Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Tác hại của hóa chất tạo nạc trong chăn nuôi heo

Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-03-20

Thông tin về thịt heo siêu nạc trong nước đang gây ra lo sợ cho người tiêu dùng trong nước.


RFA PHOTO

Thịt heo bán tại một chợ ở Hà Nội hôm 30-12-2011.

Loại hóa chất tạo siêu nạc cho heo có thể gây ra những tác hại gì đối với con người ? Khả năng ngăn chặn của các cơ quan chức năng đến đâu trong sự việc này? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tường trình về sự việc này như sau:

Heo ăn nhiều cũng chết
Thực chất loại thịt siêu nạc là thịt giả nạc. Khi chất tạo nạc này nhiễm vào cơ thể heo sẽ làm máu ở phần thịt nạc dồn lên phía mỡ bên trên, khiến phần mỡ này chuyển dần sang màu đỏ giống như thịt nạc. Các chất tạo nạc cho heo tìm thấy ở Việt Nam thường là salbutamol và chlebutarol, có nguồn gốc từ nhóm beta agonist.


Đây là loại chất độc hại đã bị Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấm sử dụng nhiều năm nay. Trao đổi về tính độc hại của hóa chất tạo nạc này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Thanh Liêm, Bộ môn Dinh dưỡng gia súc, độc chất học của Đại học Nông Lâm cho biết:


Còn cái chất này là chất hóa học, nó tồn dư không có hư. Chiên, nướng, nấu nó vẫn còn nguyên. Thành ra nó nguy hiểm chỗ đó.

TS Dương Thanh Liêm  
 “Chất này đại khái nó giống như adrenalin, để mà cấp cứu khẩn cấp cho bệnh tim khi ngừng đập. Ta dùng trong y học để chữa mấy người bị suyễn. Cái liều của nó là bác sỹ chỉ định. Chất này nếu mà ăn vô, nó tồn dư nhiều, nó gây tim đập rất là nhanh; huyết áp nó tăng lên, rồi tay chân run lẩy bẩy. Nó tương đối độc, cho nên là thuốc chỉ định của bác sỹ, người ta mới sử dụng. 

Cái đó là β-agonist. Mà adrenalin của cơ thể sản xuất ra, hết nhiệm vụ rồi là nó hủy. Còn cái chất này là chất hóa học, nó tồn dư không có hư. Chiên, nướng, nấu nó vẫn còn nguyên. Thành ra nó nguy hiểm chỗ đó.

Ở các nước nó cấm, mà Trung quốc cũng cấm. Chớ không phải Trung quốc sản xuất là Trung quốc cho chơi đâu. Nó vậy đó.”


Chất tạo nạc nguy hiểm này còn gây tác hại lâu dài đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể người sử dụng như gan, não; nhất là với trẻ em và phụ nữ. Ngay đối với heo, theo Tiến sĩ Dương Thanh Liêm, chất này cũng nguy hại rõ ràng:

“Mà ngay con heo, cho ăn nhiều nó cũng chết. Khi mà đuổi nó, gây cái shock nó cũng đứng tim được.”

Người nuôi sử dụng hóa chất tạo siêu nạc này chỉ cho heo ăn không quá nửa tháng, trước khi xuất chuồng. Nếu nuôi quá nửa tháng heo sẽ tự khuỵu chân, vì hóa chất này làm cho xương giòn. Trong quá trình di chuyển heo sẽ tự gãy chân. Ngoài ra, khắp người con heo sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước. Trước một hóa chất nhiều độc hại như vậy, Tiến sĩ Dương Thanh Liêm cũng cho biết về thái độ ứng xử và thời điểm thực hiện của cơ quan chức năng:

“Cấm lâu rồi, cấm từ năm 2002. Có Quyết định của Bộ Nông nghiệp, có văn bản đàng hoàng.”

Mặc dù là vậy, nhưng trong những tháng đầu năm nay, việc sử dụng loại chất tạo nạc trong chăn nuôi heo lại rộ lên. Sau những thông tin cảnh báo từ thực tế và truyền thông, cơ quan chức năng chuyên môn đã vào cuộc và có những biện pháp ngăn chặn nhất định. Chúng tôi được ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Quản lý Ngộ độc Thực phẩm thuộc Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm của Bộ Y tế cho biết rằng:


thit-heo-sieu-nac-trong-sieu-thi250.jpg

Thịt heo bán tại siêu thị Big C ở Hà Nội hôm 19-01-2012. RFA PHOTO.


“Thứ nhất beta agonist hiện nay là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Theo đấy là một loạt các hoạt động từ vấn đề ban hành văn bản đến vấn đề về tổ chức, triển khai, tuyên truyền cho người dân để thực hiện. Đồng thời thanh tra, kiểm tra để xem việc chấp hành các quy định như thế nào. Tăng cường các hoạt động giám sát để phát hiện beta agonist trong các chuyển hóa của thức ăn chăn nuôi.

Vừa rồi cái việc phát hiện ra ở đấy thì nó cũng giống như bất kỳ cái sự cố nào, cái sự gian dối của tư nhân trong quá trình sản xuất thì người ta có thể người ta sử dụng. Thế vừa rồi đã phát hiện được ở Đồng Nai, cơ quan chức năng theo quy định của Luật An toàn Thực phẩm, cái này là thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Các anh ấy đã triển khai và cũng đã phát hiện, xác định được các cơ sở vi phạm. Đã xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời là cảnh báo cho cộng đồng. Hướng dẫn người dân trong quá trình mua bán các sản phẩm liên quan đến thịt để đảm bảo an toàn.”


Ai chịu trách nhiệm?

Tuy nhiên, những gian dối trong kinh doanh liên quan chất tạo nạc buộc phải xét đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Một khi trong thời gian qua, loại chất độc hại này bị phát hiện có đến hàng tấn tại các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Đồng thời, hiện tượng sử dụng chất độc này từng bị phát hiện trong thức ăn chăn nuôi từ nhiều năm trước đây. Vậy trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý như thế nào, kể cả về mặt luật pháp ? Với câu hỏi này, chúng tôi được ông Lâm Quốc Hùng trả lời như sau:

Mà ngay con heo, cho ăn nhiều nó cũng chết. Khi mà đuổi nó, gây cái shock nó cũng đứng tim được.

TS Dương Thanh Liêm
“Việc gian dối trong kinh doanh thì nó là các vụ việc, thế nên là khi xảy ra các vụ việc thì đều triển khai các giải pháp về quản lý. Trong thị trường không phải tất cả mọi người đều làm như thế. Và từ năm 2007 đến giờ đã có những phát hiện đấy thì đều được xử lý cả.”

Việc xử lý hành vi gian dối trong kinh doanh này đang tạo nên một gánh nặng cho cơ quan chức năng. Không chỉ có ở những người nuôi heo nhỏ lẻ mà có cả ở những trang trại lớn cũng sử dụng hóa chất tạo siêu nạc. Hành vi phạm pháp này ngoài khu vực có đàn heo lớn nhất nước là Đồng Nai, còn xuất hiện ở các tỉnh khác như Đắk Lắk, Bình Phước. Tưởng cũng nên nhắc một chút về xuất xứ của hóa chất độc hại này, theo Tiến sĩ Dương Thanh Liêm cho biết:

“Cái này là nó đi con đường lậu từ Trung quốc qua. Trung quốc họ không quản lý được, họ cũng bị nhiễm rồi ngộ độc bên đó. Nhưng họ cấm không được, cho nên giờ nó tràn qua mình. Chớ các nước châu Âu không dùng rồi.”

Hiện nay, có không ít người tiêu dùng hồi hộp chờ đợi cơ quan nhà nước công bố tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn heo cả nước vào cuối tháng 3 này. Liệu hóa chất tạo nạc trên chỉ dừng lại ở heo, hay đã lan đến những loài vật nuôi công nghiệp khác như bò, gà…

Vụ việc thiếu an toàn trong thực phẩm thịt heo hiện nay, lại thêm một dịp phản ánh về hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Mặt khác, là cơ hội cảnh báo về các giá trị đạo đức đang có chiều hướng suy thoái trong một bộ phận xã hội.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chemicals-used-in-meat-nk-03202012183741.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét