Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Người mua xăng bị giễu cợt







TT - Ngay khi bản tin về 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm (Tuổi Trẻ ngày 1-12) được đăng tải, những dòng bức xúc của người tiêu dùng lại đổ về tòa soạn với nhiều câu hỏi và đề nghị: Xăng dỏm ở đâu ra? Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc hàng dỏm này. Nên mời cơ quan công an vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc. Nên tiếp tục đưa danh sách các cây xăng gian dối ra trước công luận...


Đây không phải là lần đầu tiên đưa lên mặt báo “bảng phong thần” các cây xăng làm ăn gian dối hoặc bán xăng kém chất lượng. Cách đây hơn năm năm, hình thức này được người tiêu dùng ủng hộ như một biện pháp chế tài hữu hiệu khi công cụ quản lý nhà nước và các mức xử phạt chưa đủ hiệu lực bảo vệ họ trước nạn ăn cắp, móc túi trắng trợn trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. Gần như năm nào báo chí cũng thông tin thực trạng nhức nhối, mổ xẻ những bất cập, những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu nhưng xem ra đâu vẫn vào đấy.

Nói chung, tình cảnh người tiêu dùng mua một lít xăng bị ăn bớt vài phần trăm hay móc tiền mua xăng A92 nhưng thực chất được bơm xăng A83 (hoặc chỉ nhỉnh hơn mức này một chút) không còn là điều lạ lẫm ở TP.HCM hay nhiều địa phương khác trên cả nước. 

Nhưng cái lạ ở đây, cũng là nỗi bức xúc mới: tại sao tình trạng móc túi này cứ tồn tại, chưa bao giờ có dấu hiệu lắng dịu và tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng, bất chấp rất nhiều tuyên bố “quyết liệt chấn chỉnh”, “tăng cường kiểm tra xử lý”... từ nhiều cơ quan hữu quan mỗi khi được đặt vấn đề trách nhiệm trong bảo vệ người tiêu dùng? 

Kiểu làm ăn gian dối này đang giễu cợt nỗi bức xúc triền miên của hàng triệu người tiêu dùng xăng dầu và thách thức hệ thống quy định quản lý nhà nước, cơ quan quản lý thị trường, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra...

Người tiêu dùng không thể tiếp tục chịu đựng kiểu kinh doanh treo bảng bán xăng A95 nhưng kết quả thử nghiệm mẫu xăng thực chất chỉ đạt mức chất lượng chính xác là 86,1, còn thấp hơn mức chất lượng xăng A92 khá nhiều. Như một bạn đọc đã thốt lên: “Nói tóm lại, khách hàng gánh phần thiệt chỉ biết kêu trời với giá xăng, chất lượng xăng và chất lượng dịch vụ”. 

Bạn đọc cũng đề nghị: “Các cơ sở kinh doanh xăng dầu bán xăng kém chất lượng được xem là gian lận thương mại cần phải xử phạt nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Gian lận này chỉ có cơ quan chức năng mới phát hiện, người dân thì đành chịu”.

Có lẽ những câu hỏi mà rất nhiều người tiêu dùng muốn hỏi vào lúc này: có thể chấm dứt nạn móc túi người tiêu dùng hay những kiểu làm ăn gian dối trong một bộ phận hệ thống bán lẻ xăng dầu? Trên thực tế, các chế tài mang tính quyền lực nhà nước chưa đủ sức để tiêu diệt tận gốc các kiểu gian lận trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.

Trong khi chờ hiệu lực của hệ thống công cụ quản lý nhà nước và chức trách bảo vệ người dân của các cơ quan hữu quan phát huy thật sự, có lẽ cách tốt nhất để mỗi người tiêu dùng xăng dầu bảo vệ mình là tránh xa những địa chỉ làm ăn gian dối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét