Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Cần một luật báo chí đầy đủ và cụ thể hơn

Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
Sự việc nhà báo Hoàng Khương bị bắt về tội “đưa hối lộ”sau những bài viết chống tiêu cực đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

 
Photo PL-XH Source VOV.VN Nguyên PV Hoàng Khương (người cầm túi quần áo) đang bị dẫn dải về cơ quan điều tra vào trưa 2-1

Một số điểm pháp lý trong trường hợp này vẫn còn mờ nhạt, không rõ ràng. Quỳnh Chi hỏi chuyện luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, cũng là người có nhiều tư vấn trên báo chí về các các vấn đề hình sự và dân sự. Trước tiên, ông cho biết sự quan tâm của mình: 

Cần phân biệt Cá nhân và Truyền thông đại chúng

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Sự việc về phóng viên báo Tuổi Trẻ – Hoàng Khương rất đáng chú ý. Nó xuất phát từ hai bài viết đăng vào tháng 7 năm 2011 là “CSGT giải cứu đua xe trái phép” và “Đồng tiền xoá sạch hồ sơ”. 

Hai bài viết này nhằm đấu tranh chống tiêu cực thì tôi cho rằng rất tốt nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Sau đó, phóng viên này bị khởi tố và bị bắt giam thì sự việc càng gây chú ý.

Quỳnh Chi: Luật pháp Việt Nam qui định về tội đưa hối lộ như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Trong luật pháp Việt Nam cụ thể là điều 289 BLHS Việt Nam về tội đưa hối lộ có 6 khoản. Trong trường hợp này, trực tiếp liên quan đến phóng viên Hoàng Khương là khoản 6 – khoản có thể “mở trói” cho người phóng viên này hay không.

Theo khoản này, người bị ép buộc đưa hối lộ mà khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ những gì đã được dùng để đưa hối lộ. 

Trường hợp người đưa hối lộ không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát hiện thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Việc viết bài thì nó trở thành tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo khoảng 3 điều 100 BLTTHS.  Y´ tôi muốn nói rằng nguồn tin này là của cơ quan truyền thông đại chúng chứ không phải của cá nhân phóng viên mặc dù phóng viên là tác giả bài viết. Xin đừng nhầm lẫn giữa cá nhân và một tổ chức xã hội.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương
Quỳnh Chi: Có nghĩa là ông cho rằng việc phóng viên viết báo thì đã như một hình thức khai báo?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Không, chưa hẳn thế. Việc viết bài thì nó trở thành tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo khoảng 3 điều 100 BLTTHS.  

Y´ tôi muốn nói rằng nguồn tin này là của cơ quan truyền thông đại chúng chứ không phải của cá nhân phóng viên mặc dù phóng viên là tác giả bài viết. Xin đừng nhầm lẫn giữa cá nhân và một tổ chức xã hội.

Quỳnh Chi: Thưa ông, một số luật sư khác chẳng hạn như LS Vũ Lợi – giám đốc công ty luật Hòa Lợi – cho rằng trong trường hợp này phóng viên Hoàng Khương không có động cơ để đưa hối lộ. Y´ kiến đáng giá của ông là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Y´ kiến trên có thể đúng. Không có động cơ bởi vì theo tin tức đăng tải đến giờ này, phóng viên Hoàng Khương chỉ thực hiện “động tác” ấy để thực hiện cho bài viết thôi.  Chính vì thế mà điều này có thể được xem xét trong quá trình truy tố, xét xử.

Quỳnh Chi: Nhân tiện ông có nhắc đến điều 100 BLTTHS, thưa ông, một số người cho rằng phóng viên Hoàng Khương nên tố giác sự việc với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có một số lập luận cho rằng có thể tố giác qua phương tiện truyền thông đại chúng. Không biết việc viết bài như thế đã có thể nói là ông Hoàng Khương đã tố giác tội phạm?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Nói đến điều này thì phải xem đến luật báo chí, chứ về khía cạnh luật HS và TTHS thì như tôi đã trình bày ở trên. Tính đến nay, luật báo chí Việt Nam không có chế định về trường hợp miễn trừ báo chí. 

Nếu có chế định này thì có lẽ phóng viên Hoàng Khương sẽ được áp dụng. Do đó, đối với luật báo chí hiện hành thì tôi cho rằng chưa có hành lang an toàn pháp lý cho hoạt động của phóng viên, nhà báo. Cho nên, cần xem xét lại luật báo chí và nó cũng là một nhu cầu của xã hội.

“Gài bẫy” là bất hợp pháp?

Quỳnh Chi: Dạ vâng, trở lại khả năng phạm tội của nhà báo Hoàng Khương. Điều 8 BLHS có quy định là “những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm”. 

Một số ý kiến cho rằng tính chất nguy hiểm cho xã hội của các bài báo của ông Hoàng Khương không có. Thậm chí, các bài viết này còn giúp cho xã hội nữa. Không biết là có thể áp dụng điều này cho trường hợp ông Hoàng Khương?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Việc giải thích của điều này về khái niệm tội phạm thì tôi cho là hành vi đã rõ. Nhưng để giải quyết vấn đề phóng viên Hoàng Khương thì tôi hy vọng là cơ quan tố tụng điều tra truy tố xét xử quá trình ấy sẽ áp dụng điều 25 BLHS về việc miễn trách nhiệm hình sự.

Điều này quy định là những người phạm tội do diễn biết tình hình của hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp này, cần phải xem xét bản chất, ý thức chủ quan của ông Hoàng Khương để có quyết định.

Quỳnh Chi: Một trong những điểm được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua xung quanh vụ nhà báo Hoàng Khương là vấn đề “gài bẫy”. Không biết việc gài bẫy (nếu có) trong quá trình tác nghiệp là liên quan đến khiá cạnh luật pháp hay nghiệp vụ?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Việc “gài bẫy” trong thao tác báo chí không được luật pháp qui định. Có một điều rất quan trọng tôi muốn nói nãy giờ là việc miễn trừ báo chí trong luật báo chí Việt Nam là chưa có. Điều này sẽ tạo ra rủi ro hay tai nạn nghề nghiệp cho nhà báo. Nếu có luật miễn trừ báo chí thì có thể phóng viên Hoàng Khương sẽ không bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Việc “gài bẫy” trong thao tác báo chí không được luật pháp qui định. Có một điều rất quan trọng tôi muốn nói nãy giờ là việc miễn trừ báo chí trong luật báo chí Việt Nam là chưa có. Điều này sẽ tạo ra rủi ro hay tai nạn nghề nghiệp cho nhà báo.
Luật sư Nguyễn Thanh Lương
Quỳnh Chi: Nhân tiện đây, xin hỏi ông trách nhiệm báo Tuổi Trẻ trong trường hợp này là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Việc này còn phụ thuộc vào quá trình điều tra người lãnh đạo ông Hoàng Khương (ban biên tập, tổng biên tập). Những người này biết hay không biết việc làm của phóng viên Hoàng Khương hay biết ở mức độ như thế nào. Cái này tôi chưa thể phát biểu được. 

Nhưng tôi có thể khẳng định rằng cơ quan chủ quản của ông Hoàng Khương thì chỉ dừng lại ở mức quản lý tổ chức thôi chứ còn một việc đã đưa ra khởi tố thì nó thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa luật sư, theo điều 14 của BLTTHS thì cần đảm bảo tính “vô tư” trong công việc điều tra và khởi tố. Chính vì điểm này mà một số người cho rằng cơ quan công an không nên (không được?) khởi tố nhà báo Hoàng Khương. Bởi vì những bài viết của ông Hoàng Khương đưa ra những điểm tiêu cực của công an, thì công an có thể “vô tư” trong quá trình điều tra, truy tố này không?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Tôi hy vọng sẽ không xảy ra việc “trả miếng” từ phía công an. Tôi cho rằng việc công an khởi tố ông Hoàng Khương là theo tính khoa học của pháp lý. Tôi nghĩ “giơ cao đánh khẽ” là hợp tình hợp lý trong trường hợp này và đó cũng là hy vọng của tôi.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fr-hk-c-need-specific-press-law-01042012060409.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét