Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Ai xây "chủ nghĩa tư bản man rợ" ở VN?

Lý luận gia Marxist Lữ Phương cho rằng Đảng CSVN đang "lợi dụng chủ nghĩa Marx" để xây dựng một thứ "chủ nghĩa tư bản man rợ."

Nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx Lữ Phương
chuyên tâm nghiên cứu độc lập
và so sánh chủ nghĩa Marx đích thực
với thực tiễn Việt Nam
trong hàng chục năm qua.
Lý luận gia Marxist và nhà nghiên cứu chính trị về đảng Cộng sản Việt Nam từ trong nước, ông Lữ Phương cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không hề "liên quan" gì tới Chủ nghĩa Marx, mà chỉ đang "lợi dụng" chủ thuyết này trong việc xây dựng một thứ "chủ nghĩa tư bản man rợ, rừng rú."

Trao đổi với bbcvietnamese.com hôm thứ Bảy, 26/02/2012, trong chuyên đề về trí thức, Đảng Cộng sản và phản biện xã hội, nhà nghiên cứu độc lập này khẳng định chủ nghĩa Marx "đích thực" không có quan hệ gì đến thực tiễn Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử nhiều chục năm qua và hiện nay.


Ông nói: "Tôi thấy, Chủ nghĩa Marx chẳng dính dấp gì đến thực tại Việt Nam cả. Thứ nhất, những người nhân danh chủ nghĩa Marx để họ quản lý, lãnh đạo xã hội, họ cho rằng 'tiến lên chủ nghĩa xã hội', nói một cách văn vẻ, thì họ ngộ nhận, họ hiểu lầm, họ không hiểu gì cả.

"Còn nói trắng ra, họ lợi dụng, họ bóp méo hoàn toàn chủ nghĩa Marx, không dính dấp gì ở đây, nó là một chủ nghĩa Lênin, Stalin hóa, và nó là của Mao Trạch Đông. Cho nên những người nhân danh cái này để gọi là lãnh đạo Việt Nam, thì hoàn toàn không có cơ sở thực tế.

"Còn những người nào mà qua thực tế lãnh đạo nhân danh chủ nghĩa Marx này mà phủ định Marx, phê phán một cách vội vàng cũng không đúng luôn. Ý của tôi, chủ nghĩa Marx không dính dấp gì đến xã hội Việt Nam, cho nên họ không thể nhân danh chuyện này để đưa đất nước đến tương lai cả."
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh những ai "mượn" chủ nghĩa Marx "chân chính" như lâu nay vẫn làm ở Việt Nam để giành quyền lãnh đạo đất nước chỉ là "ngộ nhận hoặc lừa dối, huyễn hoặc" mà thôi.

'Độc tài hay dân chủ'

Theo Lữ Phương vấn đề ở Việt Nam hiện nay là không phải là theo chủ nghĩa Marx đích thực hay không đích thức mà là "vấn đề độc tài hay không độc tài", vấn đề "phát triển hay không phát triển", vấn đề "độc tài hay dân chủ."

Nhà nghiên cứu cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng các phạm trù, khái niệm, lăng kính của chính chủ nghĩa "Marx đích thực" để phóng chiếu và soi vào thực tế của xã hội VN, nhận diện "mặt thật" của tầng lớp thống trị, nhân dân bị trị hiện nay, qua đó nhận diện rõ được bản chất của "Đảng Cộng sản" cầm quyền mà vốn lâu nay theo ông vẫn "mượn" chủ nghĩa Marx để biện minh cho quyền lực độc tôn, thống đoạt từ tay nhân dân.

"Dùng chính khái niệm của Marx, tức là một phóng chiếu lộn ngược, thì tức là anh nhân danh những điều thế này, thế khác, nhưng trong thực tế, nó làm ngược hoàn toàn... Thí dụ như Marx nói xã hội công dân sẽ dần dần, từ từ nuốt chửng cái nhà nước thì bây giờ đây, nhà nước này lại trở thành một thứ nhà nước tuyệt đối, nhà nước vĩnh viễn.

"Thí dụ như giai cấp công nhân lãnh đạo thì bây giờ là giai cấp bị bần cùng hóa và người ta đang phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản man rợ hiện giờ. Nông dân cũng vậy, bây giờ là cướp đất, cướp nhà của người ta. Tức là một cái phóng chiếu lộn ngược lại hoàn toàn."


"Vấn đề dân chủ không phải là cuộc chiến tranh. Tôi có kinh nghiệm trải qua chiến tranh. Chiến tranh nói thế nào đi nữa, thì nó cũng có thời gian chấm dứt. Nhưng cuộc dân chủ có hàng loạt những vấn đề"
Ông Lữ Phương

Ở phần cuối của cuộc trao đổi với Quốc Phương của BBC, ông Lữ Phương khẳng định vấn đề của Việt Nam hiện nay là "chống chủ nghĩa tư bản man rợ" để xây dựng một "chủ nghĩa tư bản văn minh."
Trên con đường này, ông khuyến nghị tầng lớp trí thức Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, dù trong đảng cộng sản, hay không, cần phải "đoàn kết" với nhau, tránh "chia rẽ, bất hòa," tỉnh táo chung tay xây dựng đất nước vì tương lai và công cuộc "dân chủ" của dân tộc.

Lữ Phương cảnh báo: "Vấn đề dân chủ không phải là cuộc chiến tranh. Tôi có kinh nghiệm trải qua chiến tranh. Chiến tranh nói thế nào đi nữa, thì nó cũng có thời gian chấm dứt. Nhưng cuộc dân chủ có hàng loạt những vấn đề.

"Ví dụ cái đảng này là một yếu tố thôi, nhưng còn dân trí, còn các tầng lớp trí thức, các tầng lớp khác, hàng loạt vấn đề khác nhau. Chứ không phải có những nơi làm một cuộc đảo chánh xong rồi, chẳng hạn chúng ta tổ chức được đa đảng, bầu cử đâu vào đó rồi, nhưng xã hội vẫn dẫm chân tại chỗ với tất cả những tệ nạn, những khuyết tật, bệnh trầm kha của một xã hội chậm tiến."
Để giải quyết vấn đề, lý luận gia cho rằng "mấu chốt" của Việt Nam hiện nay và tương lai vẫn phải là một "xã hội dân sự", một "xã hội công dân" trong quan hệ đối diện nhà nước, với các công dân có trách nhiệm, có ý thức, có năng lực, không bị "huyễn hoặc," là những người sẽ giúp tìm lời giải đáp đưa đất nước, dân tộc thực sự đạt được dân chủ, tiến bộ đích thực.




***




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét