Cựu chủ tịch Vinalines bị truy nã
Cập nhật: 11:12 GMT - thứ bảy, 19 tháng 5, 2012
Bộ Công An Việt Nam vừa chính thức phát lệnh truy nã cựu Chủ tịch Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Vinalines, ông Dương Chí Dũng, vào ngày 19/5, một ngày sau quyết định khởi tố và bắt tạm giam.
Ông Dũng đã vắng mặt khi công an khám xét nơi ở và nơi làm việc.
Trước đó, ông Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Cuối năm 2006, ông Dũng kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines và cho đến tháng 9/2010 thì thôi chức Tổng giám đốc.
Mới tháng 2 năm nay ông được bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Quyết định bắt giữ một số người trong ban lãnh đạo Vinalines được cho là có liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn của Vinalines trong giai đoạn 2007-2010 dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Những sai phạm này đều được xác định là có trách nhiệm tập thể lãnh đạo Vinalines cùng Chủ tịch Dương Chí Dũng và Tổng giám đốc các công ty thành viên thời kỳ 2005 - 2010.
Hôm 17/5, nhà chức trách cũng đã khám xét nhà riêng và bắt giữ ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Triều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines, cũng về hành vi trên.
"Nợ trên 1 tỷ đôla"
Một Thứ trưởng Bộ GTVT được dẫn lời nói vào chiều ngày 18/05 rằng văn bản gửi Bộ GTVT của cơ quan điều tra nói hai quan chức của bộ này (ông Dũng và ông Phúc) bị khởi tố theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự đối với những việc làm từ thời còn lãnh đạo Vinalines.
“Thông tin ban đầu, ông Dũng, ông Phúc và ông Triều có liên quan đến những sai phạm trong việc điều hành Vinalines trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines)”, báo Người Lao Động viết.
Báo này viết trích lời Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng, nói rằng cho đến nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa có ý kiến chính thức về kết luận của thanh tra liên quan tới việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines đã được trình lên cho ông.
Trích dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ, báo điện tử Vnexpress viết: "Vinalines đã mắc nhiều sai phạm, trong đó tập trung vào 4 vấn đề: mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc.”
Vẫn theo Vnexpress, Vinalines hiện có con số nợ lên tới 23.062 tỉ đồng (trên 1 tỷ đôla) kéo dài nhiều năm chưa thu được và có nguy cơ không thu được.
Bấm Vinalines hiện là nơi tiếp nhận một số công ty được chính phủ chuyển về trong nỗ lực cơ cấu lại tập đoàn Vinashin bị ngập trong nợ nần hơn 4 tỷ đôla.
Ngoài các khoản nợ ngân hàng trong nước, Vinashin hiện vẫn đang chưa trả nợ đáo hạn khoản vay chủ nợ nước ngoài 600 triệu đôla.
Trong bản án hôm 30/03 vừa qua, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinashin bị tòa tuyên án mức án tối đa Bấm 20 năm tù trong phiên xử sơ thẩm bốn ngày ở Hải Phòng.
Tám trong số chín bị cáo nhận án tù đã làm đơn Bấm kháng cáo bản án này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét