Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Kinh tế 2011: Những con số gây sốc

(VEF.VN) - Lần đầu tiên tại Việt Nam 3 ngân hàng hợp nhất làm một; tỷ giá, giá vàng tăng kỷ lục nhất từ trước đến nay, lãi suất đạt đỉnh... là những con số và sự kiện gây sốc với DN và cả nền kinh tế trong năm 2011.
 
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) - báo VietNamNet điểm lại 10 con số cũng dấu ấn ấn tượng nhất của những sự kiện kinh tế tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế năm 2011.
 
Trên 18% - lạm phát hàng quán quân thế giới


Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2011 so với tháng trước tăng 0,53%,  so với tháng 12/2010 tăng 18,13%. Năm 2011 so với năm 2010  tăng 18,58%. Đây là mức thuộc hạng cao nhất châu Á. 

Và như nhận định của lãnh đạo Chính phủ lạm phát Việt Nam còn thuộc hàng quán quân thế giới. Nguyên nhân của lạm phát được cho là bắt nguồn từ những bất ổn của chính sách tiền tệ. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô.
 
Vì thế, Chính phủ đã có Nghị quyết 11 để kiềm chế, trong đó đặc biệt tập trung vào việc thắt chặt tín dụng và tài khoá.
 
Năm 2010, Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu CPI năm 2011 không quá 7%. Đến tháng 6/2011, Chính phủ đề nghị nới lỏng chỉ tiêu CPI cả năm lên không quá 17%. Nhưng cuối cùng CPI cả năm 2011 tăng 18,13%. Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu đưa lạm phát về 9%.
 
9,3%: mức điều chỉnh tỷ giá kỷ lục
 
Ngày 11/2/2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng lên 9,3%. Đây là mức điều chỉnh mạnh nhất trong lịch sử qua một lần điều chỉnh, gần với cả mức tăng của cả một năm trong những năm gần đây. Bước đi đột phá này nhằm kéo giá USD trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do sát lại gần nhau.

 



Để thị trường USD tự do bớt lũng đoạn, Ngân hàng Nhà nước đã ra tay dọn dẹp USD "chợ đen", nghiêm cấm và phạt thật nặng (lên tới 500 triệu đồng) nếu niêm yết giá bằng ngoại tệ... Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo sẽ điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đến cuối năm chỉ biến động tối đa 1%. Đến thời điểm cuối năm, USD vẫn tỏ ra là một thị trường ổn định. Tuy nhiên, điều lo ngại là điều gì sẽ xảy ra trong đầu 2012 khi căng thẳng tỷ giá USD/VND vẫn hiện hữu.

20% - phá trần, lãi suất lên đỉnh
 
Mặc dù đầu tháng 3/2011, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ "tuýt còi" các ngân hàng nếu đẩy lãi suất huy động vượt trần 14%. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn đua lãi suất, đẩy lên 18%, 20% và thậm chí còn cao hơn. Lãi suất cho vay bị đẩy lên 24 - 25% khiến các DN gặp nhiều khó khăn.
 
Khi các nhà băng đã phớt lờ quy định của cơ quan quản lý, và trong suốt gần năm qua cơ chế lãi suất huy động bị biến thành một cái "chợ" bát nháo. Để dẹp yên "chợ" này, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phải dùng kỷ luật "sắt", từ kỷ luật, cách chức đến mời công an vào cuộc... Sự quyết liệt này giúp giảm căng thẳng trần lãi suất huy động, nhưng lãi suất cho vay vẫn ngất ngưởng, khiến nhiều cá nhân và DN vẫn hoài nghi về hiệu quả điều hành.
 
*49 triệu đồng/lượng, giá vàng cao lịch sử

Theo đà tăng của thế giới, giá vàng tại Việt Nam bắt đầu leo thang từ đầu tháng 8. Ban đầu, khi giá vàng mới nhích lên 42, rồi 45-46 triệu đồng/lượng. Cơn sốt vàng thực sự bùng nổ vào ngày 23/8/2011, khi giá vàng đạt đỉnh: trên 49 triệu đồng/lượng. Cả xã hội náo loạn với vàng. Trong vòng xoáy "điên loạn" đó, nhiều người thắng đậm và ối kẻ "chết đứng". Để hạ nhiệt cơn sốt này, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra một lượng vàng từ dự trữ và mở quota cho nhập khẩu. Sau đó, giá vàng mới giảm dần và ổn định quanh mức 44-45 triệu đồng/lượng.
 
Ngoài ra, thông tin về việc dự kiến cấm sản xuất, lưu thông vàng miếng rồi lại chưa thông qua, chỉ lưu hành vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý SJC... cũng góp phần khiến thị trường vàng thêm bất ổn. "Cơn điên" của giá vàng trong năm 2011 thực sự là sự kiện chấn động, ảnh hưởng tới nhiều người vì tại Việt Nam, người dân vẫn có thói quen tích trữ vàng.
 
1.000 tấn: Số vàng cất trữ trong dân
 
Công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia giữa tháng 6/2011, đã công bố một con số giật mình: lượng vàng người dân nắm giữ có thể lên tới cả nghìn tấn. Con số này cũng đã được chất vấn tại quốc hội nhưng đến nay vẫn là một ẩn số. Nếu tính ra, lượng vàng này tương đương khoảng 45 tỷ USD - một số vốn lớn nằm trong két, không được đưa vào lưu thông - lại đem lại những hệ luỵ không nhỏ.
 
Đây là thói quen lâu đời của người dân, tuy an toàn, nhưng không sinh lời. Thói quen này cũng khiến cho mỗi khi giá vàng biến động, người dân lại đổ xô giao dịch, gây biến động lớn trên thị trường.
 
Hơn 3.000 tỷ: thuế truy thu các DN ôtô
 
Các liên doanh ôtô lớn ở Việt Nam như Honda, Ford, Toyota và GM Deawoo... hay Nhà máy ôtô VEAM... đã từng đứng trước nguy cơ bị truy thu thuế linh kiện ôtô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng Honda suýt bị truy thu hơn 3.340 tỷ đồng, Ford 54 tỷ đồng... với lý do không đảm bảo độ rời rạc theo Quyết định 05/2005 của bộ Khoa học & Công nghệ. Trong khi đó, theo thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính, chỉ cần 1 linh kiện không đáp ứng tiêu chí về độ rời rạc theo Quyết định 05 thì toàn bộ lô hàng sẽ phải nộp thuế theo thuế suất của xe nguyên chiếc là từ 72-82%, tức chênh lên rất nhiều so với mức dưới 30% của thuế linh kiện.
 
Sau nhiều tranh cãi giữa các bộ, giữa DN với các bộ, các DN đã may mắn thoát nạn này sau khi kêu cứu lên Chính phủ, và được Chính phủ đồng ý tháo gỡ. Nhưng đằng sau câu chuyện này là bài toán chưa có lời giải: DN ôtô Việt Nam "lười" nội địa hoá trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ èo uột, còn các cơ quan quản lý cũng "lười" cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật về độ rời rạc của linh kiện.
 
Gần 50.000: DN phá sản năm nay
 
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 9, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa; trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp. So với năm ngoái, số doanh nghiệp khó khăn, phải "đắp chiếu" này đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp. Bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Mặc dù Nghị quyết 11 đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp vẫn xấu đi. Hơn nữa, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm nay cũng xấu đi hơn nhiều trong đánh giá của các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ và DN.
 
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, đừng bi quan và hoảng hốt khi thấy số doanh nghiệp phá sản tăng lên vì đó là tín hiệu cho một cuộc sàng lọc có lợi cho tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.
 
Hơn 50%: Nợ công vẫn an toàn
 
Theo cách tính của Bộ Tài chính, năm 2007, nợ công mới chỉ là 33,8% GDP nhưng đến năm 2010, đã là 56,6%, trong đó nợ nước ngoài bằng 42,2%. Dự kiến tổng số nợ công sẽ ở mức khoảng 1.375 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 58,7% GDP năm 2011.
 
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tỷ lệ nợ công là 70% GDP, Việt Nam cũng có thể rơi vào cảnh "vỡ nợ" và khủng hoảng bởi nền kinh tế quá mong manh và nhạy cảm với các cú sốc bên ngoài. 3 rủi ro mà lớn từ nợ công của Việt Nam hiện nay là: chi tiêu và đầu tư công kém hiệu quả; một bộ phận rất lớn nợ công của các DNNN chưa được thống kê và nợ công tăng quá nhanh, trong khi thâm hụt ngân sách luôn ở mức rất cao.
 
Vậy, Việt Nam sẽ ứng phó thế nào với nợ công trong thời gian tới? Không có cách nào khác, đó là một cơ chế minh bạch đối với việc sử dụng các khoản vay.
 
10.162 tỷ đồng: Thua lỗ của EVN
 
Con số này được Bộ Công Thương công bố vào ngày 19/11 về tình hình kinh doanh thua lỗ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010. Đây là khoản lỗ của riêng mảng kinh doanh điện, chưa tính đến lỗ lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn. Kết quả kiểm toán mới nhất của Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định, EVN thua lỗ là do quản lý kém.
 
Mặc dù Bộ Công Thương bênh vực, cho rằng số lỗ này là do bù vào phần chi phí mua điện bên ngoài giá cao và chênh lệch tỷ giá, song, dư luận không khỏi hoài nghi: vậy số lỗ do EVN đầu tư ngoài ngành là bao nhiêu? những thất thoát trong khâu truyền tải điện tại sao chưa được tính đến?. Thua lỗ mà lương vẫn cao, tới 7,3 triệu đồng/tháng mà vẫn không đủ sống? giá thành sản xuất điện hiện nay là bao nhiêu?
 
Công bố thua lỗ để EVN đòi tăng giá điện. Và kết quả, EVN đã công bố sẽ tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày 20/12/2011.
 
3 thành 1: Vụ hợp nhất ngân hàng đầu tiên
 
3 ngân hàng đầu tiên ở TP.HCM là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và TMCP Sài Gòn (SCB) đã chính thức hợp nhất thành một ngân hàng, với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn. SCB "mới" sẽ chính thức hoạt động từ 1/1/2012. Trong đó, BIDV - với tư cách là đại diện Ngân hàng Nhà nước - sẽ hỗ trợ để quá trình hợp nhất này diễn ra "xuôi chèo mát mái".
 
Sự hợp nhất của 3 ngân hàng này như là "phát súng" đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước khởi động từ tháng 9/2011 và đang tích cực triển khai. Đây cũng là một trong ba nội dung chính trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, gồm tái cấu trúc phân bổ vốn đầu tư, DNNN và ngân hàng - nhằm tiến tới một hệ thống ngân hàng minh bạch, vững mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét