Café wifi kỳ này sẽ cùng thảo luận với 3 thành viên nhóm No-U, một nhóm đã được thành lập với mục tiêu để bày tỏ quan điểm trước việc Trung Quốc gây hấn cũng như bày tỏ lòng yêu nước của mình.
Trong những ngày qua, chúng ta thấy là Trung Quốc đang có ngày càng nhiều những bước leo thang trong việc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ khu vực Biển Đông, khiến cho Việt Nam và các nước láng giềng xung quanh rất bất bình.
Một trong những nhóm đã được thành lập với mục tiêu để bày tỏ quan điểm trước việc Trung Quốc gây hấn cũng như bày tỏ lòng yêu nước của mình, Khánh An đang muốn nói đến nhóm No-U. Ngày hôm nay, Khánh An mời ba bạn đại diện để nói về nhóm trong một năm qua, những điều gì các bạn làm được và những khó khăn của các bạn.
Bây giờ trước khi bắt đầu chương trình, Khánh An mời các bạn tự giới thiệu một chút.
Thi: Mình tên Thi, đến từ Sài Gòn.
Hành Nhân: Mình là Hành Nhân, đang làm việc và sinh sống tại Sài Gòn.
Huỳnh Công Thuận: Tôi là blogger Huỳnh Công Thuận, cũng ở Sài Gòn luôn.
Tập hợp những người yêu nước
Khánh An: Vâng. Chào đón các bạn một lần nữa đến với chương trình. Bây giờ để bắt đầu, Khánh An có một câu hỏi. Mặc dù mọi người đều nhìn thấy tên “No-U” nghĩa là phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc. Thế nhưng các bạn có thể nói một cách ngắn gọn nguyên nhân hình thành cũng như mục tiêu đầu tiên mà nhóm No-U được thành lập là như thế nào không?Thi: Trong ngày thành lập nhóm 27/11/2011, mục tiêu của nhóm là thành lập đội bóng đá No-U Sài Gòn để những người yêu nước ở xung quanh thành phố Sài Gòn được tập hợp với nhau lại để rèn luyện sức khỏe, giao lưu với nhau. No-U không phải chỉ có đá bóng mà còn làm từ thiện nữa.
Mục tiêu của nhóm là thành lập đội bóng đá No-U Sài Gòn để những người yêu nước ở xung quanh thành phố Sài Gòn được tập hợp với nhau lại để rèn luyện sức khỏe, giao lưu với nhau.
Bạn Thi
Hành Nhân: Sau đợt 5/6, 12/6 và 17/7 (2011) biểu tình chống Trung Quốc, mọi người trên mạng đã biết nhau có liên hệ với nhau, sau đó ngày 27/11 đã thành lập đội bóng. Đó là một sân chơi mà mình có thể giao lưu đá banh với nhau, rồi làm từ thiện. Cũng như các câu lạc bộ, đội, nhóm khác, đó là một cái quyền sinh hoạt xã hội của mình.
Khánh An: Vâng, hiện nay thì nhóm có bao nhiêu thành viên rồi?
Hành Nhân: Vẫn như vậy thôi, vẫn những người đi biểu tình và biết nhau, chơi chung với nhau và giao lưu. Có những bạn trẻ lúc đầu tới sinh hoạt với nhóm. Nhưng về sau các bạn ấy bị phiền phức, bị công an gọi ra điều tra này nọ nên dần dần các bạn trẻ rút đi nhiều. Đội bóng bây giờ thường xuyên sinh hoạt thì chỉ có mười mấy, hai chục người thôi, chứ không được đông đảo như lúc mới thành lập.
Khánh An: Như vậy từ ngày 27/11 đến giờ là các bạn chỉ mới được vừa mừng birthday 1 năm phải không, mừng “thôi nôi”, thì qua một năm, các bạn có nhìn lại những gì các bạn đã làm được trong năm qua không?
Huỳnh Công Thuận: Thực sự No-U có từ lâu rồi. Nói như Hành Nhân là từ ngày 5/6/2011, nhưng mà lúc đó anh em chưa có lấy cái tên chính thức. Bây giờ trong No-U có nhiều nhóm lắm, trong đó có No-U bóng đá, No-U nhiếp ảnh, No-U từ thiện… Sinh nhật cũng là dịp mình kiểm lại mình đã làm được những gì và rút ra những kinh nghiệm. Chẳng hạn như đội bóng thời gian qua cũng bị ngưng hơi lâu. Lý do là công an, an ninh theo làm khó làm dễ, kiếm chuyện. Đá thì chúng tôi chỉ có thời gian rảnh để đá là vào ban đêm, rồi nó theo nó cúp điện sân bóng của người ta thì không đá được. Cho nên vừa rồi phải đá vào buổi chiều khi trời còn sáng. Cái chính là anh em giao lưu với nhau để nhắc nhở, động viên nhau cũng như vấn đề chống Trung Quốc, rồi về thể thao, làm từ thiện, giúp đỡ những người cần giúp đỡ.
Khánh An: Như vậy trong năm qua, sự kiện nào mà các bạn cho là đáng nhớ nhất?
Hành Nhân: Lúc đội bóng mới thành lập, ngay vào ngày 27/7 xảy ra một biến cố đáng nhớ mà đến nay mọi người còn nhớ đến, ngày hôm đó có một số người như Đỗ Trung Quân, Bùi Hằng và một số anh em đã từng đi biểu tình tới tham dự. Sau đó thì Bùi Hằng có đi biểu tình ở ngoài nhà thờ Đức Bà và bị bắt đi trại cải tạo mất 5, 6 tháng. Một số anh em trong đội bóng 6 người cũng bị bắt đi luôn, tới nửa đêm mới được thả ra. Sau đó đội bóng bị các anh an ninh theo dõi và trù dập liên tục, đến mức đi đá banh chỗ nào thì các anh cũng đi theo và đêm thì bị tắt đèn, không đá được. Cho nên mọi người phải quyết định đá ban ngày. Bữa đó là bữa đáng nhớ nhất. Bây giờ trong nhóm No-U mọi người rất muốn tham gia vào, nhưng khi đi đá banh thì chỉ một số gương mặt quen thuộc đi thôi. Những người kia tham gia nhưng chỉ ủng hộ tinh thần thôi chứ không dám xuất hiện.
Khánh An: Như vậy các bạn có nhìn thấy kết quả các bạn làm được ảnh hưởng trên người dân, trên công chúng như thế nào không?
Thi: Khi tụi em đi đá bóng hoặc làm từ thiện, tụi em khoác lên người bộ quần áo No-U với logo xóa hình lưỡi bò, bảo vệ tổ quốc, thì có nhiều người dân họ thắc mắc. Người ta không biết nên hỏi biểu tượng này là biểu tượng gì, thì mình giới thiệu cho người ta biết cái này là biểu tượng xóa đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông của Việt Nam. Em thấy càng nhiều người thắc mắc thì càng có nhiều người biết hơn về vấn đề biển đảo của Việt Nam, về đường lưỡi bò phi pháp 9 đoạn của Trung Quốc.
Không ngại nguy hiểm
Khánh An: Như thế với hình thức đá bóng, làm từ thiện, thì ngoài việc bị công an theo dõi, các bạn còn gặp khó khăn nào nữa không? Các bạn có bị những hệ lụy khác khi thực hiện những điều này hay không?Hành Nhân: Khi mà tụi em tham gia những hoạt động này là trước hết tụi em làm cho chính mình, những gì mình thấy là đúng và mình cần phải làm. Vậy thôi. Nhiều người khác nhìn vô nếu người ta hiểu và thông cảm thì không nói làm gì, nhưng những người không hiểu, người ta còn có ý gièm pha, nói xấu mình là tụi này rảnh rỗi quá, đi làm ăn kiếm tiền không làm, cứ lo ba cái chuyện vớ vẩn. Chuyện đó có Đảng và Nhà nước lo rồi, dính vô làm chi cho nó phức tạp, phiền phức.
Cái thiện luôn luôn thắng cái ác. Mình phải tâm niệm chuyện đó. Còn nếu như mình sợ quá mình rút lui, mình trốn, mình né thì cái ác nó sẽ tiến tới nữa làm sao được?
Huỳnh Công Thuận
Thi: Rõ ràng khi tham gia sinh hoạt đội bóng cùng với anh em thì những hoạt động của tụi em rất bị cản trở. Bản thân em, thứ bảy, Chủ Nhật là thường có khoảng từ 2 – 4 an ninh, cao điểm là tới 4, 5 an ninh theo dõi. Có khi em bị quẹt xe bất chợt giữa đường và bị túm lôi về đồn công an. Hoặc cái vụ mới đây là em bị 4 tên côn đồ mặc thường phục cướp xe em và định lôi em về đồn, nhưng nhờ có dân chúng ở đó hỗ trợ. Đó là những điều mà tụi em gặp phải nhưng tụi em không nản chí, nhụt lòng vì tụi em thấy những điều tụi em đang làm là điều hoàn toàn đúng đắn.
Khánh An: Vâng.
Huỳnh Công Thuận: Cái vụ mời hay chặn đường gì đó là chuyện quá bình thường rồi. An ninh mà mặc thường phục đó, chính ra mấy ảnh thấy mấy ảnh làm cái điều đó cũng là sai. Chính mấy ảnh cũng biết. Nhưng có lệnh trên chỉ xuống làm, nhiều khi ảnh làm mà ảnh gặp mình ảnh mắc cỡ lắm chị ơi. Bởi vì những người như tôi hay nói chung những anh em trong No-U khi ra pháp luật thì những chuyện tôi làm là đúng với pháp luật, đúng với lương tâm là chúng ta cứ làm. Cái thiện luôn luôn thắng cái ác. Mình phải tâm niệm chuyện đó. Còn nếu như mình sợ quá mình rút lui, mình trốn, mình né thì cái ác nó sẽ tiến tới nữa làm sao được?
No-U đã vào trong tim, trong trí của người ta. Có nhiều người không biết No-U là gì. Nhưng No-U còn đi làm từ thiện, giúp đỡ những người thân cô thế cô. Những người bị áp bức bất công, bị bắt bớ vô lý là chúng tôi tự động tìm tới giúp đỡ gia đình người ta.
Khánh An: Vâng. Như vậy thì gia đình các bạn có gặp chuyện gì không sau khi các bạn tham gia No-U? Ý kiến của gia đình các bạn như thế nào?
Hành Nhân: Khi đi biểu tình xong là gặp rắc rối với chính quyền. Họ gửi thư mời tới rồi tác động với gia đình. Họ điều tra về lý lịch bản thân, về họ hàng mình, rồi họ nói xấu mình này kia. Nhưng mình làm công tác tư tưởng với gia đình. Mình nói “Những điều con làm là không sai, cho nên không có gì phải lo sợ hết. Chuyện gì đúng thì mình cứ làm thôi”. Họ lấy lý do vì mình tham gia biểu tình mà không cho mình tạm trú ở bên chỗ nhà bà dì. Mình nói với bà dì là: “Dì cứ làm theo luật, không cho tạm trú thì mình cứ đăng ký lưu trú. Nếu mình biết luật và làm đúng theo luật thì họ không làm gì được mình. Bây giờ con đủ tư cách pháp nhân trước pháp luật rồi. Ai làm sai người đó chịu. Con làm sai pháp luật thì họ cứ việc bắt bỏ tù. Còn dì thì không phải sợ”. Khi mình giải thích với gia đình và gia đình hiểu rồi thì sẽ tôn trọng và hậu thuẫn, ủng hộ những việc mình làm. Khánh An: Vâng. Thi thì sao?
Thi: Khi tham gia vào những hoạt động như hồi trước là đi biểu tình và sau này là tham gia đội bóng No-U thì cũng bị những người an ninh tới làm khó gia đình. Họ tác động rồi nói về việc này việc kia thì có Đảng và Nhà nước lo, đừng cho đi nữa, sẽ ảnh hưởng đến công việc này kia. Gia đình em chỉ có mẹ già và chị thôi nên mẹ cũng sợ. Mẹ nói: “Thôi, con đừng có làm cái gì hết”. Mình cũng nói với mẹ là: “Con chỉ đi đá banh, làm từ thiện thôi. Tại mấy ảnh lo mấy ảnh nói vậy thôi chứ không có gì đâu”. Dần dà mẹ cũng hiểu ra, cũng bớt sợ, kiểu như “Con cứ làm gì mà không vi phạm pháp luật là được”. Mẹ cũng có ủng hộ.
Khánh An: Vâng, như thế các bạn cũng là những người may mắn, hạnh phúc. Khánh An cám ơn các bạn rất nhiều đã tham gia vào chương trình. Khánh An cầu chúc cho câu lạc bộ No-U của các bạn sẽ có thêm thành viên vì câu lạc bộ của các bạn là một câu lạc bộ đặc biệt. Khi mà họ dám vào có nghĩa là đã có một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức. Cám ơn các bạn một lần nữa đã tham gia vào chương trình.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-u-group-anti-china-activities-ka-12192012164433.html
Thi: Cám ơn chị. Hy vọng một ngày nào đó chị về làm thủ môn của No-U là được rồi (Cười).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét