Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Tình trạng nguy cấp của nền kinh tế Việt Nam (Tiến Hồng)



eThongluan
“…Việc xác định tiêu chỉ về các dự án dàn trải, kém hiệu quả cũng không rõ ràng, cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án lỏng lẻo, đi kèm với lợi ích nhóm, tất cả khiến cho các chỉ thị ở trên tan biến theo mây khói…”



Trong khi các nước Âu Mỹ đang phải đương đầu với cơn khủng hoảng nợ công và suy thoái kép có thể kéo dài 2 đến 3 năm(1), thì tình hình kinh tế Việt Nam cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng nhất kể từ 20 năm qua. 

Tình trạng nguy cấp ở đây chủ yếu do lạm phát phi mã kỷ lục châu Á và thế giới (khoảng 19% trong năm nay đúng như dự đoán của chúng tôi đưa ra vào tháng 4/2011) (2) đi đôi với tình trạng nổ bong bóng địa ốc như đã tiên đoán, với những hệ quả dây chuyền, từ thị trường chứng khoán đến lĩnh vực xây cất, nợ xấu ngân hàng…

Tình trạng khủng hoảng trầm trọng của kinh tế Việt Nam đã được nhiều cơ quan quốc tế đưa ra. Cơ quan đánh giá quốc tế hàng đầu Standard &Poor’s ngày 11/11/2011 điều chỉnh đánh giá BICRAM về Việt Nam từ nhóm 9 lên nhóm 10 (chót hạng) với nhận định tổng quát (3):

1. Hệ thống Ngân hàng Việt Nam có nguy cơ sụp đổ cao nhất thế giới, 10/10. Hai quốc gia khác có cùng nguy cơ này là Hy lạp và Belarus;

2. Nền kinh tế Việt Nam đang gặp nguy hiểm nhất thế giới, 10/10, do ít nhất ba lý do:

2.1. Không thể chịu đựng, đối phó nổi một cơn sốc kinh tế, tài chánh.

2.2. Nền kinh tế bị mất cân đối nghiêm trọng vào bậc nhất (đặc biệt là tăng trưởng mạnh về tín dụng và giá nhà đất).

2.3. Tín dụng đang ở vào tình trạng tối nguy hiểm (thiếu tiêu chuẩn quốc tế về ngân hàng, can thiệp đối phó hơn là chủ động, điều hành yếu kém và sổ sách thiếu minh bạch, hệ thống méo mó vì mệnh lệnh hành chính, chính phủ hỗ trợ vốn quá nhiều).

Ngân hàng quốc tế HSBC tại Tân Gia Ba ngày 19/12/2011 đánh giá Việt Nam là nước dễ bị tác động của suy thoái nhất (điểm 5) trong năm nước châu Á (Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan, Việt Nam) căn cứ trên ba yếu tố : Rủi ro bị ảnh hưởng dây chuyền về tài chính, thương mại và lòng tin của nhà đầu tư; khả năng kinh doanh và mức độ vay mượn của giới công ty và ngân hàng; và những biện pháp về tài chính mà chính phủ đưa ra.

Cũng cần nói thêm là ngày 8/12/2011, cơ quan đánh giá quốc tế S&P đã hạ điểm từ BB-  xuống B+ ba ngân hàng lớn hàng đầu của Việt Nam: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Chúng ta hãy phân tích những dấu hiệu khủng hoảng lớn của nền kinh tế Việt Nam.

Thị trường chứng khoán có nguy cơ “chết lâm sàng”

Thị trường chứng khoán thế giới những tháng gần đây quả có xuống do ảnh hưởng của tình trạng nợ công châu Âu, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã tuột dốc thê thảm.

Chỉ số chứng khoán chính VN-index (Sài-gòn) đã giảm liên tục 5 phiên xuống còn 374,52 (11/12/2011) và có thể giảm xuống dưới 300 vào Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (theo cơ quan thông tin tài chính quốc tế Bloomberg). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, giảm 25% so với đầu năm. HNX-index (Hà Nội) trong 6 tháng đã giảm 40% (4). Một giới chức chứng khoán Việt Nam nhận định : Nếu VN-Index còn 370 – 380 điểm và HNX-Index còn 60 điểm (tình trạng VN-index đầu năm 2012 xuống còn 340), nhà  đầu tư nên đứng ngoài cuộc để tránh rủi ro. Một số nhà phân tích nhận định rằng nếu chỉ số VN-index xuống dưới 300, có thể coi thị trường chứng khoán Việt Nam như ngừng hoạt động và khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài (trừ trường hợp các công ty đầu tư nước ngoài như Trung Quốc tìm cách mua hoặc sáp nhập các công ty trong nước để hoàn toàn thao túng). 

Thực ra có thể coi thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-index xuống dưới 300 như « chết lâm sàng » với những hệ quả kinh tế trầm trọng. Trước mắt, tình trạng suy sụp chứng khoán ảnh hưởng đến nợ xấu ngân hàng sẽ được đề cập đến sau.

Biến động VN-Index (Sài-gòn) trong một năm

Hiện nay, 68% công ty chứng khoán thua lỗ trong năm 2011. Có quỹ đầu tư như Dragon Capital lỗ hơn 100 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Bảy mươi (70) công ty chứng khoán đóng cửa phòng giao dịch. 

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã tự tử (theo Vietstock). Một thành phần không nhỏ trong dân chúng lao vào « chơi chứng khoán » để hy vọng làm giàu đã mất vốn trong năm nay và không mấy ai muốn lên sàn. Tâm lý hoảng loạn xảy ra khi toàn bộ danh mục của nhà đầu tư bị công ty chứng khoán giải chấp không nhân nhượng khiến toàn bộ vốn liếng của nhà đầu tư hoá thành tro bụi. 

Giá trị giao dịch trên hai sàn xuống kỷ lục hơn thời kỳ bi đát 2008. Đầu năm 2012, giá trị giao dịch hai sàn HNX-index và VN-index xuống mức chưa từng có 500 tỷ đồng. Không một mã nào trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm, kể cả VIC, MSN, VNM, PVD.

Gần 90% cổ phiếu chuyển nhượng là do nhà đầu tư nước ngoài, chứng tỏ tình trạng lệ thuộc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều cổ phiếu như VKP xuống còn 600-700 đồng mà không có người mua. Quá nửa cổ phiếu trên hai sàn giao dịch có giá thấp hơn nhiều (2000-5000 đồng) so với mệnh giá (10.000 đồng). Có công ty với tài sản, doanh thu hàng 100 triệu USD mà giá thị trường chưa đến 20 triệu USD. 

Nhiều doanh nghiệp (CMX, SQC, SGT…) xin huỷ niêm yết khỏi hai sàn vì thấy cổ phiếu mình rớt giá từng ngày. Một số trường hợp như Vinacafe Biên Hoà đã được tập đoàn nước ngoài Masan Consumer mua 50% vốn điều lệ để thao túng thị trường. Nói chung, tình trạng công ty chứng khoán thiếu thanh khoản là phổ biến.
Lý do suy sụp của thị trường chứng khoán Việt Nam do nhiều nguyên nhân như: thiếu thanh khoản, nợ xấu ngân hàng, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, triển vọng kinh tế đen tối với hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, nhiều tổng công ty đầu tư ngoài ngành bị buộc thoái vốn… Chẳng những thế, các công ty chứng khoán phát triển bừa bãi không tôn trọng chỉ tiêu an toàn tài chính do chính phủ quy định (thông tư 226 tháng 3/2011).
Thủ tướng Dũng đã chỉ thị phải tái cấu trúc thị trường chứng khoán nhưng những biện pháp đưa ra đã không thuyết phục được thị trường kể cả biện pháp nới lỏng tín dụng. Các đề nghị của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn niêm yết, đa dạng hoá sản phẩm đầu tư…không có tác dụng gì để vực dậy đà tuột dốc của thị trường chứng khoán. Chúng ta cần biết rằng thị trường chứng khoán được coi là một thứ hàn thử biểu của nền kinh tế quốc gia. Nó còn cho biết « chỉ số niềm tin » vào các chính sách, biện pháp mà nhà cầm quyền đưa ra để đối phó với các khó khăn kinh tế.
Bong bóng bất động sản xì hơi chủ yếu vì đầu cơ – những hệ quả
Thời kỳ « ăn xổi » trong đầu cơ bất động sản đã chấm dứt từ giữa năm 2011. Giá cả bất động sản (BĐS) các chung cư trung cao cấp xuống giá liên tục nhưng hấu như không có người mua. Có ba lý do chính. Trước hết là chính sách thắt chặt tín dụng BĐS (16%) đã khiến những công ty kinh doanh lệ thuộc vào khoản vay ngân hàng để tiếp tục thực hiện dự án đã bị « đói vốn », không thể tiếp tục hoạt động và phải tìm cách bán hạ giá để thu hồi vốn và trả nợ. Không những thế,  lãi suất cho vay cực cao trên 20% trong thời gian dài đã gia tăng khả năng không trả được nợ khiến nhà kinh doanh phải tìm cách bán lỗ. Tình trạng cung cầu bất động sản (BĐS) với giá ngất trời cho những căn hộ cao cấp hay vừa mà người mua thực không thể với tới tất nhiên phải đi đến chỗ xì bong bóng. Cơn lốc đầu cơ BĐS kiếm lời khiến nhiều tiểu đại gia trong nhiều tháng trước đây thi nhau « mua đi bán lại » mà không quan tâm đến khả năng thực và nhu cầu người mua đã đẩy giá BĐS lên cao một cách hoàn toàn giả tạo. Giờ đây, tình trạng « hàng tồn kho » nhiều khi lên đến 50%.
Đi đầu trong việc bán tháo để trả nợ là dự án Petro Vietnam Landmark (Sài-gòn) của công ty PVL đã giảm giá 30% (từ 21 triệu xuống còn 15,5 triệu đồng/m2. Tại Hà Nội, chung cư giãn dân phố cổ Việt Hưng giảm hơn 10 triệu xuống còn 15 triệu đồng/m2. Phân khúc đất nền tại Kim Chung-Di Trạch còn giảm giá mạnh hơn. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 35.000 căn hộ trung cao cấp còn tồn đọng.
Tình trạng lạm phát các sàn giao dịch BĐS (trên700 trong toàn quốc) để ăn hoa hồng đột nhiên không còn đất sống và thi nhau đóng cửa. Nhiều công ty kinh doanh BĐS thua lỗ nặng vì phải trả lãi cao mà không bán được « hàng ». Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà (ITC) cho biết quý 3-2011 tiếp tục lỗ gần 38 tỉ đồng (tính từ đầu năm đến nay lỗ gần 81 tỉ đồng). Công ty phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) lỗ 7,17 tỉ đồng… Một số đại gia BĐS bị vỡ nợ vì tín dụng « đen » ngoài luồng. Nhiều công ty BĐS không còn khả năng trả nợ và lãi đã bị ngân hàng « gán nợ » kể cả dự án đất nền. Chỉ riêng một quận ở trung tâm Sài-gòn trong vài tháng đã thực hiện chuyển đồi hàng loạt cao ốc cho ngân hàng. Nhiều ngân hàng đề nghị ưu tiên trả nợ không tính lãi hay đề nghị công ty bán hoà vốn. Một xu hướng đang hình thành là nhà đầu tư ngoại quốc tìm cách thế chân đại gia BĐS trong nước lỡ vận. Đơn cử như CapitaValue Homes mua vào 65% cổ phần của công ty Quốc Cường Sài Gòn với mức giá 121,2 tỷ đồng. Biện pháp nới lỏng tín dụng đối với bốn nhóm đối tượng trong lĩnh vực BĐS (công văn 8844/NHNN-CSTT) hiện chưa có tác dụng gì đáng kể để ngăn chặn tình trạng rao bán tháo nhà đất để trả nợ đáo hạn ngân hàng.
Tình trạng đóng băng thị trường BĐS hiện nay chắc sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm với những hệ quả nghiêm trọng.
Tất cả các ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng đều suy sụp khi bong bóng BĐS bắt đầu xì hơi: ngành thép, xi măng, gạch ngói, ngành vật liệu trang trí nội thất,… Trong ngành thép, nhiều xưởng ngừng sản xuất trong khi thép đầy kho, phải bán phá giá và thua lỗ lớn trong vài tháng tới. Trong ngành xi măng, giá cả sụt, lại phải trả nguồn vốn vay (có khi đến 80% so với tổng vốn đầu tư) với lãi suất 19-21,5% khiến cho hàng loạt xí nghiệp xi măng ở trong tình trạng phá sản gần kề. Tổng công ty công nghiệp xi măng (Vicem) lỗ đến 220 tỷ đồng cho đến tháng 10/2011. Tình trạng hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải bỏ ngành.
Tình trạng đóng băng của thị trường BĐS còn đưa đến hệ quả nghiêm trọng là gia tăng nợ xấu ngân hàng (chủ yếu là nợ BĐS và chứng khoán). Theo ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, nợ xấu ngân hàng năm 2011 tăng từ 2,14 lên 3,6-3,8%, còn kiểm soát được. Tuy nhiên, dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế (khi phần nợ không trả được thì toàn bộ món nợ là nợ xấu), cơ quan đánh giá quốc tế Fich lượng định tỷ lệ nợ xấu này là 13% ! Cho dù có đưa ra một tỷ lệ trung dung 8,5% thì với quy mô tổng nợ tín dụng lên tới 2.850 nghìn tỷ đồng, 130% tổng sản lượng, con số nợ xấu chắc chắn là vô cùng lớn.
Vấn đề nợ xấu ngân hàng quá cao là lý do chính khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam bị sụt nhiều hạng trong bảng đánh giá quốc tế và là lý do chính phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trong phương thức xử lý, nhà cầm quyền đưa ra việc rút gọn (kể cả xáp nhập, nhưng không giải thể) thành ba nhóm ngân hàng (tùy tình hình tài chính sau khi kiểm toán). Trong lần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đầu tiên (1999-2007), NHNN đã phải chi ra 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ việc sáp nhập và giải thể 17 ngân hàng cổ phần. Lần tái cơ cấu này, số tiền cần huy động sẽ lớn hơn nhiều. Trong khi ngân sách thâm thủng thực khoảng 6%, chúng ta tự hỏi NHNN lấy tiền ở đâu để tái cơ cấu. Việc sáp nhập « tự nguyện » vào ngày 6/12/2011 của ba ngân hàng Đệ nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn với sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) khó có kết quả tốt khi chưa nắm rõ sổ sách và chính ngân hàng BIDV lại vừa bị xuống điểm! Dầu sao việc tái cơ cấu hệ thống Ngân Hàng sẽ rất khó thực hiện nếu NHNN không sẵn sàng cho giải thể những ngân hàng yếu kém theo nguyên tắc để thị trường quyết định như kinh nghiệm các nước trong khu vực. Việc tái cơ cấu cũng phải chấp nhận sự tham gia của giới tài chính quốc tế (như trường hợp ngân hàng Nhật Mizuho mua cổ phần của Vietcombank). Hiện nay, trong số lượng trên 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng, tài chính (5), chúng ta thấy quy mô của chúng rất nhỏ so với quốc tế, quá tản mác, không phục vụ sản xuất kinh doanh và khu vực nông thôn mà chỉ phục vụ các tập đoàn, tổng công ty. Thực chất nhiều ngân hàng chỉ là chân rết của các tập đoàn kinh tế. Chẳng những thế, khả năng quản lý yếu kém, tính thiếu minh bạch (tình trạng hai sổ sách kế toán là phổ biến, đặc biệt là để lách trần lãi suất) đi đôi với « lợi ích nhóm » mà ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận, tất cả khiến chúng ta có quyền bi quan về tương lai tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Năm mươi ngàn (50.000) doanh nghiệp phá sản và những hệ lụy
Theo thống kê chính thức, có khoảng 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2011. Đây là con số rất cao so với mọi năm và có liên quan tình trạng mất việc của 10 triệu công nhân. Một tình trạng bi đát như vậy mà ông bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có thể mở miệng tuyên bố: « Doanh nghiệp phá sản là bình thường. Phá sản nhiều hay ít thì cần phải lưu ý ». Lưu ý thôi! Ông bộ trưởng cũng không đưa ra giải pháp nào tuy nói trách nhiệm là của bộ xây dựng!
Ở đây, khó khăn chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khó khăn cả đầu vào (lãi suất cao trên 20%, khó vay) đi đôi với đầu ra không bán được, hàng tồn kho một số ngành tăng đến 100% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị chính quyền khoanh nợ cũ và tạo điều kiện vay vốn mới, nhưng chưa thấy có hồi âm. Giải pháp chính phải là hạ giảm lãi suất. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, dù lạm phát cuối năm có giảm nhưng vẫn ở mức trên 18% thì làm sao có lãi suất thực dương để NHNN hạ giảm lãi suất huy động 14% theo « yêu cầu » của chính phủ! Một viên chức cao cấp Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết « Cắt lãi suất ở giai đoạn này sẽ là sai lầm » vì tạo thêm áp lực cho đồng nội tệ. Ngoài vấn đề lãi suất và hỗ trợ tín dụng, việc tái cấu trúc các doanh nghiệp cũng là một yêu cầu cấp thiết. Ở đây, ông Dũng có nói đến việc xem xét tái cấu trúc ngành sản xuất ô-tô (thực chất là lắp ráp) không hiệu quả mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi từ hàng chục năm, nhưng ông không cho biết sẽ tái cấu trúc ra sao! Vấn đề định hướng đầu tư cũng cần chú trong đến khu vực chế biến nông sản theo tiêu chuấn quốc tế mà Việt Nam có một vài lợi thế. Tuy nhiên cần đặt vấn đề đầu tư trong bối cảnh thực hiện tái cấu trúc đầu tư công không hiệu quả và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, giới lãnh đạo vẫn chưa có đáp án cụ thể và thoả đáng cho các tái cơ cấu đã đề ra. Cụ thể là trong vấn đề đầu tư, ông Dũng vẫn bám víu vào định kiến phải ưu tiên cho đầu tư công mặc dù khuyến nghị của các chuyên gia đã kết luận trái ngược. Phải chăng ông Dũng sợ « động rừng » như trong phát biểu đầu năm 2012. Nói cách khác, « lợi ích nhóm » có một tầm hoạt động rộng rãi mà bản thân ông Dũng cũng chỉ thuộc một nhóm nhất định. Nhóm của ông Trương Tấn Sang được coi là có tay chân không thua gí nhóm ông Dũng.
Trong năm 2012, tình trạng các doanh nghiệp phá sản sẽ còn tăng cao. Ngoài ra, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm sút đáng kể 24% trong năm 2011 (14 tỷ USD) sẽ tiếp tục giảm, có thể chỉ còn 10 tỷ USD  (21% tổng đầu tư). Xuất cảng trong tình hình suy thoái toàn cầu chắc chắn sẽ không thể tăng 12-13% theo dự báo mà chỉ khoảng 5-6% so với năm 2011. Tất cả sẽ khiến cho dự đoán tăng trưởng khoảng 6% cho năm 2012 là xa thực tế. Chúng tôi dự kiến tăng trưởng khoảng 5-5,5% GDP.
Nợ công ở mức báo động phải nhờ ngân hàng thế giới đánh giá
Lần đầu tiên, một quốc gia lớn như Việt Nam mà không đủ khả năng để đánh giá toàn bộ các món nợ, các hạn kỳ phải trả, báo cáo và ghi chép nợ phù hợp với thông lệ quốc tế, đánh giá và quản lý nợ theo tiêu chỉ DeMPA…Và phải nhờ Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện khảo sát trong 8 đến 10 tuần (đến hết 6/10/2011)! (6). Trong thực tế, việc đánh giá này chỉ xảy ra khi một quốc gia ở trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng về tình hình nợ công như Hy Lạp hay những quốc gia kém phát triển như Phi châu…
Đây là chỉ dâu cho thấy tình trạng quản lý vô cùng yếu kém của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và cho thấy tình trạng nghiêm trọng của nợ công. Chúng ta cần thận trọng với các con số không  giống nhau của các giới chức đưa ra. Ông thủ tướng đưa ra con số nợ công là 54,6% GDP cho năm 2011(mà ông cho là vẫn còn an toàn, dưới ngưỡng 60% của tiêu chuẩn Maastricht) và 60-65% GDP đến năm 2015. Thực ra con số 54,6% GDP (nếu chính xác!) đã là mức báo động nếu chúng ta biết hiện nay mức dự trữ ngoại hối năm 2011 của Việt Nam rất thấp, 12,5 tỷ USD (tương đương 1 tháng rưỡi nhập khẩu). Việc sử dụng vốn vay lại kém hiệu quả. Biện pháp phát hành trái phiếu và vay thêm nợ của Việt Nam đang gặp khó khăn lớn vì bị đánh giá là không đáng tin cậy qua cách hành xử của chính phủ trong vụ Vinashin, đi đến kiện tụng kéo dài. Ông Dũng không thể chối bỏ trách nhiệm khi ký văn kiện có ý nghĩa như bảo lĩnh của chính phủ.
Lạm phát và bội chi ngân sách cao nhất châu Á
Một vài so sánh với các nước châu Á theo số liệu của Ngân hàng thế giới (có hiệu chỉnh) để thấy tình trạng lạm phát và bội chi ngân sách ở Việt Nam trầm trọng như thế nào:
Về chỉ số lam phát năm 2011: Việt Nam khoảng 19% (con số 17% của Ngân hàng thế giới không đúng). Trung Quốc :3,3%. Mã Lai :2,4%. Thái Lan: 3,2%. Phi Luật Tân : 4,8%. Nam Dương : 6,5%.
Về bội chi ngân sách 2007- 2010: Việt Nam 4,8% ( 2011 : thực tế khoảng 6%). Trung Quốc: 1,2%. Nam Dương: 0,9%, Mã Lai: 2,7%, Phi Luật Tân: 2,8%, Thái Lan: 2%. Nếu theo tiêu chuẩn của Maastricht (Liên hiệp châu Âu) thì quá 3% là vượt mức an toàn, có ảnh hưởng đến nợ công và lạm phát.
Những con số trên đây cho thấy nguyên nhân chính lạm phát và bội chi của Việt Nam có tính cách nội tại. Trưởng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura nhận định : « Những nguyên nhân gốc rễ của lạm phát cao ở Việt Nam là do đầu tư công, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả, và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng từ hệ thống tài chính yếu kém bị chi phối bởi vài ngân hàng thương mại nhà nước ». Những biện pháp điều chỉnh tỷ giá 9,3%, tăng giá mạnh mẽ xăng dầu (20%) và điện (18%) qua tác động của chi phí đẩy cũng góp phần vào gia tăng lạm phát (khoảng 1,7%).
Việc để cho lạm phát năm 2011 vượt lên trên 19% trong khi chính phủ và quốc hội đặt chỉ tiêu 7% cho thấy sự thất bại nặng nề của ông Dũng và nhà cầm quyền cộng sản trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô. Ông Dũng đưa ra Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2/11 với sáu nhóm biện pháp để thực hiện tiêu chỉ lạm phát 7%, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ (giảm mức tăng tín dụng xuống dưới 20%) và cắt giảm 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (gần 97.000 tỷ đồng).
Thực tế, việc thắt chặt tiền tệ với lãi suất cao đã làm giảm khả năng tiếp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất và ảnh hưởng đến xáo trộn thị trường bất động sản và chứng khoán như đã trình bày. Trong khi đó, nguồn gốc chính của lạm phát cao đã được các nhà kinh tế thừa nhận: không thực hiện việc cắt giảm chi tiêu công, dàn trải, kém hiệu quả như đã đề ra và mặt khác lại mở rộng tín dụng ưu đãi cho khu vực kinh tế Nhà nước kém hiệu quả khiến cho tổng tín dụng toàn xã hội lên tới 130% GDP với cái giá phải trả là lạm phát cao. Đây là thực tế vẫn xảy ra từ nhiều năm mà chúng tôi đã phân tích. Một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố chần chừ không thực hiện cắt giảm. Theo báo cáo của bộ Kế hoạch đầu tư, các tỉnh thành cũng không « chịu » cắt giảm 2.000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương, nhưng không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011. Ngoài ra, gần 700 dự án không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011, nhưng các địa phương vẫn bố trí 1.763,6 tỉ đồng vốn để thực hiện. Ai chịu trách nhiệm ở đây? Việc xác định tiêu chỉ về các dự án dàn trải, kém hiệu quả cũng không rõ ràng, cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án lỏng lẻo, đi kèm với lợi ích nhóm, tất cả khiến cho các chỉ thị ở trên tan biến theo mây khói.
Thực tế  trình bày trên sẽ không thay đổi bao nhiêu dù thủ tướng Dũng có đưa ra Chỉ thị 1792 ngày 15/10/2011 để tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ.
Đến đây, chúng ta tự hỏi: Lạm phát năm 2012 có thể giảm xuống từ 19% năm 2011 còn khoảng 9% trong năm 2012 như ông Dũng mong muốn không?
Nếu quá khứ có thể phần nào soi sáng cho tương lai, nếu giới lãnh đạo cộng sản không khắc phục được các khó khăn nội tại như đã nêu trên – điều này đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện giới lãnh đạo hiện nay – lạm phát năm 2012 sẽ từ 12% lên đến 15%. Trong con số đưa ra, « chỉ số mất niềm tin » vào giới lãnh đạo cộng sản là nhân tố không nhỏ.
Rennes 10/01/2012
Tiến Hồng

(1)    Khủng hoảng nợ công và suy thoái kép đi về đâu? 28/10/2011. Tiến Hồng. Thông Luận.

(2)    Bão giá sóng thần và nguy cơ phá sản sẽ đưa đến đâu? 15/4/2011.Tiến Hồng. Thông Luận.
(3)    Bản tin Thông cáo báo chí S&P 11/11/2011. Reuters. Bản địch Blog Dự đoán kinh tế Việt Nam.
(4)    Thị trường chứng khoán của Pháp (CAC 40) bị sụt giảm 17% tính từ đầu năm 2011 được coi là nghiêm trọng. Sự sụt giảm này chủ yếu do phản ứng của thị trường đối với khả năng giải quyết tình trạng nơ công của một số nước châu Âu, đặc biệt là của Hy Lạp.
(5)    Tính đến cuối tháng 10/2011, hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước (đã cổ phần hóa Vietcombank và VietinBank); 37 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có 13 ngân hàng thương mại chuyển đổi từ mô hình nông thôn lên thành thị; 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh; 18 công ty tài chính; 12 công ty cho thuê tài chính; 1 quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Tổng mức vốn điều lệ của các ngân hàng khoảng 16,5 tỷ USD, rất thấp so với với các ngân hàng trong khu vực, chưa nói đến quốc tế. Chỉ riêng vốn tự hữu của BNP Paribas đã lên tới 70 tỷ euros.
(6)    « Bộ Tài chính mời WB đánh giá nợ công của Việt Nam ». VnExpress. 01/10/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét