Ngày 27/03/2012 Toà án Nhân dân Hải Phòng xử sơ thẩm các cựu lãnh đạo của tập đoàn Vinashin.
Nhưng theo nhận định của hãng thông tấn Pháp AFP, vụ xử này không trấn an được giới đầu tư về khả năng của chính phủ Việt Nam tìm ra những giải pháp cho khủng hoảng về cơ chế.
Tình trạng gần như phá sản của Vinashin đã làm rúng động chế độ Hà Nội ở cấp cao nhất và làm nổi rõ sự quản lý vô cùng tồi tệ các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin cùng tám lãnh đạo khác của tập đoàn sẽ ra tòa vì bị coi là đã « lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ».
Họ bị coi là có trách nhiệm trong việc để cho tập đoàn này bị nợ nần tổng cộng lên tới khoảng 4,4 tỷ đôla. Họ có thể lãnh án lên tới 20 năm tù.
Nhưng hãng tin AFP trích lời một kinh tế gia Việt Nam, xin được miễn nêu tên, cho rằng xét xử một vài quan chức cao cấp sẽ không có tác động gì đáng kể. Vấn đề là có tìm ra được một cơ chế quản lý nào khác cho các tập đoàn Nhà nước hay không.
Về phần giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thì dự đoán là chín bị cáo nói trên sẽ chia nhau phần trách nhiệm và sẽ có một người bị coi là chịu trách nhiệm về những lỗi nặng nhất. Làm như thế là để trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc rằng việc cải tổ khu vực kinh tế Nhà nước ở Việt Nam đang tiến triển tốt.
Nhưng theo giáo sư Thayer, điều đó không làm thay đổi hạng điểm của Việt Nam trên trường quốc tế, bởi vì « việc cái tổ các doanh nghiệp Nhà nước là một cuộc chiến được tiến hành theo từng trường hợp ».
Tuy vậy, theo AFP, vụ xử Vinashin sẽ có ảnh hưởng lớn trên chính trường Việt Nam, sau khi đã làm lung lay một thời gian chiếc ghế thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng. Là nhân vật hiện được coi là có thế lực nhất ở Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải giải trình trước Quốc hội về vụ Vinashin và phải cam kết là sẽ không để xảy ra một trường hợp tương tự trong tương lai.
AFP trích lời ông Benoit de Tréglodé, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, nhắc lại rằng vụ tai tiếng này suýt nữa đã chặn đứng sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng. Năm 2011, những người chống lại quyền lực bao trùm của ông Dũng đã cố khai thác vụ Vinashin để ngăn không cho ông làm thủ tướng thêm một nhiệm kỳ.
Nhưng thất bại của mưu toan này cho thấy là ông Dũng vẫn kiểm soát bộ máy quyền lực ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét