Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Bạc Hy Lai vuột mất giấc mơ lãnh tụ


Bạc Hy Lai
Giới quan sát đã tưởng ông Bạc Hy Lai còn thăng tiến trong kỳ Đại hội Đảng năm nay
Vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh là "quả bom chính trị" kinh thiên động địa nhất tại Trung Quốc từ mấy năm gần đây.

Nhân vật chính, Bạc Hy Lai, được nhiều người xem là chính khách cao cấp duy nhất bộc lộ cá tính mạnh kể từ ngày Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997.

 Mặc dù còn rất nhiều bí ẩn xung quanh sự thất thế của ông, đa số giới phân tích hiện cho rằng chính phong cách của họ Bạc rốt cuộc đã là viên đạn bắn ngược vào chủ.


Tuổi thơ sóng gió


Điều trớ trêu là mặc dù Bạc Hy Lai bị xem cổ súy chủ nghĩa Mao, gia đình ông hứng chịu bi kịch ngay trong những năm Cách mạng Văn hóa.
Cha của ông, Bạc Nhất Ba, là bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc nhưng khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, đã bị thanh trừng. Bạc Hy Lai bị tống vào trại lao động, còn mẹ ông bị đánh chết.
Nhưng sau cái chết của Mao, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền và phục chức cho Bạc Nhất Ba, đưa ông này trở thành một trong những người quyền lực nhất. Bạc Nhất Ba được liệt vào nhóm 'Bát đại nguyên lão' - những người định hình chính trị Trung Quốc giai đoạn cải cách.


Mơ làm phóng viên


Jaime FlorCruz, từng là phóng viên và sau này là trưởng văn phòng tạp chí Time ở Bắc Kinh (1982-2000), quen ông Bạc khi cả hai cùng học ở khoa lịch sử Đại học Bắc Kinh cuối thập niên 1970.
Viết trên CNN, ông cho hay: "Chúng tôi thường nói về các sự kiện thời sự và tranh luận lịch sử, chính trị."
Ông dẫn lời một người bạn thân của ông Bạc: "Khát vọng hàng đầu của ông ta thời đó là trở thành phóng viên thường trú ở nước ngoài."


Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, ông Bạc theo học cao học về báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. Nhưng học xong, ông từ bỏ khát vọng nghề báo mà dần đi lên trong bộ máy chính quyền.
Ông có 17 năm ở Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, nơi ông trở thành thị trưởng năm 1993, biến nơi này thành địa điểm du lịch và đầu tư được ưa chuộng.


Năm 1999, tưởng chừng ông sẽ về Bắc Kinh nhưng sau đó lại không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.


Rốt cuộc ông cũng được bầu vào ủy ban vào năm 2004, và trở thành bộ trưởng thương mại.
Cây bút Jaime FlorCruz chứng kiến ông Bạc gây ấn tượng cho các vị khách nước ngoài bằng cả sức hút cá nhân và khôn khéo chính trị. Ví dụ, ông thường phát biểu "chay" chứ không nhờ đến diễn văn viết sẵn.
Tại một nước như Hoa Kỳ, người dân có thể biết cả tên con chó của tổng thống, biết Đệ nhất phu nhân đi mua sắm ở đâu. Ngược lại ở Trung Quốc, các chi tiết cá nhân của lãnh đạo hiếm khi được công bố.


Trong môi trường đấy, trường hợp Bạc Hy Lai trở nên hấp dẫn - và cũng khó hiểu. Ông thể hiện mình hơn bất cứ lãnh đạo nào khác trong thời gian gần đây. Dường như với họ Bạc, tính cách của ông chính là vũ khí.


Wenfang Tang, một giáo sư ở Đại học Iowa và cũng là bạn học của ông Bạc ở Đại học Bắc Kinh, nói: "Nếu Trung Quốc có bầu cử trực tiếp, ông ta có cơ hội trở thành lãnh tụ."
"Nhưng ông bộc lộ quá nhiều cá tính và sức hút trong một nền văn hóa chính trị hậu Mao vốn nhấn mạnh lãnh đạo tập thể."


Cách mạng Văn hóa


Khi mở chiến dịch chống tham nhũng và tội phạm ở Trùng Khánh, ông Bạc được ca ngợi nhưng cũng bị tố cáo là bỏ qua luật pháp, bắt giữ hàng ngàn người và có nhiều vụ tử hình.
Chiến dịch hát Nhạc Đỏ, tăng cường sự đầu tư của nhà nước và những dự án vì dân như nhà ở xã hội, tất cả đã tạo nên cái gọi là "mô hình Trùng Khánh".


Chiến dịch Nhạc Đỏ của Bạc Hy Lai
Nhiều người e ngại Bạc Hy Lai khuấy lại Cách mạng Văn hóa


Tại Trùng Khánh, ông trở thành biểu tượng của "tả phái", với khẩu hiệu xây dựng một xã hội quân bình hơn như dưới thời Mao Trạch Đông.


Hôm 14/3, phát biểu sau phiên bế mạc của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo về việc cấp thiết phải cải cách đất nước vì nếu không, ông nói, những thảm họa như Cách mạng Văn hóa có thể sẽ lại xảy ra.


Theo Steve Tsang, giáo sư ở Đại học Nottingham, cụm từ Cách mạng Văn hóa chính là ngầm cảnh báo nội bộ Đảng rằng thảm họa sẽ xảy ra nếu Bạc Hy Lai được ở lại.


"Chỉ có một nhân vật quyền lực như ông mới có thể khơi dậy một biến cố như Cách mạng Văn hóa, sử dụng và huy động quần chúng để giành quyền lực từ Đảng Cộng sản," giáo sư Steve Tsang viết.
Ông dự đoán ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo không thể tước bỏ mọi quyền hành từ ông Bạc vì sẽ phá vỡ cân bằng giữa các phe nhóm.


Việc đưa Trương Đức Giang (Phó Thủ tướng) sang kiêm nhiệm Bí thư Trùng Khánh là nhằm giữ sự cân bằng này, vì ông Trương cũng thuộc "Thái tử đảng" như ông Bạc.


Giấc mơ Thường vụ Bộ Chính trị của Bạc Hy Lai xem như đã hết, nhưng còn phải chờ thêm thời gian mới biết Đảng sẽ đưa ông sang vị trí nào.


Trước khi xảy ra biến cố này, giới quan sát cho rằng cuộc chuyển giao quyền hành ở Trung Quốc năm nay sẽ diễn ra êm thắm.
Nhưng vụ Bạc Hy Lai cho thấy cuộc đấu đá đằng sau bức tường Trung Nam Hải vẫn khốc liệt đến thế nào.


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120317_boxilai_newprofile.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét