<– Blogger Lê Văn Sơn đang bị giam giữ vì cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Đây là giải thưởng được trao hàng năm cho các blogger, các nhà báo mạng và những người bất đồng chính kiến trên mạng – những người giúp thúc đẩy quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng Internet.
Trong thông báo về danh sách đề cử của mình, RSF, có trụ sở tại Paris, mô tả blogger 26 tuổi Lê Văn Sơn, còn được biết với tên Paulus Lê Sơn, là một người chuyên viết về các vấn đề chính trị và xã hội, nhất là các vấn đề tôn giáo và nhân quyền.
Anh cũng viết về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và cách hành xử bạo lực của công an.
Cây bút này cũng viết bài cộng tác cho trang tin Baokhongle và Truyền Thông Chúa Cứu Thế, và tổ chức các buổi hội thảo và huấn luyện cho các blogger trong nước.
Lê Văn Sơn bị bắt vào ngày 3/8 năm ngoái, chỉ một ngày sau khi anh đưa tin về phiên xử phúc thẩm của Cù Huy Hà Vũ.
Hiện tại anh đang bị giam tại nhà tù B14 ở Hà Nội với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
RSF cho biết Lê Văn Sơn là một trong 22 công dân mạng hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến trên mạng Internet.
Các ứng viên khác
Cùng được đề cử với blogger Sơn là năm ứng cử viên khác đến từ những điểm nóng về bạo lực và nhân quyền trên thế giới.
“Cuộc chiến đấu vì quyền tự do ngôn luận trên mạng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.”
Tổ chức Nhà báo không biên giới
Đại diện cho Syria là Trung tâm báo chí của Ủy ban điều phối địa phương (LCC) – một mạng lưới các nhà báo thường dân và các nhà hoạt động nhân quyền có vai trò quan trọng trong việc đưa thông tin về Syria đến với thế giới bên ngoài.
Các bài tường thuật, hình ảnh và video về cuộc nổi dậy của người dân và sự đàn áp của chính phủ trên khắp đất nước Syria đã được cập nhật thường xuyên trên trang web của LCC và các mạng xã hội, RSF cho biết.
Dân làng Ô Khảm thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cũng được đề cử cho giải thưởng này trong năm nay. Hành động phản đối quyết liệt của ngôi làng 13.000 dân này sau khi họ bị chính quyền tịch thu đất canh tác vào cuối năm ngoái đã biến thành một cuộc nổi dậy lật đổ các quan chức địa phương.
Dân làng đã dùng các mạng xã hội để thông báo tình hình của họ đến với thế giới bên ngoài trong khi giới chức địa phương tìm cách chặn mọi thông tin và tìm kiếm về làng Ô Khảm trên mạng Internet cũng như dỡ bỏ các hình ảnh về các cuộc biểu tình trên các trang microblog của Sina và Weibo.
RSF đánh giá rằng “dân làng Ô Khảm đã có thể làm cho mọi người nghe thấy được sự phẫn nộ của họ và kêu gọi sự ủng hộ của công chúng nhờ vào Internet”.
Bản đồ tương tác về những bất thường trong cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga, một sáng kiến của Golos (có nghĩa là Tiếng nói), đã đưa tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát bầu cử này vào danh sách đề cử giải Công dân mạng của RSF.
Bản đồ này, được đặt trên trang tin tức gazeta.ru, cho phép người dân Nga tường thuật bất cứ hành vi gian lận bầu cử nào mà họ chứng kiến bằng cách đưa hình ảnh và âm thanh mà họ thu được lên bản đồ và đánh dấu chúng bằng những liên kết màu đỏ tại vị trí những địa điểm xảy ra sai phạm.
“Ở những quốc gia mà truyền thông truyền thống bị Nhà nước kiểm soát, nguồn tin độc lập duy nhất chỉ có trên mạng Internet – nơi trở thành diễn đàn thảo luận và nơi trú ẩn cho những ai muốn bày tỏ quan điểm một cách tự do.”
Tổ chức Nhà báo không biên giới
Còn tại Ai Cập, nơi chứng kiến các cuộc biểu tình ‘Mùa xuân Ả Rập’ rầm rộ vào năm ngoái đã lật đổ Tổng thống Mubarak, blogger 26 tuổi Maikel Nabil Sanad cũng được RSF đưa vào danh sách ứng viên.
Sanad đã đưa lên blog những bài viết chỉ trích cách hành xử bạo lực của quân đội đối với người biểu tình. Sanad bị bắt vào tháng 3 năm 2011, bị đưa ra tòa án binh và kết án ba năm tù vì tội nhục mạ quân đội.
RSF đánh giá Sanad, “tù nhân lương tâm đầu tiên của nước Ai Cập sau cách mạng”, là biểu tượng của sự phục hồi đàn áp sau khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ.
ứng viên cuối cùng trong danh sách này là Leonardo Sakamoto – một nhà báo đến từ Brazil. Sakamoto là một người hết lòng bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng người bản xứ ở đất nước ông, những người hiếm được nhắc đến trên truyền thông và cả trên mạng.
Ông đã có những bài viết chống lại dự án xây dựng một đập thủy điện vốn sẽ gây ngập lụt một vùng rộng lớn và làm cho khoảng 25.000 người thuộc các sắc tộc bản địa mất nhà cửa.
‘Cuộc chiến mạng’
<- Cuộc chiến vì tự do thông tin trên Internet đang diễn ra
Lễ trao giải Công dân mạng sẽ diễn ra vào ngày 12/3 – Ngày Thế giới chống kiểm duyệt Internet do RSF khởi xướng – tại Paris.
Người được giải sẽ nhận số tiền thưởng là 2.500 euro. Năm ngoái trang blog độc lập Nawaat của Tunisia đã giành giải thưởng Công dân mạng này.
RSF nhận định rằng “cuộc chiến đấu vì quyền tự do ngôn luận trên mạng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết”.
“Mùa xuân Ả Rập đã chứng tỏ rằng Internet là một công cụ để đạt được tự do bằng cách tạo ra những không gian mới để trao đổi ý kiến,” RSF viết trong thông báo danh sách ứng viên.
“Ở những quốc gia mà truyền thông truyền thống bị Nhà nước kiểm soát, nguồn tin độc lập duy nhất chỉ có trên mạng Internet – nơi trở thành diễn đàn thảo luận và nơi trú ẩn cho những ai muốn bày tỏ quan điểm một cách tự do.”
RSF cũng lưu ý rằng ngày càng có nhiều chính phủ nhận ra sức mạnh của Internet và đang phản ứng bằng cách tăng cường theo dõi những người lên mạng.
RSF nêu tên Trung Quốc, Iran và Việt Nam là những nước giam giữ nhiều công dân mạng nhất – những người bị bắt vì đã bày tỏ quan điểm tự do trên mạng.
http://hientinhvn.blogspot.com/2012/02/tin-mung-blogger-viet-nam-uoc-to-chuc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét