Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói tại Quốc hội Việt Nam rằng vụ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Tổng công ty Hàng hải Vinalines và cựu lãnh đạo bỏ trốn giống 'như chuyện đùa'
Ông Thanh được VnExpress trích dẫn nói hôm 25/5: "Vừa rồi đi tiếp xúc, cử tri kêu lắm, mỗi chuyện tàu thủy lỗ.
"Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, tiền hỗ trợ chẳng đáng bao nhiêu mà mãi chưa quyết được, đằng này hàng nghìn tỷ đổ sông đổ biển, xót hết cả ruột.
"Vinalines thua lỗ, cựu chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa.
"Cử tri bức xúc mà hỏi không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra."
Ông Thanh nói vụ Vinalines cho thấy sự "lỏng lẻo" trong quản lý nhà nước. Điều này thể hiện qua việc chậm phát hiện vấn đề, tiếp tục thăng chức cho cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng, và công an để cho ông này bỏ trốn.
Đây cũng là vấn đề được Thiếu tướng Nguyễn Viết Nhiên, phó tư lệnh Quân chủng hải quân nêu ra trong cuộc thảo luận ở Quốc hội.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Tướng Nhiên nói:
"Trước đây Vinashin đổ vỡ, nay đến lượt Vinalines. Tại sao những tập đoàn được đầu tư lớn mà chính phủ kiểm soát lỏng thế?
"Thời gian Đại hội XI, người dân nói rất nhiều, bức xúc trước vụ việc xảy ra ở Vinashin, bây giờ đến Vinalines thì ăn nói thế nào với người dân?"
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc bắt Vinalines gánh nợ bớt cho Vinashin càng khiến cho Vinalines gặp khó khăn hơn.
'Thiếu kiểm soát'
Trong số những khoản đầu tư gây thất thoát của Vinalines có việc mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 của Nhật hồi năm 2008.
Ụ nổi này bị cho là quá tuổi sử dụng 22 năm so với quy định của pháp luật Việt Nam và có tốn phí lên tới 24 triệu đô la, gấp đôi dự toán ban đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói chính phủ đã không chú ý đúng mức tới quản lý nguồn vốn ở các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Ngân, còn là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời nói:
"Cái chính là nền kinh tế của chúng ta thời gian qua chạy theo tăng trưởng, nới rộng chính sách tiền tệ, dẫn đến đầu tư tràn lan, Nhà nước mất khả năng kiểm soát."
Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Ủy ban Kinh tế Quốc hội
"Cái chính là nền kinh tế của chúng ta thời gian qua chạy theo tăng trưởng, nới rộng chính sách tiền tệ, dẫn đến đầu tư tràn lan, Nhà nước mất khả năng kiểm soát. Nhà nước không đủ lực để kiểm soát đầu tư.
"Các tập đoàn lại quá lớn trong khi khả năng kiểm soát có giới hạn."
Tiến sỹ Ngân nói với bờ biển dài, Việt Nam có những tập đoàn để khai thác kinh tế biển như Vinashin và Vinalines là đúng nhưng cơ chế quản lý "chưa rõ ràng, minh bạch".
Cũng giống Tiến sỹ Ngân, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
"Lỗi chính là do hệ thống của mình thiếu kiểm soát," Tiến sỹ Cung nói với VnExpress.
"Việc chọn đóng tàu, phát triển vận tải biển là một chiến lược đúng. Tuy nhiên hai "Vina" đã thực hiện chưa đúng chiến lược đó. Nói một cách khác, chiến lược đúng, nhưng chiến thuật thì sai."
Ông Cung cũng cho rằng Việt Nam nên buộc các công ty nhà nước phải công bố thông tin như những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, dùng những bên có liên quan tới doanh nghiệp như các nhà đầu tư, nhà cung ứng, bạn hàng, đối thủ cạnh tranh để giám sát doanh nghiệp nhà nước.
Duy 'ý chí'
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói mô hình phát triển của Việt Nam cũng góp phần tạo ra các vấn đề như Vinashin và Vinalines.
Ông Kiêm nói với báo Sài Gòn Giải Phóng:
"Ở các nước, tập đoàn phát triển tự nguyện, theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải sát nhập với nhau để thành tập đoàn.
"Còn chúng ta phát triển tập đoàn dường như theo ý chí, chứ không phải thực tế đòi hỏi.
"Do đó chúng ta phải gánh hậu quả như việc các tập đoàn sử dụng vốn bừa bãi, trình độ quản lý yếu kém, quản lý nhỏ còn chưa được nay đã phải quản lý lớn, công nghệ què quặt, rồi khả năng quản trị hạn chế, khiến kinh doanh không hiệu quả."
Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nói tổng số vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước lên tới 310.000 tỷ đồng (khoảng hơn 15 tỷ đô) trong giai đoạn 2006-2010 nhưng "không có chương trình giám sát" lượng vốn đầu tư này.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120525_vinalines_national_assembly.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/05/120525_vinalines_national_assembly.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét