Các cụm từ tìm kiếm về "đảo chính" và "Bạc Hy Lai" đang bị kiểm duyệt trên mạng internet Trung Quốc trong lúc lan truyền tin đồn về sinh mệnh chính trị của trùm an ninh nước này.
Vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai được xem là cuộc thanh trừng lớn nhất từ mấy năm qua và đã bộc lộ những rạn nứt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Những ngày gần đây, xuất hiện nhiều đồn đoán về số phận ông Bạc, và thậm chí có tin mà sau đó chứng tỏ vô căn cứ về việc xe tăng tiến vào Bắc Kinh làm đảo chính.
Đặc biệt, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách ngành an ninh, cũng sẽ bị loại bỏ vì là người ủng hộ Bạc Hy Lai.
Trùm an ninh
Từ đầu tuần này, thủ đô Bắc Kinh bất an sau khi các mạng xã hội loan tin ông Chu Vĩnh Khang, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tiến hành đảo chính.
Đây chỉ là tin thất thiệt, nhưng các công dân mạng, giới phân tích Trung Quốc và nước ngoài đổ dồn chú ý vào sinh mệnh chính trị của nhân vật kiểm soát toàn bộ ngành an ninh.
Báo Financial Times dẫn lời một người có quan hệ với bộ máy công an nói rằng ông Chu không được phép xuất hiện trước công chúng và "cũng đã chịu một phần kiểm soát".
Người này còn nói bản thân ông Bạc Hy Lai, vẫn còn ngồi trong Bộ Chính trị tuy đã mất chức Bí thư Trùng Khánh, đã bị giam lỏng còn vợ ông thì bị tạm giữ để điều tra tham nhũng - một tội thường dành cho các quan chức đã thất thế.
Trên báo Los Angeles Times, Jin Zhong, một nhà phân tích ở Hong Kong, bác bỏ những tin đồn quá sức tưởng tượng nhưng thừa nhận có căng thẳng giữa phe được gọi là cải cách và phe theo chủ nghĩa Mao.
"Nó chưa đi đến mức nghe thấy tiếng súng. Không giống như khi Trung Quốc bắt Bè lũ Bốn Tên năm 1976, nhưng xung đột rất dữ đang xảy ra."
Ông Chu Vĩnh Khang từng ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch diệt trừ tội phạm của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh - khi hàng ngàn người bị bắt còn người già về hưu thì ra công viên hát "Nhạc Đỏ".
Nay, theo báo Los Angeles Times, công viên thành phố ra thông báo việc hát hò đã bị cấm vì gây mất trật tự cho dân cư địa phương.
Có trang tin như Mingjing News, đặt ở Mỹ, lại bảo ông Bạc và ông Chu bàn tính với nhau để ngăn không cho ông Tập Cận Bình lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trang này còn nói ông Bạc đã mua 5000 khẩu súng và 50,000 viên đạn, khiến người dân Bắc Kinh lo âu.
Ở tuổi 70, ông Chu Vĩnh Khang sẽ về hưu tại Đại hội Đảng 18 vào tháng 10, và cho đến gần đây, nhiều người nghĩ rằng Bạc Hy Lai sẽ thay vào ghế Thường vụ Bộ Chính trị của ông này.
Nhà phân tích Jin Zhong cho rằng ông Chu sẽ không bị đá khỏi Ban Thường vụ ngay, vì đằng nào ông cũng sẽ ra đi.
"Họ sẽ không đụng đến những người ngồi trong Ban Thường vụ trước kỳ đại hội. Nguy hiểm quá. Họ đã cố gắng vẽ ra bức tranh ổn định," ông Jin nói.
Vì sao dồn dập tin đồn?
Phần lớn những tin đồn những ngày qua không thể xác minh và phần lớn bị cho là tin thất thiệt.
Nhưng giới phân tích nhận định tin đồn rộ lên cũng là vì bản chất kém minh bạch của Đảng Cộng sản.
Phóng viên BBC Damian Grammaticas, thường trú ở Bắc Kinh, viết trên blog: "Không có phát ngôn viên nói công khai, không có nguồn thông báo riêng cho báo chí. Nó có xảy ra không? Chẳng ai biết. Thế là tin đồn cuốn đi."
Anh viết tiếp: "Đảng Cộng sản vẫn cố kiểm soát và chia chác quyền lực theo cách thức bí mật như suốt nhiều năm. Còn xã hội Trung Quốc đang thay đổi nhanh quanh đảng. Thành công lớn của đảng về quản lý kinh tế đồng nghĩa là đất nước hôm nay không còn là xã hội nông nghiệp nghèo khó như thời Chủ tịch Mao."
"Hàng trăm triệu người nay sống ở thành thị, được học hành, nắm tin tức, có tri thức và rất cứng đầu. Nhiều người thông thạo internet để tìm và trao đổi thông tin. Họ biết có tranh đấu quyền lực và bị hấp dẫn bởi những gì có thể đang xảy ra đằng sau cánh cửa."
Sự nghi ngờ báo chí chính thống khiến nhiều người không tin vào cơ quan ngôn luận của đảng ngay cả nếu tin chính xác. Ngược lại, họ tin những câu chuyện nửa sự thật hay thậm chí bịa đặt trên mạng.
Trong khi đó, Đảng vẫn tiếp tục kiểm duyệt mạng. Các cụm từ tìm kiếm như "nổ súng", "xe tăng", "Bạc Hy Lai", "Vương Lập Quân" bị xóa bỏ, khiến dân mạng nghĩ ra một số cách sáng tạo để "lừa" kiểm duyệt.
Ví dụ, ông Chu Vĩnh Khang được đặt biệt danh theo một nhãn hiệu mì ăn liền nổi tiếng, và thế là trên mạng có tin nói "mì đã bị lấy xuống khỏi giá".http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120323_beijing_trouble_rumours.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét