Sự hai mặt trong chính sách của Trung Quốc tại biển Đông lại bộc lộ rõ qua những tuyên bố và hành động mới nhất.
Báo chí Trung Quốc, bao gồm cả chuyên trang Tam Sa của Tân Hoa xã, ngày 31.7 dẫn thông báo của Cục Hải dương quốc gia nước này ngang nhiên công bố sẽ tung đội tàu hải giám từng hòn đảo không người ở tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo đó, chi đội hải giám của cái gọi là TP.Tam Sa có nhiệm vụ “giám sát, quản lý những hành vi khai thác, nuôi trồng và du lịch trái quy định” trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, “chính quyền Tam Sa” cũng đã hoàn tất kiểm tra các điểm cơ sở trên nhiều đảo ở Hoàng Sa, xác định hiện trạng của một số đảo san hô.
|
Cùng ngày, Tân Hoa xã ngày 31.7 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố nước này “phản đối can thiệp quân sự vào tranh chấp” trên biển Đông và “sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”. Nhưng ông Cảnh lại “tự vả mồm” khi ngang ngược tuyên bố Trung Quốc có quyền và đã triển khai hệ thống tuần tra trực chiến trên biển Đông để “bảo vệ chủ quyền”. Phát ngôn viên này còn nói “đồn quân sự Tam Sa”, đặt trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, có nhiều nhiệm vụ khác nhau liên quan tới “quốc phòng, an ninh cho Tam Sa cũng như cứu trợ thiên tai”.
Thực chất, cái gọi là TP.Tam Sa được thành lập phi pháp với ý đồ quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những hành động của Trung Quốc liên quan tới Tam Sa đã bị nhiều bên, bao gồm cả những phía không liên quan đến tranh chấp, chỉ trích dữ dội. Những tuyên bố và động thái nói trên một lần nữa vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một diễn biến khác, Philippines ngày 31.7 chính thức nhận đăng ký đấu thầu 3 lô khí đốt tại biển Đông, trong đó có 2 lô gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa, theo Bloomberg. Bãi Cỏ Rong là nơi thường xảy ra va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines trong thời gian qua. Manila hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của các tập đoàn nước ngoài trong đợt mở thầu vào ngày 31.7. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như Nido Petroleum (Úc), Repsol (Tây Ban Nha), GDF Suez (Pháp) và Eni (Ý). Tuy nhiên, chưa rõ những tập đoàn trên có ý định tham gia đấu thầu những lô dầu đang trong vùng tranh chấp hay không.
Độc giả Singapore phản đối Trung Quốc
Độc giả báo Straits Times, Singapore, lên tiếng phản đối sự lấn át của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi ASEAN ủng hộ Việt Nam và Philippines trong vấn đề biển Đông. Tờ báo lớn nhất đảo quốc sư tử ngày 31.7 đăng ý kiến của 2 độc giả Alan Chan Hong Joo và K.Sabehshan về vấn đề tranh chấp biển Đông. Ông Chan người gốc Hoa và ông Sabehshan người gốc Ấn đều có cùng nhận định là Trung Quốc đang dùng sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh kinh tế, gây áp lực lên ASEAN để đoạt lợi trên biển Đông. Vì thế mà ASEAN cần đoàn kết, quyết liệt tìm phải pháp và ủng hộ Việt Nam và Philippines về chính trị cũng như ngoại giao.
Ông Chan, người từng viết bài báo Địa chính trị Trung Quốc đăng năm 2011, viết: “Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa là không vững chắc”. Và vì thế, “một liên minh vững chắc của các nước láng giềng là điều mà Trung Quốc rất sợ”. Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động đơn phương gây quan ngại, ông Chan đề nghị: “ASEAN phải tìm giải pháp trước khi thái độ các bên trở nên cứng rắn”.
Trong khi đó, ông Sabehshan quả quyết “Trung Quốc không đưa ra được những lý lẽ hợp pháp cho các tuyên bố chủ quyền của mình”. Vì vậy, “ASEAN được mong đợi phải có những hỗ trợ về mặt chính trị và ngoại giao đối với Việt Nam và Philippines” trong vấn đề biển Đông. Ông Sabehshan khuyến cáo: “Trung Quốc có thể đang trở thành đối tác kinh tế không thể thay thế đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhưng điều đó không thể dẫn đến việc ASEAN chấp nhận hy sinh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các thành viên”.
Thục Minh (VP Singapore)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét