Người nhà chúng tôi không thể sống lại, trở về cùng gia đình nhưng chúng
tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần có những bản án đúng lương tâm,
một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có như vậy tội
ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, cảnh những
người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi cái chết của người thân do
bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo vệ luật pháp và bảo vệ
công dân.
Vấn đề nan giải công an đánh dân giống như một căn bệnh dịch có sức lây
truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành
một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt khi sự thật được làm sáng tỏ, công
lý được thực thi... - Nguyễn Quang Phục, Trịnh Kim
Tiến, Nguyễn Thị Thanh Tuyền.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
**************
ĐƠN TỐ CÁO VÀ YÊU CẦU
(V/v: Quốc
hội lên tiếng về việc công an lạm quyền đánh chết dân, công lý chưa được thực
thi đầy đủ, pháp luật chưa công minh)
Kính gửi:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN
Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam -
ông Nguyễn Sinh Hùng
Các Đại biểu Quốc hội:
- Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Ông Phạm Quang Nghị
- Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Ông Nguyễn Hồng
Sơn
- Huyện Bến Cát, Bình Dương: Ông Lê Thành
Nhơn
Chúng tôi là thân nhân của những nạn nhân bị
công an Việt Nam đánh chết. Gồm:
- Nguyễn Quang Phục – Sinh năm:
1949
Trú tại: số nhà 11, hẻm 254/101/3, tổ 5, phường
Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Số điện thoại: 01653687846
- Trịnh Kim Tiến – sinh năm:
1990
Trú tại: 525 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà
Nội
Số điện thoại:0947526256
- Nguyễn Thị Thanh Tuyền – sinh
năm: 1981
Trú tại: Thôn Phước An, xã Đức Hòa, huyện Mộ
Đức, Tỉnh Quảng Ngãi
Số điện thoại: 0908796116
Chúng tôi đồng gửi đơn này khẩn thiết đề nghị
Quốc hội lên tiếng về tình trạng công an ngày càng lạm dụng chức vụ, nghề nghiệp
gây ra những cái chết oan khuất cho người dân; sự thật bị bao che, lấp liếm;
công lý và pháp luật không được thực thi đầy đủ và trọn vẹn.
Đau đớn trước những cái chết oan ức, tức tưởi
của người thân, chúng tôi càng đau xót hơn khi sự thật bị che giấu, công lý bị
chà đạp bởi những người thực thi pháp luật và tình trạng công an đánh chết người
vẫn liên tục tiếp diễn mà không được giải quyết trọn vẹn.
Việc cụ thể như sau:
1.
Tôi là Nguyễn Quang Phục, sinh năm 1949, trú tại Mai Động, Hoàng Mai, Hà
Nội. Ngày 21/01/2010, con tôi là Nguyễn Quốc
Bảo, sinh năm 1978 bị công an quận Hai Bà Trưng tạm giữ một cách
không rõ ràng và ngày 22/01/2010 tôi được báo tin xác con tôi đã được công an
quận Hai Bà Trưng đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Bảo là một người con có hiếu với cha mẹ, xưa
nay không hề có tiền án, tiền sự nào, là một thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ
quân sự, có một vợ và con trai nhỏ.
Lúc bị giữ, Bảo đang trên đường đi mua đồ chơi
cho con của Bảo. Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt ép đưa Bảo về đội Hình sự quận
với lý do tạm giữ hành chính. Nhưng lý do tạm giữ hành chính là gì lại không
nhất quán rõ ràng. Theo kết quả điều tra của VKSNDTC, sáng ngày 21/ 01/2010,
công an quận Hai Bà Trưng nhận được đơn của ông Vũ Văn Hoạt nào đó, mà không ai
biết đó là ai, trình báo về việc con trai tôi đi xe máy theo sát ô tô của ông ta
với biểu hiện nghi vấn từ sáng nên yêu cầu được bảo vệ. Nhưng thời điểm đó, Bảo
không đi ngoài đường mà đang nghỉ tại khách sạn Thành Đô (Đền Lừ). Công an quận
Hai Bà Trưng nói họ đã theo dõi Bảo từ sau khi nhận được đơn của ông Hoạt cho
đến lúc bắt nhốt Bảo.
Mâu thuẫn là ở chỗ kết luận lại nói con trai
tôi bị tạm giữ vì lý do không đội mũ bảo hiểm, trong cốp có vũ khí thô sơ và
không có giấy tờ tùy thân. Nhưng nếu con tôi không đội mũ thì tại sao họ không
bắt con tôi luôn từ sáng trong khoảng thời gian họ theo dõi con tôi mà phải đợi
đến chiều? Vũ khí thô sơ mà họ nói chỉ là một con dao gọt hoa quả cùng với cái
kéo chỉ là hai đồ gia dụng bình thường mà ai cũng có thể mang đi, đó không phải
là vũ khí thô sơ. Còn nếu không có giấy tờ tùy thân thì tại sao đang trong quá
trình điều tra, công an thành phố Hà Nội lại có chứng minh nhân dân của Bảo để
trả lại cho gia đình tôi? Việc trả lại giấy tờ là một điều kì lạ và sai quy
trình điều tra.
Kết luận của cơ quan pháp y Quân đội có cho kết
quả khám nghiệm HIV và độc tính trong cơ thể của con tôi là âm tính, vậy mà họ
nói con trai tôi sử dụng ma túy.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho Bảo là
chấn thương sọ não mức độ nặng, do tác động của vật tày có giới hạn gây vỡ nền
sọ ở hố sau sọ phải. Trên thân thể vô số thương tích do vật tày có giới hạn là
vật cứng gây ra.
Không ai tự đánh mình đến chết! Vậy mà cơ
quan điều tra kết luận con trai tôi tự thương, tự gây ra thương tích cho mình mà
chết.
2.
Tôi là Trịnh Kim Tiến, sinh năm 1990, trú tại 525 Trần Khát Chân, Hà Nội,
là con gái của nạn nhân Trịnh Xuân
Tùng, sinh năm 1958, người bị Trung tá công an Nguyễn Văn
Ninh, nguyên phó Công an cùng dân phòng phường Thịnh Liệt đánh vào ngày
28/02/2011 và tử vong vào ngày 8/3/2011.
Bản án 4 năm tù giam về tội "làm chết người
trong khi thi hành công vụ", không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của
công an trực ban và dân phòng phường Thịnh Liệt, những đồng phạm gây ra cái chết
oan của bố tôi trong phiên Tòa ngày 13/01/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà
Nội; chúng tôi cho rằng là chưa đúng pháp luật, chưa khách quan, bỏ lọt tội
phạm, gây bức xúc cho gia đình tôi.
Ngày 28/02/2011, bố tôi bị giam giữ trái pháp
luật gần 6 tiếng đồng hồ tại đồn công an phường Thịnh Liệt. Sau khi bị đánh đập
dã man, trong tình trạng hết sức nguy hiểm, liệt hết tay chân và đau đớn, họ đã
không cho bố tôi đi cấp cứu. Bố tôi bị còng tay, đưa lên xe đồn và mang về
phường. Các cán bộ trực ban Công an phường Thịnh Liệt đã thiếu trách nhiệm, bỏ
mặc, giam giữ bố tôi suốt 6 tiếng tại trụ sở mà không kiểm tra sức khỏe của bố
tôi dẫn đến bố tôi không được cấp cứu kịp thời và đã tử vong. Họ đã cản trở việc
cứu chữa kịp thời của bố tôi, không cho gia đình tôi được tiếp xúc chăm sóc và
cho bố tôi ăn uống, thậm chí họ còn còng tay bố tôi đến tận phòng cấp cứu của
bệnh viện Bạch Mai.
Chỉ vì một sự việc không đáng, một lỗi vi phạm
giao thông nhỏ, không đội mũ bảo hiểm mà bố tôi bị đánh chết một cách oan ức.
Bản án cho rằng người bị hại là bố tôi có lỗi, có hành vi chống người thi hành
công vụ là không có cơ sở.
Lời khai của nhân chứng có mặt trực tiếp tại đó
khẳng định bố tôi hoàn toàn không đánh bị cáo mà chỉ có lời nói nóng nảy. Trong
khi đó, các nhân chứng khách quan là những người xe ôm, người bán hàng và người
có nhà ở gần đó thì không được phép có mặt tại Tòa án để được thẩm vấn công
khai, khách quan tại phiên tòa mà Tòa án chỉ đọc lời khai có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, không đủ cơ sở khẳng định các lời khai của các nhân chứng này có khách
quan không, có bị ép cung hay mớm cung không.
Tội danh mà Tòa án xét xử bị cáo là chưa
đúng với hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Ninh. Đồng thời việc
không xem xét đến trách nhiệm của những người liên quan đã bỏ lọt tội
phạm.
3.
Tôi là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1981, trú tại Thôn phước an, Xã
Đức Hòa, Huyện Mộ Đức, Tỉnh Quảng Ngãi.
Chồng tôi là Nguyễn Công Nhựt, sinh năm 1981 đã chết một
cách bí ẩn tại trụ sở công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngày
25/04/2011.
Tôi khẳng định chồng tôi bị tra tấn, nhục hình,
đánh đến chết. Chồng tôi không tự tử như lời ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh văn phòng
VKSND tỉnh Bình Dương trả lời trên báo Người lao động.
Anh Nhựt không thể tự nguyện ở lại đồn công an
rồi tử tự chết trong khi anh có một gia đình hạnh phúc. Trong khi anh không hề
phạm tội mà lại là người đi tố giác tội phạm.
Chồng tôi làm việc cho công ty Kumho, một công
ty chuyên sản xuất lốp xe của Hàn Quốc. Phát giác được có sự ăn chặn, trộm cắp
diễn ra, mức hao hụt thành phẩm do phần mềm bị lỗi, nghi ngờ những người ăn trộm
56 lốp xe trong đêm ngày 21/08/2010, anh đã báo cho ông Chi Kyu Sik, ông Kim Tae
Song… nhưng các vị lãnh đạo công ty Hàn Quốc này đều làm ngơ. Sau đó chính họ đã
giao nộp anh Nhựt cho công an Bình Dương trong giờ làm việc mà không báo cho gia
đình tôi biết. Cũng trong ngày họ đã tuyển dụng gấp thay thế vị trí của anh
Nhựt.
Lúc đầu công an Bình Dương trả lời là anh sợ
tội nên quẫn trí tự tử chết? Sau đó lại trả lời anh có công tố giác tội phạm và
sợ bi trả thù nên không dám về nhà và đã xin ở lại đồn công an rồi tự tử.
Điều đáng buồn cười nhất, tôi xin được nói là
buồn cười, cười trong dòng nước mắt đau thương, một điều hết sức phi lý, chồng
tôi chết bởi một sợi dây sạc pin điện thoại. Chồng tôi tự tử bằng một sợi dây
sạc pin điện thoại - đó là phát ngôn đầu tiên của công an Bình Dương. Sau đó,
đối diện với dư luận phẫn nộ thì công an Bình Dương trả lời rằng “Nhựt thắt cổ
bằng dây cáp điện thoại bàn”. Câu trả lời của công an Bình Dương: “Thắt cổ dưới
hình thức treo cổ”. Vô lý trong một đồn công an hàng bao nhiêu con người ra vào
lại để một người đàn ông nặng 65kg cao 1m78 “thắt cổ dưới hình thức treo cổ” dễ
dàng đến vậy. Người ta biết rõ anh chuẩn bị tự tử hay sao mà còn chuẩn bị cho
anh giấy bút để viết lại bức thư tuyệt mệnh ca ngợi những điều tra viên là những
người tuyệt vời nhất. Nét chữ đó không phải nét chữ của anh Nhựt, ngôn ngữ viết
không phải do anh viết. Nhưng cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương đã giám
định và đưa ra kết luận là do anh viết. Cơ quan pháp y của cơ quan công an Bình
Dương kết luận là anh tự tử. VKSND Tối cao gần một năm qua chưa thông báo cho
gia đình tôi về kết quả điều tra.
Một lần nữa tôi xin khẳng định chồng tôi
không tự tử.
*
Tất cả chúng tôi
đều nhận thấy những cái chết oan khuất như thế vẫn đã và đang diễn ra trong
nhiều năm nay:
- 20/11/2009: Anh Nguyễn Mạnh Hùng (33
tuổi) đã qua đời tại phòng tạm giam công an quận Hà Đông, Hà Nội. Chiều
10/11/2009, có hai người tự xưng là công an quận Hà Đông đến nhà, nói đưa Hùng
đi có chút việc. Ngày 21/11/2009, gia đình Hùng nhận được tin báo từ công an Hà
Đông rằng Hùng đã chết. Hùng vốn khỏe mạnh, nặng 55kg, không có tiền sử bệnh
tật. Ông Nguyễn Xuân Bình (70 tuổi), bố của Hùng đau đớn gấp ngàn lần hơn khi
kinh hoàng trông thấy xác con: “ Toàn bộ thân thể khô đét lại, 10 đầu ngón tay
chân bầm tím…từ 1/3 đùi trở xuống đến bàn chân phù nề và thâm tím”. Ông gửi đơn
thư đi nhiều nơi mong nhận được trả lời thỏa đáng về nguyên nhân tử vong trong
khi bị giam giữ của đứa con trai duy nhất. Phía công an Hà Đông cho rằng "không
có chuyện dùng nhục hình, bức cung hay đánh đập can phạm", nhưng lại từ chối
giải thích vì sao lại có những dấu vết "lạ" trên cơ thể anh Hùng, dù họ khẳng
định lúc bị bắt những vết thâm tím này không hề có. Vụ việc này đến nay vẫn chưa
có câu trả lời.
- 7/5/2010: Anh Võ Văn Khánh (SN 1981,
ngụ Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) bị chết trong đồn công an. Kết luận của công an
là "tự tử bằng dây buộc giày". Theo thông báo của tổ pháp y với gia đình, xương
sườn anh Khánh bị đứt là do vết mổ cũ, còn bên trái xương sườn có vét bầm đen là
do quá trình sơ cấp cứu.
Ngoài ra, khi phẫu thuật phía dưới vai trái anh
Khánh, tổ pháp y cũng phát hiện có máu bầm tím. 8-5, công an huyện Điện Bàn đưa
xác anh Khánh về cho gia đình ở Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu
đồng.
Cho đến nay vẫn không có tin tức gì thêm về vụ
việc này.
- 25/5/2010: Em Lê Xuân Dũng (12 tuổi,
vừa học xong lớp 6, Trường THCS Tĩnh Hải), anh Lê Hữu Nam (43 tuổi, trú
tại thôn Trung Sơn) bị công an bắn chết khi người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại
khu vực thi công san lấp mặt bằng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ngăn cản không cho
các thiết bị máy móc, xe ôtô chở đất đá hoạt động. Đến nay vụ việc này đã bị cho
chìm xuồng.
- 29/6/2010: anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi)
tử vong trong tay công an. Theo lời công an nói với bác sĩ, nạn nhân phải đi cấp
cứu do "tự lao đầu vào tường". Người giám sát việc mổ tử thi cho hay, nạn nhân
bị đa chấn thương rất nặng: Đỉnh đầu có hai vết tụ máu, vỡ xương hàm trái, thái
dương trái bị rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy 4 chiếc xương sườn, gẫy cẳng xương
tay trái.
Ngày 1.12, cơ quan điều tra, viện KSND tối cao
đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hạ Kim Quý, trung tá công an,
nguyên đội trưởng đội quản giáo, công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về hành
vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các can phạm Lê Văn Hiếu,
Nguyễn Quý Thương trong đó Lê Văn Hiếu đã nhiều lần đánh anh Vũ Văn Hiền khiến
Hiền bị đa chấn thương, xuất huyết não, nhồi máu phổi bị tạm giam. Không có thêm
tin tức gì về vụ việc này và kết quả khởi tố.
- 23/7/2010 : Anh Nguyễn Văn Khương,
sinh năm 1989, quê thôn Như Thiết, xãHồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
bị tử thương do không đội mũ bảo hiểm.
Chiều 4/8/2010, Viện khoa học hình sự kết luận
nguyên nhân cái chết của anh Khương được xác định là do não bị tụ máu dưới màng
mềm được hình thành do có ngoại lực lớn tác động trực tiếp.
Liên quan đến vụ án này đã có quyết định tạm
đình chỉ công tác 4 cán bộ công an huyện Tân Yên là: Ngô Văn Đỗ, Hoàng Văn Thái,
Nguyễn Thế Nghiệp và Diêm Đăng Quyết để điều tra vụ việc.
Kết quả cuối cùng Nguyễn Thế Nghiệp nhận án 7
năm tù giam về tội "Làm chết người trong khi thi hành công vụ" sau khi nhân dân
Bắc Giang bức xúc mang thi thể anh Khương lên UBND Bắc Giang.
- 8/8/2010: Anh Trần Duy Hải (32 tuổi,
phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP CầnThơ) chết trong đồn công an huyện Châu
Thành A, Hậu Giang. Theo lời của công an thì anh Hải đã "dùng áo sơ-mi dài tay
treo cổ trên khung cửa sổ buồng tạm giam để tự sát".
- 9/9/2010: Ông Trần Ngọc Đường (52
tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) đã chết sau khi làm việc với công an xã
Thanh Bình, huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Công an nói ông Đường chết "do treo cổ",
nhưng người nhà ông Đường cho rằng chuyện đó khó có thể xảy ra vì ông chết trong
tư thế ngồi co, hai tay chống vào tường nhà, cách đó 2 m là chiếc mũ, điếu cày
và quần tây của ông được xếp ngăn nắp. “Chết trong tư thế ngồi thì làm sao gọi
là thắt cổ được. Qua quan sát bằng mắt thường, tôi không thấy dấu hiệu cha tôi
chết do treo cổ”. Vụ việc này đã bị chìm xuồng.
- 6/3/2011: Anh Nguyễn Lập Phương (sinh
1965, ở thôn 3, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau 4 ngày bị giam giữ
đã được đưa từ đồn công an huyện Thủy Nguyên đến bệnh viện và tử vong. Thượng tá
Võ Xuân Trọng, phó Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết: Do thấy đối tượng
Nguyễn Lập Phương có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ nên cho đi cấp cứu, lên
viện thì chết. Kết quả giám định ban đầu cho thấy nạn nhân chết vì bệnh tim. Anh
Nguyễn Trung Trực (SN 1983), em trai anh Nguyễn Lập Phương cùng người nhà có mặt
tại nhà xác BV Thuỷ Nguyên, chứng kiến thi thể anh Phương có nhiều vết bầm tím
trên 2 tay, dọc hai bên sườn, chân, cằm và ngực bầm tím, hai mi mắt và hai bên
tai có vết rách khoảng 2 cm.
- 30/3/2011: Ông Trần Văn Dữ (44 tuổi,
ngụ tại ấp 3, thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị vỡ gan và lách gây tụ máu bầm
trong ổ bụng dẫn đến tử vong sau khi bị công an bắt. Ông được người dân phát
hiện nằm chết ở gần đồn công an sau đó. Hung thủ là Thượng úy Võ Văn Út Đèo, Phó
trưởng công an thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Thượng sĩ Danh
Nhãn và trung sĩ Trần Văn Khải, công an thị trấn Ngã Năm.
Tháng 9/2011, báo Dân Trí đưa tin: Truy tố 3
công an đánh người tử vong.
Theo Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, trong vụ án này,
Thượng úy Đèo đã thiếu trách nhiệm, để cho cấp dưới đánh ông Dữ khiến ông này bị
chấn thương nặng; thậm chí khi ông Dữ bị lâm nguy lại ra lệnh cho thuộc cấp mang
ra bỏ ngoài khuôn viên đơn vị cho đến chết. Hành vi này trái với đạo đức nghề
nghiệp nên Đèo cũng là đồng phạm với Nhãn, Khải và Thắng.
Không có thêm tin tức gì về vụ án này.
- 8/8/2011: anh Trần Gòn (27 tuổi, thị
trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị công an đánh trọng thương,
phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận vào ngày 8/8 và chết tại bệnh viện
tối cùng ngày.
Khi đến trụ sở CA phường Mỹ Hải, anh Trần Gòn
vẫn bình thường, không bị thương tích. Nhưng đến khoảng 14 giờ cùng ngày, anh
được đưa từ Công an P.Mỹ Hải đi cấp cứu với nhiều vết thương và tử vong tại bệnh
viện.
Hung thủ là thượng sĩ công an Lê Khắc Sáu bị
tạm giam 2 tháng để phục vụ điều tra vì bị nghi đánh người tử vong.
Chiều 14-8, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ - giám đốc
Công an Ninh Thuận - cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương
tích dẫn đến hậu quả chết người, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với thượng
sĩ Lê Khắc Sáu. Không có thêm thông tin về vụ này.
- 19/02/2012: gia đình anh Hoàng Gia Đạt
Phước, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9- thành phố Hồ Chí Minh, nhận được
tin từ công an phường, yêu cầu đến công an quận 9 để làm việc. Tại đây gia đình
anh Phước bất ngờ và đau đớn nhận được tin anh đã tử vong. Trước đó cuối tháng
12-2011, Phước đã mua chiếc xe máy không rõ nguồn gốc của 1 đối tượng tại tiệm
sửa xe của mình trên đường số 1, phường Long Thạnh Mỹ và bán lại để kiếm lời. Do
chiếc xe này liên quan đến vụ mất cắp nên Phước đã bị công an tạm giữ để điều
tra làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Gia đình anh
khẳng định từ trước đến nay anh vẫn mạnh khỏe không có bệnh tình gì đáng kể.
Theo những người hàng xóm Phước rất hiền và chưa từng vi phạm pháp luật. Sự việc
rồi cũng im lặng.
- Mới đây nhất, ngày 29/02, ông Nguyễn Hữu
Năm, sinh năm 1957 nguy kịch sau khi chịu 6 phát súng của viên Trưởng công
an xã Long Hà, Bình Phước.
Trước khi bị bắn, ông Năm đang xem tivi với
cháu nội. Chỉ vì ông đứng dậy can ngăn công an khi một người khách không liên
quan đến việc đánh bài bị mời vào làm việc mà ông đã bị tên Cao Đình Sâm, Trưởng
công an xã Long Hà dùng chân đạp ngã, rút súng ngắn và từ khoảng cách một mét
bắn liên tiếp vào cổ và vai ông và sau đó còn tiếp tục lao đến đánh vào đầu ông
Năm rồi còng tay bắt ông này về trụ sở công an xã.
Trưởng công an xã này và các công an viên nồng
nặc mùi rượu, trước đó họ ăn thịt chó và uống rượu tại quán kế bên quán ông Năm
- theo lời của nhiều nhân chứng.
Sự việc đến nay không có thêm thông tin.
…
Đó chỉ là một số trường hợp bị chết dưới bàn
tay của công an hay liên quan đến công an trong 3 năm trở lại đây. Và sẽ có rất
nhiều những trường hợp khác nữa nếu như tình trạng công an đánh chết người dân
không được ngăn chặn kịp thời.
Tình trạng trên tiếp diễn liên tục đã làm
cho hình ảnh của lực lượng công an ngày càng tồi tệ trong mắt nhân dân, những
bản án, kết luận điều tra không công khai minh bạch, thiếu công bằng đã làm giảm
sút nghiêm trọng niềm tin của người dân vào pháp luật và chính
quyền.
Chúng tôi cho rằng những việc làm, hành
động đó của công an vi phạm nghiêm trọng phẩm chất đạo đức, phẩm chất nghề
nghiệp mà ngành công an thường tuyên bố - là những người thực thi pháp luật,
hiểu biết luật pháp.
Sự bao che lấp liếm, dung túng cái ác
đang được diễn ra một cách công khai, công lý đang bị chà đạp.
Người nhà chúng tôi không thể sống lại,
trở về cùng gia đình nhưng chúng tôi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung cần
có những bản án đúng lương tâm, một mức án và một tội danh đúng người, đúng tội,
đúng pháp luật. Có như vậy tội ác mới thôi hoành hành, không còn kẻ đầu bạc tiễn
người đầu xanh, cảnh những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha bởi
cái chết của người thân do bàn tay của những người mà đúng ra trách nhiệm là bảo
vệ luật pháp và bảo vệ công dân.
Vấn đề nan giải công an đánh dân giống
như một căn bệnh dịch có sức lây truyền và lan tỏa nếu như không có phương pháp
cứu chữa kịp thời nó sẽ trở thành một ổ dịch lớn. Tội ác đó chỉ có thể chấm dứt
khi sự thật được làm sáng tỏ, công lý được thực thi.
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập
hiến và lập pháp, Quốc hội được xem như tiếng nói của người dân. Chúng tôi gửi
đơn tố cáo và yêu cầu này đến Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam với đề nghị Quốc hội phải lên tiếng về vấn nạn công an lạm dụng quyền
lực gây ra những cái chết tang thương cho dân lành. Tình trạng trên cần được
ngăn chặn ngay lập tức. Công lý phải được thực thi đầy đủ và trọn vẹn để những
tiếng nấc uất nghẹn được an nghỉ nơi chín suối.
Việt Nam, ngày 19 tháng 03 năm 2012
Đồng kính đơn
Nguyễn Quang Phục
Trịnh Kim Tiến
tui de nghi may a cong an tim bat roi giet luon nguoi nao viet bai nay luon di . noi dung xuyen tat waaaaaaaaaaaa. khong dung su that
Trả lờiXóa