Một tàu đánh cá Việt Nam ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, phía sau là khu trục hạm USS Chung Hoon của Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam ngày 15/7/11.
Reuters
Trọng Nghĩa
Đúng một tuần lễ sau khi xẩy ra vụ một chiếc tàu đánh cá thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị tàu tuần tra Trung Quốc bắn đuổi và cướp phá, chính quyền Việt Nam, vào hôm qua, 29/02/2012, đã chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại. Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng, lên tiếng phủ nhận các cáo buộc từ phía Hà Nội.
Sự kiện xẩy ra ngày 22/02, khi chiếc tàu cá QNg 90281TS của tỉnh Quảng Ngãi muốn chạy vào khu vực đảo Hoàng Sa để tránh bão thì bị tàu võ trang Trung Quốc nã súng đuổi bắt. 11 ngư dân trên tàu bị đánh đập, lục soát để lấy tài sản, ngư cụ bị cướp đi.
Trả lời câu hỏi báo chí về vụ này, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị vào hôm qua đã nêu rõ : “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường… phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam đã tố cáo phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đối xử vô nhân đạo, “đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam”.
Ông Lương Thanh Nghị còn cho biết thêm là đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc không được tái diễn các hành vi “sai trái tương tự” và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Trả lời hãng tin trên mạng Ai Cập Biskyamsr.com vào hôm nay, ông Lương Thanh Nghị còn nói thêm là “hoàn toàn không thể chấp nhận được việc công dân Việt Nam lại bị sách nhiễu ngay trên vùng biển của nước minh”.
Trung Quốc tiếp tục chối là không hề có hành vi thô bạo
Phản ứng của Bắc Kinh trước các lời tố cáo của Hà Nội đã rất tức thời. Nhân cuộc họp báo thường kỳ vào hôm nay, 01/03, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phủ nhận toàn bộ nội dung cáo buộc từ phía Việt Nam, cho rằng võ lực không hề được sử dụng trong sự cố mà Trung Quốc gọi là một vụ "đánh cá trái phép".
Theo phía Trung Quốc, "Gần đây, ở các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, một cách hợp pháp, Trung Quốc đã xử lý các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của người Việt Nam, và đã trục xuất những người này ra khỏi khu vực. Đó là những việc làm hoàn toàn hợp pháp".
Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh rằng : "Trung Quốc không hề dùng vũ lực trong việc thực hiện pháp luật, và không lên tàu Việt Nam. Các thông tin liên quan đến vụ này không phù hợp với sự thật".
Và phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lập luận cố hữu là Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi trên quần đảo Tây Sa, (tên Trung Quốc gọi Hoàng Sa) và các vùng biển lân cận.
Xin nhắc lại là vùng Biển Đông hiện có 6 nước tranh chấp chủ quyền : Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Riêng Trung Quốc đã viện cớ "lịch sử" để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, bao trùm cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Vào năm 1974, Trung Quốc đã dùng võ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam, và cho đồn trú quân đội tại đấy cho đến nay.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng võ lực áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ, với hệ quả là khi hoạt động tại vùng ngư trường truyền thống của mình, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị Trung Quốc sách nhiễu, đối xử thô bạo, cướp bóc, thậm chí bị bắt giữ đòi tiền phạt.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120301-trung-quoc-tiep-tuc-phu-nhan-vu-ban-vao-ngu-dan-viet-nam-tai-hoang-sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét