Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Bắc Kinh nắm giữ mọi chìa khóa của Bắc Triều Tiên


Khi còn sống, ông Kim Jong Il luôn dựa vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Ảnh: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp ông Kim Jong Il tại Bắc Kinh 5/5/2010.

Khi còn sống, ông Kim Jong Il luôn dựa vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Ảnh: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp ông Kim Jong Il tại Bắc Kinh 5/5/2010.
REUTERS/KCNA/tư liệu
Minh Anh  – RFI

Tương lai chính trị của Bắc Triều Tiên sau cái chết của nhà lãnh đạo  Kim Jong-il vẫn là chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm đến. Trong bài xã luận Le Monde nhận định rằng chính « Bắc Kinh đang nắm giữ các chìa khóa của Bắc Triều Tiên ».



Xã luận viết, theo truyền thuyết, Kim Jong-il từng có thể hô phong hoán vũ, theo đúng nghĩa của nó. Người con trai trẻ Kim Jong-un, được lên ngôi « lãnh đạo tối cao », dường như không được ban phát cho những quyền lực như vậy : hàng chục ngàn người bị triệu tập trong hai ngày tang lễ long trọng đóng vai diễn của mình một cách có ý thức trong cái rét giá buốt. Hiện tại, chưa có gì gây rắc rối, kịch bản diễn ra một cách suôn sẻ cho đến phút cuối cùng.


Điều này cũng chính xác với những gì mà các thế lực nước ngoài mong muốn, vốn đang bị tê dại bởi nỗi sợ hãi về sự bất định kể từ khi thông báo về cái chết của nhân vật số 1 Bắc Triều Tiên được đưa ra hôm thứ hai 19/12 vừa qua. Sự thật là mọi thành phần của một thảm họa đang được tập hợp lại.


Trong khi mà đất nước khép kín nhất trên thế giới, sở hữu vũ khí hạt  nhân và lực lượng quân đội theo quy định quá thừa thải, bao bọc bởi  Trung Quốc, Nga và người anh em thù nghịch phía Nam, mất đi kẻ độc tài của mình, người ta có thể hiểu rằng các nước tư bản nước ngoài, dân chủ hay không, vẫn ưa thích sự chọn lựa hợp lý về « sự chuyển giao quyền lực trong ôn hòa và ổn định ».


Nhưng một khi giai đoạn tang chế dài đi qua, một khi quang cảnh triều đại xoay quanh người kế thừa và số đông quan nhiếp chính có thể nhìn thấy rõ được, các nhà ngoại giao buộc phải bắt tay vào việc ngay.


Điều hài hước là vào thời điểm Kim Jong-il ra đi, các nhà thương thuyết Mỹ đang chuẩn bị kết thúc khả quan các cuộc thương thuyết với các nhà thương thuyết Bắc Triều Tiên khác tại Bắc Kinh. Các cuộc đàm phán tụ quanh các chủ đề các nước phương Tây tháo dỡ một chương trình trợ giúp lương thực quan trọng, đổi lại Bắc Triều Tiên cam kết từ bỏ chương trình làm giàu chất uranium và chấp nhận để cho các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc quay trở lại.


Thế nhưng, những tiến bộ về hướng nối lại đàm phán sáu bên (bao gồm hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) vốn đã bị đình trệ từ năm 2008, đã bị đóng băng lại do thông báo quốc tang. Giờ đây, Washington đang trông chờ một tín hiệu từ Bình Nhưỡng.


Dĩ nhiên, người ta có thể mơ tưởng đến một kịch bản Miến Điện cho Bắc Triều Tiên. Tại đó, các nhà lãnh đạo hiện giờ ít đần độn hơn những người tiền nhiệm đã quyết dịnh hé mở cánh cửa hầm boongke và đa dạng hóa sự hậu thuẫn từ nước ngoài, nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, trong lúc này đây, hiện thực chỉ cho phép hy vọng có chừng mực.


Rõ ràng là Trung Quốc không có ý định buông thả người hàng xóm Bắc Triều Tiên của mình. Người đầu tiên bị liên đới do sự ổn định trong khu vực, cùng với Seoul, thủ tướng Nhật bản Yoshihiko Noda tuần này đã đến Bắc Kinh để cậy nhờ. Như vậy, qua Trung Quốc, giải pháp sẽ thông qua. Đó có thể là một giải pháp của một hình mẫu kiểu Trung Quốc theo kiểu Bắc Triều Tiên, phiên bản đế chế và chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đầu.


Người Mỹ dĩ nhiên đã hiểu sự trói buộc này. Trong lúc tìm kiếm một  giải pháp thay thế cho chính sách trừng phạt, mà sự thất bại là quá rõ ràng, Mỹ không nên từ bỏ việc xúc tiến những ý tưởng mà nó đã kết thúc bằng việc đạt được mục đích ngoài sự mong đợi tại Miến Điện.


Tại Bombay, chủ nghĩa dân tộc địa phương cực hữu duy trì sự không khoan dung


Nhìn sang Nam Á, nhật báo Le Monde có bài phóng sự về tình hình xã hội tại Ấn Độ. Với bài viết « Tại Bombay, chủ nghĩa dân tộc địa phương cực hữu duy trì sự không khoan dung », Le Monde cho biết dân di cư và công nghiệp điện ảnh Bollywood trở thành mục tiêu cúa các cuộc tấn công của người dân tại bang Maharashtra, dười chiêu bài bảo vệ « bản sắc » vùng.


Le Monde cho biết, các mối căng thẳng luôn tái diễn tại Ấn Độ do sự đa dạng về văn hóa. Với số dân 1,1 tỷ người, Ấn độ sở hữu đến 234 ngôn ngữ với hơn 10000 người sử dụng. Bang Maharashtra, nằm ở phía Tây Ấn độ, với thủ đô kinh tế là Bombay được thành lập năm 1960, là thủ phủ của những người sử dụng tiếng marath. Năm 1966, đảng Đội quân Shivaji (Shiv Sena) được hình thành, với mục tiêu hành động là tiếp tục bảo tồn « văn hóa » người marath tại Maharashtra. Chủ yếu họ tấn công vào những người di cư đến từ phía Nam của đất nước.


Mười năm sau, do xích mích trong nội bộ, người cháu của sáng lập viên đảng Shiv Sena đứng ra thành lập đảng Maharashtra Navnirman Sena (MSN). Ngoài các tranh cãi cá nhân, cả hai đảng này có cùng chung mục tiêu hành động : sự bài ngoại. Người di cư luôn là điểm ngắm cho các cuộc tấn công. Nếu như Shiv Sena nhắm đến những người di cư đến từ phía Nam, thì MSN chú ý đến những người đến từ phía Bắc, nhất là những người mới đến từ những bang nghèo như Uttar Pradesh và Bihar. Những người này bị quy cho là đến ăn cắp công ăn việc làm hay nhạo báng tiếng marath của người sở tại, hòng gây lợi cho tiếng hindu, phương ngữ vùng bắc Ấn độ.


Họ lập luận rằng, « đa phần những người này là dân di cư bất hợp pháp. Không những họ phớt lờ tiếng marath, mà còn tạo ra áp lực hạ giá nhân công của vùng. […] Hiến pháp Ấn độ cho phép tự do đi lại trên cả nước nhưng không vì thế mà gây phương hại cho thổ dân của bang này hay bang khác […] ».


Le Monde nhận xét, với thời gian, sự phổ biến rộng rãi hệ tư tưởng này đã tạo ra bầu không khí về sự không khoan dung đáng lo ngại. Đảng MSN thường xuyên gởi các tay chân thân cận của mình đến đánh đập những người di cư phía Bắc, tài xế taxi hay các tiểu thương, dưới danh nghĩa « bảo tồn khu vực ». Các đội « cảnh sát văn hóa » tự phong còn đến đầu độc bầu không khí tại các trường đại học.


Bầu không khí ảm đạm này còn bao trùm lên cả những nơi sản xuất phim ảnh và trong văn học. Năm 2008, đạo diễn bộ phim hài dễ thương Wake up Sid, đã phải quỳ mọp dưới chân nhà lãnh đạo đảng Shiv Sena để xin lỗi. Năm 2010, một trường đại học tại Bombay, đã phải rút tác phẩm Such a long journey (tạm dịch « Một hành trình dài thăm thẳm ») do một nữ nhà văn người Canada, gốc Ấn độ sáng tác ra khỏi chương trình giảng dạy. Cuối cùng, Le Monde nhận xét « các kiểu sự cố như vậy làm xấu đi hình ảnh của một thành phố Bombay tự do và đa dạng phong tục ra nước ngoài ».


Châu Âu kỷ niệm 10 năm khai sinh đồng euro


Ngày 01 tháng giêng sắp tới, Châu Âu sẽ mừng 10 năm đồng euro xuất hiện. Đây cũng chính là đề tài được nhiều các trang báo Pháp ngày hôm nay nhắc đến. Nhật báo cộng sản L’Humanité nhìn sự kiện dưới một góc nhìn khác qua hàng tít trên trang nhất « 10 năm… Đấy không phải là lễ hội ». Cách đây 10 năm, sự xuất hiện của đồng euro được tung hô ầm ĩ trên báo chí. Ngày nay, ngay giữa lòng khủng hoảng, sự tỉnh ngộ thắng thế


Cùng quan điểm với L’Humanité, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tít « 10 năm sau sau khi đưa vào sử dụng, đồng euro đang đối mặt với đợt khủng hoảng tồi tệ trong lịch sử của mình». « Trong khi đồng tiền chung mừng 10 năm, những điểm lợi của việc đồng euro bị hạ giá », « Euro mặt xấp, euro mặt ngửa » lần lượt là hàng tít lớn trên trang nhất báo Le Figaro và nhật báo công giáo La Croix.


Tuy nhiên , Le Figaro và La Croix nhìn về sự kiện này với góc nhìn khá khoan dung. Sự xuất hiện của đồng tiền chung đã mang lại nhiều thuận lợi cho hơn 300 triệu công dân châu Âu tại 17 nước thành viên trong khối. Một quan điểm được cả hai tờ báo đồng chia sẻ qua hai bài xã luận.
Theo Le Figaro, « khi đồng euro xuất hiện, người châu Âu đã tiếp nhận nó một cách bình thường ». Tuy nhiên, nó đã « không giữ hết được những lời hứa hẹn của mình ». Khủng hoảng lần này đã làm nổi bật lên hai điểm yếu chính của Liên hiệp châu Âu :


Thứ nhất, chính là « thiếu vắng một đường hướng chỉ đạo chính trị cho các nước thành viên ». Về điểm này, La Croix cùng đồng tình với Le Figaro khi cho rằng do « không có sự kết hợp chặt chẽ trong các chính sách kinh tế » mà vô hình chung các nước thành viên đã tạo ra một hố ngăn cách giữa các nước lớn và các nước ngoại vi.
Thứ hai, Liên hiệp châu Âu không có một quy định hướng dẫn ngân sách chung (Le Figaro).


Tuy nhiên, cả hai bài xã luận đều nhìn nhận rằng đồng euro cũng có  những mặt tốt. Theo La Croix, « đồng tiền chung euro cho phép người dân của 17 nước thành viên có thể di du ngoạn từ Phần Lan cho đến Hy Lạp mà không cần phải lo lắng đến chuyện đổi tiền. Đồng euro còn tạo nhiều thuận lợi cho đời sống các doanh nghiệp châu Âu nhằm giảm thiểu các khoản chi phí liên quan đến vô số các loại tiền mà doanh nghiệp trao đổi. 


Trở thành một trong những đồng ngoại tệ trên thế giới, euro tạo cho  châu Âu một trọng lượng trong các cuộc mặc cả kinh tế thế giới. Và cuối cùng euro còn có tác dụng bảo vệ chắc chắn. Không có euro, các cơn lốc tài chính liên tiếp xảy ra những năm vừa qua có lẽ sẽ làm cho lãi suất tại các nước thành viên leo thang còn sớm và cao hơn nữa ».


Về điểm này, Le Figaro công nhận đồng euro giúp ổn định giá cả, giúp cho hơn 300 triệu công dân châu Âu tại 17 nước có được cuộc sống ổn định. Một trong những vấn đề Liên hiệp châu Âu cần phải xem lại chính là chính sách quản lý theo kiểu « cái cày đi trước con trâu ». Cần phải dùng đủ mọi biện pháp để tránh bùng nổ khối đồng tiền chung, mà nó có thể sẽ mở ra một thảm họa kinh tế – chính trị.


Trái đất ấm dần : nguyên nhân gây gia tăng làn sóng di cư.


« Trái đất ấm dần : nguyên nhân gây gia tăng làn sóng di cư » là kết luận của một công trình nghiên cứu do Tổ chức di cư quốc tế (OIM) và Viện phát triển bền vững và các mối quan hện quốc tế (IDDRI) vừa công bố. Đề tài này được nhật báo Le Monde hôm nay phản ánh lại.


Theo kết quả nghiên cứu, thì mức độ quan trọng của sự di cư do môi  trường còn cao hơn do xung đột. Nếu trong năm 2008, di cư do xung đột đạt 4,6 triệu dân thì do môi trường lên đến 20 triệu. Con số này đã lên đến 38 triệu người trong năm 2010. Như vậy, theo tiên lượng của các nhà khoa học, số người đi di tản trong năm 2011 sẽ còn cao hơn nữa. Nhất là, năm 2011 đầy biến cố thiên nhiên : động đất sóng thần và tai nạn hạt nhân tại Fukushima, lũ lụt tại Thái Lan, Trung Quốc và Philippines đã tạo ra làn sóng di tản đông đảo.


Nghiên cứu còn chỉ ra cho thấy các biến cố thiên nhiên bất ngờ và mạnh không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng di cư. Sự xuống cấp dần dần của môi trường sống cũng dẫn đến việc phải đợt di tản không mong muốn.


Bản nghiên cứu cũng chỉ ra rõ bản chất của sự di cư. Phần đông các  trường hợp được phân tích cho thấy đó là sự di cư nội bộ, nghĩa là người di cư không đi ra biên giới lãnh thổ.


Điểm nổi bật thứ ba của bản nghiên cứu là đã chỉ rõ rằng người dân buộc phải đi di tản hoặc do chính bản thân biến cố môi trường, hoặc do chính sách di tản dân cư ra khỏi vùng thảm họa (như trong trường hợp cơn bão Xynthia tại Pháp).


Từ đó, bài nghiên cứu nhấn mạnh đến tầm quan trọng các chính sách thích hợp : thông điệp xuyên suốt của bản báo cáo chỉ rõ rằng hậu quả của thảm họa thiên nhiên cũng liên quan đến quá trình chuẩn bị và quản lý của chính quyền cũng như là tầm mức của chính sự kiện.


http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20111230-bac-kinh-nam-giu-moi-chia-khoa-cua-bac-trieu-tien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét