Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, ông Ernest Bower, nói rằng vấn đề Biển Đông là đề tài có tầm quan trọng thiết yếu đối với khu vực Á Châu -Thái bình dương, và việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm của chính sách đối ngoại hướng về Châu Á càng nêu bật tầm quan trọng của khu vực này.

Ông lưu ý rằng tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hồi năm ngoái, Tổng Thống Obama đã nêu lên những quan tâm của Washington muốn duy trì hòa bình và tự do hàng hải trong vùng biển đang tranh chấp. 

Trong khi đó Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn, khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông và các vùng biển ngay kề cận,”


và tuy Bắc Kinh đã dùng những lời lẽ hòa dịu, trung dung hơn so với trong quá khứ, các diễn giả tin rằng Trung Quốc sẽ không khoan nhượng và trong tương lai, sẽ không thay đổi vị thế của họ về cuộc tranh chấp, dù Bắc Kinh có thể đề ra một số bước điều chỉnh về chiến thuật khi phải đối mặt với những chỉ trích quá gay gắt. 

Phát biểu với Ban Việt ngữ Đài VOA trước buổi hội thảo, ông Bower nói rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và sự kiện Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của họ trên các vùng lãnh thổ, lãnh hải trong vòng tranh chấp, đã làm tăng quan tâm trong và ngoài khu vực, về sự hiện diện của nước khổng lồ Trung Quốc đang phô trương sức mạnh của mình.

Về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang vì những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo tại Biển Đông, ông Bower nhận định: “Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra nhiều cuộc xung đột vì tranh giành chủ quyền trên các hòn đảo này. Nhưng theo tôi, một cuộc xung đột vũ trang sẽ không phục vụ quyền lợi của bất cứ bên nào.”

Nhưng diễn giả gây nhiều ấn tượng nhất trong buổi hội thảo là một nhà ngoại giao lão thành từng giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại nhiều nước Đông Á, kể cả Singapore, Trung Quốc, và Indonesia. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng Á Châu-Thái bình dương và là Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ Mỹ-Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở thủ đô Washington.



Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội đồng Á Châu-Thái bình dương và là Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ Mỹ-Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở thủ đô WVOA 
Ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội đồng Á Châu-Thái bình dương và là Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ Mỹ-Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Woodrow Wilson ở thủ đô Washington.

Sinh ra tại Trung Quốc, cựu Đại sứ J. Stapleton Roy nói thông thạo tiếng Hoa, ông còn là một học giả uyên thâm về các vấn đề Trung Quốc và Xô-Viết. Trả lời Ban Việt ngữ–VOA, ông đánh giá nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc:

“Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã có cố gắng nhằm tránh, không để những tranh chấp chủ quyền tại vùng biển Nam Trung Hoa dẫn tới xung đột. Chừng nào mà hai bên còn cam kết mưu tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, thì tôi tin rằng một cuộc xung đột vũ trang có thể tránh được.”

Về phản ứng của Hoa Kỳ trước các trường hợp nhiều ngư dân Việt Nam đi đánh cá thường xuyên bị tàu hải giám Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp và tịch thu tài sản, nhiều người bị giết hại, đại sứ Roy nói:

“Thông thường thì trong các cuộc tranh chấp như thế này, tất cả các bên liên quan được kêu gọi hãy tự chế. Nói cách khác, họ không nên đẩy mạnh vị thế của họ theo cách có thể khơi lên phản ứng mạnh của các đối phương.Vì thế mà tôi hy vọng cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ tự chế trong việc xử lý các cuộc xung đột trong vùng đang có tranh chấp.”

Được hỏi ông nghĩ gì về quyết định của Hà nội mới đây muốn đưa một số nhà sư ra trụ trì tại các chùa trên những hòn đảo mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền, cựu Đại sứ Stapleton Roy nói:

“Bất cứ hành động nào bị coi là có tính khiêu khích đối với một trong các bên tranh chấp, đều nên tránh. Sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người, nếu các bên tranh chấp tránh các hành động khiêu khích, có nguy cơ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn. Làm như thế là theo đúng tinh thần bản Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông.”

Cựu Đại sứ Stapleton Roy nói rằng Việt Nam cũng đòi chủ quyền trên một vùng rộng lớn của Biển Đông, và vì thế Việt Nam cũng có nguy cơ đối đầu với Brunei và Philippines. Nhà ngoại giao nhiều năm kinh nghiệm nói ông tin rằng điều vô cùng quan trọng là các bên phải dồn nỗ lực để củng cố Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC. Công việc này, theo ông sẽ không dễ dàng vì bản chất của các tuyên bố chủ quyền.

Nhiều thắc mắc được cử tọa nêu lên với các diễn giả liên quan tới nhiều lĩnh vực, từ địa-chính trị cho tới kinh tế và pháp lý. Được hỏi liệu ông có lạc quan về triển vọng vụ tranh chấp sẽ được giải quyết theo đường lối hòa bình, nhà ngoại giao nhận định:

“Tại thời điểm này thì tôi không mấy lạc quan về triển vọng đạt được một sự dàn xếp giữa các bên. Nhưng tôi lạc quan về triển vọng các bên có thể duy trì một khung sườn hành động khả dĩ có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra xung đột. Tôi tin rằng quyền lợi cho tất cả các bên sẽ được phục vụ, và chắc chắn các quyền lợi của Hoa Kỳ cũng được phục vụ nếu chúng ta cổ vũ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề vừa nêu. Hơn nữa, nếu không đạt được giải pháp ngay bây giờ, thì ít ra chúng ta cũng có thể duy trì được nguyên trạng.”

Theo Đại sứ Roy, thì hiện nay, quyền tự do đi lại trong vùng biển tranh chấp không bị thách thức. Nhưng một lĩnh vực mà Hoa Kỳ gặp khó khăn với Trung Quốc là những hoạt động trong các khu đặc quyền kinh tế, kể cả các hoạt động khai thác tài nguyên, dò tìm dầu khí, bởi vì cách diễn giải của Trung Quốc khác với lối diễn giải của Hoa Kỳ và các bên tranh chấp khác, liên quan tới các khu đặc quyền kinh tế.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ J. Stapleton Roy, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về quan hệ Mỹ-Trung thuộc Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, kết luận:

“Tôi không tin một giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông sẽ dựa duy nhất trên thiện chí của các bên. Tôi tin rằng thiện chí có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các cuộc thương thuyết gay go có thể diễn ra. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được phải phản ánh các quyền lợi của những bên ký kết.”