Mục đích việc gửi thư cho Philippines?
Cập nhật: 12:04 GMT - thứ hai, 21 tháng 5, 2012
Gần 70 vị nhân sỹ trí thức của Việt Nam đã thể hiện sự đoàn kết với Philippines trong cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa nước này với Trung Quốc.
Các vị này cùng ký tên vào Bấm một lá thư gửi đến cho Đại sứ Philippines tại Hà Nội Jerril Galban Santos hôm thứ Hai ngày 21/5 để nêu lập trường bao gồm năm điểm của họ đối với cuộc tranh chấp.
‘Bảo vệ chính mình’
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Văn học Việt Nam, một trong những người ký tên vào lá thư, nói với BBC rằng lên tiếng ủng hộ Philippines cũng chính là “bảo vệ chính mình”.
“Chúng tôi ủng hộ Philippines chống lại một kẻ đem sức mạnh ra hù dọa các nước Đông Nam Á để chiếm cướp Biển Đông,” ông nói, “Cháy nhà hàng xóm mà bình chân như vại thì làm sao được?”
"Nếu Trung Quốc chiếm được bãi cạn đấy (Scarborough) thì Trung Quốc sẽ giở ngón với Việt Nam."
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
“Nếu Trung Quốc chiếm được bãi cạn đấy (Scarborough) thì Trung Quốc sẽ giở ngón với Việt Nam,” ông giải thích.
“Cháy một nhà thì sẽ cháy lan sang các nhà khác xung quanh ở Biển Đông,” ông nói.
Ông cho biết các nhân sỹ trí thức Việt Nam “muốn nói ra điều mà những chính khách trực tiếp cầm quyền không dám nói” như là một sự thay thế “trong cùng một bộ phận dân tộc”.
“Trí thức Việt Nam tiếp thu tinh thần bất khuất của dân tộc và truyền thống đoàn kết với các nước quanh mình để chống kẻ thù lớn nhất là Trung Quốc,” ông nói và cho biết ông hy vọng tiếng nói của các trí thức đại diện được cho tiếng nói của nhân dân Việt Nam.
Mặc dù giữa Việt Nam và Philippines còn tồn tại tranh chấp chủ quyền với quần đảo Trường Sa, GS Nguyễn Huệ Chi cho rằng việc ủng hộ Philippines tại Scarborough không “hại gì đến chủ quyền Việt Nam” vì bãi đá ngầm này “thuộc chủ quyền Philippines".
‘Bó đũa Asean’
Trao đổi với BBC, một người đứng tên trong thư khác là ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nói rằng nếu Việt Nam “muốn bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì phải bảo vệ lợi ích chính đáng của các nước láng giềng”.
“Trung Quốc không dám bẻ gãy nguyên bó đũa Asean mà bẻ gãy từng chiếc,” ông nói, “Do đó bảo vệ lợi ích của Philippines cũng là bảo vệ lợi ích của Việt Nam trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc.”
Còn về tranh chấp giữa Philippines và Việt Nam thì ông cho rằng đó là “chuyện nội bộ trong Asean” mà hai nước này đã tuyên bố giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
Theo ông Phúc, Trung Quốc đang là nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh châu Á – Thái Bình Dương nên Việt Nam và Philippines cũng như các nước Asean khác nên “đoàn kết đấu tranh để cho thế giới thấy rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc là phi pháp”.
Giải thích về sự khác biệt giữa Việt Nam và Philippines trong đối sách đối với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền, ông Phúc cho rằng Philippines có những hành động quả quyết hơn Việt Nam do đằng sau nước này có Mỹ chống lưng.
“Họ (Philippines) nghĩ Trung Quốc không dám đánh họ vì sẽ xảy ra chiến tranh cục bộ lôi kéo Mỹ tham gia,” ông nói, “Trong khi Việt Nam không có liên minh quân sự với nước nào.”
Lá thư do trang mạng Bauxite Việt Nam công bố nói họ “hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền” cũng như các hành động “bảo vệ quyền chủ quyền”của Philippines trong khu vực này.
"Trung Quốc không dám bẻ gãy nguyên bó đũa Asean mà bẻ gãy từng chiếc. Do đó bảo vệ lợi ích của Philippines cũng là bảo vệ lợi ích của Việt Nam trước mưu đồ bành trướng của Trung Quốc."
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Họ phản đối yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” của Trung Quốc cũng như các hành động “đe dọa dùng vũ lực” của nước này trong cuộc tranh chấp.
Các nhân sỹ trí thức Việt Nam cũng ủng hộ việc đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế về Luật biển phân xử.
Những người đứng tên trong thư cũng kêu gọi các nước Asean thể hiện tinh thần đoàn kết với Philippines bằng những hành động cụ thể để giúp nước này bảo vệ chủ quyền.
Cuối cùng, các nhân sỹ trí thức Việt Nam bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc đối với Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ “tham vọng phi lý” này.
Đến chiều nay, lá thư đã thu hút 66 chữ ký của các vị nguyên là quan chức, các nhà văn, các giáo sư trong và ngoài nước, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, các nhà báo và một số cán bộ hưu trí.
Theo những người đứng tên trong thư thì lập trường nêu trên là ý kiến cá nhân của họ đồng thời cũng đại diện cho “nhiều công dân Việt Nam khác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét