Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Những bi kịch thương tâm của gia đình Việt

Năm 2011 đã chứng kiến biết bao vụ trọng án, bi kịch thương tâm. Trong đó đáng nói nhất là những vụ trọng án xảy ra trong nội bộ gia đình như hai anh em ruột giết nhau chỉ vì thù vặt, mẹ đẻ ép con gái ngủ với bố dượng để chiều chồng, cha ruột nhiều lần dở trò đồi bại với con gái, bố đẻ bắt hai con ăn phân, chồng đánh vợ quay video rồi tung lên mạng, chồng làm đám ma cho vợ đang sống...


Chồng ép vợ xem clip về hành vi ngoại tình của mình và đánh vợ dã man gây thương tích nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần.

Những hành vi loạn luân, tội ác từ trong gia đình đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự đứt gãy các giá trị trong gia đình Việt.

VietNamNet xin đăng tải những ý kiến đánh giá của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia xã hội học để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về hiện tượng này.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội: Đạo đức gia đình suy đồi ở mức báo động

Trong năm qua, một số vụ án nghiêm trọng về bạo lực gia đình đã xảy ra gây ra sự bàng hoàng và phẫn nộ trong xã hội.
Bàng hoàng vì có một số hiện tượng chưa từng xảy ra (hoặc chưa được biết đến) như vụ chồng ép vợ xem clip về hành vi ngoại tình của mình và đánh vợ dã man gây thương tích nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần.


Tình trạng bạo lực tình dục trong gia đình như cha ruột quan hệ tình dục với con gái, cha dượng lạm dụng tình dục con riêng của vợ, … đặc biệt gây sự phẫn nộ trong dư luận xã hội.
Hiện tượng anh chị em trong gia đình đánh nhau thậm chí giết nhau cũng xảy ra ở một số địa phương…
Điều đáng nói là trong hầu hết các vụ bạo lực liên quan đến tình dục nạn nhân thường là phụ nữ và các em gái và thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình như cha, chồng hoặc họ hàng.

Điều này phản ánh sự suy thoái trong đạo đức, quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, suy yếu, bất bình đẳng giới vẫn tiếp tục tồn tại trong một bộ phận xã hội. Việc thi hành luật pháp còn yếu kém.
Luật phòng chống bạo lực gia đình đã ban hành được 4 năm nhưng dường như không có hiệu quả như mong muốn. Tình trạng bạo lực không hề suy giảm mà có nơi, có lúc còn tăng lên và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tôi không nghĩ rằng cấu trúc gia đình Việt Nam bị phá vỡ bởi những sự việc như vậy nhưng với một bộ phận xã hội, gia đình đã không còn thực hiện được vai trò của mình với tư cách là nơi hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân.
Người Việt Nam hay ví gia đình như một tổ ấm – nhưng với những hiện tượng nêu trên thì rõ ràng gia đình đã không thể bảo vệ được con người mà lại trở thành nơi tiềm ẩn bạo lực chống lại con người.

Chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu để theo dõi tình hình bạo lực xã hội bao gồm cả bạo lực xảy ra trong gia đình và ngoài xã hội trong vòng 5 năm trở lại đây để có thể đưa ra các nhận định về xu hướng tiến triển của nó. Sơ bộ có thể nhận thấy rằng sự gia tăng tình trạng suy đồi về đạo đức trong cả cấp độ vĩ mô (xã hội), và vi mô (gia đình và các quan hệ cá nhân). Số vụ bạo lực trong các thiết chế xã hội cơ bản như gia đình, nhà trường, cơ sở y tế ngày càng nhiều hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
**
Hình hài cháu Vũ Quốc Linh bị biến dạng sau khi bị bố đẻ tẩm xăng đốt



Các mối quan hệ cơ bản: Cha mẹ-con cái, vợ-chồng, thầy-trò, bác sĩ-bệnh nhân đang thay đổi dưới tác động của các biến đổi kinh tế-xã hội vĩ mô.
Các quy luật thị trường càng lộ rõ các móng vuốt của chúng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong khi chúng ta vẫn cứ hoài niệm về một thời bình yên xa xưa hay về một xã hội lý tưởng mà không chuẩn bị để đối phó với những vấn đề của cuộc sống hôm nay.
Cách tuyên truyền giáo dục của chúng ta về đạo đức và lối sống còn nặng về hô hào, hình thức, sáo rỗng và không thiết thực. Chúng ta mải mê giáo huấn về những điều lớn lao, cao cả mà quên mất những vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta đề cao giá trị của gia đình, ca ngợi truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái, một cách chung chung nhưng lại không trang bị cho mỗi cá nhân các kỹ năng sống và bản lĩnh để giải quyết các mâu thuẫn trong các quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.
Chính vì vậy mà nhiều khi chỉ những va chạm nhỏ cũng có thể dẫn đến các xung đột nghiêm trọng.

Khi xả̉y ra sự cố rồi thì chúng ta lại có xu hướng phê phán, lên án, đổ lỗi cho khách quan thay vì phân tích để tìm ra các nguyên nhân và giải pháp can thiệp. Tâm lý "ăn xổi", "chụp giật", lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm đang là một căn bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ lan rộng.
Một bộ phận nhỏ trong xã hội của chúng ta sẵn sàng làm điều sai trái, kể cả điều ác để thủ lợi nhưng điều đáng lo ngại là một bộ phận lớn hơn vì ích kỷ mà trở nên thờ ơ, vô cảm và do đó vô tình dung túng cái ác.

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Kim Quý: Việc rèn luyện, giáo dục cái tôi và cái 'siêu tôi' có vấn đề

Hiện tượng loạn luân, bạo lực trong gia đình trước đây cũng có nhưng thời gian gần đây mới bùng phát nhiều một phần là do có sự xuống cấp về mặt đạo đức trong xã hội.
Thứ hai xã hội phát triển tạo cho con người tự do phát triển, nghĩa là cái tôi được đặt lên hàng đầu.
Trước đây, do bị kìm kẹp nhiều, bị ràng buộc bởi các chuẩn mực đạo đức nên con người không dám thoát khỏi.
Xã hội hiện đại, giải phóng cái tôi nên sự ràng buộc con người vào những chuẩn mực đạo đức này bắt đầu có sự rạn nứt, tạo ra các kẽ hở tạo điều kiện cho con người ta sa ngã.
**
Trẻ em các nước phát triển được dạy về kỹ năng phòng tránh lạm dụng tình dục



Trong cấu trúc nhân cách con người có ba thành tố là cái tôi (con người hiện thực), cái siêu tôi (chuẩn mực của cá nhân) và phần nhu cầu, bản năng của con người. Cái tôi sẽ hành động dựa trên sự đối chiếu nhu cầu giữa bản năng và cái siêu tôi.
Những người có hành vi lệch lạc là do cái tôi yếu ớt và cái siêu tôi không vững mạnh nên không lấn át được bản năng. Điều này cho thấy việc rèn luyện, giáo dục cái tôi và cái siêu tôi của chúng ta hiện nay đang có vấn đề.
Thứ ba, chúng ta mở cửa hội nhập nhưng lại chưa có những biện pháp hiệu quả đến hạn chế các tác động xấu của nó.
Những trang web đen, clip, chuyện, sách đề cập đến vấn đề loạn luân, bạo lực tràn lan không quản lý được.
Những người thiếu hiểu biết, người ta cứ đọc rồi ngấm dần, dẫn đến làm theo. Rồi hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, quán bar hiện nay chúng ta cũng chưa quản lý chặt được, các hiện tượng như múa cột, múa thoát y đã bắt đầu xuất hiện.
Những yếu tố tiêu cực này nó khơi dậy bản năng của con người nên tất yếu nhu cầu thắng thế, dẫn đến những hành động lệch lạc.

Riêng vấn đề loạn luân trong gia đình, thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận khá nhiều ca cha xâm hại con gái, đặc biệt là dượng xâm hại con gái của vợ có tỷ lệ ngày càng tăng.
Trung tâm đã làm hết sức có thể nhưng cũng chỉ can thiệp được một phần nhỏ bởi thường các nạn nhân có tâm lý là dấu, muốn giải quyết theo cách là "đóng cửa bảo nhau" để không mang tiếng với hàng xóm láng giềng.
Rồi ở nước mình chưa có nhà tạm lánh, việc xử lý còn nhiều thủ tục rườm rà, bất hợp lý nên rất khó.

Theo tôi, để giảm thiểu những hành vi lệch lạc này chúng ta phải làm từ gốc. Cha mẹ phải học cách làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Người lớn sống tốt thì mới có thể dạy được trẻ con, là gương tốt để trẻ con noi theo.
Xã hội cũng cần có những hình thức xử phạt nghiêm khắc, thích đáng đối với những trường hợp loạn luân, bạo lực gia đình như thế. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được xem trọng.
Riêng vấn đề loạn luân, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục cho con cái tự bảo vệ mình. Hiện nay gia đình Việt Nam chưa làm được điều này.
Các nước thì trẻ con đã được dạy rồi, ai mới được động vào người, ai mới được động vào cơ quan sinh dục, ai mới được động vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, khi mình cảm thấy khó chịu khi người khác động vào cơ thể thì có phản ứng như thế nào người ta dậy hết.
Mình không dạy thành ra là cứ ép một cái, sợ là buông xuôi. Thế nên mới có chuyện những đứa trẻ bị cha hiếp dâm rất nhiều lần.
Quỳnh Anh - La Hoàn (thực hiện)

Nguồn: Việt Nam Nét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét