Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng


2012-05-18
Tiền lương tối thiểu cho đội ngũ cán bộ, công chức tại Việt Nam vẫn luôn là đề tài nóng, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới diện rộng trên toàn xã hội.
AFP PHOTO
Ông Phạm Thanh Bình (Phải, trước), cựu chủ tịch Vinashin, và ban lãnh đạo tại Tòa án nhân dân TP Hải Phòng hôm 30/3/2012. Ảnh minh họa về một vụ tham nhũng lớn ở VN.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính một cơ chế tiền lương thiếu hợp lý, không đủ bù đắp sức lực và trí tuệ của người lao động là nguyên nhân chính dẫn tới tham nhũng.

Phát sinh nhiều hệ lụy

Chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, mức lương tối thiểu cho cán bộ viên chức Nhà nước đã được điều chỉnh đến 5 lần, từ 450,000 đồng lên 1,05 triệu đồng/ tháng, thế nhưng vẫn chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu cho những người hưởng lương Nhà nước. Vấn đề “tăng lương” không theo kịp “tăng giá” vẫn luôn là nỗi ám ảnh cho những nhà lập chính sách Việt Nam. Những hệ luỵ của việc không đủ thu nhập khiến hiện tượng mà một số chuyên gia gọi là “tước đoạt để bù đắp” ở nhiều cán bộ công chức, viên chức cũng nảy sinh.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí trong nước gần đây, nguyên thứ trưởng Bộ nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng do lương công chức không đủ sống sẽ dẫn tới hội chứng tước đoạt để bù đắp, nhiều công chức lợi dụng chức vụ của mình để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ. Ông nhấn mạnh hệ thống tiền lương đang phá vỡ những trật tự, kỷ cương trong hệ thống hành chính công, trả lương không đủ là một sự xúc phạm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông kết luận rằng có khi vì lương thấp đã làm hỏng cả một chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, làm hỏng cả một đội ngũ.
Nghe thì thật chua xót vì chỉ là chuyện đồng tiền mà làm hỏng cả một đội ngũ cán bộ cũng như những chính sách và chủ trương của Nhà nước, thế nhưng thực tế đó không thể phủ nhận, vì công chức là những người được đào tạo bài bản, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm nhưng lương của họ lại quá thấp, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, vậy động cơ nào sẽ khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến và thể hiện được giá trị thực của chất xám?
Một điều dễ nhận thấy là khi công chức viên có lương mà lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cuộc sống họ, thì người ta phải bù đắp.
Một cán bộ Bộ LĐ&TBXH
Điều đáng nói là những cán bộ công quyền này lại đang giữ những vị trí quan trọng, những quyết định của họ có sự ảnh hưởng diện rộng trên xã hội, vì thế, hội chứng “tước đoạt để bù đắp” càng có cơ hội để tung hoành và phát triển. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội không nêu tên cho biết:
"Một điều dễ nhận thấy là khi công chức viên có lương mà lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cuộc sống họ, thì người ta phải bù đắp. Ở đây, theo tôi có nhiều cách để bù đắp chi phí đó, có thể là họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, rồi uy tín nghề nghiệp để đổi lấy những khoản thu nhập khác. Dĩ nhiên đây là những đồng tiền bất hợp pháp và nó được xem là tham nhũng. Đôi khi, do có chức quyền, họ tham ô, biển thủ tiền công quỹ. Bằng cách nay hay cách khác, họ cần có đủ tiền để trang trải cuộc sống."
Lao động là một thứ hàng hoá đặc biệt, và vì là hàng hoá nên nó phải được quyết định theo qui luật cung – cầu của thị trường, thế nhưng tại Việt Nam, khi thu nhập không đáp ứng đủ như giá trị họ mang lại thì những méo mó về quan hệ tiền lương dẫn tới những tiêu cực và tham nhũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ở đây, chúng tôi còn muốn đề cập đến chuyện “lậu.”

Hiện tượng chảy máu chất xám

Ảnh minh họa hành vi hối lộ. AFP photo
Hình thức “lậu,” hay những khoản thu nhập bất hợp pháp biến hoá đa dạng và tồn tại ở những dạng khác nhau. Trước hết, nó được biểu hiện qua hình thức biếu xén. Những câu chuyện như biếu rượu, biếu tiền… đã trở thành lạc hậu, mà thay vào đó là biếu đất, biếu nhà, cho con cái của nhiều vị quan chức cấp cao các suất đi du học.
Ngoài ra, bắt nguồn từ hình thức quản lý Nhà nước, tập thể mà cơ chế “xin – cho” vẫn còn tồn tại trong nhiều bộ ngành, vậy nên, để có được các khoản phân bổ tài chính màu mỡ hay cấp phát ngân sách thì các đơn vị cấp dưới phải “đi cửa sau” với cấp trên quản lý là chuyện dễ hiểu.
Hơn nữa, để hợp pháp hoá những khoản thu nhập bất hợp pháp, chuyện đẻ thêm ra các công ty con, công ty sân sau đã trở thành một trào lưu cho nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, trong các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, mua sắm và dịch vụ công là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất vì sai số thất thoát diễn ra trên diện rộng và tần suất cao.
Nếu kể ra những mánh lới luồn lách thì có lẽ chẳng bao giờ đủ, nào là chuyện hợp pháp hoá chứng từ khống, thoả thuận ngầm cho các hạng mục đấu thầu, cho đến cơ chế ăn chia của các đơn vị chủ đầu tư và bên thi công… Nói tóm lại, dù tồn tại dưới dạng nào thì tất cả những khoản tiền này đều là bất hợp pháp.
Phải khắc phục tình trạng rất phổ biến trong hệ thống XHCN trước đây tức là “trả lương giả vờ” thì cũng làm việc giả vờ, đó là một bi kịch làm tha hoá con người.
T.S Lê Đăng Doanh
Không chỉ dừng lại ở chuyện “tước đoạt” để bù đắp cho thu nhập thấp của các cơ quan công quyền, quan hệ tiền lương méo mó này còn dẫn đến dòng chảy máu chất xám từ khu vực Nhà nước sang các khu vực kinh tế khác, bởi theo thống kê, lương tối thiểu của khu vực hành chính sự nghiệp công là mức lương tối thiểu thấp nhất trong tất cả các mức lương tối thiểu. Tiếp lời, vị cán bộ của Bộ LĐTBXH cho biết tiếp:
"Một trong những hệ luỵ mà tiền lương tối thiểu của Nhà nước cho khối cán bộ công nhân viên chức thấp là sẽ dẫn đến tình trạng đáng báo động là các cán bộ công chức chuyển dần từ khu vực Nhà nước, chảy máu chất xám sang khối kinh tế tư nhân hoặc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Tôi đơn cử một thí dụ, cùng một mức lương, một trình độ như nhau, cùng số năm đóng góp trong đơn vị như nhau, khi ở cấp vụ trưởng hoặc viện trưởng thì ông ta có mức lương với hệ số 9 phảy nhân với 1 triệu đồng lương cơ bản, tương đương khoảng 9 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên với trình độ tiến sĩ, kinh nghiệm 20-30 năm, nếu làm ở các tổ chức nước ngoài hay ngành tài chính ngân hàng, thì thu nhập lương cứng ngoài các thu nhập khác của họ sẽ là khoảng 30-50 triệu đồng/ tháng."
Theo lời giáo sư Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khi trả lời báo chí trong nước cho biết, để nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ làm công vụ thì họ phải được hưởng lương đúng công sức mà họ bỏ ra, mức lương phải đáp ứng được 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và đạo đức.
Giải thích thêm, vị giáo sư này cho rằng đồng lương phải trả xứng đáng với sức người lao động, bù đắp được những nhu cầu, hao phí về sức lực và đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất sức lao động của công chức.

Vòng luẩn quẩn

Có thể nhận thấy, đồng lương thấp đang khiến các quan hệ hành chính trở nên thiếu lành mạnh, hưởng lương ít, cán bộ trốn tránh công việc. Vậy để xây dựng được một nền đạo đức công vụ trong sạch, minh bạch thì việc cải cách chính sách tiền lương là điều hết sức quan trọng. Nhận xét về điều này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết ý kiến của mình:
"Cải cách cả biên chế, cải cách cả DNNN, cải cách bộ máy Nhà nước thì lúc đó chúng ta mới cải cách tiền lương được. Với một bộ máy cồng kềnh như ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói 30% không làm việc. Cải cách tiền lương chủ động, đồng bộ có hệ thống. Phải khắc phục tình trạng rất phổ biến trong hệ thống XHCN trước đây tức là “trả lương giả vờ” thì cũng làm việc giả vờ, đó là một bi kịch làm tha hoá con người."
Ngoài ra, T.S Lê Đăng Doanh còn nhận xét thêm do tình hình lạm phát mà những người lao động Việt Nam còn phải chịu thứ thuế vô hình gần 20% trong năm qua, khiến thu nhập thực tế của tất cả những đối tượng hưởng lương bị giảm sút đáng kể.
Câu chuyện trả lương theo kiểu “gọt chân cho vừa giầy” đã luẩn quẩn từ nhiều năm qua. Hi vọng rằng đề án cải cách tiền lương vừa được Bộ Nội Vụ đề xuất sẽ mau chóng trở thành hiện thực, để tiền lương là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân, gia đình công chức, đồng thời, để những hiện tượng nhũng nhiễu, “hành là chính” sẽ biến mất trong một xã hội lành mạnh và dân chủ trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét