Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Tây Nguyên mùa Dã quỳ

Nếu có dịp viếng thăm cao nguyên Trung phần trong thời gian này, ngoài cái lạnh mùa Đông cho ta cảm giác như đang ở xứ sở nào đó bên châu Âu, châu Mỹ...chúng ta còn thưởng thức hoa Dã quỳ nở đầy hai bên đường, màu vàng đậm của hoa rất đẹp.


Hầu hết những cánh rừng cao nguyên giờ đây không còn nữa, thay vào đó là nương rẩy của bà con di cư từ miền Bắc, miền Trung. Đồng bào dân tộc thiểu số đa phần là sống sâu trong rừng, họ không quen lắm cách sinh hoạt của người Kinh (ồn ào, pha tính cách láu cá, khôn vặt) nên họ chọn cuộc sống thầm lặng bên cạnh những con đồi, cái suối...Cuộc sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, cái đói vẫn đeo đẵng nhất là mùa giáp hạt, quần áo tơi tả rách nát. Nhìn bà con ăn uống đơn sơ đạm bạc mà tôi thấy ái ngại cho cuộc sống không có tương lai của họ. Mà cũng đúng thôi, đồng bào Kinh mà còn mịt mù tương lai thì làm sao cuộc sống sung túc, hạnh phúc đến được với đồng bào dân tộc thiểu số.



Cao nguyên Trung phần không phải không có tiềm năng để phát triển, tuy nhiên ngoài một số đồng bào Kinh sống khỏe với cafe', tiêu, cao su...đồng bào dân tộc chỉ canh tác sắn, bắp, lúa...mà trồng các loại cây này đủ ăn là may rồi. Thương cho đồng bào mình, đói nghèo, thất học, lạc hậu... nên mới có thảm cảnh này. Những chương trình định cư phát triển cho đồng bào dân tộc của nhà nước, trong thực tế không đến được với bà con, nó rơi rụng trên đường đi và vào túi các quan tham người Kinh. Đất đai của ông cha họ thì nay với chiêu bài sở hữu nhà nước, bị chiếm đoạt, họ lại đi sâu vào rừng, càng xa càng tốt, đi như để trốn chạy. Đất đai canh tác thì ngày càng thu hẹp, người phải tranh giành miếng ăn với thú rừng. Thế giới này đã bỏ quên đồng bào của mình rồi. Vài mươi năm nữa ai còn nhớ đến họ? Bản làng thưa thớt, hoang tàn. Thanh niên thì ra phố thị làm công rồi không trở về, làng chỉ còn trẻ con, người già, phụ nữ...làm sao đối phó với rừng thiêng nước độc? Một cơn dịch bệnh đi qua, làng lại thêm vắng người.

Bana, H' mong, Gia Rai, Êde, Stieng,.. đồng bào đã sống hàng trăm năm nay trên mảnh đất cao nguyên với văn hóa mỗi dân tộc mỗi khác. Nhìn vào ngôi nhà Rông ta có thể biết được sắc tộc của đồng bào. Nhưng với chương trình định canh định cư của nhà nước, ngôi nhà Rông, biểu tượng cho bản sắc dân tộc đã biến thành ngôi nhà sàn mái tôn vách gỗ. Đi đâu cũng với dáng dấp đó, không thể nhận ra mình đang đứng trong thôn bản của đồng bào nào? Người ta muốn tiêu diệt một dân tộc thì trước tiên người ta phải tiêu diệt văn hóa của dân tộc đó. Sự diệt vong đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên là điều có thể thấy được và không còn xa nữa.

Hoa dã quỳ rất đẹp nhưng ước gì đồng bào ta cũng cảm nhận được cái đẹp đó, cuộc sống quá khó khăn đã làm tâm hồn đồng bào ta chai sạn, thay vào đó là miếng ăn phải kiếm từng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét