Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Tp. Đà Nẵng: Dưới bán đất, trên thu hồi, dân lãnh đủ

TT - Những ngày này, 91 hộ dân xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tập trung che bạt, dựng lều tại dự án khu dân cư A nam cầu Cẩm Lệ (Q.Cẩm Lệ) để phản ứng việc thu hồi đất.

Người dân lập lán trại, cắm bảng "Đất có chủ" ở dự án khu A nam cầu Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng - Ảnh: H.KHÁ

Theo các hộ dân này, họ bị thu hồi đất ở nhưng chính quyền không bố trí đất tái định cư khiến cuộc sống vốn khó khăn càng khó khăn hơn.

Thu 125m2 đất ở, đền 9,8 triệu đồng

Sáng 11-5, chính quyền xã Hòa Châu tiếp tục vận động người dân hai thôn Cẩm Nam và Bầu Cầu rời khỏi khu đất bị thu hồi. Có mặt tại khu vực dự án, các hộ dân nói nguyên nhân họ phản ứng là do việc UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thu hồi đất ở của họ nhưng đền bù với giá rẻ, không bố trí đất tái định cư, trong khi các hộ dân này có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Hòa Vang cấp hẳn hoi.

Ông Lê Diễn (thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu) cho biết năm 2004 gia đình ông mua một lô đất (nguồn gốc đất nông nghiệp được huyện cho chuyển sang đất ở) tại thôn Cẩm Nam diện tích 125m2 với giá 21 triệu đồng. Đến năm 2005, lô đất được UBND huyện Hòa Vang cấp sổ đỏ. Năm 2007, gia đình ông làm đơn xin xây nhà nhưng UBND xã Hòa Châu không đồng ý vì "nằm trong vùng quy hoạch".

Tương tự, gia đình bà Kiều Thị Thu Thủy cũng bị thu hồi lô đất diện tích 125m2. Theo bà Thủy, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo được mua lô đất này giá 20,5 triệu đồng, làm sổ đỏ từ năm 2005, cũng có ý định làm nhà ở nhưng vì vướng quy hoạch nên phải dừng lại. Ngoài hai hộ dân trên, xã Hòa Châu có thêm 89 hộ dân rơi vào tình cảnh tương tự.

Sau đó, năm 2007, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định thu hồi khu đất mà UBND huyện Hòa Vang đã bán cho 91 hộ để thực hiện dự án khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ. Ngày 24-7-2010, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (bấy giờ là ông Trần Văn Minh) đã ra quyết định giải quyết đền bù và bố trí tái định cư cho 91 hộ dân nói trên, đồng thời ra quyết định áp giá đền bù. Theo đó, mỗi lô đất được đền bù 9,8 triệu đồng. Dù được đền bù với giá thấp nhưng người dân vẫn chấp nhận vì nghĩ rằng sẽ được bố trí một lô đất tái định cư (thực chất là bán theo giá nhà nước).

Tuy nhiên, đến tháng 9-2011 chính quyền TP Đà Nẵng lại ra quyết định với nội dung: chỉ đền bù đất, không bố trí đất tái định cư, thay vào đó TP hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/lô. Do không đồng ý với chủ trương này nên khi thấy đơn vị thi công san lấp mặt bằng để xây dựng công trình thì người dân tập trung ngăn cản, phản đối.

Chờ xem xét

Ông Trần Văn Trường, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết năm 2004 UBND huyện Hòa Vang có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, bố trí cho nhân dân hai thôn Cẩm Nam và Bầu Cầu 91 lô đất. Theo ông Trường, các hộ trên có sổ đỏ là đất ở, trên thực tế họ đang sử dụng để trồng lúa và hoa màu. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định đền bù 100% theo đất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ 20 triệu đồng/lô mà không bố trí tái định cư. Ông Trường cũng nói trước các kiến nghị của người dân, chính quyền huyện đã hai lần báo cáo TP Đà Nẵng, đề nghị xem xét bố trí đất tái định cư hoặc nhà chung cư cho các hộ bị thu hồi đất nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Theo ông Nguyễn Văn Anh - trưởng Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 (thuộc UBND TP Đà Nẵng), đơn vị trực tiếp thi công dự án: "Đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Hiện UBND TP chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng/lô nhưng thực tế người dân không chịu nhận số tiền này mà đòi hỏi được phân đất tái định cư". Ông Anh nói khi thực hiện việc giải tỏa, đơn vị cũng có đề xuất TP để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, hiện TP Đà Nẵng vẫn chưa quyết.

Chiều 11-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết hiện ông chưa nắm rõ lắm thông tin vụ việc, nên ông Tuấn đề nghị PV nên trao đổi với Văn phòng UBND TP "sẽ nắm rõ hơn". Tuy nhiên, phía Văn phòng UBND TP, ông Đào Tấn Bằng - phó chánh văn phòng phụ trách mảng đền bù giải tỏa, tái định cư - nói ông không đủ thẩm quyền trả lời về vụ việc liên quan đến 91 hộ dân ở xã Hòa Châu mà phải đợi ý kiến của cấp trên.


Dân kêu thiệt thòi


Ông Trần Thanh Long, một hộ dân nằm trong dự án bị thu hồi, bức xúc: "Hồi đó chúng tôi cũng là những hộ bị giải tỏa của một dự án khác. Nhà nước có đền bù cho chúng tôi một lô đất, nhưng vì con đông nên sống rất chật chội. Khi nghe huyện bán đất, tôi gom góp tiền và vay mượn thêm được tổng cộng gần 3 lượng vàng để mua đất. Có lô đất và sổ đỏ trong tay, hai vợ chồng yên tâm. Vậy mà bây giờ lại thu hồi đất với tiền đền bù lẫn hỗ trợ chưa đầy 30 triệu đồng" - ông Long buồn bã.

Ông Võ Quốc Hùng, trú tại thôn Cẩm Nam, cũng than thở: "Năm 2004, bản thân tôi là bộ đội phục viên về địa phương, nằm trong diện khó khăn về nhà ở, khi được bán cho lô đất thì mừng lắm. Đến năm 2009, khi TP ra quyết định thu hồi chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Tưởng đâu đất gia đình mình là đất ở, có sổ đỏ người ta sẽ bố trí cho một lô đất, ai ngờ giờ họ bảo chỉ đền chưa đến 10 triệu đồng và hỗ trợ thêm chút ít. Gia đình tôi đã làm đơn, vừa qua xã có xác nhận trường hợp tôi khó khăn nhưng đến nay TP vẫn không giải quyết".

Nói về việc đền bù không thỏa đáng, ông Lê Diện - một hộ dân ở xã Hòa Châu - buồn rầu: "Lô đất tôi mua hồi đó (năm 2004) là 3 lượng vàng. Chính quyền các cấp từ xã đến TP ai cũng biết việc này, vậy mà bây giờ triển khai thu hồi đất, giải tỏa họ lại nói đền bù và hỗ trợ số tiền chỉ bằng 7 chỉ vàng".

HỮU KHÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét