Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-05-17
Giữa lúc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Philippines tiếp diễn chưa biết ra sao, nhiều ý kiến đề cập tới giải pháp ngoại giao là tuyệt hảo trong khi giải pháp chiến tranh không có lợi cho bên nào cả - mà phía thua thiệt nhất là Bắc Kinh.
Tình trạng tranh chấp lãnh hải căng thẳng giữa Philippines và TQ tại bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon của Phi 230 km và cách vùng duyên hải Hoa Lục 1.200 km khiến “kẻ láng giềng khổng lồ xấu bụng” ra tay “trả thù” trước về mặt kinh tế, từ việc hạn chế du lịch, kiểm dịch gắt gao hoa quả Philippines cho đến hạn chế dịch vụ hàng không Hoa Lục tới Manila.Thế "Châu chấu đá xe"
Lên tiếng mới đây với Đài Á Châu Tự Do, cựu Đại tá hải quân quân đội nhân dân VN Quách Hải Lượng, nhận xét:
“Trước hết TQ là nước lớn, làm vậy là sai. Trên thế giới chỉ có một mình Bắc Kinh là đòi chiếm lấy đất đai lãnh thỗ của người khác. Nó là chủ nghĩa bành trướng, không tốt. Đất nước là của Philippines mà nó đánh gây gổ thì khi Philippines cương quyết lại, phải hoan nghênh thái độ bảo vệ đất nước của Phi.”
Nhưng có lẽ mối quan tâm đặc biệt của công luận hẳn liên quan đến nguy cơ xung đột võ trang khiến Manila lâm thế kẹt “châu chấu đá xe” trong khi người ta chưa rõ hiệp ước quốc phòng hỗ tương Mỹ-Philippine có thể trợ giúp Manila tới đâu.
Theo các phân tích gia thì cuộc đối đầu Philippine - Trung Quốc có thễ dẫn tới thực trạng chiến lược là, qua phương cách phối hợp ngoại giao lẫn quân sự, liệu Manila có khả năng duy trì nổi lập trường cứng rắn chống lại mọi hành động Trung Quốc xâm lăng lãnh hải Philippines hay không?
Qua bài tựa đề “Trung Quốc thử ý chí của Philippines”, ký giả Đông Nam Á George Amurao hình dung nếu bùng phát hải chiến, Philippines chỉ có thể tung ra chiến hạm tuần duyên cũ kỹ do Mỹ cung cấp vốn hoạt động từ thời chiến tranh Việt Nam, cùng một số tàu tuần cũ mua của Anh Quốc và Nam Hàn, cộng với những chiến hạm cũ hơn nữa thậm chí từ thời Thế chiến thứ 2. Hải quân Philippines trong thế “châu chấu đá xe” so với hải quân hiện đại của Trung Quốc, trong khi không lực Phi cũng không đủ hiện đại để có thể khống chế trên không, khó đương đầu nỗi với mọi chiến đấu cơ Trung Quốc phát xuất từ đảo Hải Nam gần đó.
Hẳn nhiên Philippines trông đợi ở Hiệp ước tương trợ an ninh ký kết với Hoa Kỳ từ năm 1951 giữa lúc, như cảnh báo của chuyên gia Jonathan Holslag về các vấn đề Trung Quốc thuộc Đại học Brussels, Bắc Kinh “không thể chịu thua vì như thế chẵng khác nào rút lui trước sự đe doạ của Hoa Kỳ”.
Hồi tháng Tư, lên tiếng tại thủ phủ Puerto Princesa thuộc tỉnh Palawan của Philippines, Trung tướng Duane Thiessen, Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến Mỹ tại TBD tái xác nhận cam kết của Hoa Kỳ trong Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương Mỹ-Philippines. Khi được hỏi liệu Washington có trợ giúp hay không trong trường hợp lực lượng TQ tấn công Philippines tại bãi cạn Scarborough, tướng Thiessen đáp rằng Hoa Kỳ và Philippines ký hiệp ước này vốn bảo đảm rằng hai bên bảo vệ nhau, và Hiệp ước “Quốc phòng Hỗ tương” tự nó đã hàm chứa lời giải thích.
Trông chờ vào Hoa Kỳ
Phía Hoa Kỳ tái xác nhận cam kết trong Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương với Phi, nhưng cho biết không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, dù Washington nhắc đến quyền lợi quốc gia Mỹ trong mọi cuộc giải quyết tranh chấp ôn hoà tại khu vực vốn thiết yếu cho hoạt động thương mại toàn cầu.
Dù tuyên bố trung lập trong mọi tranh chấp lãnh hải, Hoa Kỳ tỏ dấu cho Manila – cùng những tiểu quốc khác có tranh chấp tại biển Đông – thấy rằng Washington sẵn sàng tái tục vai trò “cảnh sát quốc tế” tại vùng thuỷ lộ đông tàu bè qua lại nhất ở biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, công luận tiếp tục thắc mắc về hành động cụ thể của Hoa Kỳ một khi hải chiến Trung Quốc - Philippine thực sự xảy ra giữa lúc các nước ASEAN chưa thấy lên tiếng gì về lập trường chung với Phi trong vụ tranh chấp với Trung Quốc – điều không ai ngạc nhiên vì tất cả 10 nước Đông Nam Á này, dĩ nhiên trong đó có Manila, đều lệ thuộc vào Hoa Lục về phương diện thương mại, đầu tư.
Ký giả Đông Nam Á George Amurao lưu ý tới tuyên bố của Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ rằng Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương Mỹ-Philippine “bỏ ngỏ” về cách giải thích, theo chiều hướng Hoa Kỳ có nghĩa vụ phản ứng chỉ khi quân đội nước ngoài tấn công lãnh thổ hay lực lượng Philippines. Vẫn theo ký giả George Amurao, trong ý nghĩa như vậy, thì không chắc là Hoa Kỳ có bổn phận bảo vệ những tuyên bố của Manila về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa hay bãi đá ngầm Scarborough.
Tờ New York Times có bài đề cập tới việc Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương Mỹ-Philippine ràng buộc hai nước bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công, “dù không rõ văn kiện ấy có thể được áp dụng như thế nào tại khu vực tranh chấp”.
Tạp chí The Economist lưu ý rằng hiệp ước vừa nói không giải thích rõ liệu Mỹ sẽ giúp bảo vệ lãnh thổ mà Manila tuyên bố có chủ quyền trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy?
Manila xem chừng như quả quyết rằng Hoa Kỳ có bổn phận trợ giúp Philippines nếu xung đột bùng phát, nhưng, theo hãng thông tấn AP, Hoa Kỳ “rào đón” trong vấn đề này.
Tuy nhiên, bằng cách không giải thích lập trường một rõ ràng và cụ thể, nói theo tạp chí The Economist, Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải suy đoán “dây bẩy” mà Mỹ gài nằm ở đâu một khi xung đột võ trang xảy ra. Và đặc biệt là sách lược của Washington hiện giờ là hướng về Á Châu – Thái Bình Dương, mở rộng liên minh quân sự với nhiều nước trong khu vực, nhấn mạnh quyền lợi quốc gia của Mỹ có liên hệ chặt chẽ với tự do hàng hải và phương cách giải quyết hoà bình mọi cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ nói rằng điều quan trọng đối với Mỹ là củng cố mối quan hệ với những đồng minh truyền thống trong khu vực. Và thực tế cho thấy Hoa Kỳ đã “củng cố quan hệ” xa hơn những mối “quan hệ truyền thống” ấy.
Vai trò “cảnh sát quốc tế” của Hoa Kỳ
Theo ký giả Đông Nam Á George Amurao, sách lược mở rộng này của Hoa Kỳ xem chừng như bao gồm cả sự hiện diện hùng hậu hơn của Mỹ tại khu vực biển Đông để đối trọng ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ Philippines, và cả Việt Nam cùng những tiểu quốc khác, phát triển khả năng hải quân đủ mạnh để ngăn chận Bắc Kinh cũng như vô hiệu hoá các vụ căng thẳng giữa những nước tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Giữa lúc Hoa Kỳ tăng nguồn quân viện cho Manila – lên 30 triệu đô la trong năm nay, Philippines cho biết đang trông đợi Hoa Kỳ cung cấp thêm tàu tuần, phi cơ cũng như đang tranh thủ sự trợ giúp của những đồng minh khác như Nam Hàn, Nhật Bản và Úc.
Chuyên gia Peter Chalk thuộc Rand Corporation, nhóm chuyên gia quân sự Mỹ, nhân tiện, lưu ý về vấn đề “quà tặng” là những loại võ khí, chiến cụ cũ kỹ mà Mỹ dành cho Manila khiến ảnh hưởng bất lợi đến công cuộc cải cách quốc phòng và hiện đại hoá quân đội Philippines.
Trong tình hình căng thẳng Trung Quốc - Philippines tiếp diễn tại bãi đá ngầm Scarborough, khi Bắc Kinh tiếp tục vai trò hù doạ bằng phương tiện chiến tranh tối tân và phong phú hơn của mình thì Manila ngày càng có dấu hiệu “tháo ngòi nổ” qua phương cách ngoại giao và toà án quốc tế - đề nghị mà Hoa Lục né tránh. Bắc Kinh giờ xem chừng như áp dụng chính sách ngoại giao đe doạ bằng võ lực, công khai lưu ý đến thế yếu quân sự của Manila trong số 6 nước tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Qua bài tựa đề “Cuộc khủng hoảng tại biển Đông”, LS Vũ Đức Khanh chuyên về Luật Quốc tế và Bang giao Quốc tế có lưu ý về “chiến tranh và hoà bình”, qua đó ông phân tích rằng “kịch bản lạc quan nhất” là giải pháp ngoại giao giữa các nước tranh chấp để giải quyết vấn đề một cách hoà bình và dài lâu, vì chiến tranh giữa TQ và Philippines, sau cùng rồi, sẽ lôi kéo các nước láng giềng vào một cuộc xung đột ngoài ý muốn. Và chắc chắn thua thiệt sẽ đến với mọi phía khiến tác hại nặng đến triển vọng kinh tế Đông Nam Á.
Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, LS Vũ Đức Khanh lưu ý:“Trung Quốc không có lợi gì khi gây chiến ở khu vực Biển Đông”.
LS Vũ Đức Khanh giải thích rằng Trung Quốc có thể bị thua thiệt nhiều nhất, vì quân đội Hoa Lục – cũng giống như mọi quân đội khác trên thế giới – cần nhiên liệu để chiến đấu, nếu không, Hoa Lục sẽ khó mà duy trì chiến tranh. Nguồn nhiên liệu cung cấp cho Trung Quốc từ Trung Đông chủ yếu qua eo biển Malacca. Như vậy, tất cả những gì cần làm là Hoa Kỳ cho bố trí chiến hạm ở Singapore – tại eo biển Malacca – thì chiến tranh sẽ kết thúc nhanh chóng. Và giới lãnh đạo Bắc Kinh ý thức rõ điều lợi bất cập hại này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét