Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng- Hải Phòng: Việc cưỡng chế đã sai!

Thứ Sáu, 13/01/2012 23:31

GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nhận định như trên và khẳng định ông sẵn sàng đối chất với chính quyền huyện Tiên Lãng

* Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định khi chủ tịch huyện Tiên Lãng và giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hải Phòng khẳng định việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn là đúng Luật Đất đai 1987 và đây không phải là đất nông nghiệp?

- Ông Đặng Hùng Võ:
  Luật Đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật Đất đai năm 1987 không quy định thời hạn này. Nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân 10 ngày trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định. Điều 4, Nghị định 64 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1993 đã quy định rất rõ những đất giao trước ngày 15-10-1993 phải được tính thời hạn 20 năm. 


Thật phi lý khi cho rằng đây không phải là đất nông nghiệp, rõ ràng đấy là sự sai trái một cách bất chấp. 

* Huyện Tiên Lãng cưỡng chế quá tay rồi san phẳng nhà của ông Đoàn Văn Vươn thì phải đền bù cho người dân và xử lý người chỉ đạo việc này, thưa ông?
- Khi các cơ quan vào cuộc làm rõ và xử lý đúng theo luật định thì việc đền bù là tất yếu vì đã có Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc công tâm và làm đúng luật. 
 
 
Căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị san phẳng. Trong khi đó, người dân địa phương rất quan tâm đếnvụ cưỡng chế (ảnh nhỏ)_Ảnh: BẢO TRÂN
* Có nhiều ý kiến cho rằng ở một số chính quyền huyện, xã coi mình như “vua” và sẵn sàng đưa ra những quyết định vi phạm luật?
- Đấy là tình trạng của không ít chính quyền huyện, xã hiện nay. Lãnh đạo ở một số địa phương là đại diện cho người dân để nắm chính quyền nhưng họ lại luôn muốn khẳng định quyền lực vô biên của mình và sẵn sàng bất chấp để bảo vệ nó. Điển hình là cuộc họp báo ngày 12-1, lãnh đạo huyện Tiên Lãng vẫn một mực cho rằng mình đúng. Thậm chí, họ còn viện ra Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đất đai năm 1993 để bảo vệ nhưng lại chẳng hiểu gì. 

* Như ông nói thì vụ việc ở huyện Tiên Lãng cần được xem xét và xử lý nghiêm để người dân có niềm tin vào chính quyền? 

- Đúng vậy! Việc cưỡng chế sai đã dẫn đến gia đình ông Đoàn Văn Vươn phạm tội là một thông điệp mạnh mẽ để chúng ta khẩn trương rà soát và xem xét lại nhiều vấn đề liên quan đến đất đai hiện nay. 

* Theo ông, hành vi vi phạm luật pháp của ông Đoàn Văn Vươn bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa?

- Tôi đồng tình với nhìn nhận này. Bởi nếu không có quyết định thu hồi và cưỡng chế đất thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua. Tôi sẵn sàng đối chất với chính quyền huyện Tiên Lãng về vụ việc cưỡng chế nhà ông Đoàn Văn Vươn để làm rõ đúng, sai.

Thanh tra Chính phủ nắm tình hình
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng ngày 13-1 cho biết hiện chưa có báo cáo gì từ phía TP Hải Phòng về vụ việc này. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ bằng các kênh của mình đã nắm tình hình vụ việc. Theo ông Lượng, khi vụ việc có sự phản ứng từ người dân và báo chí nêu trong thời gian dài thì chính quyền phải có giải trình sớm, rõ ràng và thỏa đáng. 
Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), ngày 12-1, cơ quan này đã gửi công văn yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hải Phòng báo cáo vụ việc.
Phải đền bù cho gia đình ông Vươn
TS - luật sư Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng phải làm rõ ai chỉ đạo cưỡng chế, dẫn đến việc san phẳng nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Cưỡng chế không đúng luật pháp, đặc biệt là ngôi nhà và tài sản nằm ngoài phạm vi cưỡng chế thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như xử lý những người liên quan.
THẾ DŨNG thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét