Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Sớ Táo Quân gửi sớm: Những vấn đề giao thông hài hước 2011

Ngô Vĩnh Yên

Dạ bẩm Ngọc Hoàng, tình hình giao thông ở Việt Nam mà tiêu biểu giữa 2 thành phố lớn cũng có sự phát triển về chất cũng như về lượng theo đà phát triển kinh tế ạ.

 Cụ thể là số lượng và chất lượng các vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng. Thời bình mà số người chết vì tai nạn giao thông còn nhiều hơn so với người chết trong thời chiến dù người ta tổ chức nhiều phong trào hạn chế tai nạn như tuần, tháng và quý an toàn giao thông…





Hôm nào ra đường mà thưa người, không kẹt xe thì sẽ cảm thấy bất thường một cách kỳ lạ khiến lòng tự thốt lên 3 tiếng: “Ngạc nhiên chưa!”

Trong tình hình như vậy, tại các diễn đàn từ báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội…đều nóng lên bởi cách chủ đề liên quan đến giao thông. Diễn đàn ôtô xe máy VnExpress cũng “cháy” theo từng chủ đề. Về mặt chủ quan của thần thì có các sự kiện nổi bật sau đây trong diễn đàn năm 2011:


Thứ nhất là nguyên nhân của kẹt xe. Chuyện nghĩ thì đơn giản vì phương tiện nào gây kẹt xe là nguyên nhân chính chứ tranh cãi nhau làm gì. Thực tế lại không đơn giản một chút nào vì mỗi chuyên gia phân tích một kiểu. Dĩ nhiên chẩn đoán bệnh mà khác nhau thì kê toa thuốc cũng sẽ khác nhau. Có anh cho rằng nguyên nhân chính là do ôtô nên đề xuất giải pháp hạn chế loại xe này bằng hai số chẵn và lẻ.

Cũng may “sáng kiến” này như “câu hát vang lên bỗng tắt nửa chừng” chứ nếu không thần lại phải sắm thêm cái biển chẵn để đi lại chứ chơi. Có vị cho rằng do xe máy là nguyên nhân chính nên đề xuất bịt ngã ba, ngã tư. Bịt một thời gian không hiệu quả lại mở, mở ra thấy không ổn lại bịt. Điệp khúc “bịt-mở” làm người dân không biết đi đường nào mà lần. Mới đây lại đề xuất đi làm và học lệch giờ vì do cùng một thời điểm mà dân ta ào ra đường nhiều quá…

Giải quyết vấn đề kẹt xe không còn là chuyện của chính phủ, của bộ GTVT hay của các đơn vị quản lý giao thông nữa mà là chuyện của toàn dân. Ngay như ở giữa thủ đô có một anh chàng thanh niên vì hàng ngày bức xúc chuyện vô ý thức của những người đi đường gây nên cảnh kẹt xe trước của hàng nơi anh làm việc liền vác luôn điếu cày ra để phân luồng giao thông.

Và hình ảnh một anh đầu trọc, mặc quần đùi áo 3 lỗ cầm điếu cày để “giáo dục” ý thức giao thông cho những người ăn mặc bảnh bao, đi xe máy đắt tiền nhưng vô ý thức cứ “ám ảnh” chúng thần. Không biết các vị quản lý có “ắt xì hơi” khi xem clip này không nhỉ?


Tai nạn giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng mặc dù các cơ quan chức năng đã làm đủ mọi cách để hạn chế. Các giải pháp đã đang và sẽ áp dụng như “làm đường nhanh hỏng” để các tài xế chạy chậm hơn, “mãi lộ trên từng cây số” để tài xế có thời gian dừng xe tập thể dục. Làm anh hùng “Núp” để bắn tốc độ, “cải trang thành thường dân” để phạt tiền tài xế. Phối hợp với GTCC để đặt biển “loạn xạ có mục đích” nhằm luyện kỹ năng phản xạ cho tài xế vì trong trường lái chưa dạy bài này…

Đấy là chuyện trên đường trường giữa các tỉnh còn trong phố thì từ CSGT, 113 và CA phường tích cực đứng hoặc núp ở những nơi khó thấy để bắt người vi phạm nhằm làm gương cho người khác. Chỗ đông người và đang kẹt xe thì các anh tránh xa vì nếu bắt người vi phạm chỉ làm cho tình hình thêm kẹt mà nhiều ánh mắt để ý. Thời buổi “in tặc nét” bây giờ mà không “núp”, “rình”, “bẫy” một cách bí mật và khéo léo dễ bị lên tung mạng thì chỉ có nước về “đuổi gà cho vợ” trong khi “cục nợ” của đầu vào vẫn còn đó.

Một nguyên nhân nữa dễ dẫn đến tai nạn giao thông là tư duy xe lớn đền xe nhỏ và “tự do đàm phán” khi xảy ra tai nạn nhỏ như va quẹt hay trầy xước. Cơ quan chức năng chỉ xử lý theo quy trình nếu “đàm phán” hai bên thất bại. Vì tư duy “cổ lỗ sĩ” ấy cộng thêm sự khuyến khích “đàm phám” từ những người CSGT nên người tham gia giao thông bằng xe nhỏ hơn thì cho mình một “quyền” đi lại tự do hơn, lộn xộn hơn và ý thức khi tham gia giao thông cũng “vô tư” hơn.

Lý do chính mà đại diện cơ quan chức năng khuyến khích tự do đàm phán là nếu làm đúng quy trình thì cả ba bên cùng bị thiệt hại dù đúng hay sai. Đầu tiên là sẽ kéo cả hai phương tiện về bãi và tạm giữ thường thì khoảng 1 tuần và giữ luôn giấy tờ xe. Tiếp đó là hướng dẫn cho hai bên thương lượng để làm giấy bãi nại. Cuối cùng thì sẽ trả lại phương tiện và giấy tờ sau khi mọi “thủ tục” hoàn tất.

Tóm lại nếu làm đúng quy trình sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho cá nhân ba bên và cho xã hội nói chung. Về cơ quan chức năng sẽ mất thời gian xử lý những “chuyện nhỏ nhặt”, về chủ phương tiện thì thời gian và tiền bạc cũng như công việc sẽ bị xáo trộn khoảng 1 tuần. Ai đã trải qua quy trình này một lần thì lần sau họ sẽ chọn cách “tự do đàm phán” dù bản thân đi đúng luật.


- Thứ ba là tình hình đua xe, một trong những nguyên nhân nhỏ gây ra tai nạn. Các em thanh niên ngày nay đua xe có tinh thần tập thể và đưa luôn cả khoa học kỹ thuật tiến bộ vào phong trào này làm cho cơ quan chức năng cực kỳ bối rối. Thế là ở Thanh Hóa mới nảy ra sáng kiến dùng lưới bắt cá để bắt người và xe đua. 

Hiệu quả tương đối tốt vì khi dính lưới là các đối tượng “đo ván” ngay; nhẹ thì trầy xước, nặng chút thì gãy tay còn nặng hơn thì “chầu ông bà”.
Mà đua xe tập thể nên các mẻ lưới này cực kỳ hiệu quả. Một lưới là dính cả đàn nên sử dụng lưới bắt xe vừa mang tính dân gian lại mang tính răn đe mạnh mẽ. Nếu cho người chuyên nghiệp “đánh bắt” thì bình thường quá, nhưng cho “dân nghiệp dư” bắt thì tính răn đe cao và giáo dục hơn nhiều. 

Các nước tiến bộ đã từng trải qua giai đoạn phát triển về giao thông như mình chưa ai nghĩ ra cách bắt cả người và xe này. Có lẽ họ sẽ sử dụng nếu cứ coi các thanh niên nam nữ đua xe là cá như ở xứ Thanh nhà mình. Không biết sáng kiến này cuối năm có được bầu chọn là sáng kiến tiêu biểu nhất của ngành trong việc hạn chế tai nạn giao thông?


- Thứ tư là nơi giao nhau của hai đường tạo ra ba lối đi thì cẩn thận khi gọi tên nhé. Nếu không có biển báo đặt ở đấy thì gọi ngã gì cũng được nhưng tuyệt đối không được gọi là ngã ba. Thần thấy Ngọc Hoàng có vẻ không tin qua ánh mắt nhìn và cho rằng thần kể chuyện đùa. Không đùa được đâu vì ngay cả Tòa án và CSGT thụ lý phiên tòa này đều khẳng định đấy.

Mà chuyện này không phải xảy ra nơi vùng sâu xa hẻo lánh nào đâu, ngay tại thủ đô tròn 1001 tuổi. Dân đen như thần đâu được nói sai. Cũng may là trong diễn đàn có bác, tâm thì rất sáng, phúc thì ngời ngời thuộc một trong dòng họ hoàng tộc lên tiếng. Giờ thì nơi đấy được gọi là ngã ba rồi vì bên GTCC đã cắm cái biển. Ngọc Hoàng có đi công tác qua đấy thì cứ yên tâm gọi là ngã ba nhé. Tuy nhiên cứ cẩn thận với những nơi không có biển cắm ở vùng đất này nhé.


- Thứ năm là đèn cho ôtô đi thẳng. Trên ôtô có nhiều đèn, nhưng có một đèn có hình tam giác màu đỏ biểu trưng cho sự nguy hiểm hay khẩn cấp thì nhiều bác tài xế mà cụ thể ở thủ đô Hà Nội khẳng định là dùng để bật khi đi thẳng qua ngã ba, ngã tư thậm chí là không có ngã nào khi vượt xe khác. Riêng sự kiện này nóng lên bởi hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Luồng thứ nhất theo nhà sản xuất thì khăng khăng chỉ sử dụng trong những tình huống khẩn cấp hay nguy hiểm để thông báo, cảnh báo… còn nhóm thứ hai thì đây là đèn dùng cho đi thẳng. “Tòa án” thành phố Hà Nội thì phán là đèn đi thẳng vì rẽ trái, phải và lùi đã có đèn và chắc chắn đây là đèn dùng để đi thẳng?

Theo thiển ý của thần thì giao thông ở Việt Nam mà cụ thể ở 2 thành phố lớn có thể nói là bị “rối loạn đường ruột”, từ tư duy, từ hệ thống và quản lý. “Luật” có, “lệ” cũng có và tồn tại song song nhưng mâu thuẫn giữa các bên thực thi nên mới rối.

Hệ thống quản lý thì không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội lại càng rối hơn. Quản lý tức là quản những cái lý, chỉ có điều các đơn vị liên quan không chịu quản cái lý mà dùng “luật” để tạo ra “lệ” mới làm cho tình hình giao thông càng thêm “tình hình như cái bụng bị sình”. Tư duy, hệ thống hay quản lý bản chất nó cũng đến từ ý thức khi làm công tác quản lý, mà ý thức, theo các triết gia, lại bị vật chất quyết định mất rồi.

Còn nhiều sự kiện nữa thuộc tầm vĩ mô sẽ do anh Táo Giao Thông bẩm báo với Ngọc Hoàng vào tối giao thừa theo lịch hàng năm. Thần chỉ theo lệnh của anh Táo lên cập nhật trước để Ngọc Hoàng khi nghe báo cáo không bị sốc vì ngạc nhiên. Không khéo năm nay anh Xoay có thể chỉnh kịch bản làm cho Ngọc Hoàng sốc cũng nên, thôi cứ chuẩn bị trước cho an toàn Ngọc Hoàng ạ.

À mà từ hạ giới lên Thiên đình thần thấy đường xá dài, rộng và đẹp nhưng có nhiều ổ gà quá, giống như cao tốc Sài Gòn Trung Lương của chúng thần dưới hạ giới. Ngọc Hoàng lưu ý cho sửa chữa lại chứ cuối năm mấy anh Táo lên chầu dễ bị tai nạn lắm đấy. Lúc đấy các Táo mà đặt những câu hỏi “xoáy” thì Ngọc Hoàng cũng khó đáp “xoay” trước ống kính truyền hình trực tiếp.

Chúc Ngọc Hoàng năm mới mạnh khỏe. Chào Ngọc Hoàng thần về để chuẩn bị “cá Chép công” cho các Táo làm “luật” và “lệ” cuối năm…

Ngô Vĩnh Yên
Nguồn:
http://vnexpress.net/gl/oto-xe-may/tu-van/2011/12/nhung-van-de-giao-thong-hai-huoc-2011/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét