Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

8 năm không trả nổi 5 triệu đồng

(Dân trí)-“Mệ (bà) chỉ mong ngày có hai chén cơm mắm muối qua bữa để sống được ngày nào hay ngày ấy mà lo cho ba đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học”- Bà Xoa run run lấy tay áo quệt hai hàng nước mắt
 
 Mấy bà cháu trong căn nhà tạm bợ

Vào một sáng mùa đông, chúng tôi chạy xe về  vùng quê biển xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Trị.  Theo chỉ dẫn của chị Đặng, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Triệu Văn, đi dọc theo con đường hai bên hàng dương vi vút gió trong cái se lạnh chúng tôi tìm đến thôn 8 rồi dừng lại trước căn nhà nhỏ giữa bãi cát trắng đìu hiu. 

Vừa đến đầu ngõ đã nhìn thấy dáng mệ Trần Thị Xoa lưng còng đang nhặt nhạnh từng cành củi nhỏ dưới những gốc phi lau. Thấy khách đến nhà mệ luống cuống ôm củi vào gian bếp lụp xụp.

Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, mệ  Xoa bỗng nghẹn ngào nói trong hai hàng nước mắt nhòe nhoẹt: “Cứ tưởng tuổi già sẽ được cận kề bên con cái dù cho cảnh nhà nghèo khó, mệ con cùng cố gắng gồng gánh nuôi nhau nhưng đâu ngờ tai họa lại ập đến với gia đình nên cảnh nghèo khó lại càng gian nan hơn 

Người con trai độc nhất  đã mất cách đây gần 8 năm sau một vụ tai nạn giao thông khi vợ đang mạng thai đứa con thứ 3. Thế rồi, sau khi sinh con, vợ của nó bị bệnh viêm xoang nặng, cảnh nhà túng quẫn đành phải bỏ quê đi vào miền Nam tìm kế mưu sinh. Do bệnh tật nên nó ít liên lạc với gia đình mà chỉ thỉnh thoảng dành dụm gửi ít tiền gửi về cho các con ăn học”. 

Rồi mệ than thở: “Bây giờ tui chỉ mong ngày có hai chén cơm mắm muối qua bữa và sống được ngày nào hay ngày ấy để lo cho ba đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học. Nhiều khi thấy tội cho các cháu lắm. Đi học xa hơn 10 cây số, có khi học cả ngày nên phải ở lại trường nhưng các cháu chỉ đủ tiền mua gói mì tôm ăn sống cho qua bữa trưa đỡ đói để chiều lại học tiếp.

Có nhiều bữa cháu lớn đi học về ngồi tha thẩn bên cửa mắt rơm rớm nói: Mệ ơi chắc con phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền đỡ đần mệ và lo cho các em con ăn học. Tôi nhìn mà thương nhưng cũng chỉ biết khuyên cháu cứ cố gắng để mệ hỏi vay mượn làng xóm thúng lúa, long gạo ăn qua bữa đã”. 

Được biết, cháu gái đầu là Trần Thị Thủy đang học lớp 10, cháu thứ hai là Trần Thị Thùy đang học lớp 9 và cháu Trần Thị Thùy Thanh học lớp 3.

Trong căn nhà tuềnh toàng của bà cháu tá túc không có một vật dụng gì đáng giá. Chỗ ngủ cho bốn người nằm chung là chiếc sập cũ. Vì sợ bị rơi xuống đất nên đêm nào họ cũng phải nằm ngang. Được biết, ngôi nhà này được xây dựng từ khi con trai bà còn sống. 

UBMT huyện Triệu Phong hỗ trợ 5 triệu đòng nên chỉ đủ xây phần móng, còn phần nhà thì cầm sổ lương của mệ (mỗi tháng 500 ngàn đồng) để vay 5 triệu mua vật liệu dựng căn ngôi nhà tạm bợ này. Nhưng từ khi đứa con trái bị tai nạn qua đời thì món nợ 5 triệu đồng vẫn còn nguyên đó. 

Đến tháng 3/2011 xã có hỗ trợ 4 triệu đồng cho hộ nghèo để làm nhà nhưng mệ đành sử dụng tiền này trả món nợ cách đây gần 8 năm để lấy sổ lương  về hàng tháng nhận 500.000 đồng trang trải hằng ngày và cho các cháu ăn học. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngưỡng, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Bà Xoa là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất. Mỗi mùa mưa lụt đến, chúng tôi đều có hỗ trợ gia đình bà di dời và giúp phần nào lương thực trong những ngày tránh lũ. 

Tuy nhiên xã cũng chỉ có thể hỗ trợ phần nào đó thôi chứ không được thường xuyên vì ở đây cuộc sống chung của nhân dân đang vất vả lăm”.

Trò chuyện với chúng tôi, em Thủy buồn bã kể: “Từ ngày mẹ cháu đi vào miền Nam làm ăn lại nay cũng ít khi gọi điện và gửi tiền về nhà, có lẽ mẹ làm chỉ đủ ăn thôi. Biết vậy mấy chị em nhà cháu cũng đã quen dần với gian khổ này rồi. Hôm mẹ đi có nói tết mẹ về nhưng đã mấy tết rồi mẹ vẫn chưa về và tết nay chắc hẳn mẹ cũng không về...”.

Còn em Thùy thì rụt rè: Mệ cháu mấy bữa nay lạnh, đêm nằm người run run kêu đau nhức trong người, nhìn mệ mấy chị em thấy sợ lắm. Mệ có chuyện gì thì chúng em không biết bấu víu vào ai. 

Nhìn ánh mắt ngây thơ các cháu đang phải gánh chịu số phận rủi ro của gia đình, lòng chúng tôi se lại vì không biết phía trước con đường học vấn của các em sẽ như thế nào khi cảnh nhà phải chạy ăn từng bữa.
 
1.Trần Thị Xoa, thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong , tỉnh Quảng Trị 
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét