Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Quân đội Việt Nam thay trang phục-Chỉ cần quốc kỳ còn nguyên?

Quân đội Việt Nam thay trang phục

Từ 22/12/2009, quân đội Việt Nam sẽ đồng loạt bắt đầu mặc trang phục sỹ quan kiểu K-08 với màu xanh ô-liu là màu sắc chủ đạo.

Lễ phục K-08 (Hình Quân Sử Việt Nam)
Bộ đội biên phòng trong lễ phục K-08

Việc thay đổi quân phục được nói là hướng đi "hiện đại hóa, hội nhập quốc tế" của quân đội Việt Nam.


Từ đó tới nay, lễ phục mới đã được thử nghiệm tại một số đơn vị trước khi đưa vào đồng loạt.

Ngày 22/12 cũng là dịp quân đội Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập.

Ngoài lễ phục, các phụ kiện kèm theo như giày, nền quân hiệu sỹ quan… cũng sẽ thay đổi về chất liệu, màu sắc và kiểu dáng.

Quân đội Thái Lan và Việt Nam thi bắn quân dụng. (Hình Quân Sử Việt Nam)
Nhu cầu hiện đại hóa và hội nhập thế giới
ngày càng cao: trong hình lính Việt Nam
và lính Thái Lan thi bắn quân dụng.
Tuy nhiên một số quân nhân cho rằng đồ kiểu K-08 không được gần dân, bao gồm thường phục và lễ phục, tất cả đều màu xanh thay màu cỏ úa.


Nhưng cũng có người nói đây là "một điểm trong quá trình hiện đại, chính quy hóa quân đội thôi, không quan trong quần áo, cơ bản là cái phẩm chất bộ đội cụ Hồ không bị thay đổi."





'Bộ đội cụ Hồ'


Diễn đàn của các quân nhân đã từng rộ lên những thảo luận về chuyện thiết kế trang phục mới.

Theo họ trang phục khi thiết kế xong cần ''vẫn giữ được nét truyền thống, khi nhìn vào quân phục biết là của quân đội Việt Nam, ví dụ giữ lại nón cối, nhưng màu sắc phải đồng nhất với áo quần, chất liệu thì bảo đảm nhẹ, nhưng vẫn an toàn khi sử dụng, chống đạn...''

Điều quan trọng theo các quân nhân là ''tính ứng dụng cao, có nghĩa là sử dụng thuận tiện, không làm khó chịu cho người sử dụng, mang tính thoải mái, cơ động, mặc nhanh gọn, và quan trọng là thực thi...''
Nhiều quân nhân cũng đồng ý rằng ''trang phục phải mang tính thẩm mỹ, và quan trọng là khi mặc quân phục đó vào, người chiến sĩ cảm thấy tự hào, vì đẹp..."

Gần đây quân đội Việt Nam mặc kiểu K-07, là đồ dã chiến, có 2 loại cho lính và sĩ quan. Loại lính thì áo có 2 túi, còn loại sĩ quan áo có 4 túi, có thêm cái đai để cài tay áo khi xắn lên, nhưng cùng loại cũng không thống nhất hoàn toàn và chất liệu vải cũng khác nhau.


Đồ dã chiến K-07 (Hình Quân Sử Việt Nam)
Đồ dã chiến K-07

Hiện tại đồ K-07 chủ yếu phục vụ cho công tác huấn luyện và SSCĐ, nhưng đa số vẫn ưa chuộng kiểu K-03 xanh.


Trước đây, quân đội Việt Nam mặc đồ K-82 màu cỏ úa. Từ năm 2005 thì lính bắt đầu thay đồ K-03, từ năm 2007 thì thêm đồ K-07. 




Công khai


Mới đây, cũng nhân dịp 65 năm thành lập quân đội, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho công bố Sách trắng Quốc phòng 2009.

Trong đó, Việt Nam công khai một số chi tiết được đưa ra lần đầu tiên như ngân sách quốc phòng và tổng quân số.

Toàn quân có 450.000 bộ đội chính quy.

Ngân sách cho bảo vệ đất nước là 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Tuy nhiên một số nguồn tin nước ngoài cho rằng ngân sách quốc phòng thực tế của Việt Nam phải gấp đôi ngân sách công bố.
 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091213_military_uniform.shtml


Bài liên quan: Chỉ cần quốc kỳ còn nguyên?  

Chỉ cần quốc kỳ còn nguyên?

RFA

Trân Văn, phóng viên RFA

2009-12-22
(Phỏng vấn ông Nguyễn Thành Rum-Giám đốc Sở Văn-Thể-Du)
Theo thông lệ, mỗi khi tới dịp có nhưng ngày cần kỷ niệm, Việt Nam lại dựng pano, treo băng rôn, dán áp phích, nhắc nhở mọi người.
Hồi đầu tháng này, một số pano đã được dựng tại một số khu vực ở TP.HCM, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2009) và những pano ấy đã tạo ra một vụ tai tiếng.

Không dùng VN, chỉ tín nhiệm TQ


Năm nay, mẫu pano được chọn để kỷ niệm ngày 22 tháng 12 tại TP.HCM, có hình một đoàn quân mặc lễ phục, súng đeo trước ngực, mắt nhìn thẳng. Sau lưng đoàn quân này là bóng một vài cao ốc, cần cẩu loại lớn. Bên trên đoàn quân là quốc kỳ Việt Nam.

Tuy hình ảnh đoàn quân được đặt bên dưới quốc kỳ Việt Nam và dòng chữ “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân” nhưng người ta thấy các quân nhân trong đoàn quân ấy, không giống quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chẳng hạn, các quân nhân trong đoàn quân xuất hiện trên pano không dùng AK. Những khẩu súng mà họ mang trước ngực không phải là loại vũ khí cá nhân mà Quân đội nhân dân Việt Nam trang bị cho quân nhân của mình.


Sau khi ngắm qua một tấm pano như thế ở gần trụ sở Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận, một vài blogger đã thử tìm kiếm tung tích của đoàn quân xuất hiện trên pano “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân” và phát giác, những quân nhân trong ảnh là lính Trung Quốc.


Ảnh chụp đoàn quân Trung Quốc được lấy làm nền cho mẫu pano “Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân” hiện có trên khá nhiều trang web của Trung Quốc như: china.com.cn, xinhuanet.com,…

Khoảng đầu tháng 12, tin tức và những hình ảnh nhằm giúp đối chiếu, phân tích câu chuyện khó hiểu ấy đã được một số blog và diễn đàn điện tử loan báo qua Internet. Sau đó, một số blogger cho biết, pano dựng gần trụ sở Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận đã được dỡ bỏ.


Tuy nhiên đến ngày 12 tháng 12, một số blogger khác cung cấp thêm một số ảnh cho thấy, pano theo mẫu vừa kể lại thấy được dựng trước trụ sở UBND quận 4, TP.HCM và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Quận ủy của quận này.

Mới đây, blogger Nguyễn Quang Vinh, đồng thời cũng là phóng viên báo Lao Động, kể trên blog của ông rằng, sau khi biết chuyện, ông đã gọi điện thoại cho ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hoá – Thể thao – Du lịch và ông Phạm Hoa, Đại tá, Cục trưởng Cục Tư tưởng Văn hóa thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, để báo tin. Các ông này đã cho kiểm tra và hiện nay, những tấm pano theo mẫu mà blogger Nguyễn Quang Vinh gọi là “bậy bạ”, từng được dựng tại nhiều nơi ở TP.HCM, đã được tháo dỡ.


Tuy nhiên, blogger Nguyễn Quang Vinh cho biết, ông chưa đủ thông tin để trả lời thắc mắc chung của nhiều người là tại sao mẫu pano ấy ra đời và sẽ có những ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này (?).
Để cùng mọi người tìm câu trả lời, chúng tôi đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch TP.HCM. Mời qúy vị cùng nghe:

Chỉ sai về bản quyền và chưa… thương lượng?


Trân Văn: Thưa ông, chúng tôi được biết, vừa rồi tại TP.HCM có một số pano được dựng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh trên những pano này lại là lính Trung Quốc. Ông có thể giải thích với thính giả của Đài RFA lý do tại sao lại xảy ra chuyện đó?


Ông Nguyễn Thành Rum: Tôi không biết là anh khẳng định như thế nào về chuyện đó?


Trân Văn: Tôi có được xem một số hình ảnh trên Internet và những hình ảnh này ghi lại cảnh pano được đặt trước một số cơ quan công quyền, thành thử chúng tôi muốn hỏi thăm chuyện đó hư, thực ra sao?


Ông Nguyễn Thành Rum: Cái đó… nói chung là thế này… trong đó anh có thấy lá cờ không?


Trân Văn: Dạ có! Có thấy quốc kỳ Việt Nam…


Ông Nguyễn Thành Rum: Ừ… Ừ… Anh có thấy những ngôi sao trên mũ của bộ đội không?


Trân Văn: Hình không được rõ lắm.


Ông Nguyễn Thành Rum: Thế thì cơ sở nào anh cho là… cái đó là… của Trung Quốc?


Trân Văn: Một số blogger có chụp lại ảnh một số trang web của Trung Quốc, trong đó có ảnh gốc…


Ông Nguyễn Thành Rum: Cho nên cái đó đó, có nghĩa là thế này nè… À… đối với một số nhân viên của tôi đó. À… Anh em nó có sơ suất cái chuyện đó nhưng mà nó đã, nó đã chỉnh sửa lại cái hình đó chứ không phải là nó lấy nguyên xi. Bị vì… anh… anh đã thấy lá cờ Việt Nam mà đúng không?


Trân Văn: Dạ…


Ông Nguyễn Thành Rum: Ừ… nhưng mà có điều là mình sử dụng cái hình ảnh của người khác là sai về nguyên tắc bản quyền.


Trân Văn: Dạ…


Ông Nguyễn Thành Rum: À… Cho nên cái đó là… là… sau khi anh em nó làm thì chúng tôi đã cho thu hồi cái đó.


Trân Văn: Dạ…


Ông Nguyễn Thành Rum: Và… chúng tôi có kiểm điểm anh em vì sao sử dụng như thế (?). Bị vì một đó là mình sử dụng, mình phải tính toán đến cái tác quyền, tính toán đến cái sự thương lượng trao đổi với người ta về nhiều mặt.


Trân Văn: Dạ…


Ông Nguyễn Thành Rum: Cái đó là cái sơ suất của nhân viên tôi, của chúng tôi.


Trân Văn: …nhưng thưa ông tại sao…


Ông Nguyễn Thành Rum: Cám ơn…


Trân Văn: Thưa ông tại sao lại không dùng ảnh quân đội nhân dân Việt Nam mà dùng ảnh quân giải phóng nhân dân Trung Hoa…

Đến đây dù không có tiếng gác máy nhưng chúng tôi không thấy ông Nguyễn Thành Rum trả lời nữa. Sau khi lập lại câu hỏi nhiều lần mà không được hồi đáp, chúng tôi đành gác điện thoại.

http://anhbasam.wordpress.com/2009/12/23/chi-can-quoc-ky-con-nguyen/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét