Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

TQ và Asean họp về Biển Đông


Quan chức Trung Quốc và Asean sẽ có cuộc gặp vào cuối tuần này để bàn biện pháp bảo đảm hòa bình ở Biển Đông

Thông tin này được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đưa ra cho các nhà báo tại Bắc Kinh hôm thứ Năm 12/1.
Các ngoại trưởng Asean họp tại Siem Reap (Bộ trưởng Phạm Bình Minh thứ hai bên trái)
Các ngoại trưởng Asean vừa họp hai ngày ở Siem Reap


Ông cũng nói thêm cuộc gặp với khối Asean sẽ diễn ra vào thứ Sáu 13/1. Thứ Bảy, Trung Quốc sẽ hội đàm với Philippines về các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai bên.
Không có thông tin Trung Quốc sẽ hội đàm với các quốc gia khác cũng liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam.


Gần đây, quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila đã gặp nhiều căng thẳng sau khi Philippines lên tiếng phản đối một loạt hành động của Trung Quốc, mà Philippines cho là vi phạm lãnh hải của mình.

Mới nhất là hồi đầu tháng 1/2012, khi Manila phản đối việc ba tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận của Philippines hồi tháng 12 năm ngoái.
Bắc Kinh đáp trả, nói cáo giác của Philippines hoàn toàn vô căn cứ và tái khẳng định rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với vùng biển này.
Thái độ ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc suốt năm ngoái đã khiến tình hình Biển Đông gia tăng căng thằng, gây quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột, kể cả xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, Bắc Kinh mới đây lại có một số cử chỉ 'xuống thang', như chấp thuận thảo luận về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Khối Asean và Trung Quốc hồi năm 2012 đã ký kết Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm kiềm chế bất đồng. Tuy nhiên vì thiếu tính pháp lý, DOC bị cho là không hiệu quả.

Việt Nam vận động dư luận

Giới chức ngoại giao Việt Nam tỏ ra khá tích cực trong việc vận động ủng hộ cho tiến trình xây dựng COC.
Trong các cuộc họp khối và quốc tế, chủ đề Biển Đông được quan chức Việt Nam đề cập thường xuyên. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích Việt Nam 'quốc tế hóa' vấn đề này.
Quan hệ Việt-Trung năm 2011 có thời điểm hết sức căng thẳng cũng vì Biển Đông.
Tuy nhiên, sau chuyến đi Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 10, hai bên đã thống nhất các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp trên biển.
Việt Nam cũng hứa hẹn 'định hướng dư luận' ở trong nước theo chiều hướng kiềm chế và 'vì đại cục' giữa hai bên.
Thế nhưng, các quan chức ngoại giao Việt Nam dường như vẫn đang tìm cơ hội để tiếp tục tuyên truyền tìm giải pháp Biển Đông.
Thông tấn xã Việt Nam cho hay trong cuộc hội nghị hẹp của các ngoại trưởng Asean vừa kết thúc hôm 11/1 tại Siem Reap, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu về công tác "tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau với Trung Quốc, trong đó có nỗ lực hướng tới xây dựng và hoàn thiện COC".
Việt Nam đại diện cho Asean trong điều phối quan hệ đối thoại với Trung Quốc nhưng với nguyên tắc đồng thuận của Asean, Hà Nội vẫn cần phải có tối đa trợ giúp của các nước thành viên khác.
Campuchia vừa tiếp nhận chức chủ tịch Asean năm 2012 từ tay Indonesia.
Khác với Indonesia, Campuchia không có quan tâm và lợi ích trực tiếp tại Biển Đông, thậm chí nước này đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ cho lập trường của Trung Quốc cho dù các nước Asean khác không đồng tình.
Giới chuyên gia đánh giá công cuộc tìm kiếm một thỏa thuận COC sẽ còn lâu dài và khó nhọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét