Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Doanh nghiệp chết hàng loạt - nỗi lo kinh tế VN sẽ phá sản trong 2012

Lãi suất cao, nền kinh tế khó khăn, năng lực quản trị yếu kém... đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp (DN) thua lỗ, phá sản và giải thể. Tình trạng đáng lo ngại này được dự báo sẽ còn tiếp tục khốc liệt hơn trong thời gian tới.
 Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, trong tổng số gần 600.000 DN đăng ký kinh doanh trên cả nước, tính đến hết năm 2011 đã có hơn 50.000 DN làm ăn thua lỗ, trong đó không ít DN giải thể, phá sản. 

Làn sóng giải thể

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT), cho biết số DN trên chủ yếu tập trung ở khu vực DN vừa và nhỏ, tư nhân. “Trong một nền kinh tế có nhiều khó khăn, lãi suất (LS) cao, năng lực cạnh tranh của DN thấp, DN yếu kém bị thua lỗ, phải phá sản, dừng hoạt động là quy luật tất yếu”, ông Hiệu nói. Theo ông, chắc chắn số lượng DN thua lỗ, phá sản sẽ còn tăng.
Tình hình khó khăn tiếp tục kéo dài trong quý 1/2012. Tại cuộc họp với Bộ KH-ĐT vừa qua, lãnh đạo nhiều sở KH-ĐT đã thẳng thắn chia sẻ những quan ngại về “sức sống” của các DN.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, chỉ tính riêng trong hai tháng qua, đã có 169 DN làm thủ tục giải thể, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. “Thông thường sau tết, rất ít DN xin giải thể, nay số liệu lớn như thế cho thấy tình hình các DN đặc biệt khó khăn”, ông Tứ nói.
Mối nguy hiểm cực kỳ lớn 
Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM phân tích, vốn là “máu” để nuôi sống DN, nhưng từ năm 2010, DN đã thiếu máu, đã bắt đầu bệnh nặng. Tới nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào tốt hơn cho căn bệnh đó. Nhiều DN đã trực tiếp đến hiệp hội để nhờ tìm đối tác chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư, thậm chí bán tài sản bao năm tích cóp... để có tiền trả nợ ngân hàng, tránh được sức ép của LS.
Chúng tôi vừa có buổi làm việc với Hội DN Q.8, họ nói trong vài năm gần đây, mỗi năm họ mất 1.000 DN. Nghĩa là cho tới giờ, số DN còn hoạt động trên địa bàn chỉ khoảng 50% so với trước. Điều đó là đáng báo động. Chúng tôi cũng được biết, hiện DN vẫn phải vay vốn với mức LS 22-24%/năm, chứ không có chuyện dưới 20%/năm. Nhiều ngân hàng có thể ngưng cho vay bất kỳ lúc nào.
Một khảo sát của hiệp hội cho biết, chỉ còn khoảng 30% DN đầu tư cho phát triển; số còn lại tạm ngưng đầu tư (60-70%). Không ít DN chuyển sang “buôn chuyến”, từ sản xuất chuyển qua làm thương mại, nhập hàng bán ở nội địa, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng nuôi nhân sự; những định hướng phát triển chiều sâu bị hạn chế. Đây là mối nguy hiểm cực kỳ lớn cho nền kinh tế. 

N.Trần Tâm (ghi)

Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, ông Dương Thế Quang, Giám đốc Trung tâm tích hợp và lưu trữ thông tin về người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay có 366 DN giải thể và 190 DN đăng ký tạm ngưng hoạt động tại cơ quan thuế”. Còn theo ông Võ Sĩ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP thì “số lượng trên thực tế lớn hơn, có thể đến con số nghìn”.
Dữ liệu từ Bộ KH-ĐT cho thấy tình hình hoạt động của những DN đang “sống” cũng đang có dấu hiệu đình đốn.
Hàng hóa sản xuất nhưng không tiêu thụ được khiến chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đã tăng 17,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là chế biến và bảo quản rau quả tăng 80,6%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 71,9%; sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 68,1%; sản xuất sắt, thép tăng 53,4%...
Báo cáo của Tổng cục Thuế ngày 1.3 cho thấy, tình hình nợ thuế năm 2011 tiếp tục tăng 29,5% so với năm 2010 (năm 2010 tăng 17,9% so với 2009). Một số địa phương có nợ năm 2011 tăng trên 50% so với năm 2010 như An Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh... Nguyên nhân được nêu ra là do sức tiêu thụ hàng hóa chậm, ngân hàng thắt chặt cho vay, nhiều DN chấp nhận nộp phạt để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh, việc thanh toán tiền hàng trong giao dịch mua bán giữa các bên còn chậm, nhằm mục đích chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.
Một số DN có số nợ thuế hàng chục tỉ đồng, thời gian kéo dài như Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thành Công, CTCP bia và nước giải khát Phú Yên, Vinashin, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, CTCP Cavio xây dựng cầu hầm...
“Mối lo phá sản vẫn dai dẳng” 
Tại hội nghị ngành thép tuần trước, ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thép VN cho rằng, dù tới thời điểm này chưa có DN thép nào phá sản nhưng mối lo phá sản vẫn dai dẳng khi khó khăn của ngành thép có thể sẽ kéo dài thêm 6 tháng, thậm chí đến hết năm 2012.
Còn theo ông Lê Phan Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP ống thép Việt Đức, năm 2011, công ty đã phải trả lãi vay ngân hàng với số tiền gần 300 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với năm ngoái.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty thép Việt (Pomina) dự đoán, năm 2012 lượng thép tiêu thụ sẽ giảm 5-7% bởi thị trường thép ở miền Nam rất khó khăn, nhiều khu chung cư bỏ hoang vì xây xong không bán được. “Có DN báo cho tôi tháng tới sẽ không có sản lượng, vì không vay được vốn, không nhập được nguyên liệu. Có DN thì không tiêu thụ được hàng, không cạnh tranh được với các DN lớn nên sản xuất cầm chừng”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN nói.
Khó khăn cũng đang bao vây các DN chế biến thủy sản. Đại diện Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu tại ĐBSCL đang đứng ở mức cao khoảng 26.000 đồng/kg. LS ngân hàng quá cao, chi phí đầu vào tăng chóng mặt... DN cố gắng giữ vững giá xuất khẩu nhưng cũng không hấp dẫn được nhiều nhà nhập khẩu. Trong tháng 2.2012, cả khối lượng và giá trị xuất khẩu của nhiều DN cũng chỉ bằng 2/3 của tháng trước. Ðến cuối quý 2/2012, sẽ có nhiều DN phải ngừng hoạt động vì không có đơn hàng và không đủ vốn để quay vòng "nuôi" nhà máy và công nhân.
Tình trạng của các DN ngành điều cũng rất bi đát. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (VINACAS) thông tin, các DN ngành điều đang thiếu trầm trọng vốn để thu mua nguyên liệu. Trong đó để thu mua toàn bộ điều thô trong nước khoảng 380.000 tấn với giá 35 triệu đồng/tấn cần khoảng 13.300 tỉ đồng và thêm 13.230 tỉ đồng nữa để nhập khẩu nguyên liệu. Vinacas đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ. Ðặc biệt, các ngân hàng thương mại ưu tiên 100% nguồn vốn vay để DN thu mua nguyên liệu, đồng thời gia hạn tín dụng đối với các khoản vay của DN.
Mới “sanh” đã “tử” 



Trong một nền kinh tế có nhiều khó khăn, lãi suất cao, năng lực cạnh tranh của DN thấp, DN yếu kém bị thua lỗ, phải phá sản, dừng hoạt động là quy luật tất yếu

Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT)

Sau thời kỳ hoàng kim của thị trường bất động sản (BĐS) vào năm 2006-2007, một loạt DN BĐS đã ồ ạt ra đời. Năm 2008, một nhóm nhân viên môi giới một công ty BĐS tại TP.HCM đã tách ra thành lập Công ty CP Cổng Địa Ốc (Q.1, TP.HCM), với số vốn điều lệ khoảng 6 tỉ đồng. Thời gian đầu, công ty hoạt động rất khá, tuy nhiên từ năm 2008, thị trường BĐS bắt đầu lao dốc, công ty thua lỗ và phải đóng cửa vào năm 2011.
Kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, thấy thị trường BĐS ngon ăn, Công ty CP Ngân Thanh (Q.Tân Phú) đã lấy khu đất trước đây làm nhà xưởng ở đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) để triển khai dự án căn hộ cao cấp Montana vào năm 2008. Khi triển khai xong phần cọc nhồi, công ty đã đem bán cho khách hàng từ cuối năm 2009. Song do khó khăn về vốn dự án đã phải dừng lại. Hiện dự án đã bị khai tử, khu đất xây dựng dự án được chủ đầu tư cho thuê làm quán cà phê, rửa xe và làm bãi giữ xe. Hàng loạt các công ty BĐS khác như Partnerland, Richland, Richland Saigon… đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thông tin rằng, hiện 60-70% DN BĐS đang “đắp mền”, sản phẩm không bán được. Mỗi tháng một DN mất đi 50-60 tỉ đồng chi phí điều hành. Trong quý 2, 3 này DN sẽ phá sản hàng loạt. “Phá sản một vài DN thì không quan trọng, nhưng nếu phá sản từ 100 đến 200 DN sẽ rất nguy hiểm”, ông Đực cảnh báo. 
Thanh niên

1 nhận xét:

  1. Hàng hóa đủ loại sản xuất từ Trung cộng ầm ầm, cuồn cuộn đổ vào VN, doanh nghiệp VN sao mà không chết cho được?
    Những loại hàng hóa rẻ tiền, phẩm chất xấu dưới tiêu chuẩn cho phép; những loại hàng hóa nhập cảng ồ ạt vào nước khác với giá rẻ hơn giá thành của sản phẩm là những hành động bất hợp pháp (dumping goods), theo tiêu chuẩn WTO, nước có hành động này phải bồi thuờng nếu bị đưa ra trứoc cơ quan tài phán của WTO. Vừa ngu dốt, vô trách nhiệm, vừa tham tiền, quan chức cộng sản cấp cao nhận hối lộ của phía Trung cộng, nhắm mắt cho nhập cảng càn bừa hàng từ Trung Hoa, giới sản xuất ở VN không chết đứng, khánh tận sao được!

    Trả lờiXóa