, mà đã bắt vô lý thì cũng chả việc gì phải trả lời những câu hỏi khác.
Anh cán bộ 3 hỏi.
- nếu anh vô tội, tại sao anh để yên cho người ta bắt anh đi, tôi nghe kể anh không có phản ứng gì ?
Trả lời
- Bởi vì tôi có xem một đoạn phim, tôi rút ra được vài kinh nghiệm trong trường hợp đó. Anh hỏi thế là suy luận, chả nhẽ tôi không có tội thì tôi buộc phải vùng vẫy, la hét , thanh minh sao ?
Anh cán bộ 2
- Xem phim gì ?
Trả lời.
- Thật ra đó là một chương trình giáo dục trẻ em trên truyền hình, ban giám khảo có một thượng tá công an, 2 giáo sư. Họ đặt câu hỏi cho học sinh cấp 2 rằng- Nếu trong trường hợp bị một tên côn đồ tấn công, đe dọa buộc phải làm theo ý hắn thì các cháu làm gì- Một học sinh trả lời là sẽ hô hoán mọi người giúp, một học sinh khác thì bảo sẽ mưu trí lừa hắn để thoát ra....một học sịnh thì mặt buồn thiu trả lời khiến khán giả bật cười chế nhạo, cậu bé nói- Cháu mà bị thế, anh ý nói gì cháu nghe tất, bảo đưa cái gì cháu có cháu cũng đưa tất. Kết thúc ông thượng tá công an đứng lên tổng kết. Ông ấy nói rằng cái cậu bé mà nói đưa tất,nghe theo hết là đúng nhất. Vì không thể mạo hiểm tính mạng trong trường hợp gặp côn đồ như vậy. Còn việc đồ bị mất thì còn cơ hội công an tìm lại, chứ mất mạng rồi thì ..
Mấy anh cán bộ gật gù
- Hay, đoạn phim hay, bởi thế anh rút ra bài học đúng không ?
Trả lời.
- Đúng, đó là bài học trên phim, còn bài học nữa là ông Trịnh Xuân Tùng vì giao thông không đội mũ bảo hiểm, bị ông Vũ văn Ninh cũng là công an TPHN đánh chết vỡ sọ. Ông Ninh già thế, bao năm trong nghề còn thiếu tự chủ vậy, huống chi các cậu thanh niên trẻ ngoài hồ Gươm bắt tôi.
Các cán bộ cười ,lắc đầu.
- Nhưng đoạn phim anh kể thì hay đấy. Anh cho biết anh đi biểu tình bao nhiêu lần ở Hồ Gươm
Trả lời.
- Tôi đi nhiều lần.
Cán bộ 3.
- Đấy rõ là lần nào biểu tình anh cũng đi, thế mà lần này có biểu tình anh cũng ra đó, mà anh không nhận là sao.
Trả lời.
- Nếu anh làm việc về những lần trước thì tôi có nhận tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Còn lần này thì không, vì tôi mới chỉ đi ra đến nơi, chưa kịp có hành động gì gọi là biểu tình thì bị bắt. Nếu các anh để tôi thêm chút nữa thì tôi nhận. Pháp luật chỉ làm việc trên những gì diễn ra thực tế, không thể suy luận trong đầu hay khi nó chưa diễn ra, nhất là không có bằng chứng. Càng không thể kết luận những lần trước tôi đi biểu tình, lần này tôi cũng đi biểu tình được.
Cán bộ 3
- Anh biết gì về Phạm Chính, Lã Việt Dũng, Nguyễn Lân Thắng...
Trả lời
- Tôi không biết gì về họ
Hỏi
- Sao cái gì anh cũng không biết, bọn anh vẫn đi với nhau mà.?
Trả lời.
- Đến Người Buôn Gió ( nhấn mạnh) tôi còn không biết, vậy thì tôi còn biết ai ?
Cán bộ cười.
- Chúng tôi có bằng chứng hết, nhưng việc hỏi anh là hỏi anh thôi, anh trả lời không biết cũng được.
Trả lời
- Nếu các anh muốn hỏi về điều gì, xin giải quyết xong lý do bắt tôi ngày hôm nay. Sau đó các anh có thể đưa tôi về nhà, đưa giấy triệu tập nói rõ lý do là làm việc với cơ quan an ninh về quan hệ với Nguyễn Hữu Vinh, về Lê Quốc Quân, về Nguyễn Xuân Diện hay về blog Người Buôn Gió. Có thể tôi sẽ xác nhận và trả lời blog của tôi, những người kia tôi có quen..nhưng hôm nay thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi khác ngoài việc từ 9 giờ sáng hôm nay.
Cán bộ 3.
- Vậy là có giấy triệu tập, anh sẽ đi.
Trả lời.
- Tôi đã nhận nhiều giấy triệu tập, chưa bao giờ tôi không đi cũng như chưa bao giờ không đi đúng giờ.
Các cán bộ bảo nhau
- Thế thì làm giấy triệu tập.
Nói xong họ đứng lên đi hết, còn lại hai cậu bảo vệ, canh gác ngồi lại với tôi.
Lát sau cán bộ 1 quay vào nói
- Anh Hiếu này, anh ăn gì đi, trời tối rồi, ngay bên kia có bánh mỳ ngon lắm, tôi gọi 5 phút họ mang vào đây.
Trả lời.
- Thôi, có gì chốc nữa tôi ăn.
Mấy cán bộ kia vào, pha thêm ấm trà, nói chuyện với tôi về cái nhìn, quan điểm trong vấn đề thời sự xảy ra tại thủ đô, biểu tình chống TQ, đòi đất ở Thái Hà. Về biểu tình chống TQ thì quan điểm tôi là yêu nước, hoan nghênh. Về chuyện đòi đất Thái Hà thì tôi quan điểm rằng có mượn thì người ta mới đòi, xưa nay không ai đi đòi nợ người không vay mình.
Các anh cán bộ trích dẫn nhiều điều luật, nghị định để thuyết phục rằng tôi đã sai. Tôi nói rằng đây là quan điểm của tôi là thế, các anh hỏi tôi trả lời. Còn quan điểm, luật lệ của các anh tôi cũng xin nghe và không có ý kiến gì hết.
Gần 7 giờ tối. Các cán bộ tới tấp điện thoại của gia đình..con chưa về được, anh còn đang làm..em đón con đi anh bận..
Mình vẫn ngồi nhởn nhơ. Cán bộ hỏi
- Thế anh cứ thế này mãi, vợ con không sốt ruột à, còn việc nhà chứ.
Trả lời.
- Vợ con tôi quen rồi.
Hỏi
- Chắc là vợ anh đồng tình với anh, chứ không đời nào vợ anh cho đi làm thế.
Trả lời
- Vợ tôi chán tôi rồi, không nói nữa.
Các cán bộ nói
- Thôi anh về chăm lo gia đình, làm ăn, đừng dây mấy cái chuyện này. Giải quyết được gì đâu, chỉ gây xáo trộn,rối loạn trật tự xã hội....
Mình chả nói gì, ngồi nghe đến 7 giờ tối. Cán bộ rút hết, hai cậu canh gác dẫn mình xuống dưới, đến phòng của một phó thủ trưởng an ninh điều tra khác, thấy thằng Quân đi ra, mặt nó đỏ gay, mồm miệng cáu gắt. Cán bộ dẫn mình nói.
- Thôi tránh nó ra, sang phòng này.
Quân đi rồi, họ lôi lại phòng của phó thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra, hình như tên Khanh thì phải. Bảo mình ngồi ghế, một cán bộ lấy ra hai tờ giầy cầm trước mặt hỏi.
- Anh có phải Bùi Thanh Hiếu, ở 22 Phất Lộc không ?
Trả lời
- Đúng
Cán bộ nói
- Anh nghe quyết định phạt hành chính. Công an quận HK...phó công an quận...Tuấn...ra quyết định xử phạt hành chính....tội tụ tập , gây rối...hình thức cảnh cáo.
Cán bộ đọc xong cất giấy luôn. Mình vớ tay định giằng nói
- Anh cho tôi xem chứ, để tôi biết rõ ai ra quyết định tôi kiện.
Cán bộ
- Anh về Hoàn Kiếm hỏi.
Mình luống cuống với cái giấy bút trên bàn nói
- Anh cho tôi xem, để tôi ghi lại chi tiết, không thì anh đọc tôi nghe.
Cán bộ xếp hồ sơ đi thẳng, mình đứng dậy hấp tấp hỏi cán bộ Khanh.
- Thế không ký biên bản phạt hành chính à, anh bảo anh kia đưa tôi xem biên bản nào.
Anh Khanh quay lưng nói.
- Về quận hỏi, ở đây chúng tôi không biết.
Anh đi luôn.
Mình thấy không còn ai, mò mãi mới thấy lối ra cổng. Mà từ lúc mình từ phòng đấy đi ra cổng chính chả có ai, cơ quan công an gì mà để đương sự đi tự do thế. Thậm chí ra đến cổng chính có barie có mấy người gác ngồi bên trong. Họ quay mặt đi, mình đi ra chả thấy ai hỏi. Đứng ở cổng lại thấy '' đuôi'' ở hè đường. Quay lại thấy thằng Quân, nó bắt tay ôm mình, khoác vai ngay trước cổng công an. Mình ghé tai nó bảo.
- Tôi vừa bảo đéo quen biết gì ông, thế mà ra khỏi cổng hai thằng lại thế này.
Quân bảo.
- Tôi không trả lời gì hết, không nhận gì hết
Mình.
- Thế mà công an bảo tôi là ông nhận hết là đi biểu tình, hài thật.
Hóa ra mình cả Quân là hai thằng về cuối cùng của ngày hôm ấy. Đi tới đầu đường đã thấy anh em, chiến hữu ngồi cả đống, đủ mặt Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chính, Lã Dũng, Lê Dũng, Kim Tiến, Lân Thắng, Phương Bich......cả lũ ôm nhau. Người cười, kẻ rớm lệ....
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Thư gởi quốc tế về sự bắt giữ trái pháp luật những người yêu nước tại Sài Gòn
+++++
Xem thêm : TƯỜNG THUẬT BIỂU TÌNH . TẠI SAO BT ỦNG HỘ THỦ TƯỚNG MÀ LẠI BỊ BẮT VỀ "CƠ QUAN PHỤC HỒI NHÂN PHẨM" ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét